Cầu Thanh Mã (Tsing Ma Bridge) – Kiệt tác kỹ thuật của “xứ Hương Cảng”

Tsing Ma Bridge là một cây cầu treo có nhịp cầu lớn thứ 7 trên thế giới, nằm tại đặc khu hành chính Hồng Kông. Tên của cầu được đặt theo tên của 2 hòn đảo mà nó bắc ngang qua, đó là: Thanh Y (Tsing Yi) và Mã Loan (Ma Wan). Cây cầu này cũng là thuộc một phần của Thanh Tự (Lantau Link) – tuyến đường chính dẫn đến Sân bay Quốc tế Hồng Kông.

Tsing Ma Bridge được bắt đầu xây dựng từ tháng 5/1992 và hoàn thành vào tháng 5/1997. Nó được thiết kế bởi kiến trúc sư Mott MacDonald và được 3 công ty cùng bỏ thầu xây dựng: Costain, Mitsui, Trafalgar House. Với chi phí xây dựng cầu là 7,2 tỉ HKD, Cầu Thanh Mã trở thành một trong 10 công trình của thế kỷ XX, bên cạnh những dự án lớn như: kênh đào Panama, kênh Angle-French và cầu Golden Gate.

Cầu Thanh Mã được thiết kế theo kiểu cầu treo 2 tầng với chiều dài nhịp 1.377m (dài hơn Golden Gate ở San Francisco, Hoa Kỳ), cao 206m, bề mặt cầu có chiều ngang 41m với 65.000 tấn bê tông đã được sử dụng để xây mỗi cột của cầu (cao 206m). Tổng chiều dài dây cáp là 160.000km với tổng khối lượng là 26.700 tấn, mỗi dây cáp có thể chịu một lực khoảng 53.000 tấn. Khoảng 49.000 tấn kim loại cũng đã được sử dụng trong việc lắp ráp cầu. 

Cầu có 2 tuyến đường dành cho xe ô tô và 6 làn đường cho các loại xe qua lại chia làm 3 làn mỗi chiều. Tầng dưới cầu là tuyến đường ray xe lửa và một đường dành riêng cho các hoạt động sửa chữa và khắc phục sự cố khi có các trận bão làm ảnh hưởng đến giao thông.

Nằm trong “top” những cây cầu hiện đại và độ dài đường ray lớn nhất thế giới, Cầu Thanh Mã mang mục đích kinh tế và chính trị rất lớn khi được xây dựng để nối liền hai bán đảo Hồng Kông, làm cho mạch giao thông giữa hai bán đảo trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt, khi đi trên Cầu Thanh Mã, du khách mới cảm nhận rõ ràng nhất về sự vĩ đại và hoành tráng của những cột trụ và dây cáp nối dài khi trước đó đã được nhìn từ xa.

Không chỉ là một công trình giao thông với kiến trúc lớn, đồ sộ có ảnh hưởng lớn ở “xứ Hương Cảng”, Cầu Thanh Mã còn là một điểm đến thu hút khách du lịch. Đứng trên cầu hay ngồi trên những chiếc ô tô đi qua cầu, du khách đều có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh hai đảo xinh đẹp Thanh Y và Mã Loan. Không gian khoáng đạt, trữ tình, dòng nước chảy siết bên dưới chân cầu.

Cây cầu này có lẽ đã rất ấn tượng rất lớn cho những ai lần đầu tiên ghé thăm vào ban ngày, nhưng nếu có thời gian ngắm cây cầu này vào ban đêm, du khách nhất định sẽ hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp mỹ lệ và lung linh của Cầu Thanh Mã trong giây phút mặt trời lặn xuống, thành phố lên đèn. Toàn bộ cầu vào lúc này đã được thắp sáng với ánh đèn vàng ấm áp tỏa ra cả một vùng trời, ánh sáng này được chiếu sáng từ bên dưới chân cầu hắt thẳng lên không trung, du khách còn có thể thấy cây cầu này mang một màu tím mềm mại, ánh sáng dội xuống dưới nước êm ả và bình yên khác hẳn với khung cảnh xe cộ chạy tấp nập trên cầu, và phía 2 bên đầu cầu du khách có thể thấy chính là những đỉnh núi và thành phố lấp lánh nhộn nhịp, tất cả đã góp phần tạo nên bức tranh ánh sáng hoàn hảo.

Cầu Thanh Mã luôn có hệ thống camera giám sát, theo dõi tình trạng giao thông, bởi đây là một tuyến đường huyết mạch cực kỳ quan trọng đối với Hồng Kông. Để được lưu thông trên cầu, du khách sẽ phải trả phí bởi nó nằm trong tuyến đường quan trọng của thành phố. Trên cầu cũng không có bãi đậu xe hay lối đi dành cho người đi bộ.

Cầu Thanh Mã của “xứ Hương Cảng” có thể được xem là một trong những đại diện khá tiêu biểu của khu vực Châu Á. Nếu có dịp du lịch Hồng Kông, du khách hãy nhớ ghé thăm cây cầu này để có dịp ngắm vẻ bề thế và độc đáo của nó nhé!