Hàn Quốc từ lâu đã nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa văn hóa lâu đời, chẳng hạn như những Pháo đài cổ. Đây là những công trình có ý nghĩa lịch sử tiêu biểu cho lối kiến trúc quân sự bảo vệ thành trì tại Châu Á trước đây, chúng được ví như “Vạn lý trường thành” của Hàn Quốc.
1. Pháo đài Hanyang Doseong
Pháo đài Hanyang Doseong với tổng chiều dài là 18km uốn lượn lên xuống theo những đỉnh núi xung quanh Seoul, nối theo các thung lũng của khu vực có địa hình thấp và quanh toàn bộ Seoul. Ngày nay, còn lại khoảng 12 km tường thành và phần lớn là ở khu vực đồi núi. Ngoài ra thì còn 3 trong số 4 cổng thành chính và còn một phần trong số bốn cổng thành phụ. Thực tế, phần tường thành vẫn đang duy trì vai trò vốn có của nó.
Pháo đài Hanyang Doseong có lịch sử lâu đời như lịch sử của Seoul. Việc xây dựng được bắt đầu từ năm 1395 sau khi vua Lee Seong-gye là vị vua khai sáng thời Jo-seon rời đô vê Seoul. Khi đó đã huy động được gần 197.400 người để dựng lên bức tường thành và thật đáng ngạc nhiên là việc hoàn thành chỉ mất 98 ngày. Thông thường, tường thành ở khu vực có địa thế bằng phẳng được làm bằng đất, ngược lại khu vực đồi núi được làm bằng đá. Khi thực hiện công việc tu sửa bao quát lại thành, người ta đã xây lại tất cả những phần bằng đất thành đá. Và sau đó cũng phải trải qua những lần sửa chữa như xây lại với quy mô lớn năm 1704, Pháo đài Hanyang Doseong đã có hình dáng gần với hiện tại nhất.
Với điều kiện địa thế phong thủy tuyệt vời như có núi vây quanh phía Bắc, và có Sông Hàn chảy theo phía Nam, Seoul đã được vua lựa chọn để xây dựng pháo đài. Và Pháo đài Hanyang Doseong được thiết kế để có thể ôm chặt được môi trường thiên nhiên đó. Tường thành lên lên xuống xuống theo một đường của 4 núi bao quanh Seoul theo đường viền xung quanh thành phố. Phần phía trong của tường thành vì đã được làm bằng đất nên mang lại sự hoàn hảo hơn, tạo thành thể thống nhất có hệ thống với những dãy núi xung quanh.
Cổng vào của các Pháo đài hay của thủ đô đều được kiểm soát qua 4 cửa chính và 4 cửa phụ. 4 cửa chính được xây dựng tại 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. 4 cửa chính có nền xây bằng đá, cửa hình vòm, kiến trúc thượng tầng bằng gỗ ở phía trên đó. Trong số 4 cửa chính có 3 cửa vẫn còn tồn tại, cửa của tiền tài (cửa chính phía Tây) đã bị Đế quốc Nhật Bản năm 1915 sử dụng xe tăng phá hủy phía trên bề mặt. Trong số các cửa chính, cửa Heunginjimun (cửa chính phía Đông đang được bảo tồn tốt nhất, nó mang hình dáng được xây dựng lại vào năm 1869. Sungnyemun (cửa chính phía Nam) là công trình kiến trúc lâu đời nhất ở Seoul và là quốc bảo số 1. Khác với ba cửa chính được xây trên khu vực bằng phẳng, cửa Sukjeongmun (cửa chính phía Bắc) nằm ở vị trí rộng rãi của núi Bukak. Và một điểm khác nữa là hầu như người ta không sự dụng cửa SukJeongmun để lưu thông mà hơn hết nó đã được sử dụng với mục đích cúng tế.
Trong số 4 cửa phụ thì có 3 cửa vẫn đang tồn tại. Gần đây, chỉ có 2 cửa trong số đó đã được khôi phục nguyên hiện trang. Cửa phụ được bảo tồn tốt nhất là cửa Changeuimun (cửa phía Tây Bắc) được xây dựng năm 1396 và có kiến trúc thượng tầng bằng gỗ được xây dựng năm 1740.
2. Pháo đài Namhansanseong
Pháo đài Namhansanseong nằm trên núi Namhan thuộc tỉnh Gyeonggi, cách trung tâm Seoul 25km về phía Đông Nam. Theo lịch sử Hàn Quốc thì Pháo đài này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 và được sử dụng như là thành phố phòng vệ của triều đại Joseon tại Hàn Quốc (1392-1910). Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử tiêu biểu cho lối kiến trúc quân sự bảo vệ thành trì tại Châu Á trước đây, pháo đài được ví như “Vạn lý trường thành” của Hàn Quốc. Bên cạnh mục đích phòng thủ, Namhansanseong cũng được sử dụng làm hoàng cung – nơi ở của vua và hoàng thất. Chính vì vậy, đây là thủ đô dã chiến lớn nhất, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại.
Pháo đài Namhansanseong nằm ở độ cao 500m, thành trong dài 9km, thành ngoài dài 2,7km. Thành có đặc điểm là tường thành bên trong thấp và mỏng nhưng tường thành bên ngoài lại cao và hiểm trở. Tường thành có rất nhiều hình dạng và vai trò khác nhau như Wonseong (Nguyên thành), Weseong (Ngoại thành), Chiseong (Trĩ thành), Ongseong (Úng thành). “Nguyên thành” là bức tường thành chính dài 8km. Sau khi bị tấn công, Vua Injo cho xây thêm “Ngoại thành” là bức tường thành bên ngoài để bảo vệ. Ngoài ra còn có “Trĩ thành” là những bước tường thấp trên mặt thành. “Úng thành” được xây chụm lại giống hình chiếc chum, nhằm bảo vệ cửa thành và ngăn cản đợt tấn công đầu tiên của quân địch. Tại Namhansanseong, cả “Trĩ thành” và “Úng thành” đều được xây tại năm nơi, “Úng thành” được xây hẳn ra ngoài thành làm nhiệm vụ bảo vệ và bao bọc lấy thung lũng bên trong.
Ngoài 4 cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc, thành còn có tới 16 cửa bí mật, là nơi để đón quân tiếp viện, nhận vũ khí, lương thực.
Trong Pháo đài Namhansanseong có đặt 4 tổng hành dinh, hiện chỉ một cái còn nguyên vẹn, đó là dinh phía Tây với độ cao 453m. Tại đây, du khách như được xuôi dòng lịch sử trở về với thời kỳ oanh liệt nhất trong lịch sử Hàn Quốc với các dấu son hào hùng như tầng một tổng hành dinh là nơi Vua Injo đã từng đứng chỉ huy các đội binh nỗ lực chống lại 130.000 quân Manchu xâm lược vào năm 1636… Cùng nhiều sự kiện gắn liền với mỗi kiến trúc nơi này ghép thành một tác phẩm lịch sử oai hùng của Hàn Quốc.
Khi đến thăm Pháo đài Namhansanseong, du khách còn có cơ hội tham quan các địa danh hấp dẫn khác như: Chongnyangdang Shrine, Yonmugwan và Chimgoejong Pavilion… và một số ngôi chùa nằm ẩn sau các Pháo đài. Chùa Gaewonsa là trung tâm đầu não của Phật giáo Hàn Quốc. Các kho vũ khí, đồn lũy, nhà canh gác… vẫn được lưu giữ, cho khách tham quan. Ở phía Bắc Pháo đài Namhansanseong còn có Công viên Quốc gia Pukhansan với phong cảnh thiên nhiên lộng lẫy và hữu tình.
Đến với Namhansanseong, du khách có thể thỏa sức khám phá cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên đỉnh núi cao. Vào mùa thu là sắc màu đỏ sẫm của lá thu như tấm thảm dệt phủ kín lưng trời. Vào mùa hè, màu xanh tươi mát của cây rừng bao phủ toàn bộ ngọn núi. Ngoài ra, trải nghiệm đi bộ dọc theo 5 con đường mòn dài trong Namhansanseong sẽ là một trải nghiệm cực kỳ độc đáo, thú vị mà du khách không nên bỏ qua.
3. Pháo đài Hwaseong
Hwaseong là pháo đài bằng gạch, đá của triều đại Joseon (1392-1910) tọa lạc tại thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi. Công trình được Vua Jeongjo (1752-1800) cho xây dựng vào năm 1796 với mục đích phòng thủ, và là nơi lưu giữ hài cốt của cha mình – Trang Hiến Thế tử (1735-1762). Với thiết kế khoa học và chi tiết, Hwaseong là một trong những pháo đài quân sự kiên cố nhất tại Châu Á. Ảnh: seoulkorea.
Khác với nhiều Pháo đài ở Trung Quốc và Nhật Bản, Hwaseong là khu phức hợp pháo đài kết hợp các chức năng như quân sự, chính trị và thương mại. Công trình không những thể hiện bước phát triển của kỹ thuật xây dựng thời Joseon, mà còn phản ánh sự giao thoa thành tựu khoa học kỹ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Ngoài ra, Pháo đài Hwaseong đã ảnh hưởng lớn đến kiến trúc, quy hoạch đô thị và cảnh quan của Hàn Quốc hiện đại.
Các bức tường thành đồ sộ của Pháo đài Hwaseong dài 5,74km bao quanh khu vực có diện tích 130 hecta. Hầu hết hạng mục vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, bao gồm cửa xả lũ, tháp canh, tháp phóng tên, tháp pháo, tháp báo hiệu, trạm chỉ huy, cánh cổng bí mật và boongke (công sự để ẩn nấp và chiến đấu). Đúng như tên gọi “Hoa thành”, pháo đài là công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khi tận dụng hiệu quả điều kiện địa hình (ngọn núi, con suối) trong quá trình xây dựng.
Pháo đài Hwaseong gồm 4 cổng chính: cổng phía Tây (Hwaseomun) và phía Đông (Changnyongmun) có một tầng, trong khi cổng phía Bắc (Janganmun) và phía Nam (Paldalmun) là những công trình hai tầng bằng gỗ. 4 cửa thành được xây dựng theo cấu trúc thành kép, với thành chính được bảo vệ bởi lớp tường thành hình bán nguyệt bên ngoài gọi là Ongseong (Ủng thành). Trong đó, Paldalmun trở thành hình ảnh biểu tượng cho Pháo đài Hwaseong. Tên gọi Paldalmun mang ý nghĩa “cánh cổng mở ra con đường đi muôn nơi”.
Nằm tại phía Đông chân đồi Paldalsan trong Pháo đài Hwaseong là Cung điện Haenggung được xây dựng năm 1789. Đây từng là nơi ở của vua Jeongjo khi ông đến Suwon viếng mộ cha mình. Cung Haenggung được xây dựng theo hình chữ nhật gồm 22 tòa nhà với 600 gian phòng. Cổng chính vào cung điện nằm ở trung tâm Suwon. Khi vua không ở, cungHaenggung sử dụng làm trụ sở hoạt động chính của các quan lại vùng Suwon; tổ chức lễ mừng thọ hoàng gia, đại tiệc cho bô lão và các kỳ thi quốc gia.
Ngày nay, trước cổng vào cung điện được sửa chữa thành một trung tâm dịch vụ du lịch 3 tầng với một phòng triển lãm và rạp chiếu phim 3D… Gần Cung điện Haenggung là điện thờ Hwaryeongjeon, xây dựng vào năm 1801, lưu giữ bức chân dung của vua Jeongjo.
4. Pháo đài Chok-suk
Pháo đài Chok-suk hay còn gọi là “Pháo đài Jinjuseong” từ lâu được xếp vào top những thắng cảnh nổi tiếng của Hàn Quốc và là điểm đến ấn tượng thu hút đông đảo khách đến tham quan.
Đứng sừng sững bên dòng sông Nam hiền hòa, Pháo đài Chok-suk từng chứng kiến một người vợ lẽ của một vị quan trong triều dưới thời Shosun đã nhảy xuống dòng sông nguyên sinh, cùng với một tướng Nhật sau khi Lâu đài Jinju rơi vào tay thủy binh Nhật. Sự kiện đó được ghi khắc lại và Pháo đào Chok-suk như một chứng tích đến bây giờ vẫn còn đó. Qua những thăng trầm lịch sử, Pháo đài Chok-suk vẫn kiên cố, vẫn lạnh lùng ngày ngày nhìn về dòng sông Nam lịch sử.
Đến với Pháo đài Chok-suk, du khách sẽ được chiếm ngưỡng một tác phẩm kiến trúc kỳ vĩ với những bức tường thành kiên cố. Trong lịch sử của Hàn Quốc, Pháo đài Chok-suk là một trong số những Pháo đài quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ đất nước khỏi bị xâm lấn. Ngoài giá trị lịch sử và những đóng góp về văn hóa, ngày nay Pháo đài Chok-suk còn là cảnh quan để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nơi du khách.
Pháo đài Chok-suk nằm trong một quang cảnh tĩnh lặng nên mang một vẻ đẹp vừa hư vừa thực, huyền ảo và đầy hoài niệm. Người ta bảo, Pháo đài Chok-suk là nơi cộng hưởng những yếu tố lịch sử với một câu chuyện bi thương cùng với kiến trúc, cảnh vật tạo nên một sắc thái lạ lùng.
Nếu du khách muốn thực hiện một chuyến du lịch Hàn Quốc và tham quan 4 Pháo đài nổi tiếng như chúng tôi đã giới thiệu trên đây, chắc chắn là một lựa chọn không tồi. Du khách sẽ có một chuyến đi đáng nhớ với những trải nghiệm mới lạ và thú vị!