Du khách đã “trót” yêu Hàn Quốc qua những thước phim cổ trang với khung cảnh đẹp mê ly, vậy đừng bỏ lỡ những địa điểm dùng làm bối cảnh cho bộ phim “Vương quốc thây ma”! Bộ phim hot khiến nhiều người ngẩn ngơ với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

“Vương quốc thây ma” là một bộ phim truyền hình lịch sử Hàn Quốc có chủ đề zombie đầu tiên. Bộ phim đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ sự độc đáo trong một bộ phim khai thác chủ đề cổ trang tưởng như đã quá cũ trên màn ảnh. Cốt truyện xoay quanh nhân vật Thái tử kế vị khi chàng chạy đua để tìm ra nguyên nhân của một bệnh dịch kì lạ đang bao trùm cả vương quốc. Du khách cũng có thể theo dõi nội dung câu chuyện bằng cách ghé thăm các bối cảnh của bộ phim này trong chuyến du lịch Hàn Quốc.

1. Cung điện Changdeokgung

Cung điện Changdeokgung là địa điểm được chọn làm bối cảnh chính cho phim “Vương quốc thây ma”. Giữa rất nhiều cảnh phim đẹp ở Cung điện Changdeokgung, 2 địa điểm đáng nhớ nhất đối với người xem là sảnh đường Gwallamjeong hướng về phía hồ Aeryeonji, và Điện Injeongjeon.

Sảnh đường có kiến trúc vô cùng độc đáo, với thiết kế tựa hình cánh quạt mở. Trong phim, sảnh đường là nơi mà Đương kim hoàng hậu (do diễn viên Kim Hye-jun thủ vai) chống lại những quốc sách của cha mình, Lãnh tướng Cho Hak-ju (diễn viên Ryu Seung-ryong thủ vai). Một cung điện được trang hoàng rực rỡ bên những hàng cây lá mùa thu soi bóng mình dưới mặt hồ Aeryeonji tĩnh lặng. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp yên bình ấy là một bí mật động trời, được hé lộ qua cảnh những binh lính trong cung đẩy một chiếc quan tài xuống hồ để tin tức về những sự kiện tồi tệ đã xảy ra trong cung được ngăn không lan truyền ra ngoài.

Điện Injeongjeon là tòa chính điện của Cung Changdeokgung, nơi ngai vàng an tọa và cũng là nơi nhà vua xử lý những vấn đề triều chính. Cái tên còn mang ý nghĩa “lan tỏa nên chính trị nhân đạo” với mục tiêu dẫn dắt quốc gia phát triển phồn vinh. So với các đại sảnh ở cung điện khác, Điện Injeongjeon ở Cung Changdeokgung đặc biệt lộng lẫy và được bảo tồn rất tốt. Điều này đã khiến cho địa danh này không ít lần xuất hiện trong các bộ phim truyền hình dài tập cũng như phim điện ảnh, bao gồm “Hoàng đế giả mạo” (Masquerade – 2012) và “Bi kịch triều đại” (The Throne – 2015). Trong phim “Vương quốc thây ma”, điện Injeongjeon là nơi quay cảnh cao trào của bộ phim khi Đương kim Hoàng hậu xuất hiện trước quan viên với vai trò Hoàng hậu nhiếp chính, đưa ra quyết sách thay cho Nhà Vua

2. Điện Tongmyeongjeon

Điện Tongmyeongjeon nằm trong Cung điện Changgyeonggung từng là nơi ở của Đương kim Hoàng Hậu trong phim “Vương quốc thây ma”. Trong tập đầu tiên, khán giả bắt gặp cảnh Thái tử quỳ ở ngoài đại sảnh để cầu xin Hoàng hậu cho phép mình đi gặp cha. Trong thực tế, điện này được dùng làm nơi ở của vua, đồng thời là địa điểm tổ chức các buổi yến tiệc vào một số dịp đặc biệt. Lý do này khiến tòa nhà trở nên đặc biệt hơn so với những tòa khác trong cung điện.

Phía trước Điện Tongmyeongjeon có dựng một bệ cao và rộng, nơi hoàn hảo để xếp chỗ vua ngồi cao hơn so với khách dự tiệc. Từ quan điểm kiến trúc, điện có một sự khác biệt khi không có yongmaru, một đường viền đá trắng trên mái nhà. Nguyên nhân chính xác chưa được xác định nhưng đã có nhiều học giả đưa ra lời giải thích rằng hình ảnh rồng, yong trong tiếng Hàn, là biểu tượng của nhà vua. Từ ý nghĩa đó, lời lý giải cho rằng hai vị vua cùng ở trong một tòa nhà là không hợp lẽ. Tòa nhà bên cạnh điện Tongmyeongjeon là điện Yanghwadang. Đây là địa điểm gặp gỡ giữa nhà vua và hoàng hậu hoặc với các phi tần. Vua Injo cũng lấy đây làm nơi nghị sự chuyện triều chính.

3. Điện Sungjeongjeon

Điện Sungjeongjeon ở Cung Gyeonghuigung được dùng làm địa điểm quay nơi ở của nhà vua, mặc dù trong phim gọi là Cung Gangnyeongjeon, nơi nhà vua ở tại cung Gyeongbokgung. Đây là nơi quay cảnh phim kinh hoàng khi Lãnh tướng Cho Hak-ju tiết lộ bí mật của nhà vua cho các bá quan thân cận trong triều đình trước khi một trong số họ bị bắt giữ vì tội làm phản. Bằng một động thái chính trị mạnh mẽ, ông đã có thể loại bỏ kẻ thù lớn nhất của mình đồng thời vẫn khiến những kẻ khác phải mãi mãi giữ sự câm lặng.

Ngoài đời thực, Điện Sungjeongjeon được dùng trong các lễ hội nhiều hơn, bao gồm lễ đăng quang của nhà vua. Đây là nơi rộng lớn nhất và được bài trí, trang hoàng đẹp nhất Cung Gyeonghuigung. Một địa điểm nổi bật khác trong cung chính là Điện Jajeongjeon, tọa lạc ở phía sau Điện Sungjeongjeon, nơi nhà vua có những buổi họp bí mật. Bảo tàng Lịch sử Seoul nằm ngay phía ngoài của cung điện nên du khách lại có thêm một địa điểm tuyệt vời để khám phá.

4. Làng truyền thống của Hàn Quốc

Tìm hiểu lịch sử thông qua những vật trưng bày ở bảo tàng đôi khi khiến du khách cảm thấy thật nhàm chán và xa cách. Để đưa mình quay trở về thời xa xưa, còn gì tuyệt vời hơn một chuyến đi đến Làng truyền thống của Hàn Quốc. Tuy không phải là một ngôi làng thực sự như Làng Hahoe ở Andong hay làng Yangdong ở Gyeongju, nhưng địa danh này là nơi hội tụ vô vàn kiểu nhà với phong cách thiết kế ở thời Joseon, bên cạnh những cửa hàng hay những ngôi nhà điển hình thời đó, còn có Văn phòng Chính phủ, giảng đường, tiệm thuốc thảo dược, và một ngôi chùa. Văn phòng Chính phủ đặc biệt nổi bật trong cảnh phim của “Vương quốc thây ma” nơi dịch bệnh thây ma hoành hành ở Dongnae. Du khách có thể tận mắt chứng kiến nơi quay cảnh những thi thể được tìm thấy ở Jiyulheon trước khi chúng tỉnh dậy lúc nửa đêm và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho dân làng.

5. Phim trường ngoài trời Mungyeongsaejae

Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, Hoàng hậu Nhiếp chính đã ra lệnh đóng tất cả các cổng ở thành Mungyeongsaejae. Đứng trước cổng Juheulgwan, du khách chắc hẳn sẽ nhớ về một cảnh phim nhuốm màu bi thương, nơi người dân phía Nam nhận ra đội binh Ngũ quân không hề đến để cứu họ, mà để chống lại họ. Phim trường Mungyeongsaejae, địa điểm của nhiều cảnh quay phố thị, nằm cách cổng thành khoảng 10 phút đi bộ. Cảnh những vị quan cao cấp đi qua cổng Gwanghwamun để diện kiến Nhà Vua.

Phim trường ngoài trời được thiết kế để quay những bộ phim truyền hình cổ trang và đã để lại dấu ấn trong rất nhiều bộ phim, có thể kể đến: “Quân vương giả mạo” (The Crowned Clown – 2019), “Cao Ly Thái Tổ” (Taejo Wang Geon – 2000) và “Săn nô lệ” (The Slave Hunters – 2010). Phim trường còn có chương trình trải nghiệm mặc áo Hanbok. Chỉ với một khoản phí nho nhỏ, du khách đã có thể hóa thân thành một nhà vua uy quyền hay một hoàng hậu lộng lẫy trên ngai vàng.

6. Vách đá Suseungdae

Liệu ai đã từng xem phim có thể quên được cảnh phim kinh dị khi Thái tử và thị vệ thân cận Moo-young bị truy đuổi bởi một đám thây ma cho đến khi bị buộc phải nhảy xuống sông. Cảnh phim được quay ở vách đá Suseungdae thuộc Geochang, tỉnh Gyeongsangnam.

Nơi đây mang đến cho du khách cảm giác đặc biệt với vách đá sừng sững hai bên. Ở thời Joseon, đây là điểm dừng chân của các vị học giả để tu tâm và suy ngẫm. Đến Suseungdae, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên xanh mát. Cùng với đó là vác đá độc đáo khiến liên tưởng tới chú rùa khổng lồ đang tắm nắng bên làn nước trong xanh.

7. Núi đá Buyongdae

Núi đá Buyongdae, hướng nhìn về làng Hahoe ở Andong, từng được dùng trong cảnh quay con thuyền chở thây ma bị đắm bên bờ sông. Đây là khoảnh khắc đầu tiên thầy giáo cũ của Thái tử xuất hiện trong phim, thầy An Huyn (do Heo Joon-ho thủ vai) sau khi xuống núi.

Mặc dù Buyongdae chỉ xuất hiện trong chớp nhoáng, nhưng sự kết hợp hài hòa giữa dốc đá hiểm trở và đường nét uốn lượn mềm mại của dòng sông Nakdonggang rộng lớn đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trên màn ảnh. Hãy cùng chinh phục đỉnh núi này để có những giây phút ngắm nhìn trọn vẹn toàn bộ khung cảnh hùng vĩ ấy.

8. Thác nước Bidulginangpokpo

Thác nước Bidulginangpokpo nằm trong Công viên địa chất sông Hantangang ở Pocheon được biết đến như thung lũng Băng giá, nơi nữ thầy thuốc Seobi (diễn viên Bae Doona) tìm thấy được Cỏ Hồi Sinh mà cô đã kiếm tìm bấy lâu nay. Đây cũng là nơi cô nhận ra tất cả những gì mọi người biết về các thây ma đều sai. Trong phim, khu vực này được miêu tả là nơi mây mù phủ kín và đầy băng giá quanh năm. Song, trong thực tế, khu vực này có đủ 4 mùa như bất cứ nơi nào khác ở Hàn Quốc. Trong quá khứ, hàng trăm con chim bồ câu lấy hang đá ở đây làm nơi cư trú, khiến nó trở thành lý do thác nước được đặt tên như hiện nay (“Bidulgi” trong tiếng Hàn có nghĩa là “chim bồ câu”).

Vậy là chúng tôi đã vừa “bật mí” xong cho du khách 8 địa điểm nổi bật nhất được sử dụng làm bối cảnh trong bộ phim “Vương quốc thây ma”. Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, du khách hãy thử ghé thăm những địa điểm này nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!