11 sự thật thú vị về Samurai Nhật Bản
Khi nhắc về Nhật Bản, một trong những hình ảnh thần thoại nhất khiến người ta nhớ đến đó là các võ sĩ đạo Samurai. Họ được biết đến là những người kiếm sĩ gan dạ, sử dụng vũ khí rất thành thạo, tuyệt đối trung thành với các lãnh chúa và hoàn toàn xem nhẹ cái chết. Cho đến ngày nay, tinh thần Samurai vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến người dân nước Nhật.
Tên gọi và nguồn gốc của Samurai
Trong tiếng Nhật, từ “Samurai” được viết với Hán tự có âm hán Việt là chữ “Thị – 侍” (さむらい), có gốc từ chữ “Saburau” (さ守らう) – “Thủ” – nghĩa là người coi sóc, bảo vệ, phục vụ nhưng mang tính chất quyền quý. Samurai được biết đến là những chiến binh oai hùng, được đào tạo kỹ lưỡng và có kỹ năng chiến đấu điêu luyện. Mỗi Samurai chỉ phục vụ cho một lãnh chúa hay một vị tướng quân Nhật Bản. Tuy nhiên, từ “Samurai” còn được dùng để chỉ tầng lớp võ sĩ nói chung, bao gồm cả những vị tướng quân.
Trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, chiến tranh luôn đóng vai trò quan trọng. Những bộ tộc hiếu chiến kiểm soát hầu hết quần đảo ở nơi đây, mỗi bộ tộc đều có các tộc trưởng. Nhật Bản chỉ có khoảng 20% đất đai thích hợp cho nông nghiệp, vì vậy hầu hết các cuộc chiến tranh chủ yếu mang mục đích tranh giành quyền kiểm soát đất đai. Chính những cuộc chiến này đã tạo ra tầng lớp Samurai mà chúng ta vẫn quen gọi là “võ sĩ đạo”.
Số lượng Samurai
Hẳn nhiều người nghĩ rằng Samurai là một lực lượng tinh nhuệ hiếm có (giống như Navy SEALS hoặc Spetznaz của Nga ngày nay) hoặc thuộc một đẳng cấp khác, dưới trướng của các quý tộc. Tuy nhiên, họ thực sự là một tầng lớp xã hội. Ban đầu, tiếng “Samurai”, có nghĩa là những người phục vụ gần gũi với giới quý tộc. Thời gian đó, thuật ngữ này đã phát triển và gắn liền với tầng lớp “Bushi”, đặc biệt là những người lính cấp trên và cấp trên. Điều này có nghĩa là còn nhiều hơn thế trong số những chiến binh hùng mạnh chúng ta thường nghĩ. Trên thực tế, ở đỉnh cao quyền lực của họ, có tới 10% dân số Nhật Bản là Samurai. Do số lượng lớn và ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử Nhật Bản, mỗi người dân Nhật sống ngày nay được cho là có ít nhất một dòng máu Samurai trong đó.
Phần lớn các Samurai được giáo dục rất tốt
Là quý tộc trong thời đại của họ, các thành viên của tầng lớp Samurai không chỉ là những chiến binh. Phần lớn các Samurai được giáo dục rất tốt. Vào thời điểm mà rất ít người Châu Âu có thể đọc, trình độ biết chữ của samurai là vô cùng cao. Họ cũng có kỹ năng toán học. Bushido ra lệnh rằng một Samurai cố gắng cải thiện bản thân bằng nhiều cách, bao gồm cả những cách không liên quan đến chiến đấu. Đây là lý do tại sao lớp Samurai tham gia vào một số chương trình học tập văn hóa và nghệ thuật. Thơ ca, vườn đá, tranh mực đơn sắc, và trà đạo là những khía cạnh phổ biến của văn hóa Samurai. Họ cũng nghiên cứu các môn như: thư pháp, văn học và cắm hoa.
7 quy tắc đạo đức mà các Samurai phải tuân theo
Ở Nhật Bản thời trung cổ có 7 quy tắc đạo đức mà các Samurai phải tuân theo, và nó phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất sắc nét, mạnh mẽ, chính trực và thanh tao:
義 (Gi – Công lý): việc đánh giá danh dự và công lý đối với Samurai phải tuyệt đối rõ ràng, trắng là trắng mà đen là đen. Họ luôn đặt danh dự và lòng tự trọng lên trên tiền bạc, tự chủ được bản thân, không để những ham muốn cám dỗ làm sa ngã, tinh thần trượng nghĩa chống lại mọi thế lực xấu xa, tàn ác. Đối với họ, niềm tin không phải ở người khác, mà trong chính bản thân mình. Con người trung thực không bao giờ sợ sự thật.
仁 (Jin – Nhân từ): Có thể nói đây là thuộc tính cao nhất của tinh thần, đó là sự từ bi cho người khác. Sự cảm thông và bao dung, độ lượng, có thể chấp nhận mọi bất đồng kể cả kẻ thù của mình. Lòng nhân từ có thể cuốn trôi bất cứ điều gì cản trở sức mạnh dưới sự ảnh hưởng của nó, cũng giống như sức mạnh của nước có thể dập tắt lửa. Sức mạnh của Samurai là để dùng cho lợi ích chung chứ không phải những toan tính, vụ lợi hay hận thù cá nhân.
勇 (Yu – Can đảm): Việc trốn tránh nguy hiểm đối với các võ sĩ thì thà cho họ chọn cái chết. Samurai phải có tinh thần của một người anh hùng, nhưng không phải là sự hy sinh mù quáng, Samurai sáng suốt và mạnh mẽ, họ lấy sự tôn trọng và thận trọng thay thế nỗi sợ. Cái chết cho một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. “Đó là sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”. Người Nhật nói chung có triết lý rằng: “Nếu chết thì phải chết đẹp”, đẹp ở đây không phải là ở hình thức mà là sự trong sạch của tâm hồn. Tinh thần võ sĩ đạo coi trọng cái chết, họ luôn quan niệm rằng: “Một cái chết có ý nghĩa, hơn là một cuộc sống vô nghĩa”. Bởi cuộc đời họ tựa như sự rực rỡ ngắn ngủi của hoa anh đào như đã nói ở trên là như vậy.
礼 (Ray – Tôn trọng): Samurai quan niệm: “Hình thức lịch sự cao nhất là sự tôn trọng”. Vậy nên mọi hành động phải xuất phát từ sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Họ không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất các Samurai cũng phải lịch sự. Nếu không có phẩm chất này, họ nghĩ mình sẽ không hơn gì một con thú.
誠 (Makoto – Sự chân thành): Không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.
名誉 (Meyё – Danh dự): Ý thức về nhân phẩm là giá trị cốt lõi trong mỗi con người, “Mất danh dự giống như một vết sẹo trên cây mà theo thời gian, thay vì giúp cây phát triển lại làm cho nó còi cọc hơn”. Với các Samurai, người duy nhất được phán xét ta là “chính ta”, nên những hành động của bạn phải thể hiện chính con người của bạn và luôn được đánh giá cẩn trọng.
忠義 (Chu gi – tận tâm): Đây được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn nào khác ngoài lòng trung thành. “Một Samurai buộc phải đấu tranh với trí tuệ và lương tâm của mình bằng cách thể hiện sự trung thành”. Samurai tự chịu trách nhiệm cho mỗi một hành động của mình bằng tất cả sự trung thành, không ích kỷ, trung thành với lãnh tụ của mình, và là tấm gương cho cấp dưới noi theo.
Nữ Samurai
Nữ Samurai (Onna-bugeisha, Nữ vũ nghệ giả) là một dạng nữ quân nhân thuộc về giới quý tộc Nhật Bản xưa. Rất nhiều phụ nữ tham gia vào cuộc chiến song song với những chiến binh nam khác. Họ là thành viên thuộc tầng lớp Bushi (Samurai) trong thời kỳ Nhật Bản xưa và được huấn luyện để dùng vũ khí (thường là trường đao Naginata) bảo vệ bản thân, gia đình và danh dự bản thân trong thời chiến. Tomoe Gozen, Nakano Takeko và Hōjō Masako là những đại diện nổi tiếng cho những nữ chiến binh Nhật xưa.
Chiến binh Samurai phương Tây
Lịch sử Nhật Bản có ghi chép 4 người đàn ông phương Tây đã được ban cho phẩm giá của Samurai: nhà thám hiểm William Adams, đồng nghiệp của ông Jan Joosten van Lodensteijn, sĩ quan hải quân Eugene Collache và người buôn bán vũ khí Edward Schnell. Trong số 4 người, Adams là người đầu tiên và có ảnh hưởng nhất: ông từng là một bannerman và cố vấn cho chính cho Shogun.
Trang phục Samurai
Trang phục thường ngày của Samurai là những bộ Kimono truyền thống nhưng đã được bỏ bớt các tiểu tiết rườm rà, chỉ giữ lại 2 lớp trong và ngoài. Và chất vải may Kimono cực kỳ thoáng mát, nhẹ nhàng và có khả năng hút mồ hôi tốt cho thấy sự sang trọng, quyền quý và đẳng cấp của các Samurai thời đó. Trình độ hay đẳng cấp của Samurai còn được thể hiện qua chất liệu vải bền, tốt hơn so với những người mới nhập môn.
Còn đối với trang phục chiến đấu, Samurai sẽ khoác lên mình chiếc áo giáp với cân nặng từ 15-20kg. Những chi tiết trên bộ giáp phần nào thể hiện được tinh thần mạnh mẽ của Samurai và bảo vệ họ khi ra chiến trường. Trong bộ giáp nặng trĩu, các Samurai vẫn phải hoạt động hết sức linh hoạt, nhạy bén. Đây là điểm cho thấy tinh thần kiên cường và khả năng đáng khâm phục của võ sĩ đạo Samurai.
Thông thường, có 2 bộ giáp phổ biến dành cho Samurai là: Do-Maru và Yoroi. Do-Maru có trọng lượng nhẹ hơn Yoroi nên thích hợp để trang bị cho lính bộ. Còn Yoroi rất nặng do trọng lượng của mũ sắt và bộ sắt bảo vệ vai nên dùng cho kỵ binh.
Các Samurai thường đi bằng dép cỏ (Waraji) và guốc gỗ (Geta). Họ cũng hay mang vớ (Tabi) – loại vớ “hai ngón”: chỉ có hai phần, để tách riêng ngón cái và các ngón khác (rất thuận tiện khi xài Waraji). Tabi dùng hàng ngày thường có màu trắng và chúng được làm theo mùa. Vào những ngày mưa, Samurai, như tất cả mọi người, mặc áo mưa làm bằng rơm (Kappa) và dùng ô gấp.
Samurai đeo kiếm ở phía trước thắt lưng (Obi). Trong đó, thanh kiếm chính thì được buộc vào Obi bởi một sợi dây nhỏ (giông giống với phương Tây) còn kiếm ngắn (Wakizaki) hay dao (Tanto) thì đeo xuyên qua Obi.
Hầu hết các văn bản và gia quy luôn nhấn mạnh vai trò to lớn của một vẻ ngoài lịch lãm, mà trong đó tóc của Samurai là một phần rất quan trọng trong diện mạo của một người đàn ông. Kiểu tóc truyền thống (được dùng tới hơn một nghìn năm) là búi tóc, nó không phải là của riêng Samurai mà gắn bó mật thiết với tất cả mọi người, ngoại trừ những nhà sư, và ngay cả các chuyên gia cũng gần như không thể tìm hiểu được nguồn gốc của búi tóc.
Vũ khí của Samurai
Samurai đã đi vào huyền thoại khi họ đánh bại kẻ thù bằng các loại kiếm sắc bén và các vũ khí khác với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Các vũ khí mà Samurai thường dùng trong chiến đấu cũng như trong tập luyện gồm: Yumi gồm một cây cung và những mũi tên sắc nhọn; Katana – kiếm hình hơi cong và vô cùng sắc bén với chiều dài ít nhất 60cm và chỉ có một lưỡi; Wakizashi có lưỡi kiếm dài khoảng từ 30-60cm; Tachi – thanh kiếm một lưỡi dài khoảng 70-80cm; Zanbato – một loại kiếm lớn với bề ngang có thể từ 30-45cm; Chokuto – thanh kiếm có lưỡi dao thẳng và vô cùng sắc bén; Shikomi-zue, một thanh gươm ngắn được ngụy trang như một cây gậy; Tanto còn có tên gọi khác là Đoản đao vì chiều dài của dao rất ngắn; Aikuchi thường được Samurai sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp hoặc tự sát để bảo toàn danh dự hoặc danh tiết; Suburito là thanh kiếm gỗ với trọng lượng khá nhẹ; Tessen – loại quạt chiến của Nhật Bản và được thiết kế để các võ sĩ sử dụng trên chiến trường trong những trường hợp tấn công bất ngờ và nó còn được sử dụng để ra hiệu lệnh.
Cách chiến đấu
Samurai là những chiến binh được huấn luyện kĩ càng, được học về thiền định và gần như là không hề sợ chết. Họ tự ý thức được rằng bản thân họ vốn là những cỗ máy hủy diệt bất khả xâm phạm, và khả năng để ai đó “không phải Samurai” hạ gục được họ trong một trận đấu tay đôi gần như là không thể. Chính vì thế, Samurai tập trung phần lớn vào kiếm thuật, cách vận dụng nhiều loại vũ khí sát thương “đường đường chính chính” khác như kiếm hay Naginata, rèn luyện kỹ thuật chiến đấu trực diện đến mức bậc thầy. Họ luyện cho đến khi cả thân thể và tinh thần của họ trở nên vững chãi còn phản xạ thì nhanh như cắt, cho đến khi từng đường kiếm của họ mạnh tới mức kết liễu kẻ địch chỉ với một chiêu.
Samurai rất thông thạo các dạng kỹ thuật như: Kenjutsu (Kiếm thuật), Iaijutsu (Thuật rút kiếm), Jujutsu (Nhu thuật) và các kĩ thuật khác như Bojutsu (Côn thuật), Naginatajutsu (Thế đao thuật), Sojutsu (Thương thuật), Kodachijutsu (Đoản đao thuật) lẫn Niten (Song kiếm thuật).
Seppuku: một phần truyền thống võ sĩ đạo
Các võ sĩ đạo Samurai được ví như hoa anh đào. Bởi đời sống của những đóa hoa này rất ngắn ngủi, nhưng chúng có hai lần tuyệt đẹp: một là khi hoa nở rực rỡ dưới ánh nắng xuân và hai là khi hoa bay theo làn gió lìa cành. Samurai tự ví đời sống của mình đẹp như đời sống của những đoá hoa này. Ở đó, sự sống và sự chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các Samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi.
Trong giới võ sĩ đạo thì cái chết đối với họ nhẹ tựa như bông, nhưng chết trong danh dự hay chết trong ô nhục mới là vấn đề then chốt. Seppuku là một hình thức tự sát được xem là danh dự, đây là một phần truyền thống võ sĩ đạo, một phần mà những kiếm sĩ không thể từ chối. Nếu danh dự của họ bị xúc phạm, phạm tội tày đình, bị rơi vào tay giặc hoặc muốn chứng minh sự trong sạch, họ sẽ tự sát. Hình thức tự sát của họ có tên là “Hara-kiri” hay “Seppuku” (mổ bụng), một nghi lễ rất rườm rà và đòi hỏi tinh thần can trường của cá nhân người kiếm sĩ. Nghi lễ bắt đầu với việc Samurai đi tắm để cơ thể được sạch sẽ, thanh tịnh. Sau đó, họ mặc một chiếc áo choàng trắng và ăn bữa ăn yêu thích của mình. Sau khi hoàn tất, Samurai đặc một lưỡi kiếm nhỏ trên đĩa trống và viết một bài thơ chết tanka để bày tỏ những tâm tư, tâm trạng của mình. Tiếp theo đó, Samurai dùng kiếm và rạch bụng, tự kết liễu đời mình. Họ dùng kiếm đâm vào dạ dày và đưa kiếm từ trái sang phải. Trên phim ảnh, nghi thức mổ bụng của Samurai luôn dừng lại ở đây nhưng thực tế, đó chưa phải là bước cuối cùng. Nghi lễ rùng rợn này chỉ kết thúc khi có một người khác giúp Samurai tiếp tục dùng kiếm, chặt đứt đầu mình văng về phía trước, rơi đúng trong vòng tay của bản thân.
Đồng tính luyến ái
Trong tác phẩm “Tấm gương lớn tình yêu nam giới” của tác giả Ihara Saikaku có ghi lại: Một chú tiểu – con trai của một Samurai với ý thức lớn lên sẽ nối nghiệp cha đã được đưa vào một học viện Phật giáo để tu học. Tại đây, chú tiểu này đã thầm thương trộm nhớ người thầy của mình – cũng là một Samurai giải nghệ để đi tu. Chàng thiếu niên 14 tuổi này được miêu tả là đẹp, duyên dáng và quyến rũ như một thiếu nữ xuân thì, trong khi đó người tình cao tuổi lại được khắc họa với những đường nét gồ ghề, trung thành và dũng cảm của một Samuirai chuyên nghiệp. “Sự thương mến của hai con người này được coi là số mệnh bắt nguồn từ duyên nợ của kiếp trước. Tuy nhiên quan hệ này không phải chủ yếu là quan hệ tình dục, mà gồm cả những yếu tố giáo dục, chỗ dựa trong xã hội và hỗ trợ về tinh thần. Hai người cùng thề tôn trọng lý tưởng samurai. Vị trí samurai được tăng sức mạnh nhờ một quan hệ được lựa chọn kỹ càng” – một đoạn trong tác phẩm “Tấm gương lớn tình yêu nam giới” ghi rõ. Trước đó, vào năm 1591, Gaspar Vilela, một nhà du hành Bồ Đào Nha sau một chuyến công du Nhật Bản đã ghi chép như sau: “Các ông bố là Samurai đã giao phó con trai mình cho những vị sư để được dạy những việc như vậy và đồng thời để thỏa mãn dục vọng của họ. Ở nơi đây, hành động này lại được coi là danh giá. Khi người ta nghe tới điều này, họ không hề cảm thấy ghê sợ hay kinh hãi, vì đó đã được coi là một việc hết sức bình thường”.
Samurai đã chi phối lịch sử và chính trị của Nhật Bản trong khoảng 700 năm. Đến năm 1876, Thiên Hoàng của thời Minh Trị cho quyết định cấm sử dụng kiếm để phù hợp với những thay đổi của Nhật Bản thời đó. Điều này cũng chính thức khép lại thời đại của Samurai.
Như vậy, mặc dù vị trí của Samurai đã không còn nữa kể từ khi bị phế đạo nhưng tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm và trung thành tuyệt đối của các Samurai thì mãi mãi là những điều tốt đẹp còn mãi đối với người dân Nhật Bản. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành một chút thời gian tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cũng như về các Samurai thời xưa, chắc hẳn du khách sẽ có những bài học quý giá về lòng kiên cường và dũng cảm./.