Hàn Quốc được biết là đất nước hiện đại phát triển nhanh chóng nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị truyền thống của mình. Một trong những nét văn hóa truyền thống tới nay vẫn được giữ gìn đó là những điệu múa dân gian đầy sống động.

Múa dân gian Hàn Quốc tự phát sinh và “nảy mầm” từ trong nhiều nghi lễ, phong tục khác nhau mà người dân thường ưa thích. Múa dân gian sống động ở chỗ không đòi hỏi hình thức hay một quy luật nào và thể hiện được tình cảm, cảm xúc bình dị của người bình dân.

Một số điệu múa dân gian tiêu biểu:

1. Talchum

Trong tiếng Hàn, “Talchum” là sự kết hợp của từ “Tal” có nghĩa là “đeo mặt nạ” và “chum” là “nhảy múa”. Như vậy, “Talchum” là hình thức nghệ thuật đeo mặt nạ và nhảy múa hay gọi ngắn gọn là “Múa mặt nạ”.

Nghệ thuật múa mặt nạ có từ thời Tam Quốc, nhưng chỉ đến thời Joseon nó mới được lưu hành rộng rãi và phát triển đạt đến đỉnh cao. Ở mỗi vùng của Hàn Quốc lại có những điệu múa Talchum khác nhau thể hiện ý nghĩa và bản sắc riêng.

Talchum thường được biểu diễn trong các lễ hội, chẳng hạn như: Ngày đầu năm mới, Tết Trung thu, Lễ hội thuyền rồng, Lễ Phật đản,… Tuy nhiên, đằng sau tất cả sự giải trí, nó mang lại nhiều suy nghĩ và ý tưởng mà người Hàn Quốc thời cổ đại muốn gửi gắm.

Trong thời Tam Quốc, múa mặt nạ là một nghi lễ đơn giản dùng để giao tiếp với các vị thần. Người ta tin rằng chiếc mặt nạ phản ánh hình ảnh của các vị thần, trong khi người đeo mặt nạ có thể giúp truyền tải suy nghĩ của con người đến các vị thần và ngược lại. Đó là một hình thức giao tiếp thú vị giữa các vị thần và con người. Sau đó, vào thời đại Joseon, điệu múa Talchum không còn là nghi thức giao tiếp với thần linh. Thay vào đó, nó phản ánh sự tức giận của người dân bình thường đối với những bất công phải đối mặt dưới chế độ phong kiến ​​và giai cấp quý tộc.

Để thực hiện điệu múa Talchum, các vũ công sẽ đeo mặt nạ với những đặc điểm và chất liệu khác nhau tùy theo từng vùng miền. Kiểu mặt nạ thường thấy nhất là mặt nạ Hahoetal. Nó có nguồn gốc từ làng Hahoe và được làm bằng gỗ alder. Nó độc đáo ở chỗ phần cằm và phần còn lại của mặt nạ được tách rời, giúp các vũ công có thể di chuyển dễ dàng hơn trong quá trình biểu diễn.

Có 12 nhân vật trong bộ mặt nạ Hahoe. 3 nhân vật mất tích là Chongkak (cử nhân), Byulchae (người thu thuế) và Toktari (ông già). 9 chiếc mặt nạ vẫn tồn tại là: Yangban (quý tộc), Kaksi (người phụ nữ trẻ hay cô dâu), Chung (tu sĩ Phật giáo), Choraengi (người hầu của Yangban), Sonpi (học giả), Imae (người ngu ngốc và đầy tớ vô dụng của Sonpi), Bune (vợ lẽ), Baekjung (kẻ giết người), và Halmi (bà già). Những chiếc mặt nạ làng Hahoe chỉ là một trong hàng chục phong cách mặt nạ Hàn Quốc với các điệu múa liên quan. Những khu vực khác nhau lại sáng tạo ra một hình thức nghệ thuật riêng. Các mặt nạ từ tả thực đến kỳ dị. Một số mặt nạ có hình tròn, bầu dục, một số khác lại có hình tam giác với phần cằm dài và nhọn.

Các diễn viên đeo mặt nạ thường mặc những chiếc áo lụa Hanbok hoặc quần áo truyền thống đầy màu sắc. Phần tay áo dài, màu trắng giúp chuyển động của diễn viên trở nên sinh động hơn, nhất là khi họ đeo mặt nạ có hàm cố định làm ẩn đi biểu cảm gương mặt.

Để có một điệu nhảy, chắc chắn phải có âm nhạc. Mỗi tiết mục Talchum của từng khu vực lại có các loại nhạc cụ riêng kèm theo. Tuy nhiên, về cơ bản một dàn nhạc thường có “Haegum” – loại đàn nhị Hàn Quốc, một loạt loại sáo ngang, chiêng và trống. 

Các vũ điệu với những chiếc mặt nạ ở Hàn Quốc xoay quanh 4 chủ đề chính. Đầu tiên là nhạo báng sự hoang mang, ngu xuẩn và bất hạnh chung của tầng lớp quý tộc. Thứ hai là tình yêu tay ba giữa người chồng, người vợ và một vợ lẽ. Chủ đề thứ ba là nhà sư đồi bại và hư hỏng, như Choegwari. Cuối cùng là câu chuyện phổ quát hơn, về cái tốt phải chung sống với cái xấu, và cái tốt giành chiến thắng cuối cùng.

2. Nongak

Nongak là điệu múa kết hợp các nhạc cụ hơi truyền thống cùng với dàn nhạc gõ, nó đã phát triển thành một nghệ thuật trình diễn đại diện cho Hàn Quốc. Nongak thường được chơi vào các dịp lễ để tăng hứng thú làm công việc đồng áng, qua đó tăng năng suất lao động, xua tan những nhọc nhằn và gắn kết tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nông dân.

Nongak kết hợp nhiều loại hình nhạc cụ như: bộ gõ Samulnori với trống Buk, phèng Kkwaenggwari, trống phong yêu Janggu và chiêng Jing, luôn tạo nên một bầu không khí sôi động, khiến những người đứng xem xung quanh cũng phải vỗ tay nhún nhảy.

Những người biểu diễn Nongak ở mỗi vùng mặc trang phục sặc sỡ, thực hiện các nghi thức của tổ tiên đối với các vị thần làng và thần nông nghiệp, cầu may mắn và xua đuổi ma quỷ, cầu cho mùa xuân bội thu và mùa màng bội thu. Các diễn viên múa kiêm nhạc công lúc thì tản ra, lúc thì chụm lại, di chuyển linh hoạt theo tiết tấu nhanh chậm của giai điệu. Và cứ đến đoạn cao trào, khi tiếng trống cùng các nhạc cụ khác đồng thanh đánh liên hồi, dồn dập thì khán giả cũng đồng loạt reo hò, vỗ tay tán thưởng.

3. Ganggangsullae

Điệu nhảy Ganggangsullae được cho là có nguồn gốc từ thời cổ đại khi người Hàn Quốc tin rằng Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất điều khiển vũ trụ.

Ngày nay, Ganggangsullae thường diễn ra vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch ở khắp khu vực phía Tây Nam Hàn Quốc, là một trong những phong tục để cầu nguyện cho mùa màng sung túc. Vào đêm trăng tròn sáng, hàng chục cô gái trong làng sẽ tụ tập lại và nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn, một người sẽ bắt nhịp đoạn đầu của “Ganggangsullae” và mọi người sẽ hát tiếp nối theo. Trò chơi này tiếp diễn suốt đêm, họ sẽ nhảy múa trong khi đi quanh một vòng tròn và kèm theo đó là những trò chơi dân gian. Đặc trung của trò chơi dân gian này là trong khi hát “Ganggangsullae” người ta sẽ chơi những trò chơi mô tả cuộc sống nông thôn hay làng chài như là đạp chân ngói, Deokseok Mori (cuộn chiếu cơm), bắt chuột, kết bè cá trích,… Tên của điệu nhảy Ganggangsullae bắt nguồn từ đoạn điệp khúc của bài hát, nhưng ý nghĩa chính xác của nó không được biết đến.

Ngày xưa, ngoại trừ Tết Trung Thu, các cô gái trẻ ở nông thôn không được phép hát lớn tiếng hoặc ra ngoài vào ban đêm. Nên là thông qua trò chơi này, họ có thể tận hưởng được sự giải phóng, được tự do trong giây lát. Phong tục này ngày nay được duy trì bởi những phụ nữ trung niên thành phố và trẻ em được học một phần trong các tiết học âm nhạc tại trường tiểu học.

Phong tục này là loại hình nghệ thuật biểu diễn được trình diễn trên khắp Hàn Quốc hiện nay và có thể gọi là một nghệ thuật dân gian tiêu biểu của Hàn Quốc. Ganggangsullae là một phong tục truyền thống quan trọng bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp làm lúa và cuộc sống nông thôn.

Vì âm điệu và động tác đơn giản nên rất dễ học, trong khi nhảy múa cùng các cô gái ở xóm làng khác, họ đã cùng nhau giao lưu tình hữu nghị, sự bình đẳng và tinh thần hợp tác.

Qua biến chuyển của thời gian, ngày nay, các điệu múa dân gian vẫn là một loại hình biểu diễn nghệ thuật và lễ hội văn hóa ở xứ Hàn. Nếu du khách có hứng thú với các vũ điệu dân gian đầy sống động này thì hãy Book Tour Hàn Quốc của chúng tôi để có cơ hội khám phá về chúng nhé!