Tiong Bahru, khu phố mang vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại tràn đầy sức sống tại Singapore

Không cần du lịch tận trời Âu xa xôi, du khách vẫn có thể hòa mình vào không gian hoài cổ đậm chất Châu Âu với lối kiến trúc cổ kính ngay tại khu phố Tiong Bahru của Singapore. Nhịp sống tại đây hiện đại, nhưng vẫn mang dáng vẻ của một Singapore cổ điển, tối giản mà không kém phần cá tính.

Được xây dựng từ những năm 1930, khu phố Tiong Bahru tại Singapore là minh chứng cho câu nói: “Những thứ đã cũ sẽ trở nên mới một lần nữa”. Tên “Tiong Bahru” thực ra có nghĩa là “nghĩa trang mới”, trong đó “Tiong” có nghĩa là “kết thúc” trong tiếng Hoa Phúc Kiến, và “Bahru” có nghĩa là “mới” trong tiếng Mã Lai – bởi khu đất này từng là nơi được dùng để chôn cất. Trước đây, khu vực này vô cùng nhếch nhác và bị ô nhiễm trầm trọng nhưng hiện nay đã được cải thiện đáng kể và trở thành khu vực “chất” nhất Singapore.

Khu phố Tiong Bahru còn được biết đến với tên gọi Mei Ren Wu (nghĩa là “sào huyệt của cái đẹp”) do đàn ông thường giấu các cô bồ trong những ngôi nhà trang trí kiểu cách với những ban công có hình tròn và những khung cửa sổ chớp.\

Mất khoảng 30 phút đi tàu điện từ khu Orchard Road – trung tâm thành phố – để đến nơi, Tiong Bahru hiện lên trong mắt du khách qua những dãy nhà thẳng tắp, gọn gàng và tươm tất. Lấy cảm hứng từ phong cách Streamline Moderne (phong cách sắp xếp hiện đại, tên gọi khác của Art Decor sau Thế chiến I) của thập niên 1930, kiến trúc của Tiong Bahru nổi bật với những đường nét rõ ràng, hình khối có đường cong và họa tiết của ngành hàng hải. Mỗi bộ phận, tòa nhà trong khu vực, dù là tường lan can, cầu thang xoắn ốc, tường cong hay mái hiên đều mang âm hưởng của lối kiến trúc Art Deco đặc trưng.

Nhiều công trình tại đây đã tồn tại qua nhiều thập kỷ. Du khách có thể khám phá nét cổ điển của các tòa nhà và cuộc sống của người dân địa phương trong khu dân cư cũ đã có lịch sử từ những năm 1940-1950. Khu chung cư cũ Tiong Bahru HDB Blocks hay Tiong Bahru Estate cũng là địa điểm check-in quen thuộc của du khách khi đến khu phố này.

Cách đó không xa là công viên ngoài trời Kim Pong với bố cục đơn giản, gọn gàng, phản ánh đầy đủ tinh thần Art Decor. Công viên là nơi người dân địa phương và du khách có thể dạo bộ thư giãn, hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cho gia đình và trẻ nhỏ.

Sự quyến rũ của Tiong Bahru còn nằm ở những đường phố yên bình và nhịp sống có vẻ chậm rãi. Vào những buổi sáng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những cụ già tụ họp và chậm rãi thưởng thức bữa sáng truyền thống với món bánh gạo nước (Zhui Kueh) bên tách cafe (Kopi). Trong khi đó, tại những trạm xe bus, các bạn trẻ với ly cafe trên tay đang hối hả vào giờ cao điểm buổi sáng. Tiếng lách cách của những quân bài mạt chược, tiếng ríu rít buổi sáng của những chú chim trong lồng hòa quyện cùng tiếng bass, treble của những bản nhạc hiện đại phát ra từ bên trong những chiếc xe hơi tạo nên một khung cảnh bình yên với con người, với những âm thanh và màu sắc vừa mới mẻ vừa xa xưa.

Một góc khác góp phần làm nên sự quyến rũ này còn có thể nhìn thấy ở Làng tranh tường Tiong Bahru, những quán cafe nghệ thuật, các hiệu sách nhỏ nhỏ xinh, những tiệm bánh ấm áp nằm rải rác ở các góc phố.

Tại Làng tranh tường Tiong Bahru với tác phẩm nghệ thuật, du khách như được hiểu thêm về lịch sử Singapore 40 năm về trước. Tại đây, du khách sẽ được nhìn ngắm bức tranh lấy cảm hứng từ khu Chinatown – quê của họa sĩ yip Yew Chong. Du khách có thể bắt gặp những món đồ quen thuộc trong gia đình vào thời xa xưa như gạt tàn thuốc của bố hay những điếu thuốc lá của bà.

Nhìn kỹ hơn, du khách sẽ nhận ra hình ảnh thủ tướng Lý Quang Diệu trên trang bìa của một tờ báo. Bối cảnh này được diễn ra vào năm 1979 khi ông đang quảng bá chiến dịch vận động sử dụng tiếng phổ thông Singapore (Speak Mandarin Campaign) cùng cựu Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher.

Tiếp đó, bức họa mang tên “Pasar and Fortune Teller” trong Làng tranh Tiong Bahru miêu tả hình ảnh chủ gian hàng đang bán những tô mì Laksa cho các thầy bói. Đây từng là khung cảnh rất quen thuộc tại phố Tiong Bahru ngày xưa.

Với những “tín đồ” café không nên bỏ lỡ quán cafe Drips trên đường Tiong Poh với không gian rộng rãi, ấm cúng và phong cách thiết kế gợi nhớ đến những cửa hiệu cafe ở New York chuyên phục vụ cafe và bánh tạc trái cây. Quán café kiêm phòng trưng bày nghệ thuật Orange Thimble trên đường Eng Hoon cũng là một điển hình cho mô hình cafe nghệ thuật tại Tiong Bahru – chuyên phục vụ những món latte sữa nóng hổi và những món bánh tráng miệng hạnh nhân ngon lành. Nổi tiếng nhất phải kế đến quán cafe 40 Hands theo phong cách Aussie trên đường Yong Siak. Quán luôn kín khách vào cuối tuần bởi những tín đồ của thức uống này thường tìm đến đây để thưởng thức những tách café nguyên chất và những món bánh sandwich đa dạng.

Nếu du khách thích ăn các loại bánh ngọt, không nên bỏ qua cửa hàng Tiong Bahru Bakery chuyên bán các loại bánh ngọt Pháp ngon tuyệt. Tiong Bahru Bakery quanh năm đông nghẹt khách, nổi tiếng với món bánh sừng bò không chê vào đâu được. Ngoài ra, Kouign Kmann – một loại bánh xếp lớp phủ dày kem Caramen và bơ cũng được rất nhiều người lựa chọn khi ghé đến cửa hàng này.

Ở Tiong Bahru, du khách cũng sẽ tìm thấy được những những món đồ độc đáo. Cửa hiệu Strangelets nằm trên đường Yong Siak nổi tiếng với những món đồ nội thất phong cách Châu Âu được thiết kế đầy khác biệt dưới hình dạng của những loài động vật, hay tiệm sách Books Actually nổi tiếng là một trong những địa điểm mà tạp chí Travel & Leisure khuyên khách du lịch nên tìm đến. 

Nếu du khách đang săn tìm nhạc Indie (như Laneway chẳng hạn) bằng đĩa than, địa điểm nhỏ xíu “7 Curated Records” này có lẽ là nơi phù hợp nhất, với hơn 1.000 đĩa hát để du khách tha hồ tìm kiếm, trong đó có cả những đĩa thuộc dòng nhạc chính thống.

Đặc biệt thú vị hơn nữa là ở khu phố cổ kính này có một địa điểm nổi tiếng chỉ dành đàn ông là “Salon We Need a Hero”. Khi đến salon này, du khách tha hồ lựa chọn các kiểu tóc như: kiểu slick-back của David Beckham hay kiểu undercut, pompadour,… Dưới bàn tay điêu luyện của những nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, du khách chẳng cần lo lắng vì chỉ trong vòng tích tắc, du khách sẽ nhanh chóng có ngay một kiểu tóc thật ưng ý cho mà xem! 

Như salon đề cập, ước mơ thời thơ ấu của các bé trai chính là trở thành một siêu anh hùng và We Need a Hero mang trong mình sứ mệnh biến những vị khách thành một anh hùng thật sự. Nhân viên sẽ chăm chút mọi thứ thật kỹ càng cho những “vị khách với mong ước trở thành anh hùng” từ tạo mẫu tóc, cạo râu, thêu chân mày, tẩy lông và cả các dịch vụ IPL (công nghệ dùng ánh sáng triệt lông thẩm mỹ),…

Tiong Bahru còn được biết đến với những khu chợ chuyên bán thực phẩm tươi ngon. Các đầu bếp chuyên nghiệp và những bà nội trợ thường đến Chợ Tiong Bahru ở góc Lim Liak và Seng Poh để mua thực phẩm, thịt, cá, hải sản tươi. Trong đó, Tiong Bahru Market and Food Centre là nơi du khách sẽ tìm được những món đặc sản địa phương nổi tiếng như: Chwee Kueh (bánh gạo hấp ăn kèm với củ cải muối) và lor Mee (mì hầm), cũng như các đồ tươi sống khác.

Ngoài những địa điểm trên, ngôi đền thờ Hầu Thần Qi Tian Gong cũng là nơi mà du khách không thể bỏ lỡ khi dạo bước khám phá khu phố Tiong Bahru. Đền được xây dựng từ những năm 1920, và vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch nơi đây thường tấp nập các hoạt động lễ hội để kỷ niệm ngày sinh của vị Thần này.

Sau một chuyến khám phá Tiong Bahru, du khách hãy ghé đến Nhà hàng Bincho với không gian mở không mấy bắt mắt để thưởng thức các món nướng cực ngon và những ly cocktail bình dân trong không gian của một quán cafe truyền thống.

Bỏ lại sau lưng nhịp sống hối hả của Singapore với những khu vui chơi giải trí sôi động, những trung tâm mua sắm hiện đại và nhộn nhịp hay những nhà hàng, khu ăn uống náo nhiệt…, du khách hãy ghé thăm khu phố Tiong Bahru trong chuyến du lịch Singapore để cảm nhận vẻ đẹp thanh bình của mảnh đất này và tìm hiểu thêm về đời sống hàng ngày của người dân nơi đây nhé!