Karaoke là một hình thức giải trí phổ biến trên toàn thế giới xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1970. Trải qua nửa thập kỷ, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã có rất nhiều trò chơi giải trí mới lạ khác được ra đời, nhưng karaoke vẫn luôn là lựa chọn số một mỗi khi người Nhật muốn thư giãn và giải trí.

Karaoke rất phổ biến đến nỗi du khách có thể bắt gặp ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng nếu có cơ hội được đặt chân đến Nhật Bản – quê hương của loại hình giải trí này thì du khách nên thử trải nghiệm chúng ít nhất một lần. Du khách sẽ phát hiện ra có rất nhiều điều mới lạ và khác biệt so với Karaoke của đất nước mình. Dưới đây là một vài nét độc đáo trong văn hóa Karaoke của người Nhật:

  • Nguồn gốc của Karaoke tại Nhật Bản

Karaoke là từ ghép tiếng Nhật giữa từ “kara” có nghĩa là “trống rỗng”, và “oke” là từ viết tắt của “ōkesutora” có nghĩa là “ban nhạc”. Thường thì một bài hát được thu thanh bao giờ cũng có cả phần âm và phần nhạc đệm. Karaoke lần đầu tiên được biết đến là tại một quầy bar ở thành phố Kobe. 

Theo như một câu chuyện được kể lại thì tại quán bar này, trong một buổi biểu diễn, khi cây ghita không đến chơi được vì bị ốm hay vì lý do nào đó, người chủ quầy đã chuẩn bị những bǎng nhạc thu thanh sẵn và ca sĩ lại hát theo băng. Đây chỉ là một câu chuyện truyền miệng nhưng đó chính là sự khởi nguồn của Karaoke và trở nên phổ biến như bây giờ. 

Thuật ngữ Karaoke mặc dù được phát âm khác nhau giữa các quốc gia khác nhau nhưng đã được chấp nhận và trở thành ngôn ngữ chung cho cả thế giới. Từ “Karaoke” bây giờ không chỉ nằm trong những cuốn từ điển của Nhật Bản mà nó còn có mặt trong từ điển tiếng Anh Oxford được xuất bản mới đây nhất.

Truyền miệng của dân gian Nhật có câu: “Thời trang bắt nguồn từ Kobe”. Thời trang của những người phụ nữ trẻ lần đầu được công nhận cũng chính tại Kobe và sau này đã trở nên thịnh hành ở Tokyo. Bởi vậy mà những tạp chí thời trang luôn được phụ nữ Kobe theo dõi sát sao. Đây chính là nơi tốt nhất để chúng ta tìm hiểu về Karaoke Nhật Bản.

Kể từ khi bến cảng của thành phố này mở cửa cho việc giao lưu thương mại quốc tế năm 1868, thời điểm triều đại Minh Trị chuẩn bị được phục hồi. Kobe đã dẫn đầu trong việc tiếp nhận sự giao lưu quốc tế và có nhiều người nước ngoài đã đến đây sinh sống.

Những khu nhà được xây theo phong cách Tây và các lễ hội nhạc Jazz được tổ chức hàng nǎm chứng tỏ Kobe là thánh địa của những người yêu thể loại nhạc này. Bởi vậy, phải chăng sự phổ biến âm nhạc đã hàm chứa trong nó sự ra đời của Karaoke?

  • Karaoke – nền tảng của sự phát triển

Nguời Nhật vốn rất thích tiệc tùng. Từ xa xưa, tiệc đã trở nên linh đình khi mà một ai đó cất tiếng hát và những người xung quanh vỗ tay theo làm cho bầu không khí trở nên sôi động, vui vẻ, đầy phấn khích. Người ta không để ý đến việc người hát hát có hay không, thậm chí bài hát bị hát sai nhạc điệu cũng có thể làm cho bữa tiệc vui nhộn hơn.

Có được bầu không khí và phong tục này đã khiến cho người Nhật trở nên cởi mở hơn khi họ nghe người khác hát. Họ cũng thoải mái hát trước đám đông mà không miễn cưỡng hay e ngại. Đây cũng chính là một trong những lý do giải thích tại sao Karaoke lại được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.

  • Đổi mới công nghệ và những quán Karaoke

Lúc đầu, Karaoke chỉ là một phương tiện giải trí cho những người làm kinh doanh ở Nhật Bản nhưng nó đã nhanh chóng phát triển rộng khắp nhờ có công nghệ mới và loại hình kinh doanh mới có tên gọi “các quán Karaoke”.

Đầu tiên, Karaoke Nhật Bản khi mới xuất hiện dưới dạng băng đã thu thanh sẵn sau đó chuyển thành đĩa CDs giúp cho việc chọn bài hát trở nên dễ dàng hơn nhiều. Sự phát triển này dẫn đến sự ra đời ở một mức cao hơn đó là có hình ảnh phù hợp với ý nghĩa bài hát, được hiện lên cùng với lời nhạc. Cả những ai không thuộc lời cũng có thể hát theo một cách chuyên nghiệp.

Karaoke đã trở thành ngành công nghệ giải trí chủ chốt. Karaoke gia đình cũng trở nên phổ biến và thịnh hành hơn. Mọi người chỉ cần ở nhà cũng được giải trí một cách thoải mái. Tuy nhiên, có một trở ngại trong công việc kinh doanh loại hình giải trí này đó là hầu hết các ngôi nhà ở Nhật Bản đều nằm san sát nhau và được xây dựng bằng gỗ, mái che cách âm không tốt, do vậy sẽ gây khó chịu cho những người hàng xóm khi hát Karaoke vào buổi tối.

Chính vì lý do này mà các doanh nghiệp đã phát triển thêm loại hình mới, đó là các “quán Karaoke”. Các quán này gồm những phòng biệt lập làm cách âm chỉ để dành cho việc hát. Quán karaoke đầu tiên xuất hiện vào năm 1984 tại một cánh đồng ở vùng quê Okayama, phía Tây của vùng Kobe. Nó được xây dựng chỉ từ một chiếc ô tô cải tiến.

Do khi hát karaoke thì lời bài hát sẽ hiện lên trên màn hình nên nhiều quốc gia đã coi nó là phương tiện hữu hiệu trong việc nâng cao tỉ lệ những người biết chữ. Nó đã trở thành một công cụ giáo dục hữu ích.

  • Hát Karaoke “xuyên đêm” với mức giá siêu rẻ

Trung bình các quán Karaoke ở Nhật Bản thường có giá từ 100 – 500 Yên/30 phút, một số nơi giá có thể rẻ hơn hoặc đắt hơn tùy theo các khung giờ khác nhau trong ngày.

Ngoài ra, còn một điểm đặc biệt nữa ở Nhật Bản là các quán Karaoke tại đây thường có một khung giờ gọi là “Freetime”, nghĩa là khách chỉ cần trả một số tiền nhất định và có thể hát thoải mái trong khoảng thời gian này. Thông thường các quán Karaoke sẽ có 2 khung giờ Freetime vào ban ngày từ khoảng 10:00 – 19:00 và ban đêm từ 22:00 – 5:00 sáng ngày hôm sau. Giá hát Freetime buổi đêm thông thường sẽ cao hơn một chút vì đây là khoảng thời gian có nhiều người đi hát, nhưng sẽ giao động trong khoảng từ 900 – 1.500 Yên tùy mỗi quán. So với việc hát theo giờ thì nếu khách hát liên tục trong khoảng 5-6h thì mức giá Freetime kia chẳng phải là quá rẻ hay sao? Với những ai đam mê ca hát và luôn cảm thấy thiếu khi đi hát Karaoke bình thường thì Freetime là một lựa chọn hoàn hảo!

  • Thanh toán trước khi vào hát

Có nhiều quán Karaoke ở Nhật Bản thường yêu cầu khách hàng phải thanh toán trước khi vào hát. Nếu hát tính giờ bình thường, khách sẽ phải tính toán trước xem sẽ hát mấy tiếng để tính tiền và thanh toán luôn. Việc này giúp cho các quán kiểm soát được thời gian hát của khách hàng, và trong thời điểm đông khách những người đến sau có thể biết được là họ cần phải chờ bao lâu để tới lượt mình. Tuy nhiên, với những người đi hát cách thanh toán này đôi khi hơi bất tiện, bởi trong trường hợp khách muốn hát thêm khách buộc phải gia hạn thêm thời gian. Với những ai lựa chọn khung giờ Freetime, chỉ việc trả theo mức giá đã quy định và hát đến khi hết giờ hoặc đến khi nào không hát được nữa thì thôi.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều quán Karaoke cho phép khách thanh toán sau, điều này giúp cho khách có thể hát hò thoải mái hơn, về sớm hoặc về muộn tùy thích mà không bị gò bó bởi khung giờ đã chọn trước đó.

  • Đăng ký thành viên để được giảm giá

Khi đi hát Karaoke ở Nhật Bản, nhân viên tại quán sẽ hỏi khách xem đã đăng ký thành viên chưa, bởi nếu là thành viên của quán, khách sẽ được giảm giá từ khoảng 50 – 100 Yên so với giá thông thường. Việc đăng ký này cũng vô cùng đơn giản và thường chỉ mất 1-2 phút, đa số thường đăng ký qua LINE bằng cách chụp mã QR của quán. Ngoài ra, với những bạn sinh viên, khi cầm theo thẻ sinh viên cũng sẽ được hưởng một mức giá ưu đãi hơn.

  • Đồ uống tại quán Karaoke: “One drink” và “Drink bar”

Có một số quán Karaoke sẽ có quy định “One drink” bắt buộc một người khi vào hát phải gọi một đồ uống bất kỳ. Giá của món đồ uống này chưa có trong tiền phòng và sẽ được tính riêng. Thông thường, đây là quy định bắt buộc khi khách lựa chọn hát tính tiền theo giờ.

Còn đối với những người hát trong khung giờ Freetime, đa số sẽ chọn “Drink bar” (uống không giới hạn hay còn gọi là “Nomihodai”) vì cách này là rẻ nhất, khách có thể uống thỏa thích để có sức “chiến đấu” đến tận sáng hôm sau.

Thông thường sẽ có 2 kiểu lựa chọn đồ uống như vậy, tuy nhiên, hiện nay các quán Karaoke ở Nhật Bản cũng khá linh hoạt trong việc phục vụ đồ uống. Nhiều nơi, khách có thể tự do lựa chọn có gọi đồ uống hay không bất kể hát theo hình thức nào. Hay một số nơi, giá tiền hát Freetime đã bao gồm tiền đồ uống “Drink bar” trong đó và được chia thành các lựa chọn khác nhau như: đồ uống có cồn, nước ngọt, hoặc cả hai. Có rất nhiều món đồ uống đa dạng khác nhau từ nước hoa quả, sinh tố, trà sữa cho đến các loại rượu, cocktail, sẽ khiến bạn mất khá nhiều thời gian để quyết định xem nên lựa chọn món nào đó.

  • Đồ ăn với nhiều lựa chọn đa dạng

Không giống như các quán Karaoke ở Việt Nam, đồ ăn vặt được đặt sẵn ở trong phòng hát, tại Nhật Bản khách sẽ phải gọi món giống như ở các cửa hàng. Tại đây, khách có thể gọi đồ qua chiếc Intercom gắn trên tường. Bên cạnh đồ uống thì đồ ăn tại các quán Karaoke ở Nhật Bản cũng vô cùng đa dạng bao gồm các món như: Pizza, xúc xích, Gà rán (Karaage), Salad, Takoyaki, Okonomiyaki, các món mì,… Nhiều quán còn có cả những set party dành cho những nhóm muốn tổ chức tiệc tại quán. 

  • Hitokara (Hát karaoke một mình)

Không chỉ có những quán Karaoke thông thường, tại Nhật Bản còn có một mô hình Karaoke độc đáo khác gọi là “Hito-kara” – Karaoke một người. Hẳn du khách cảm thấy ngạc nhiên với việc đi hát Karaoke một mình, nhưng ở Nhật Bản đây là điều hết sức bình thường và có rất nhiều quán Karaoke ra đời phục vụ nhu cầu này của người dân.

Nếu xét về các trang thiết bị thì các quán Hitokara này đôi khi còn được đánh giá cao hơn những quán Karaoke thông thường. Ở một số quán có trang bị tai nghe giúp người hát có thể cảm nhận giai điệu bài hát rõ hơn. Vừa nghe âm thanh trực tiếp vừa hát chắc chắn khách sẽ cảm thấy hào hứng và bùng nổ hơn trong từng vần điệu của lời bài hát. Bên cạnh đó, những chiếc mic điện dung (Condenser microphone) cũng được nhiều quán Hito-kara sử dụng thay cho những chiếc mic thông thường giúp việc thu âm trở nên hiệu quả hơn, âm thanh phát ra sẽ sắc nét và trong hơn. Ngoài ra, nếu khách muốn thu âm chính giọng hát của mình thì những quán Karaoke một người này cũng có đầy đủ thiết bị để khách có thể làm được điều đó.

Nhiều người Nhật rất thích đi hát Karaoke một mình bởi tại đó họ có thể thoải mái thể hiện bản thân, việc hát hay hay hát dở cũng không thành vấn đề. Hát karaoke một mình cũng giúp tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều, vì không cần phải chờ đợi người khác hát xong để đến lượt mình. Bên cạnh không gian thoải mái, thì những trang thiết bị hiện đại cũng là một trong những điểm thu hút với những người đang tìm kiếm không gian để luyện giọng, bởi nhìn qua thì Hitokara trông không khác gì một “phòng thu không chuyên”. 

  • Lần lượt mỗi người một bài

Nếu đã từng đi hát với người Nhật, du khách sẽ phát hiện ra họ thường hát theo thứ tự lần lượt từng người một chứ không theo kiểu lộn xộn ai thích hát thì hát như ở Việt Nam. Việc hát theo kiểu “xếp hàng” như vậy cũng khá hay vì nó đảm bảo tất cả mọi người đều được hát số lượng bài như nhau. Ngoài ra, trong khi hát, người Nhật không có thói quen xen vào bài hát của người khác. 

  • Đừng quên vỗ tay!

Dù là người thân hay khách hàng, đồng nghiệp,… sau khi một người nào đó trình bày xong một bài hát thì mọi người sẽ vỗ tay để khuyến khích sự tự tin của người hát. Sự cổ vũ là vô cùng cần thiết!

  • Karaoke – Phòng nghỉ lý tưởng để ngủ qua đêm

Các quán Karaoke ở Nhật Bản phần lớn đều mở cửa đến 5 – 6 giờ sáng hôm sau, nên nơi đây trở thành chốn nghỉ chân qua đêm lý tưởng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người đi làm về muộn hoặc vì một lý do nào đó bị lỡ mất chuyến tàu cuối cùng. Có rất nhiều lựa chọn nếu người Nhật bị lỡ chuyến tàu cuối như tìm kiếm một khách sạn giá rẻ hay một quán Cafe Internet, nhưng Karaoke có vẻ như là lựa chọn phổ biến hơn cả vì chúng khá phổ biến và chi phí cũng rất là rẻ. 

Du khách có cảm nhận thế nào về văn hóa Karaoke ở Nhật Bản? Chắc hẳn đã nhận ra nhiều điều khác lạ so với việc đi hát ở đất nước của mình đúng không nào? Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên trải nghiệm hoạt động thú vị này cùng hội bạn nhé!