Nói đến lễ tốt nghiệp của sinh viên đại học, chúng ta thường nghĩ ngay đến một buổi lễ kỷ niệm sự trưởng thành và bắt đầu một hành trình mới của người trẻ, đồng thời cũng là dịp để gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo và cha mẹ. Ở Việt Nam, các sinh viên thường sẽ mặc áo dài, đồ vest hay lễ phục tốt nghiệp trong ngày trọng đại này. Còn ở Nhật Bản, trong lễ tốt nghiệp, các học sinh, sinh viên sẽ mặc lễ phục “Hakama”.
Lấy cảm hứng từ chiếc quần triều đình Trung Quốc trong thời Tùy và thời Đường, trang phục Hakama xuất hiện với tiền thân là Kimono ngày nay. Hakama được mặc để che vùng dưới thắt lưng trong bộ Kimono. Nói cách khác, Hakama chính là chiếc quần bên ngoài bộ Kimono. Khi mặc, trước hết, vẫn phải mặc Kimono như bình thường và chiếc quần Hakama được cố định bởi 4 dây đai (Himo): 2 đai Himo dài hơn buộc vào hai bên của mặt trước trang phục, và 2 đai Himo ngắn hơn buộc vào hai bên của mặt sau. Mặt sau của trang phục có một bộ phận cứng hình thang, gọi là một “koshi-ita”. Phía dưới ở bên mặt trong là một “Hakama-tome” (một cấu tạo dạng hình muỗng đôi khi được nhắc đến như một Hera) được giấu vào trong Obi hoặc Himo ở mặt sau, và giúp cố định vị trí của Hakama.
Hakama có 7 nếp gấp dày: 2 nếp gấp ở phía sau và 5 nếp gấp ở phía trước. Các nếp gấp được cho là đại diện cho 7 đức hạnh của võ sĩ đạo, được coi là cần thiết trên con đường làm một Samurai. Mặc dù chúng xuất hiện ở tư thế cân đối, các nếp gấp phía trước (ba bên phải, hai bên trái) được sắp xếp bất đối xứng với nhau, và điều này là một ví dụ của sự bất đối xứng (Fukinsei) trong mỹ học Nhật Bản.
Nguyên mẫu của Hakama được thiết kế vào thời Yayoi, và trong thời kỳ đầu, Hakama chủ yếu được sử dụng bởi các chàng trai và được coi như một bộ lễ phục. Hakama đã trở thành trang phục chủ yếu của các thiếu nữ trong đền thờ Thần đạo và trang phục bắn cung Kyudo. Ngày nay, Hakama là trang phục nghi lễ tốt nghiệp của nữ sinh trung học và đại học, cũng như trong dịp lễ trưởng thành.
Lịch sử Hakama
Lịch sử của Hakama có từ thời Kofun. Vào thời điểm đó, đây là lễ phục dành cho phụ nữ và nam giới cấp cao, không liên quan gì đến lễ tốt nghiệp hay lễ trưởng thành. Đến thời Minh Trị, số lượng sinh viên nữ tăng đều đặn, và các cô gái này trong lễ tốt nghiệp, luôn cố gắng rũ bỏ vẻ ngoài quen thuộc thường ngày của mình để trở nên trưởng thành và lộng lẫy hơn trong những bộ Hakama. Đây là khởi đầu của cho phong tục nữ sinh mặc Hakama tại lễ tốt nghiệp.
Nguyên nhân Hakama là lễ phục tốt nghiệp
Trở lại về trước thời Minh Trị, Hakama là trang phục được mặc bởi những nữ phục vụ trong triều đình trong thời kỳ Heian. Vào thời Minh Trị, Hakama nữ mới được thiết kế như một bộ đồng phục nữ sinh, được chấp nhận rộng rãi như một trang phục gọn gàng phù hợp với mục đích học tập. Không phải Kimono hay Yukata, mà Hakama mới được chọn làm đồng phục không chỉ vì nó dễ di chuyển mà còn vì nó vừa sang trọng, vừa lịch sự. Từ lịch sử này, chúng ta có thể hiểu tại sao Hakama được mặc trong lễ tốt nghiệp.
Như đã nói ở trên, vào thời Minh Trị, Hakama được sử dụng làm đồng phục tại các trường nữ sinh và các giáo viên cũng mặc Hakama. Vào thời điểm đó, tỷ lệ nhập học của học sinh nữ vào trường trung học rất thấp, và những nữ học sinh trung học thời đó, có thể nói là những cô gái rất được ngưỡng mộ. Diện mạo Hakama của họ là biểu tượng cho thân phận “nữ sinh” mà nhiều cô gái Nhật thời điểm đó đều ao ước.
Thêm một nguyên nhân quan trọng đó là sự bùng nổ của các thiếu nữ yêu thích thời trang. Từ cuối thời Minh Trị đến thời Taisho, những nữ sinh được coi là những “nhà tiên phong thời trang” của nước Nhật. Cùng với sự khao khát sáp nhập văn hóa phương Tây, khi những đôi bốt da được bán vào nửa sau của thời Minh Trị, chúng nhanh chóng được áp dụng vào thời trang Nhật Bản và phong cách kết hợp “bốt” với Hakama đã trở thành một “cú hi” lớn. Một dải ruy băng lớn trên tóc cũng là cách để tô điểm thêm cho phong cách hòa trộn văn hóa phương Tây và Á Đông này. Cho đến ngày nay, việc phụ nữ Nhật thích thời trang và ăn diện đã không thay đổi kể từ đó. Tại buổi lễ tốt nghiệp hiện đại, có thể nói những cô gái mặc trang phục Hakama đã kế thừa được “thần thái” thời trang của những thế hệ thiếu nữ xưa.
Ở một khía cạnh khác, việc nhiều giảng viên tham dự lễ tốt nghiệp cũng mặc Hakama như một lời tiễn biệt cho các sinh viên ra trường. Diện một bộ Hakama khác với bộ quần áo thường ngày, để tóc kiểu phù hợp với Hakama và tham dự buổi lễ tốt nghiệp thể hiện mong muốn được tự mình tiễn đưa các học trò yêu quý của các giảng viên, vì đây là ngày vô cùng đặc biệt. Lễ tốt nghiệp cũng đánh dấu ngày mà các sinh viên sẽ rời khỏi vòng tay của các thầy cô, mỗi người một con đường và bước ra cuộc đời.
3 loại Hakama cơ bản
Với lịch sử lâu đời, Hakama đã trải qua nhiều cải tiến khác nhau với các chức năng yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Về căn bản, Hakama được chia thành 3 loại:
- Andon-bakama
Một chiếc Hakama có hình dạng giống như một chiếc váy dài không có vách ngăn. Có cả loại dành cho nam và nữ, với sự khác biệt là nam giới có tấm Koshi-ita, còn Hakama nữ thì không. Koshi-ita là phần giống như tấm ván cứng trên lưng Hakama. Việc sử dụng koshi ita dường như đã bắt đầu vào khoảng đầu thời kỳ Edo hoặc có thể là cuối thế kỷ 16. Loại Hakama này rất phổ biến trong các buổi lễ tốt nghiệp ở Nhật Bản.
- Machiari-bakama
Loại Hakama có hình dạng giống như một chiếc quần với một vách ngăn nông. Ở Nhật Bản, hình ảnh Machiari-bakama thường gắn liền với hình ảnh những nữ tu sĩ trong đền thờ Shinto. Giống như Andon-bakama, Machiari-bakama có cả loại dành cho nam và nữ, và nó cũng được dùng làm Hakama cho các buổi lễ tốt nghiệp.
- Umanori-bakama (Hakama cưỡi ngựa)
Trong 3 loại Hakama thì Umanori-bakama là loại có hình dạng giống một chiếc quần nhất và có vách ngăn sâu. Vách ngăn sâu hơn để không bị vướng khi cưỡi ngựa. Đây là bộ Hakama được sử dụng cho nam giới thời xưa, và không được mặc trong lễ tốt nghiệp.
Thắt đai cố định cho Hakama
Có nhiều cách thắt Hakama cho nam giới. Đầu tiên, Obi được thắt bằng một nút đặc biệt (một “nút thắt Hakama bên dưới”) ở sau lưng. Bắt đầu với phía trước, các sợi dây được buộc quanh thắt lưng và vắt lên phía trên nút thắt của obi. Những sợi dây được đưa lên phía trước và vắt qua phía dưới thắt lưng, sau đó buộc ở phía sau, phía dưới nút thắt của Obi. Hakama-dome sau đó được giấu đằng sau Obi, Koshi-ita được điều chỉnh, và nút thắt sau lưng được xoay về phía trước và thắt lại theo một vài cách khác. Cách làm trang trọng nhất với một nút thắt tương tự như hai chiếc nơ bắt chéo nhau thành hình chữ thập.
Phương pháp thắt những loại nút này cũng rất khác nhau, với Hakama của nữ giới được thắt một nút đơn giản hơn hoặc một nút thắt nơ. Như với Hakama của nam, nút thắt phía trước đầu tiên được đem về phía sau, sau đó mang lại về phía trước, sau đó thắt lại ở phía sau với một nút thắt. Sau đó, Himo ở lưng được mang vòng về phía trước. Ở điểm này, chúng nên được thắt với một nút thắt nơ ở hông trái, chỉ ngay trước phần mở đầu, với phần kết thúc nút có cùng độ dài tương tự. Nếu muốn chắc chắn hơn, nút thắt có thể được quấn một vòng ở giữa phía trước quần, rồi sau đó thắt lại bên trong đằng sau.
Văn hóa “xứ Phù Tang” nói chung cũng như khía cạnh trang phục truyền thống quả thực có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ!