Thành Tokyo cổ chìm trong biển lửa bắt nguồn từ một bộ Kimono bí ẩn

Đến với Tokyo của Nhật Bản, một trong những câu chuyện mà du khách sẽ được nghe kể là về bộ Kimono bí ẩn, khởi nguồn cho trận hỏa hoạn thiêu rụi thành phố khi xưa. Người ta cho rằng bộ Kimono là lời nguyền khiến ba cô gái trẻ cùng chết một ngày và làm cho thành Tokyo cổ chìm trong biển lửa.

Edo là tên gọi cũ của thủ đô Tokyo ngày nay, là trung tâm quyền lực của Thiên hoàng và là nơi tập trung mật độ dân số nhiều nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ. Năm 1603, Tokugawa Ieyasu lên nắm quyền và bắt đầu xây dựng kinh tế, chính trị ở Edo, biến nơi đây trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. 

Khi đó, thành phố được quy hoạch rất thô sơ, đường sá chật hẹp, quanh co, nhà cửa nằm san sát nhau. Vì vậy, thành phố thường xuyên hứng chịu các cơn hỏa hoạn lớn với hơn 100 vụ cháy được ghi nhận. Nguyên nhân khiến cho những vụ cháy thường rất mãnh liệt và sức tàn phá nhanh khủng khiếp là do thói quen sinh hoạt và lối sống ở đây. Nhà cửa ở đây được xây bằng gỗ, với mật độ dân số cao khiến cho tốc độ lửa lan đi rất nhanh. Mặt khác, khí hậu lạnh giá vào màu đông khiến cho thói quen sử dụng than và củi để sưởi ấm trở thành những mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Trong số hơn 100 vụ cháy đã xảy ra, thì trận cháy Meireki xảy ra ngày 2/3/1657 là trận cháy lịch sử, khởi nguồn từ một bộ Kimono đầy bí ẩn. Tương truyền, bộ Kimono Meireki (tên một loại Kimono dành cho các cô gái độc thân trong những ngày lễ truyền thống ở Nhật Bản) bị cho là dính lời nguyền, trước đó đã khiến cho 3 thiếu nữ qua đời. Chủ nhân đầu tiên và cũng chính là người may nó là Okiku sống ở Ueno, cô mặc nó lần đầu trong lễ thưởng hoa ở một ngôi chùa, không may cô lại đem lòng yêu một tiểu tăng ở đó. Mối tình không nên bắt đầu này khiến cô nhớ nhung mà sinh tâm bệnh, rồi qua đời vào ngày 16/1 năm Minh Lịch đầu tiên. Mẹ cô sau đó bán nó lại cho một cửa hiệu Kimono ở Hongo. Chủ nhân tiếp theo của nó là Ohana, điều kỳ lạ đến rùng mình chính là cô cũng bị bệnh và qua đời 1 năm sau đó đúng cái ngày mà chủ nhân cũ đã mất, tức cũng vào ngày 16/1, là năm Minh Lịch thứ 2. Sự việc trùng hợp này không ai để ý thấy cho đến khi chủ nhân thứ 3 của nó là Otatsu, con gái chủ tiệm cầm đồ ở Azabu cũng qua đời vì đổ bệnh và cũng trùng ngày chết của 2 cố chủ trước (ngày 16/1 năm Minh Lịch thứ 3).

Từ đó, người ta xem nó như là điềm xấu cho chủ nhân mặc nó và sau đó một thầy tu quyết định đem đốt bộ Kimono bị nguyền rủa này. Nhưng ông không ngờ rằng vì muốn cứu những chủ nhân sẽ mặc nó sau này mà đó lại là quyết định sai lầm khiến cho hàng trăm ngàn người mất mạng. Bộ Kimono đã bốc cháy dữ dội bỗng một cơn gió từ phía Tây Bắc xuất hiện thổi chiếc áo lên cao và bay qua ngôi chùa gỗ khiến ngôi chùa này bùng cháy dữ dội. Ngọn lửa sau đó nhanh chóng lan ra các khu vực lân cận do trận hạn hán năm trước khiến thành Edo khô cằn hơn. Vì vậy, đội quân cứu hỏa của Tokugawa Ieyasu cũng không thể khống chế được trận cháy.

Vào buổi tối thứ hai, gió đổi hướng đẩy ngọn lửa từ phía Nam vào khu vực trung tâm thành phố, nuốt trọn gần như toàn bộ thành Edo. Cuối cùng, sau 3 ngày, ngọn lửa mới được dập tắt. Ước tính có tới 100.000 người chết, 60-70% kinh thành bị thiêu rụi, trong đó có 300 đền đài, 500 cung điện, 9.000 cửa hàng, 61 cây cầu. Thiệt hại lớn tới mức có thể so sánh với đại thảm họa động đất Kantō năm 1923 và vụ ném bom nguyên tử của Mỹ năm 1945 lên 2 thành phố lớn của Nhật Bản trong thế chiến 2.

Những câu chuyện lịch sử pha chút bí ẩn là “liều thuốc” kích thích bất cứ ai muốn tò mò. Nếu du khách yêu thích lịch sử Nhật Bản và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản cùng chúng tôi nhé!