10 địa điểm tự sát đáng sợ ở Nhật Bản không dành cho những người yếu bóng vía

Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới nhưng đồng thời cũng có số lượng người chết do tử tự cao dẫn đầu thế giới. Nghịch lý này không có gì khó hiểu khi song hành với sự phát triển của kinh tế là những áp lực trong công việc, đi cùng với nhịp sống công nghệ hiện đại là sự xa cách giữa người với người, nỗi cô đơn của mỗi cá nhân.

Theo số liệu thống kê hàng năm, ở Nhật Bản, số lượng người chết do tự tử còn cao hơn cả số người chết vì ung thư và tai nạn cộng lại. Có không ít người chọn những “điểm nóng” như đường ray tàu điện để kết thúc cuộc đời mình, nhưng cũng có những người khác chọn những địa danh thiên nhiên vô cùng đẹp như thác nước, vách đá,… để tìm đến cái chết. Nếu chưa từng được nghe qua hay chứng kiến du khách sẽ không thể ngờ được rằng những thắng cảnh này lại ẩn chứa nhiều câu chuyện rùng rợn và đáng sợ đến như vậy. Và dưới đây là 10 địa điểm chắc chắn sẽ khiến du khách phải bất ngờ và suy nghĩ lại xem có nên đặt chân đến đó hay không.

1. Rừng Aokigahara (tỉnh Yamanashi)

Khu rừng Aokigahara nằm ở phía Tây Bắc, ngay dưới chân núi Phú Sĩ với diện tích khoảng 35km2, được hình thành từ sau trận phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ vào thế kỷ IX.

Được biết, khu rừng này được xem là địa điểm tự sát “có tiếng” thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) ở San Francisco, Mỹ. Trong quá khứ, rừng Aokigahara từ lâu đã được biết đến với biệt danh là “khu rừng tự sát” vì số lượng những vụ tự tử được xác nhận ở đây cao bất thường. Những người đến đây tự sát vì nhiều lý do, một số cơ sự phổ biến như bị thất tình, trầm cảm hoặc kinh doanh bết bát,…

Khu rừng Aokigahara gồm rất nhiều cây thân gỗ cao, tán dày bao phủ cả mặt đất. Những ai đi vào khu vực này để tìm kiếm thi thể thường rất dễ bị lạc đường vì các hàng cây quanh co tạo ra một mê cung bí ẩn và không có lối thoát. Người ta nói rằng, những ai đi vào trong khu rừng này đều không trở ra.

Câu chuyện càng ly kỳ hơn khi nghe kể rằng những người đi vào rừng Aokigahara với ý định tự sát nhưng sau đó thay đổi quyết định của mình còn cảm nhận được một lực kéo vô hình thôi thúc và lôi kéo họ vào trong bóng tối của khu rừng. Trong quá khứ, rừng Aokigahara từ lâu đã được biết đến là đã bị ám bởi linh hồn của những người già bị bỏ rơi nơi đây trong những thời kỳ cuộc sống khó khăn (điều này được gọi là “Ubasute” tức là cách hy sinh những thành viên già cả trong gia đình để bớt đi một miệng ăn).

Theo thống kê, từ năm 1950 đến nay, đã có hơn 500 thi thể được tìm thấy và vẫn còn rất nhiều thi thể chưa được tìm thấy do khu rừng quá rậm rạp. Để giảm thiểu việc tự sát, mỗi năm có hàng trăm tình nguyện viên vào rừng để ngăn các vụ tự sát. Thậm chí, ngay trước cửa rừng cũng có đặt tấm biển ghi dòng chữ: “Cuộc sống là món quà quý giá mà cha mẹ bạn ban cho. Hãy nghĩ lại một lần nữa về cha mẹ, anh em, con cái của bạn. Đừng giữ kín mọi chuyện cho riêng mình mà hãy chia sẻ với chúng tôi” nhằm ngăn cản ý định tự tử của những người tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết.

Aokigahara nổi tiếng đến mức nó cũng đã từng xuất hiện trong rất nhiều câu chuyện thần thoại ở Nhật Bản, được coi là nơi cư ngụ của những hồn ma Yurei, là nguồn cảm hứng, bối cảnh cho nhiều cuốn tiểu thuyết và bộ phim kinh dị nổi tiếng như tiểu thuyết “Tháp sóng” (Nami no Tou, năm 1960) của Matsumoto Seicho, bộ phim “Biển cây” (Ki no Kai, năm 2005) của đạo diễn Takimoto Tomoyuki, hay gần đây nhất là bộ phim kinh dị “Khu rừng tự sát” (The Forest, năm 2016) của đạo diễn Jason Zada.

2. Vách đá Tojinbo (tỉnh Fukui)

Tojinbo là một vách đá gồ ghề, chúng đã bị bị xói mòn bởi các cơn sóng dữ dội trên bờ biển. Phía Bắc giáp Fukui và giáp đường biên giới Ishikawa. Nằm trong Vườn Quốc gia Echizen-Kaga Quasi, Vách đá Tojinbo được trải dài trên 1km, xem như một di tích thiên nhiên quý giá. Vách đá Tojinbo còn là một bộ sưu tập thiên nhiên của các cột đá khổng lồ. Bao gồm nhiều hình dạng như lục giác, ngũ giác.

Các nhà địa chất học cho rằng Tojinbo có thể đã được hình thành từ 12 – 13 triệu năm trước do hoạt động của núi lửa và sự mài mòn của sóng biển. Các tầng đá có hình dạng đa giác xếp đan xen với nhau, tạo nên lớp địa chất độc đáo mà chỉ xuất hiện ở 3 nơi trên toàn thế giới, trong đó 2 nơi còn lại là núi Kumgang ở Hàn Quốc và bờ biển phía Tây ở bán đảo Scandinavia, Na Uy.

Vào mùa đông những con sóng đánh vào nơi đây tạo nên các bong bóng xà phòng giữa các rạn san hô. Khi chúng kết hợp với gió lạnh, bong bóng này dường như nhảy múa lên trên mặt nước. Người ta thường sẽ gọi chúng với một cái tên là “Nami No Hana” có nghĩa hoa của sóng. Đây cũng là biểu tượng danh lam thắng cảnh vào mùa đông.

Mặc dù là một trong những kỳ quan hiếm có trên thế giới, nhưng với địa hình cheo leo hiểm trở, Tojinbo đã trở thành địa điểm có số người tự tử cao nhất nhì Nhật Bản. Cứ mỗi năm tại đây lại phát hiện hơn 10 xác chết do sóng đánh dạt vào bờ, chưa kể có rất nhiều người đến đây có ý định tự sát nhưng đã được nhóm tình nguyện khuyên ngăn. Số người tự sát ở đây nhiều đến nỗi chính quyền địa phương phải xây dựng một bốt điện thoại công cộng ngay cạnh bờ biển để họ có thể nhắn nhủ vài lời cho người thân trước khi sang thế giới bên kia. Những người tìm đến đây thường là những người vô gia cư, người đàn ông không có gia đình hay những học sinh bị áp lực học hành đè nặng. Họ thường ngồi cô đơn thất thần ở đây suốt nhiều giờ cho đến khi mặt trời lặn và du khách thưa hẳn rồi tự gieo mình xuống những con sóng trắng để kết thúc cuộc đời mình ở chốn thiên đường. Dù phong cảnh hoàng hôn ở đây rất đẹp nhưng có gì đó vắng lặng đến rợn người. Những ai yếu bóng vía hẳn sẽ chẳng thể ngắm hoàng hôn ở đây.

Hiện nay, tại Tojinbo đã thành lập một tổ chức tuần tra tình nguyện quan sát khu vực này cả ngày lẫn đêm để hạn chế ý định tự sát của người dân. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương cũng đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở ven biển để dễ dàng cho việc phát hiện các trường hợp tự sát.

3. Vách đá Sandanbeki (tỉnh Wakayama)

Nằm cách không xa bãi biển Shirahama vô cùng nổi tiếng của tỉnh Wakayama là vách đá Sandanbeki, nơi sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đúng như tên gọi của nó, Sandanbeki (tên Hán Việt là “Tam đoạn bích”, nghĩa là “vách đá ba bước”) gồm 3 vách đá dốc có độ cao 50m nhô ra khỏi mặt biển, là một nơi có địa hình bờ biển vô cùng độc đáo với những tầng đá xếp thành từng lớp.

Vách đá Sandanbeki có độ cao 50m và có những vách đá trải dài đến 2km về phía Bắc, đến gần thị trấn Sandan. Những vách đá ở Sandanbeki có thể được tìm thấy ở bờ Nam Senjojiki. Cách đây khá lâu, các vách đá này được sử dụng như là một nơi để quan sát cá và tàu vượt qua. Đây là nơi mà du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp ngoạn mục của thiên nhiên khi những con sóng đập vào vách đá tung bọt trắng xóa.

Mặc dù vách đá Sandanbeki là địa điểm tham quan phổ biến với khách du lịch nhưng hiếm người nước ngoài nào biết được nó cũng là một trong những địa điểm tự sát nổi tiếng ở Nhật Bản. Mỗi năm có hàng chục người gieo mình xuống biển để mặc cho những con sóng đưa mình sang thế giới bên kia.

Dưới vách đá dựng đứng, những con sóng tung tăng nhảy múa mang trong mình nét đẹp mê hoặc như đang vời gọi lãng khách. Người dân địa phương truyền tai nhau rằng, nếu bạn đứng gần vực đá, sẽ có một sức mạnh vô hình nào đó kéo bạn xuống dưới nên họ khuyến cáo khách du lịch không nên đến quá gần vách đá. Hơn nữa, nhiều người cũng đồn thổi rằng, nếu bạn chụp ảnh ở đây sẽ có một con ma xuất hiện trong bức hình bạn chụp. Tất nhiên, đó chỉ là tin đồn bởi hiện nay có rất nhiều khách du lịch đến đây và chụp ảnh bình thường.

Tuy là hơi đáng sợ nhưng nơi đây cũng đáng để du khách đến khám phá bởi những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng. Bên dưới vách đá, cách mặt đất hơn 36m có một hang động lớn tên là “Sandanbeki Doukutsu” gắn với truyền thuyết về Cướp biển Kumano thời Heian (794-1885). Truyền thuyết kể rằng, vào nửa sau thế kỷ VIII có một nhóm cướp biển do Tagamaru đứng đầu chuyên cướp bóc và đột kích các con tàu nhưng sau đó đã biến mất một cách bí ẩn. Hang động Sandanbeki được cho là một trong những nơi ẩn náu của họ. Du khách có thể xuống hang động bằng thang máy tính phí để khám phá những bí ẩn về câu chuyện truyền thuyết này với hàng loạt những vũ khí, áo giáp thời Trung cổ, những mô hình liên quan đến hoạt động cướp biển cũng như những vết tích mà thiên nhiên để lại được trưng bày ở Bảo tàng trong hang động. Bên cạnh đó, trong hang động cũng có thờ vị thần nước Muro Daibenzaiten linh thiêng. Tại đây, du khách có thể mua những lá bùa Senja Fuda để viết những lời cầu nguyện của mình lên thẻ.

4. Mũi đất Ashizuri (tỉnh Kochi)

Với khung cảnh ven biển đẹp ngoạn mục nằm ở cực Nam vùng Shikoku, mũi đất Ashizuri đã trở thành một trong những địa danh du lịch khám phá tuyệt vời cho những ai ưa thích hoạt động trekking đi bộ đường dài, đua xe, hay ngắm sao về đêm. 

Con đường mòn đi bộ đường dài ven biển dài 2km uốn lượn qua cảnh quan gồ ghề, khúc khuỷu của mũi đất Ashizuri cho tầm nhìn xuống những con sóng dữ dội bên dưới. Nằm rải rác dọc các con đường mòn ở đây là nhiều địa điểm bí ẩn gắn liền với Hoằng Pháp Đại Sư, nhà sư Phật giáo Nhật Bản có sức ảnh hưởng lớn, còn được biết đến với tên Không Hải Thần tăng (Kukai). Du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan, mặt nước và đường chân trời từ ngọn hải đăng màu trắng trăm năm tuổi “Ashizuri Misaki Todai” hoặc Đài quan sát Mũi Tengu. Chùa Kongobuji, nơi được cho là do Không Hải cho xây dựng năm 822, là điểm đến tham quan hàng đầu.

Ngoài là một tuyệt cảnh vừa có thể ngắm bình minh và hoàng hôn có “một không hai” ở Nhật Bản, mũi đất Ashizuri còn được gắn cái mác “địa điểm ma ám” bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết “Mũi đất Ashizuri” của tác giả Tamiya Torahiko. Cuốn tiểu thuyết này viết về các vụ tự sát và đã được chuyển thể thành phim hai lần. Có giai đoạn số lượng người tự tử tại đây tăng vọt kể từ khi cuốn tiểu thuyết này ra đời khiến cho chính quyền địa phương phải dựng thêm một cái biển gần đó: “Hãy nán lại và suy nghĩ thêm một chút”.

5. Thác Kegon (tỉnh Tochigi)

Thác Kegon Nằm ở thành phố Nikko của tỉnh Tochigi, Kegon là một dòng thác hùng vĩ với độ cao 97m chảy qua một hẻm núi đá hẹp, đổ xuống hồ Chuzenji với địa hình đầy hiểm trở bên dưới. Kegon được hình thành bởi sự phun trào của núi lửa Nantaisan cùng với dòng chảy của hồ Chuzenji-ko bị chặn bởi một bờ đá và tạo thành một dòng thác đổ.

Thác Kegon được xem là một trong 3 thác nước lớn nhất Nhật Bản (bên cạnh Thác Nachi ở Wakayama và Thác Fukuroda ở Ibaraki). Đây cũng là một địa điểm tham quan nổi tiếng nằm trong khu du lịch – di sản thế giới Nikko ở Tochigi. Mỗi năm, Thác Kegon thu hút hàng triệu khách trong nước và quốc tế ghé thăm để chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt mỹ. Vào khoảng cuối tháng 5, khi đến thời điẻm tuyết tan, mực nước tại thác tăng lên tạo thành một khung cảnh tráng lệ. Mùa xuân lại có hoa đỗ quyên và hoa anh đào nở rộ, đến mùa hè thì có những con chim én bay lượn xung quanh, mùa thu thì sẽ có lá phong đỏ Momiji, vào mùa đông thì xuất hiện những khối đèn chùm bằng băng tuyết trên những cánh rừng quanh đó tạo nên cảnh sắc bốn mùa luân phiên tô điểm cho thác.

Tuy vậy, với độ cao gần 100m cùng vách đá cheo leo đã khiến cho nơi này trở thành địa điểm lý tưởng cho những ai muốn kết thúc cuộc đời mình. Kegon trở thành địa điểm tự sát nổi tiếng bắt đầu từ vụ tự tử của một học sinh trung học phổ thông tên là “Fujimura Misao” vào ngày 22/5/1903. Trước khi gieo mình xuống từ đỉnh thác, Fujimura Misao đã để lại một “di chúc” có tựa đề Gantounokan được khắc ở thân cây sồi gần dòng thác. Từ đó cho đến nay, ước tính Thác Kegon đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người.

6. Cầu Yagiyama (tỉnh Miyagi)

Cầu Yagiyama được xây dựng vào năm 1931 và được tu sửa lại vào năm 1965, là nơi đã chứng kiến hàng loạt vụ tử tử đau thương. Do số lượng người nhảy cầu tự tử tại đây không hề nhỏ nên Yagiyama đã in sâu vào trong tâm thức của người dân địa phương là một nơi nên tránh càng xa càng tốt. Bởi vậy, khu vực này đặc biệt yên tĩnh vào ban đêm và có rất ít người qua lại. Có nhiều người nói rằng, khi đi qua cây cầu họ cảm thấy buồn nôn và nước mắt chảy giàn giụa mà không biết vì lý do gì. Bởi vậy, nơi đây chắc hẳn sẽ không phải là nơi dành cho những ai yếu bóng vía.

Cây cầu Yagiyama cũng đã từng xuất hiện trong một loạt chương trình thực tế và phim truyền hình của đài truyền hình Fuji, là tâm điểm của nhiều bức ảnh tâm linh xuất hiện trên mạng, trong đó nổi bật nhất là chương trình “Trải nghiệm kỳ lạ! Không thể tin được”. Hiện tại, do cây cầu nằm gần Lâu đài Aoba – địa điểm du lịch nổi tiếng, các trường đại học nên để không ảnh hưởng đến du lịch và giáo dục, chính quyền đã treo biển cảnh báo khách không nên ra vào khu vực này.

7. Cầu vịnh Yokohama (tỉnh Kanagawa)

Cầu vịnh Yokohama là một cây cầu dây văng có chiều dài 860m, nối giữa vịnh Yokohama và vịnh Tokyo một khoảng 460m. Cây cầu được hoàn thành vào năm 1989 với cấu trúc 2 tầng: tầng trên là đường cao tốc Shuto và tầng dưới là quốc lộ 357. Cây cầu cũng đã từng được chọn làm bối cảnh trong nhiều chương trình truyền hình và bộ phim nổi tiếng như: “Tội phạm nguy hiểm”, “Godzilla”,… Đặc biệt, vào buổi tối, cây cầu được thắp đèn vô cùng lung linh và huyền ảo. Với vẻ đẹp lãng mạn của những ngọn đèn thắp sáng, nơi đây đã trở thành một địa điểm hẹn hò tuyệt vời của nhiều cặp đôi, một trường đua xe lý tưởng của nhiều tay đua và cũng là một “chốn lên thiên đường” của nhiều người muốn rũ bỏ cuộc sống thực tại.

Khác với tầng dưới có phần lề đường hẹp, ở tầng trên (đường cao tốc Shuto), phần lề đường khá rộng, đủ chỗ cho một chiếc xe ô tô có thể dừng lại. Cũng chính vì thế mà người tự sát thường chọn tầng trên làm điểm đứng bởi họ có thể dừng xe lại rồi gieo mình xuống biển. Cụ thể số thi thể được tìm thấy vào năm 2004 là 1 người, năm 2006 là 2 người, năm 2007 là 1 người, 2008 là 6 người và các năm sau đó luôn duy trì ở mức 1 con số. Con số này chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều vì dòng hải lưu ở đây có thể đã cuốn trôi thi thể của những người tự tử ra biển trước khi chúng được phát hiện.

8. Cầu Andoji (tỉnh Osaka)

Tọa lạc ngay tại thành phố náo nhiệt Osaka, cầu Andoji bắc qua dòng sông Toyokobori cũng được xem là một trong những địa điểm tự sát khét tiếng trong lịch sử. Cây cầu có chiều dài 49,2m, chiều rộng 6m (trong đó bao gồm cả 1,5m dành cho người đi bộ). Andoji được xây dựng từ đầu thời kỳ Edo và được xem là một tuyến đường quan trọng nối liền với đường cao tốc Kuragarigoe Nara, là con đường ngắn nhất kết nối giữa Osaka và Nara.

Các vụ tự tử tại đây xảy ra nhiều nhất vào thời kỳ Edo (1603 – 1868). Vì có quá nhiều vụ tự tử xảy ra tại đây nên đã có rất nhiều câu chuyện huyền bí và ly kỳ được thêu dệt và lưu truyền đến ngày nay. Không những thế, cây cầu cũng đã trở thành bối cảnh trong câu chuyện Rakugo nổi tiếng mang tên “Manjyu Kowai”, trong đó có tình tiết một ông già đã thấy một ma nữ ở gần cầu Andoji khi ông còn nhỏ.

9. Đập nước Amagase (tỉnh Kyoto)

Amagase là một đập bê tông hình vòm cao 73m, được xây dựng trên dòng chính của sông Yodo (còn có tên gọi khác là sông Seta khi chảy qua tỉnh Shiga và là sông Uji khi chảy qua tỉnh Kyoto). Amagase giúp kiểm soát lũ ở sông Yodo, cung cấp nước cho thành phố Uji và đặc biệt có công suất điện lên tới 598.000kW.

Tuy vậy, kết cấu cao và đồ sộ cũng đã biến Amagase trở thành nơi “giải thoát” của những người muốn chấm dứt cuộc sống. Những con số liên quan đến vụ tự tử đã khiến cho Đập Asagase trở thành “địa điểm tự sát nổi tiếng ở Nhật Bản”. Đỉnh điểm nhất là chỉ trong 4 tháng từ tháng 7 – 11/2008 đã phát hiện 7 thi thể đã tự sát tại đây. Người ta đồn rằng, linh hồn của những người đã tự tử tại đây hàng đêm vẫn còn lảng vảng dưới con đập. Không những thế, có rất nhiều người đã từng đến đây kể lại: Ở thượng nguồn con đập có một người đàn ông huyền bí. Dù có gọi lại hay bắt chuyện thì ông ấy vẫn không trả lời, hơn nữa, bước chân của ông ấy cũng chậm một cách kỳ lạ. 

Trước tình hình số vụ tự tử không ngừng tăng lên, chính quyền địa phương đã xây dựng rào chắn và trang bị camera giám sát ở những khu vực hiểm yếu quanh con đập. Tháng 12/2008, con đường lưu thông qua đập đã bị cấm. Hiện tại, địa điểm này chỉ tiếp nhận khách tham quan vào ban ngày. Vào buổi tối, ở phía Bắc con đập được thắp đèn xanh (nơi xảy ra các vụ tự tử) nhằm ngăn chặn tối đa số vụ tự tử. Đặc biệt, tại đây cũng được trang bị một bốt điện thoại công cộng có ghi hàng loạt danh sách số điện thoại cần hỗ trợ kèm dòng chữ: “Khi bạn buồn chán, đã có chúng tôi ở bên”.

10. Nhà ga Shin Koiwa (Tokyo)

Có lẽ không có gì là lạ khi một ngày đẹp trời nào đó, du khách đang đi trên một con tàu tại Nhật Bản thì đột ngột tàu dừng lại, ngoại trừ nguyên nhân do động đất hay một tai nạn đáng tiếc nào đó xảy ra thì còn có một nguyên nhân khác – đó là do có ai đó nhảy xuống đường tàu tự tử. Được xem là một trong những địa điểm thường xuyên xảy ra các vụ tự sát, Nhà ga Shin Koiwa đã bị liệt vào danh sách đỏ những địa điểm cần đưa ra nhiều biện pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng tự sát đáng báo động trong những năm gần đây. Một con số không nhỏ là chỉ trong 5 năm từ năm 2012 – 2017 đã có tổng cộng 22 vụ tự sát ngay tại nhà ga này.

Trước tình trạng trên, chính quyền đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Hàng ghế chờ thay vì xoay ra phía đường ray thì họ lại hướng vào tường với hình ảnh của những con vật đáng yêu ngộ nghĩnh như chú chó hay chú mèo để người xem cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Thậm chí, trên bảng thông báo còn có dòng chữ “Xin hãy mạnh mẽ lên” để tiếp thêm nghị lực sống cho những người đang có ý định chối bỏ cuộc sống.

Do áp lực từ nhiều phía, mỗi năm ở Nhật Bản có hàng triệu người cảm thấy tuyệt vọng và mong muốn tìm đến cái chết, điều này tạo nên hàng trăm tấn bi kịch đau lòng. Mỗi địa điểm ở trên rất độc đáo, thậm chí có nhiều nơi còn được coi là tuyệt cảnh, nhưng có một lẽ: những nơi có nhiều người chết thường rất huyền bí và đáng sợ, nên nếu du khách tò mò và muốn trải nghiệm cảm giác mạnh khi đến đây trong hành trình du lịch Nhật Bản thì hãy suy nghĩ thật kỹ đã nhé!