Thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một điểm đến đáng mơ ước ở Châu Á với sự kết hợp hài hòa giữa nét chấm phá truyền thống và hiện đại đặc trưng. Chính vì vậy, khi đặt chân đến Seoul, du khach không chỉ được hòa mình vào những chốn ăn chơi nhộn nhịp bậc nhất mà còn có thể tìm đến những “tọa độ” mang nét văn hoá – truyền thống – lịch sử lâu đời. Một trong số đó chính là các ngôi đền Phật giáo cổ kính.

1. Đền Bongeunsa

Đền Bongeunsa tọa lạc tại quận Gangnam – một trong những quận trung tâm của thành phố Seoul. Mặc dù vậy, ngôi đền này dường như tách biệt hoàn toàn với mọi huyên náo, ồn ào xung quanh. Nó khoác lên mình lớp áo cổ kính, tráng lệ với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cùng lịch sử lâu đời.

Vào năm 794 TCN, dưới triều vua Joseong, Đền Bongeunsa được thành lập bởi nhà sư Yeon-hoe. Theo sử sách ghi lại, trong triều đại này, Phật giáo ở Hàn Quốc bị dồn ép nặng nề, do đó ngôi đền cũng không được chú trọng. Mãi đến khi nhận được sự bảo trợ của Hoàng hậu Joseong thì Bongeunsa mới được trùng tu, lưu tồn và phát triển cho đến ngày nay. 

Theo thời gian, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trở lại của Phật giáo, Bongeunsa hiện đã trở thành một quần thể rộng lớn gồm 10 công trình kiến trúc, điêu khắc nổi bật và là trung tâm thực hành Phật giáo lớn nhất tại “xứ Kim Chi”. 

Là nét chấm phá cổ kính hiếm có giữa lòng thủ đô Seoul hiện đại, nơi đây gây ấn tượng cho du khách bởi vẻ đẹp nguy nga hoành tráng của chính điện, bức tượng Phật Di Lặc từ đá hoa cương cao 23m ngay trung tâm thiền viện sừng sững và đầy thiêng liêng, cùng những công trình, tượng điêu khắc được đặt cân đối hài hòa xung quanh. 

Ngoài việc tham quan cũng như cúng viếng tại chánh điện, Bongeunsa là điểm dừng chân lý tưởng để thư giãn, nghỉ ngơi. Không gian vườn cây được chăm sóc chu đáo luôn xanh tươi tạo nên bầu không khí trong lành, mát mẻ. 

Bên cạnh đó, Đền Bongeunsa còn có một số chương trình tham quan kết hợp khóa tu vài ngày, thực hành ngồi thiền và đàm đạo Phật Giáo, giúp du khách trải nghiệm cuộc sống thư thái và thanh bình như những vị thiền sư đích thực. Đặc biệt, vào trung tuần tháng 4 – 5 hàng năm, tại đây sẽ diễn ra lễ hội Yeondeunghoe – lễ hội đèn lồng hoa Sen mừng ngày Phật Đản của Hàn Quốc. Đến vời Bongeunsa trong dịp này, du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như: biểu diễn âm nhạc, múa dân gian, các trò chơi dân gian, múa truyền thống của Phật giáo (múa bướm, múa bara), cùng các hoạt động văn hóa của Phật tử nước ngoài đến từ Indonesia, Nepal, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bản, và những quốc gia Đông Nam Á khác. Ngoài ra, cuộc triển lãm đèn lồng đầy huyền ảo vào ban đêm tại đây cũng là một điểm nhấn thú vị trong khuôn khổ lễ hội.

2. Đền Jogyesa 

Nằm ở Gyeonji-dong – Jongno-gu, ở trung tâm thủ đô Seoul hoa lệ, Đền Jogyesa là biểu tượng cho nền Phật giáo Đại Hàn. Jogyesa là ngôi đền chính của Tông Phái Jogye. Đền được lập ra lần đầu tiên vào năm 1395, vào đầu thời kỳ của triều đại Joseon, ban đầu đền có tên là “Hwanggaksa”, sau đó vào thời kỳ cai trị của Nhật Bản, Đền được đổi tên là “Taegosa”, và lần cuối cùng đổi tên được đổi tên là “Jogyesa” vào năm 1954.

Trong cuộc xâm lược của thực dân Nhật Bản, ngôi đền trở thành một trong những pháo đài hùng mạnh nhất của Phật giáo Hàn Quốc trong những năm 1910-1945. Khi đó đền Hwanggaksa được biết đến như một biểu tượng của công cuộc kháng chiến chống Nhật Bản của toàn thể người dân Hàn Quốc nói chung cũng như của Phật giáo Hàn Quốc nói riêng.

Khi bước vào đền, du khách sẽ phải đi qua một “Iljum” – như đại diện ngăn cách thế giới của con người và thế giới của Phật. Khi bước vào đây, du khách hãy bỏ hết tạp niệm bên ngoài cửa đền, chỉ bước vào với một tấm lòng thành kính.

Đền Jogyesa có kiến trúc theo lối cung điện truyền thống. Khi du khách vào tham quan ngôi đền thì có thể nhìn thấy một nét đặc biệt trong thiết kế đó chính là những ô cửa sổ và cửa chính được tạo nên bởi những hoa văn độc đáo.

Sau đi tham quan một vòng quanh ngôi đền thì nơi để lại ấn tượng nhất đối với du khách có lẽ là khu vực trung tâm có chính điện – điện thờ Daeungjeon. Đây là điện thờ Phật lớn nhất Seoul được xây dựng vào năm 1938. Bên trong điện có ba bức tượng Phật khổng lồ, đặc biệt là tượng Phật Thích Ca bằng gỗ, được chạm khắc các văn hoa vô cùng tinh xảo.

Ở phía Nam chính điện là tháp chuông cao như một tòa tháp để đặt một quả chuông. Quả chuông này sẽ được đánh 2 lần vào 6h00 và 16h00 mỗi ngày. Sân giữ của Đền hay là khu đối diện chánh điện có một bảo tháp 7 tầng được xây dựng từ năm 1937 là món quà của Hòa thượng từ Sri Lanka đem sang dâng tặng. Ngoài ra, trong đền còn nhiều công trình độc đáo khác như cổng Một Cột (thực chất có tới 12 cột), bức tượng Phật gỗ được chạm trổ từ những năm 1920 dưới thời vua Chosun, đến nay được công nhận là Di sản thứ 126 của thủ đô Seoul.

Đặc biệt, trong không gian của đền còn có 2 cây có tuổi thọ trên 500 tuổi đó chính là cây thông trắng và cây bồ đề Trung Quốc. Cây thông trắng – biểu tượng của ngôi đền có chiều cao khoảng 10m được các nhà học giả đem về trồng trong thời đại Joseon. Cây thông trắng đứng sừng sững bên cạnh sảnh chính của ngôi đền, với giá trị quý giá về tự nhiên cũng như về mặt sinh học nên cây thông trắng được xác nhận là Di sản thiên nhiên số 9 nhằm mục đích lưu giữ và bảo tồn. Cây Bồ Đề cao gần 26m, tỏa rộng bóng trong sân đền, cây đứng như một người canh giữ cho sự yên bình của ngôi đền.

Bên cạnh sự nổi tiếng về mặt Phật giáo, ngôi đền cổ kính này được được biết như là một nơi linh thiêng đối với các sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi. Cũng chính vì lẽ đó mà ngôi đền này vào mùa thi cử luôn đông đúc với các phụ huynh đến cầu nguyện cho con cái đỗ đại học.

3. Đền Hwagyesa

Đền Hwagyesa, thuộc Dòng Chogye, là một ngôi chùa Phật giáo được bao quanh bởi phong cảnh tuyệt đẹp dưới chân núi Samgaksan ở Suyu-dong, Gangbuk-gu. Khuôn viên ngôi đền yên bình được bao quanh bởi những ngọn núi, dòng suối chảy và thiên nhiên hùng vĩ, khiến bất kỳ du khách nào cũng cảm thấy như họ bị lạc vào một mê cung giữa lòng Seoul.

Chảy gần đó là một dòng suối được gọi là Oktakcheon, được biết đến có thể giúp chữa các bệnh về da và dạ dày. Truyền thuyết kể rằng dòng suối được hình thành bởi những con quạ đang dần dần mổ xẻ những tảng đá. Vào mùa thu nơi đây được mệnh danh như “ngôi chùa của chốn thần tiên”.

Năm 1618, ngôi đền bị phá hủy bởi một đám cháy, sau đó được xây dựng lại vào năm sau. Năm 1866, ngôi đền được vua Gojong tài trợ và hỗ trợ với sự giúp đỡ từ cha ông – Huengseon Daewongun và các thành viên hoàng tộc. Phong cách xây dựng ban đầu đặc trưng với kiến trúc bằng gỗ vào cuối thế kỷ 19. Trong đó, nổi bật nhất là chánh điện chính có từ năm 1870 được gọi là Daeungjeon. Toàn bộ khuôn viên Hwagyesa có tổng cộng 2 đền thờ, 2 tòa tháp và 2 gian cùng 1 chiếc chuông đồng lớn.

Mọi người từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Hwagyesa vì nơi đây vốn nổi tiếng là một trung tâm Thiền quan trọng, cũng là ngôi đền có chương trình templestay – nơi du khách có thể tìm hiểu cuộc sống như một tu sĩ Phật giáo thực thụ. Khi vào trong chánh điện, du khách phải thật sự giữ trật tự. Có rất nhiều Phật tử thường đến đây để nghe thuyết giảng, hầu hết từ buổi chiều trở đi. Nếu bên trong không còn chỗ thì một số Phật tử có thể ngồi bên ngoài lắng nghe. Khung cảnh thật sự khiến con người ta như bỏ hết sang một bên mọi phiền muộn để tìm về an yên.

Đặc biệt hơn, ở đây có một nơi để Phật tử cầu nguyện và viết lên những loại giấy nhỏ với những màu cam, đỏ, xanh dương, hồng, trắng, vàng, sau đó cột lên các sợi dây thừng. Có lẽ đây là một trong những nghi thức tín ngưỡng của Phật giáo Hàn Quốc mà ít ai biết đến.

4. Đền Jingwansa

Đền Jingwansa nằm ở phía Tây Seoul, cùng với Bulamsa, Sammaksa và Seunggasa là một trong bốn ngôi đền Phật giáo chính nằm bốn phía bao quanh thành phố Seoul. Đền Jingwansa được Hoàng đế Hyeonjong – vị vua thứ 8 của nhà Goryeo năm 1010 TCN tặng cho thầy giáo của mình là Jingwan.

Đến đời nhà Joseon, Hoàng đế Sejong xây một thư viện trong Jingwansa cho những học giả Khổng tử đến viếng thăm và đọc sách. Tiếc thay trong chiến tranh Triều Tiên, ngôi đền bị phá hủy chỉ còn tro bụi, nhưng từ khi thầy giáo Jingwan đến Jingwansa làm nhà sư chủ trì vào năm 1963, những khu nhà đã được phục dựng và làm mới trong suốt 30 năm qua và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Ngôi chùa bao gồm rất nhiều khu vực: Daeungjeon (đại điện của Sakyamini), Myeongbujeon (đại điện của Judgment), Nahanjeon, Chilseonggak, Nagawon, Hongjeru, Dongjeonggak, Dongbyeoldang, Yosache và nhiều khu vực khác.

Daeungjeon, là trung tâm của ngôi chùa, thờ thần Sakyamuni cùng với Mireukbosal và Jehwagalhwabosal ở mỗi phía. Cũng như mỗi ngôi đền Phật giáo khác trên thế giới, Đền Jingwangsa đều thờ những vị thần như nhau cùng với tượng và đồ vật tế lễ. 

Jingwangsa có năm màu cơ bản là xanh, trắng, đỏ, đen, vàng, trong đó xanh đại diện cho hướng Đông, trắng là hướng Tây, đỏ là hướng Nam, đen tượng trưng cho hướng Bắc và màu vàng là ở trung tâm. Đây là nghệ thuật trang trí kiến trúc gỗ cổ Dangcheong của Hàn Quốc. Dangcheong không chỉ có chức năng trang trí mà trong cách trang trí nó tượng trưng, đại diện cho địa vị xã hội bằng cách sử dụng màu sắc và các mẫu khác nhau. Nó không chỉ được dùng trang trí trong các chùa, cung điện mà còn được sử dụng với mục đích bảo vệ các bề mặt và che giất đi những vết thô ráp của vật liệu.

Giờ thì những ai đang có ý định du lịch Hàn Quốc và dừng chân tại thủ đô Seoul sẽ có thể note thêm cho mình 4 “tọa độ” đền Phật giáo vừa cổ kính, bình yên lại đầy những trải nghiệm mới lạ trong hành trình của mình rồi!