Nhắc đến nước Úc, người ta thường nghĩ ngay đến biểu tượng những cánh buồm tại “thành phố Cảng” Sydney sôi động hay Melbourne – nơi 7 lần được vinh danh là thành phố đáng sống nhất thế giới. Ít nổi bật hơn nhưng không kém phần tinh tế, Canberra – trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước Úc, được đánh giá như một tổ hợp nghệ thuật đương đại, nơi dành cho những con người yêu tự do và không ngừng sáng tạo.
Thành phố Canberra tọa lạc ở phía Bắc của nước Úc, được thành lập từ năm 1913 và mang tên gọi xuất phát từ tiếng Thổ dân với ý nghĩa “nơi hội tụ”. Đây thực sự là nơi đặc biệt trong văn hóa Úc, được biết đến với cái tên “thủ đô bụi rậm” bởi vì không gian nội thành toàn bộ được trang trí bằng các khuôn viên xanh mướt, không có những tòa nhà cao ốc nhiều như ở các thành phố lớn khác.
Nổi bật với kiến trúc mang phong cách nhà vườn, thành phố này hòa quyện hài hòa với thiên nhiên, tạo nên một không gian sống đầy tươi mới và sức sống. Canberra không chỉ là một thành phố, mà còn là một tổ hợp nghệ thuật đương đại, là điểm đến của những người yêu tự do và sự sáng tạo không ngừng. Ở đây, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của những danh thắng cảnh đẹp và các công trình kiến trúc độc đáo, là minh chứng cho sự phát triển và sự đổi mới của Úc trong thế kỷ vừa qua.
1. Khu bảo tồn thiên nhiên Tidbinbilla
Khu bảo tồn thiên nhiên Tidbinbilla rộng 54,5km2 nằm nép mình giữa hai rặng Gibraltar và Tidbinbilla Ranges, tại một thung lũng rậm rạp và tương đối yên tĩnh, phía Bắc dãy núi Alps của Úc. Đặc biệt, thung lũng này là nơi sinh sống quần tụ của nhiều giống loài động vật hoang dã và vẫn còn lưu giữ một vài dấu tích đáng giá của lịch sử thổ dân.
Tham quan nơi này, du khách sẽ cảm thấy bị thu hút đặc biệt bởi những con đà điểu Úc dáng đi khệnh khạng, những chú Kanguru tự do nhảy lóc cóc trên đồng cỏ, những chú Kanguru chân to thản nhiên đứng nhìn và những con vẹt mào đẹp mắt. Du khách cũng có thể chọn tham quan bằng cách đi bộ hoặc đạp xe qua những con đường lát đá, những con đường mòn phải vạch cây cối để tìm được lối đi. Hoặc du khách cũng có thể lái xe và tìm một điểm dừng chân để ngắm nhìn toàn cảnh Thung lũng Tidbinbilla hoang dã, ẩn chứa bao điều tuyệt vời của thiên nhiên rộng lớn,
Ngoài ra, tại đây còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác, được tổ chức vào cuối tuần dành cho trẻ em và các gia đình, cũng như các đoàn học sinh đi thực tế. Khu bảo tồn thiên nhiên Tidbinbilla thực sự là một nơi lý tưởng không chỉ dành cho dân nghiên cứu, người yêu thích thiên nhiên, mà còn là thiên đường đối với trẻ em để thỏa sức tìm hiểu và học hỏi, cũng như đây là một nơi thật tuyệt vời để nghỉ hè.
2. Vườn Bách thảo Quốc gia Úc
Vườn Bách thảo Quốc gia Úc nằm gần Cảng Sydney là nơi trưng bày bộ sưu tập thực vật bản địa nổi tiếng lớn nhất thế giới. Những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn rải rác khắp các khu vườn, có hơn 78.000 cây từ khắp mọi miền đất nước, chiếm 1/3 trong tất cả các loài ở đây. Mỗi loại thực vật lại mang đến những vẻ đẹp khác nhau, nơi đây đem đến cho du khách cảm giác tuyệt diệu về sự đa dạng tự nhiên và môi trường sống phong phú kỳ diệu của thực vật ở vùng này. Các loài thực vật được phân chia theo nguồn gốc địa lý khác nhau, có các bảng tên ghi chú đầy đủ thông tin mỗi loài, từ các khu rừng mưa nhiệt đới đến các vườn hoa bản địa màu sắc rực rỡ. Ngoài ra, còn có các khu vực trưng bày những loài thực vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
3. Núi Ainslie
Núi Ainslie cao 843m nằm ở phía Đông Bắc Canberra. Tại đây có khu bảo tồn tự nhiên Núi Ainslie là một bộ phận thuộc Công viên Tự nhiên Canberra. Trên núi có một trạm quan sát Ainslie, địa điểm lý tưởng để dẫn bạn bè hoặc người thân lên đây chiêm ngưỡng khung cảnh choáng ngợp bao quát toàn thành phố.
Người dân lên núi Ainslie chủ yếu để phục vụ thể thao như đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc dắt thú cưng đi dạo. Lối đi bộ tại đây có cầu thang và bờ ngăn khá ăn toàn. Ước tính mỗi ngày có trên dưới 200 người đi lại qua đây để lên đỉnh núi. Dọc đường đi có một vài bia tưởng niệm những chiến sĩ hi sinh trong Thế chiến II tại Papua New Guinea. Ngoài ra, trên núi cũng có đường đi riêng phục vụ cho những người yêu thích bộ môn cưỡi ngựa.
Thảm thực vật trên núi Ainslie rất đa dạng, chuyển từ rừng khô trên sườn núi cho đến những khoảng rừng xanh rì ở lưng chừng núi. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như lan nhện Canberra, cúc bất tử (hoary sunray), vẹt mào đen, chim rừng,…
4. Hồ Burley Griffin
Burley Griffin là một hồ nước nhân tạo được đặt tên theo vị kiến trúc sư đã xây dựng nó, chiều dài lên đến 35km, diện tích 704 hecta, được khởi công vào năm 1963 sau khi sông Molonglo bị vỡ đập khiến một lượng nước lớn tràn vào thành phố.
Đến tham quan hồ, du khách có thể thuê thuyền bơi tại Bến phà công viên Acton (Acton Park Ferry Terminal) ở phía Nam hồ bởi mặt hồ rất rộng và lặng sóng. Du khách cũng có thể thuê xe đạp hay ván trượt tại đó. Ở phía Bắc hồ, tại Mũi Regatta có đặt một mô hình địa cầu đánh dấu 3 hải trình vĩ đại nhất của thuyền trưởng James Cook, người đã có công tìm ra phần bờ Đông của châu Úc. Tại đây cũng đối diện với Tháp phun nước Thuyền trưởng Cook, nơi tạo ra những cột nước cao tới 147m với khối lượng nước lên đến 6 tấn. Gần đó là khu triển lãm National Capital Exhibition. Nơi này giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển thủ đô Canberra. Ngoài ra, từ khu triển lãm đó, du khách sẽ có được khung cảnh lý tưởng nhất để ngắm nhìn Tháp phun nước thuyền trưởng Cook.
Xa hơn về phía Đông là Ngôi nhà đá của Blundell được xây vào năm 1860, trước cả khi đất nước Úc được thành lập. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc sống của những người nông dân bản địa vào thế kỷ XIX. Gần đó là công viên King nơi đặt chiếc tháp chuông nổi tiếng National Carillon. Chiếc tháp chuông khổng lồ này do Chính phủ Anh trao tặng Úc vào năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Canberra. Bên trong là 55 chiếc chuông đúc, mỗi chiếc nặng 6 tấn.
5. Khu Yarralumla
Yarralumla là một khu ngoại thành lớn ở phía Nam của Canberra. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3,5km về phía Tây Nam, khu vực Yarralumla trải dọc theo bờ Tây Nam của hồ Burley Griffin. Sau này, khu đô thị Yarralumla được quy hoạch lại bởi chính phủ vào năm 1928, tới năm 2011 đây đã là nơi sinh sống của gần 3.000 người và rất nhiều các đại sứ quán. Trong các năm gần đây, khu vực này đã trở thành một trong những địa điểm sinh sống đáng mơ ước và cũng xếp vào hàng đắt đỏ bậc nhất ở Canberra nhờ vào những con đường rộng thênh thang rợp bóng cây, cảnh quan ven hồ thơ mộng và vị trí trung tâm đắc địa.
Ở Yarralumla cũng là nơi tập trung rất nhiều những tòa nhà chính phủ và nhiều công trình dân sự nổi tiếng khác như: Royal Canberra Golf Club hay Sở thú Quốc gia và Viện Hải dương.
6. Vùng Braddon
Ngay phía Bắc trung tâm thành phố, vùng Braddon nổi tiếng của Canberra có các quán cafe, quán bar và nhà hàng nằm rải rác. Đây cũng là nơi tọa lạc của khu phức hợp bán lẻ Ori Building mang tính biểu tượng trên đường Lonsdale St. Sẽ thật tuyệt vời khi dành vài giờ khám phá các cửa hàng thiết kế và cửa hàng thời trang kỳ quặc giữa bữa trưa và giờ nghỉ giải lao. Sau giờ làm việc, có rất nhiều người lựa chọn nếm thử các loại bia được ủ tại cơ sở ở BentSpoke Brewpub, hoặc dùng bữa với các món ăn hiện đại của Úc trong không gian đẹp mắt tại Eightysix.
7. Công viên Weston
Công viên Weston nằm ở bán đảo phía Tây của hồ Burley Griffin tại Canberra, Úc. Vào năm 1963, công viên được đặt tên theo ông Charles Weston – người đã lập ra nhà trẻ Yarralumla vào năm 1914. Với ba bề đều là mặt nước, khu vui chơi cho trẻ em, khu dã ngoại với chỗ ăn picnic và dụng cụ để nướng thịt ngoài trời, Công viên Weston là một địa điểm ưa thích của người dân trong vùng đến để dã ngoại và vui chơi vào mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ lễ. Bên trong công viên cũng có một mê cung và một đường tàu hỏa nhỏ để vui chơi.
8. Công viên Commonwealth
Commonwealth là một công viên rộng lớn chạy từ trung tâm thành phố đến rìa hồ Burley Griffin. Đây là nơi lý tưởng để đi dạo, vui chơi và dã ngoại trên những bãi cỏ trải dài xanh mơn mởn, những khu vườn, ao hồ trong trẻo và nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gần gũi.
Công viên sở hữu một không gian đầy hương sắc với những bông hoa muôn màu rực rỡ bên cạnh đài phun nước lớn mang đến một không gian tươi mới và sạch sẽ. Nhìn từ trên đỉnh của bánh xe Ferris, du khách sẽ kinh ngạc khi có thể quan sát những bông hoa được xếp thành các hình thù độc đáo và rất ấn tượng.
Diện tích của công viên rất lớn bao gồm một sân khấu lớn ngoài trời, một giảng đường và sân chơi cho trẻ em bao gồm Sân chơi Boundless. Đây là nơi được chọn để tổ chức Triển lãm Quốc gia tại Regatta Point và National Carillon. Ngoài ra, Commonwealth còn là địa điểm tổ chức Lễ hội hoa Floriade vào tháng 9, tháng 10 thường niên, nó được trang trí theo các chủ đề khác nhau đầy màu sắc rực rỡ và quyến rũ, sôi động và tràn đầy sức sống.
9. Công viên Cockington Green
Cockington Green là một công viên nhỏ thu hút đông đảo khách du lịch bởi những tòa nhà thu nhỏ có kiến trúc mới mẻ và độc đáo, được làm thủ công tỉ mỉ tọa lạc tại Làng Canberra Lạch Vàng. Ở đây, sở hữu những ngôi nhà và tượng đài từ hơn 30 quốc gia khác nhau để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng lữ khách.
Nếu du khách là người yêu thích các câu chuyện cổ tích, khi đến đây du khách sẽ có cảm giác mình như người khổng lồ lạc vào xứ sở tí hon, như một giấc mơ có trong hiện thực, mang đến cảm giác vừa mới mẻ vừa thú vị. Tham quan khu vườn bạn sẽ nhận ra khu vườn này có những tác phẩm thuộc 6 chủ đề: trái đất, giao thông, nhận thức, khoa học, năng lượng và miniQ. MiniQ là chủ đề đặc biệt dành riêng cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nơi này là địa điểm có thể lựa chọn cho những chuyến đi để trải nghiệm niềm vui gia đình bởi nó phù hợp với mọi lứa tuổi. Và không thể bỏ qua chuyến đi bằng tàu hơi nước thu nhỏ, đó là một niềm vui cho tất cả mọi người. Ngoài ra, Cockington Green cũng thường xuyên có các buổi triển lãm và thuyết trình về khoa học rất đặc sắc.
10. Toà nhà Quốc hội
Toà nhà Quốc hội là trái tim của nền dân chủ Úc. Đây là một trong những toà nhà Quốc hội hiếm hoi trên thế giới mở cửa cho công chúng tham quan.
Thiết kế của tòa nhà thuộc về một công ty kiến trúc tại New York tên là Mitchell/Giurgola & Thorp. Phần sân trước tòa nhà rộng 196m2 do nghệ sĩ Michael Nelson Jagamara thiết kế và trang trí theo nghệ thuật mosaic. Micheal chia sẻ về ý nghĩa bức tranh mosaic trên sân chính là phản chiếu của những giấc mơ, giấc mơ của người dân Úc và của Chính phủ Úc. Đó cũng là nhiệm vụ của chính quyền, luôn đặt lợi ích đất nước lên trên hết và hiện thực hóa giấc mơ của nhân dân.
Khu Đại Tiền sảnh được coi là bộ mặt của toà nhà. Đây là không gian chào đón khách du lịch tới tham quan. Đồng thời, mỗi khi có một sự kiện tổ chức ở sân trước thì phần tiền sảnh chính là hậu đài, nơi những chiếc máy quay luôn hướng về. Bởi vai trò quan trọng đó nên khu Đại Tiền sảnh được trang trí bằng những nguyên liệu hết sức sang trọng. Phần vỉa hè ngoài lối vào được lát đá granite Christmas Bush đỏ, được vận chuyển từ Oberon về. Phần tường ở mặt tiền được lát đá cẩm thạch Paradise White Carrara của Ý.
Đi vào bên trong là Tiền sảnh được trang trí hoàn toàn bằng đá cẩm thạch nên còn có tên gọi là Tiền sảnh Cẩm thạch. Tại đây có 48 cột đá cẩm thạch màu xanh và hồng, tượng trưng cho màu của cây cối đất đai tại Úc. Đây cũng là 2 màu đặc trưng của 2 phòng họp Hạ viên và Thượng viện Úc. Phần đá lát màu xanh là đá cẩm thạch Cipollino của Ý, còn đá hồng là cẩm thạch Atlantide Rosa của Bồ Đào Nha. Phần mặt sàn bên dưới được trang trí những hình cầu, hình bán cầu, hình tam giác và được lát đá cẩm thạch Paradise White và đá granite đen của Bỉ. Điều đặc biệt ở những phiến đá granite này là bên trong chúng chứa đầy hoá thạch của những sinh vật phù du biển có niên đại khoảng 345 năm như: san hô, hải miên, huệ biển,… và chúng hoàn toàn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Phần tường được lát bởi 20 miếng gỗ khảm với nhiều hoạ tiết trang trí mô phỏng những loài thực vật biểu trưng của đất nước. Hai lối lên cầu thang cũng được lát đá cẩm thạch có tạo hình dựa trên hình dáng những hạt giống của các loài cây tại Úc do nghệ sĩ điêu khắc Anne Ferguson thực hiện.
Lên đến Đại sảnh là nơi diễn ra những buổi đón tiếp long trọng, tổ chức yến tiệc hoặc những sự kiện mang tầm quốc gia. Toàn bộ không gian Đại sảnh đều được lát bằng nhiều loại gỗ quý như: bạch dương, brushbox, bạch đàn, gỗ mun. Ngoài những loại gỗ tiêu biểu của nước Úc thì trong đó, gỗ mun lại là món quà do nước Papua New Guinea gửi tặng. Tại đây còn đặt một trong những bức thảm thêu lớn nhất thế giới có diện tích 180m2, mô tả lại phong cảnh khu rừng bạch đàn của nghệ sĩ người Úc Arthur Boyd.
Ngoài ra, bên trong toà nhà Quốc hội còn có phòng họp của Thượng viện và Hạ viện, Nhà giải lao và phòng trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bên cạnh đó, nếu có hứng thú, du khách có thể ngồi trong một căn phòng được thiết kế riêng để theo dõi phiên chất vấn của những chính khách Úc.
11. Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc
Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc ngày nay vừa là một ngôi đền tưởng niệm, một khu lưu trữ rộng lớn lại vừa là một bảo tàng cấp quốc tế. Nơi đây vinh danh những người dân Úc đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh, đồng thời nhắc nhở những người ở lại và khách ghé thăm luôn ghi nhớ công lao người đi trước và những ảnh hưởng lâu dài mà chiến tranh đã để lại trong cộng đồng.
Ý tưởng xây dựng công trình này bắt đầu từ Charles Bean. Công cuộc thành lập Đài tưởng niệm bắt đầu từ năm 1917 với việc xây dựng một khu hiện vật chiến tranh Úc, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật chiến tranh. Lieutenant John Treloar khi ấy được chỉ định làm giám đốc thường trực. Sau này, ông đã trở thành giám đốc của Đài tưởng niệm từ năm 1920 và tại chức cho đến khi ông qua đời vào năm 1952. Trong những năm Treloar quản lý, Khu Hiện vật chiến tranh Úc đã thu thập được hơn 25.000 mẫu vật từ Thế chiến I.
Mặc dù được lên kế hoạch xây dựng từ lâu nhưng Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc vẫn chưa được thi công chính thức. Mãi đến năm 1927, hai kiến trúc sư tại Sydney là Emil Sodersteen và John Crust được mời tới Canberra để thiết kế thi công công trình. Nhân Ngày Anzac (Australian and New Zealand Army Corps, tạm dịch là ngày “tưởng niệm những chiến sĩ trong liên quân Úc-New Zealand đã hy sinh”), những viên gạch đầu tiên đã được đặt xuống vào năm 1929 bởi đích thân ngài Tổng Toàn quyền đương thời. Công trình mất hơn chục năm xây dựng và hoàn thành trong lúc Thế chiến 2 đang diễn ra, bởi vậy, những người thành lập đã quyết định mở rộng thêm một khu dành riêng cho cuộc chiến này. Công trình tiếp tục được mở rộng đến năm 1952, tất cả những cuộc chiến tranh có sự tham gia của binh sĩ Úc đều được trưng bày.
Hiện nay, khu vực thu hút nhiều khách tham quan đến nhất là Sảnh Tưởng niệm và Bia Vinh danh. Sảnh Tượng niệm được khánh thành vào năm 1959. Bên trong sảnh, ở ngay chính giữa là ngôi mộ tập thể của những Chiến sĩ vô danh. Hài cốt của họ được thu thập và mang về từ chiến trường mặt trận phía Tây. Bia Vinh danh là những tấm bia bằng đồng, được hoàn thành vào năm 1961 và đặt ở phía trước hiên của sảnh tạo thành một bức tường dài dọc theo hành lang. Ban đầu, Bean, người sáng lập ra Đài tưởng niệm Chiến tranh này, dự định sẽ khắc tên của những liệt sĩ kèm với tấm ảnh của từng người, nhưng bởi danh sách quá dài khiến điều này trở nên bất khả thi. Ngoài ra, bên trong đài tưởng niệm còn có nhiều căn phòng lịch sử khác như: phòng ANZAC, phòng Quả cảm, phòng triển lãm kỷ vật chiến tranh,…
12. Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Questacon
Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Questacon là một “Thế giới khoa học kỳ ảo”, là niềm tự hào của người dân “xứ sở chuột túi”. Qua nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, họ đã biến những kiến thức khoa học thành các mô hình, thành những trò chơi dễ hiểu nhất, để trẻ em tiếp cận và say mê.
Trong tòa nhà hình xoắn ốc, các mô hình được sắp xếp từ trình độ phổ thông đến nâng cao, để khách tham quan, đặc biệt là trẻ em, có thể đi từ những kiến thức đơn giản nhất rồi dần dần “nâng cấp”. Ngay lối vào là chú người máy có tên RoboQ, có thể trả lời những câu hỏi đơn giản, cười, nháy mắt, vòng tay ôm khách để chụp ảnh kỷ niệm.
Gian trưng bày đầu tiên dành cho các máy móc cơ học, để các em tìm hiểu những nguyên tắc động lực học cơ bản nhất. Các em có thể thử ấn, đẩy, kéo, xoay vòng và nhấc các dụng cụ ở đây. Bước thêm vài bước lên trên, người xem chợt giật mình vì tiếng ì ùng như sấm chớp ở đâu vọng lại, trong khi ngoài trời vẫn quang đãng. Hóa ra đó là tiếng của một cỗ máy khổng lồ tái hiện các bước lưu chuyển của nước. Từ bể đặt dưới mặt đất, nước gặp nóng bốc hơi lên tụ thành mây, mây tích điện chuyển mưa đổ xuống, làm chuyển động chiếc guồng quay và một cái máng “bập bênh” để tưới tắm cho cây cối, muôn loài. Ở đây, trẻ em có thể tạo ra tiếng nhạc bằng… chân khi di chuyển trên hệ thống đèn cảm ứng. Chúng cũng được chứng kiến một nhân viên minh họa hoạt động phun trào của núi lửa bằng những vật dụng thô sơ như ấm nước, ống nhựa, xà phòng…
Một số bé dường như ngạc nhiên mở to mắt ngắm chiếc máy to lớn vẽ ra những hình harmonograph kỳ ảo, hai tranh vẽ hai bên giống hệ nhau nhưng mỗi lần lại một khác, tùy thuộc hướng chuyển động của quả lắc. Mấy bé trai tò mò đi qua đi lại trước hai chú đà điểu và koala vẽ trên tường, không hiểu sao mình đến góc nào chúng cũng có thể đưa mắt nhìn theo mình như thế. Đến khi được giải thích mắt con vật được đặt chìm vào trong tường, cấu tạo theo kiểu 3D để tạo cảm giác chuyển động, chúng à lên thích thú.
Trẻ em và cả người lớn đến đây đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, và dường như không bao giờ nguôi niềm hứng khởi được tìm hiểu, khám phá. Diện tích mặt sàn chỉ 10.000 m2, nhưng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Questacon chứa đầy những điều thú vị.
13. Phòng trưng bày Quốc gia Úc
Phòng trưng bày Quốc gia Úc được xem là nơi hội tụ của rất nhiều công trình sáng tạo thấm đẫm dấu ấn của tương lai. Khi đăt chân tới bảo tàng, du khách sẽ được sống trong một thế giới màu nhiệm với 13 phòng trưng bày, bao gồm nhiều hiện vật đa dạng như: đồ gốm, tranh, hiện vật độc đáo… Đặc biệt, tại đây còn có những bức tranh quý hiếm được triển lãm có từ giai đoạn 1971-1974. Chúng được phác họa bằng đá hoặc bằng nước, được mong đợi sẽ làm mãn nhãn những vị khách ghé thăm, nhất là những người đam mê tranh ảnh.
Những hiện vật cổ xưa trong bảo tàng đã có xa xưa, phần lớn là hiện vật có niên đại khoảng 1800 năm gồm hệ thống công cụ trong nghi lễ của các người cổ xưa. Những hiện vật quái dị nhưng lại thấm nhuần tính nghệ thuật này có lẽ sẽ khiến du khách thích thú. Ngoài ra, tại Phòng trưng bày Quốc gia Úc, du khách có thể nhìn ngắm những hiện vật của những người nổi tiếng trong quá khứ và cả trong cả hiện tại.
14. Phòng triển lãm chân dung quốc gia Úc
Đây là nơi trưng bày Bộ sưu tập Nghệ thuật Quốc gia Úc với các phòng trưng bày được thiết kế nhằm giới thiệu về bộ sưu tập nghệ thuật Thổ dân lớn nhất thế giới. Tại Phòng triển lãm chân dung quốc gia, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh truyền thống và hiện đại, những pho tượng tranh ghép, ảnh chụp chân dung của các nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng như làm sống dậy cả thời kỳ lịch sử huy hoàng của nước Úc.
Phòng triển lãm chân dung quốc gia có hơn 450 tác phẩm trưng bày cố định, đặt trong một tòa nhà bằng đá và gỗ hiện đại, luôn ngập tràn ánh nắng mặt trời ấm áp. Kiến trúc của tòa nhà là sự dung hòa thú vị giữa môi trường tự nhiên xung quanh và khu trưng bày bên trong.
15. Thư viện Quốc gia Úc
Sở hữu một kho tàng kiến thức khổng lồ với hơn 10.000.000 đầu sách, Thư viện Quốc gia Úc nằm tại Parkes của Canberra được mệnh danh là “biểu tượng tri thức” của nước Úc. Thư viện này được xây dựng năm 1901, tên ban đầu là “Thư viện Quốc hội Khối thịnh vượng chung”. Đến năm 1960 mới chính thức đổi tên thành Thư viện Quốc gia Úc.
Thư viện Quốc gia Úc hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu về văn hóa, văn học, lịch sử, nghệ thuật của nước Úc, của Châu Á và toàn thế giới. Những tài liệu này đều được phân chia và sắp xếp theo chủng loại, tập hợp trong các khu vực khác nhau trong thư viện.
Điểm thu hút của thư viện này không chỉ ở số lượng tài liệu đồ sộ mà còn ở kiến trúc. Tòa nhà thư viện được xây dựng theo phong cách cổ điển, tiền sảnh lát đá cẩm thạch và trải thảm Mathieu Mategot. Trên lối vào thư viện đặt tác phẩm điêu khắc của Tom Bass. Năm 2004, tòa nhà Thư viện Quốc gia Úc được công nhận là Di sản Khối thịnh vượng chung Úc.
Canberra sẽ là nơi hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hãy nhanh chóng lên cho mình một lịch trình du lịch Úc, cùng hành trang điểm đến mà chúng tôi gợi ý trên đây để đến khám phá Canberra tuyệt đẹp nhé!