Hàn Quốc ngày nay là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, là một đất nước hiện đại đầy sôi động và nhộn nhịp của Châu Á. Quay ngược lại thời gian từ những ngày mới hình thành, du khách hãy cùng chúng tôi khám phá ra ông tổ khai quốc của “xứ sở Kim Chi” xinh đẹp nhé!

Dangun (Đàn Quân) là vị vua sáng lập ra nước Vương Kiệm Triều Tiên (vì thế nước này còn được gọi là “Đàn Quân Triều Tiên”) – một quốc gia cổ đại được kể đến trong các huyền thoại của dân tộc Triều Tiên. Tương truyền, con của Thiên Đế trên thiên đình giáng phàm, dùng phép biến một con gấu cái thành một người đàn bà xinh đẹp, thụ thai cho nó. Nó đẻ ra một đứa bé, chính là vua Dangun.

Giống như rất nhiều các nhân vật cổ đại khác, các tư liệu khảo cổ không nói nhiều về Dangun. Do đó, chúng ta sẽ phải dựa vào các tư liệu ghi chép và truyền thuyết để tìm hiểu về nhân vật nổi tiếng này.

Huyền thoại về ông tổ khai quốc Dangun

Các phiên bản ghi chép sớm nhất về huyền thoại Dangun có thể được tìm thấy trong “Samguk Yusa” (Những sự việc đáng ghi nhớ của ba vương quốc) và “Jewang Ungi” (Biên niên sử nhịp điệu của các quốc vương). Cả hai tư liệu ghi chép này đã được hoàn thiện vào cuối thế kỷ 13 TCN. Truyền thuyết về Dangun bắt đầu với phần giới thiệu về ông nội ông là Thiên Đế cai quản Thiên Đình – Hwanin (Hoàn Nhân), và cha ông là Hwanung (Hoàn Hùng). 

Một ngày nọ, Hwanung xin cha gửi ông xuống hạ giới để ông cai quản lãnh thổ của mình. Theo một cách diễn giải phần này của câu chuyện, thì vì là một người con trai thứ của Thiên Đế, Hwanung không có hy vọng kế nghiệp cha ông. Do đó, để tự mình trở thành một người cai quản, và để tránh mâu thuẫn với những người anh trai của mình, Hoàn Hùng đã quyết định đi đâu đó để tìm kiếm vương quốc riêng cho mình.

Lời thỉnh cầu này đã được cha ông, Thiên Đế Hwanin chấp thuận. Thiên Đế đã khảo sát vùng hạ giới, và xác định rằng vùng đất từ núi Tam Nguy Thái Bá (nay là núi Tam Nguy) của Trung Quốc và núi Bạch Đầu của Bắc Triều Tiên là nơi thích hợp để xây dựng thế giới con người phát triển. Hoàn Nhân đã cho 3 Thiên Phù Ấn (là gươm, gương với giọt nước bằng đồng) và cho phép Hwanung cai trị thế giới con người. Sau đó, Hwanung đã rời khỏi thiên giới để xuống Thần Đàn Thụ (cây cổ thụ đàn hương thần thánh) trên đỉnh núi Thái Bạch (Taebaek-san) với triều thần gồm Phong Bá, Vũ Sư, Vân Sư và 3.000 thủ hạ. Sau đó, ông đã đổi tên Thần Đàn Thụ là “Thần Thị” và xưng là “Hwanung Thiên Vương”. Hwanung đã đảm đương 360 việc của thế giới con người như là: thóc lúa, tính mạng, bệnh tật, trừng phạt, và thiện ác.

Cũng trong thời kỳ ấy, nơi rừng gỗ đàn hương thiêng ngày xưa, có một con hổ và một con gấu sống trong cái hang lớn gần đó. Chúng ngày đêm cầu nguyện thần Hwanung làm phép biến chúng thành hình hài con người. Ông cảm động với sự thành tâm của hổ và gấu nên đã đến gặp và cho chúng một thử thách, ngài ban cho chúng 20 nhánh tỏi, vấy nước thần lên những nhánh tỏi đó và bảo: “Các ngươi hãy ăn thứ này và tránh ánh sáng trong 100 ngày tới. Nếu làm được các ngươi sẽ trở thành người”.

Hổ và gấu đồng ý, nhưng chẳng mấy chốc, con hổ đã không đủ kiên nhẫn với thử thách này vì bị cơn thèm thịt giày vò nên đã từ bỏ và rời khỏi hang. Chỉ có gấu kiên trì và đủ quyết tâm chịu đựng hết 100 ngày, trở thành một cô gái vô cùng xinh đẹp, lấy tên là “Ungnyeo” (Hùng Nữ).

Tuy đã thành người và được sống cuộc đời mới, nhưng niềm vui của Ungnyeo chưa trọn vẹn. Cô đã đến chỗ Thần Đàn Thụ trên đỉnh ngọn núi Thái Bạch, và cầu nguyện có một đứa con. Cảm động trước lời cầu nguyện của cô, Hoàn Hùng đã tự biến mình thành một người đàn ông và kết duyên cùng Hùng Nữ. 9 tháng sau, người phụ nữ sinh hạ một cậu con trai, và đặt tên cho cậu là “Đàn Quân”, có nghĩa là “Hoàng tử Đàn tế” hay “cây đàn hương”.

Vào năm 2333 TCN, Đàn Quân đã định thủ đô là Bình Nhưỡng và lấy quốc hiệu là “Triều Tiên”. Bây giờ người ta gọi là “Cổ Triều Tiên” để phân biệt với Triều Tiên thời phong kiến. Ngày nọ, Đàn Quân đã dời thủ đô từ Bình Nhưỡng đến A Tư Đạt dưới chân núi Bạch Nhạc, nay là núi Cửu Nguyệt của Bắc Triều Tiên. Sau đó, Đàn Quân đã cai trị Triều Tiên trong 1.500 năm. Vào năm Vũ Vương của nước Chu bên Trung Quốc lên ngôi, Đàn Quân nhường ngôi cho Cơ Tử và trở thành thần núi của A Tư Đạt. Lúc đó, tuổi thọ của Đàn Quân là 1.908 tuổi.

Dangun – vị Thần và nguồn cảm hứng trong võ thuật

Ảnh hưởng của Dangun vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Lấy ví dụ, với những ai theo Đạo Shaman ở Hàn Quốc, Dangun được tôn kính như một vị Thần. Một số phong trào thờ cùng Dangun cũng đã được phát động trong lịch sử. Tuy nhiên, hệ thống tín ngưỡng truyền thống này được cho là chỉ được thực hành bởi một quần thể nhỏ người Hàn Quốc.

Có thể thấy một ảnh hưởng khác của nhân vật Dangun trong bộ môn võ thuật nổi tiếng Taekwondo của Hàn Quốc. Bài quyền số hai của Liên đoàn Taekwondo Quốc tế được đặt theo tên của nhân vật huyền thoại này (Đàn Quân quyền), và các bước chuyển động của nó được cho là thể hiện mối liên hệ giữa Dangun, Thiên (trời), và ngọn núi nơi ông hóa bất tử.

Cuối cùng, ngày 3/10 được biết như “Ngày lập quốc”, và cũng là một ngày nghỉ lễ ở Hàn Quốc, vì người ta cho rằng đây từng là ngày Cổ Triều Tiên được Đàn Quân thành lập vào năm 2333 TCN.

Nếu du khách có hứng thú với lịch sử, văn hóa của “xứ sở Kim Chi” thì hãy Book Tour Hàn Quốc để tự mình khám phá nhiều điều thú vị về đất nước xinh đẹp này nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ!