Tại Nhật Bản, Hokkaido là địa phương có diện tích lớn, sở hữu thiên nhiên trù phú với diện tích rừng chiếm khoảng 70%. Ở Hokkaido có tới 6 Công viên quốc gia, nơi du khách có thể tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, khung cảnh ngoạn mục của những ngọn núi lửa và đầm lầy lớn nhất “xứ sở hoa anh đào”.

Công viên quốc gia của Nhật Bản là điểm du lịch được đề cử và công nhận sau khi thỏa mãn một số tiêu chuẩn khắt khe về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và sự thuận tiện khi khám phá vẻ đẹp đó. Mặc dù đây là khu vực được bảo vệ và quản lý bởi nhà nước, nhưng vì là vùng không phân biệt quyền sở hữu đất đai nên có nhiều dân cư sinh sống tại đây. 

Các vườn quốc gia của Nhật Bản cũng là điểm du lịch hấp dẫn, nơi du khách vừa có thể tận hưởng cảnh quan thiên đang được bảo tồn, vừa có thể ngâm mình thư giãn trong các suối nước nóng, leo núi, tham gia các hoạt động thú vị cũng như tìm hiểu về lịch sử và văn hóa ở đây.

Công viên Quốc gia Daisetsuzan

Cái tên “Daisetsuzan” có nghĩa là “ngọn núi phủ trong tuyết dày”. Nằm ở trung tâm Hokkaido, đây là công viên quốc gia lớn nhất Nhật Bản với tổng diện tích 226.764 hecta, được công nhận vào ngày 04/12/1934.

Công viên Quốc gia Daisetsuzan được hình thành bởi nhóm núi lửa Daisetsu có đỉnh chính là Asahidake (2.291m) – đỉnh núi cao nhất Hokkaido, dãy núi Tokachidake với đỉnh chính là Tokachidake, và dãy núi Ishikaridake. Là nơi bắt nguồn của sông Ishikari và Tokachi nổi tiếng ở Hokkaido, Công viên Quốc gia Daisetsuzan có tầm vóc hiên ngang đến mức được mệnh danh là “nóc nhà của Hokkaido”.

Hầu hết các ngọn núi xung quanh Công viên Quốc gia Daisetsuzan có độ cao khoảng 2.000m, nhưng do nằm ở vĩ độ cao, môi trường ở đây khắc nghiệt ngang với những ngọn núi có độ cao 3.000m ở Honshu. Do đó, ở ngay chân núi này, du khách đã có thể nhìn thấy nhiều loại thực vật núi cao như cây lá kim và cây lá rộng, chủ yếu là vân sam và linh sam, cũng như rừng lá kim và rừng bạch dương rải rác trên các đỉnh núi. 

Ở Daisetsuzan, du khách có thể ngắm nhìn Núi Tomuraushi và các dãy núi Tokachi và Ishikari. Du khách có thể thấy nhiều hoạt động khác nhau ở Daisetsuzan suốt cả năm. Vào mùa xuân và mùa hè, các loài hoa rực rỡ phủ kín các đồng cỏ, và du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy từ trên cáp treo Kurodake Ropeway. Chuyến đi bộ dã ngoại của bạn ở Nhật Bản sẽ không thể trọn vẹn nếu du khách chưa leo lên đỉnh núi để ngắm nhìn những tán lá đổi màu trong mùa thu.

Trượt tuyết cả mùa đông vẫn chưa đủ với du khách? Daisetsuzan có mùa trượt tuyết dài nhất Nhật Bản, từ tháng 11 đến đầu tháng 5. Du khách có thể trượt tuyết trên những sườn dốc của Núi Asahidake và sau đó tắm suối nóng cho ấm người ở Asahidake Onsen. Du khách cũng có thể đến Hồ Nukabira, nơi có một “cây cầu ảo” khi mực nước rút xuống.

Công viên Quốc gia Rishiri-Rebun-Sarobetsu

Được công nhận là công viên quốc gia vào ngày 20/09/1974, với diện tích rộng 24.166 hecta, Rishiri-Rebun-Sarobetsu là niềm tự hào của người dân Hokkaido khi sở hữu cảnh quan phong phú từ núi, vách đá, đầm lầy đến cồn cát ven biển.

Công viên Quốc gia Rishiri Rebun Sarobetsu bao gồm 3 khu vực: đảo Rishiri, đảo Rebun và đồng bằng Sarobetsu, luôn tự hào là nơi có cảnh quan thiên nhiên đa dạng bao gồm: núi, cánh đồng hoa, vách đá biển, đầm lầy và cồn cát ven biển. Núi Rishiri có độ cao 1.721m và chu vi khoảng 60km, còn được gọi là Rishiri Fuji bởi bề ngoài trông giống núi Fuji (Phú Sĩ) và là một trong những điểm nổi bật của công viên. Bề mặt đá gồ ghề và tầm nhìn cao chót vót nhô ra khỏi bờ biển khiến ngọn núi này trở thành biểu tượng của công viên.

Đồng bằng Sarobetsu nằm ở phía bên kia đảo Rishiri và đảo Rebun trải dài về phía Hokkaido, là một trong những đầm lầy lớn nhất Nhật Bản với lịch sử hình thành từ 6.000 năm trước. Trong vùng đất than bùn nơi tích tụ các mảnh vụn của thực vật có nhiều cảnh quan thiên nhiên khác nhau như vườn hoa Sarobetsu Primeval, nơi có hơn 100 loại hoa đang nở rộ cùng khoảng 170 hồ và đầm lầy lớn nhỏ.

Ngoài ra, trên đảo Rebun, hay còn được biết đến với tên gọi là “Đảo Hoa”, nằm cách đảo Rishiri khoảng 8km về phía Tây Bắc, có nhiều loài sinh vật đặc hữu và thực vật núi cao sinh trưởng như Leontopodium vulgaris (chi Cỏ xạ hương), Hepatica vulgaris (chi Phong Quỳ) và Leontopodium (hoa nhung tuyết) nhiều màu mọc lên tươi tốt. Hãy thử một lần tới đây và ngắm những bông hoa nở dưới chân mình nhé!

Công viên Quốc gia Shikotsu-Toya

Công viên Quốc gia Shikotsu-Toya được công nhận vào ngày 16/10/1949, có diện tích rộng khoảng 99.473 hecta, được hình thành từ các núi lửa như: núi Yotei, núi Usu và núi Tarumae, nằm xung quanh 2 hồ miệng núi lửa lớn là: hồ Shikotsu và hồ Toya. Du khách có thể thấy rất nhiều suối nước nóng, vòi phun lưu huỳnh và một loạt các hiện tượng siêu thực khác khi đến đây. Chính vì thế nên nơi này còn được mệnh danh là “Bảo tàng núi lửa sống”. Chính nhờ các nhóm núi lửa mà khu vực này đã được chính thức công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu” đầu tiên ở Nhật Bản với tư cách là Công viên địa chất hồ Toya và núi Usu.

Hồ Shikotsu được hình thành bởi hoạt động của núi lửa cách đây khoảng 32.000 năm, là hồ sâu thứ hai Nhật Bản với độ sâu tối đa 360m. Khí hậu lạnh và thiếu dòng chảy phù sa đã làm cho nước hồ trở nên trong suốt. Đừng bỏ lỡ cơ hội được “tận mục sở thị” cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ này nhé!

Công viên Quốc gia Shiretoko

Những vị khách du lịch lần đầu tới đây thường thắc mắc, “Shiretoko nghĩa là gì?”. Đó là một từ trong tiếng Ainu “sir etok”, có nghĩa là “tận cùng Trái đất” hoặc là “mỏm đất cuối cùng của Trái đất”. Công viên Quốc gia Shiretoko nằm ở vùng Đông Bắc của Hokkaido. 

Được biết, Shiretoko là một công viên quốc gia mang tầm quốc tế, nơi có biển, rừng, sông và động vật hoang dã cùng tồn tại trong dãy núi Shiretoko hùng vĩ hình thành từ hoạt động của núi lửa và dòng biển. Được biết đến là nơi có hệ sinh thái quý giá, Công viên Quốc gia Shiretoko chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2005.

Tại đây, hiện có 36 loài động vật có vú trên cạn và 22 loài động vật có vú ở biển đang sinh sống. Trong số đó, “Gấu nâu” được coi là “công dân tiêu biểu” của Shiretoko. Đây là loài động vật sống trên cạn lớn nhất ở Nhật Bản. Uớc tính có ít nhất 200 con gấu sống trên bán đảo Shiretoko, một con số vô cùng lớn so với tổng số lượng loài này trên toàn thế giới. Các loài động vật bản địa khác như cú cá Blakiston đang có nguy cơ tuyệt chủng, đại bàng đuôi trắng và vô số các loài chim săn mồi khác cũng đang sinh sống tại đây. Khi du khách tới đây, hãy dành thời gian quan sát những sinh vật hoang dã sống giữa hệ sinh thái tự nhiên ở Shiretoko. Với một con đường đi bộ rộng rãi đảm bảo giãn cách xã hội, du khách có thể yên tâm quan sát và tiếp cận những loài động vật này ở khoảng cách an toàn.

Shiretoko cũng nổi tiếng nhờ vào những hoạt động phong phú về mùa đông. Từ tháng 1 đến tháng 3, Bờ biển Okhotsk tràn ngập băng trôi trắng xóa hình thành từ nước biển bị đóng băng, tạo ra rất nhiều tụ điểm du lịch, như Drift Ice Walk, nơi du khách có thể đi bộ trên mặt nước đóng băng. Đó là một trải nghiệm phi thường, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Du khách có thể khép lại trải nghiệm đó bằng cách bơi dưới biển hoặc thả mình giữa các tảng băng. Tuy vậy, thời điểm tuyệt vời nhất để đến với Shiretoko là vào mùa hè để đi bộ ngắm cảnh. du khách có thể khám phá Hồ Shiretoko Goko khi dạo bước trên những con đường mòn hoặc bơi lội thỏa thích trong những suối nước nóng. Một trong những suối nước nóng được yêu thích nhất là Kamuiwakka Hot Falls, một dòng nước độc nhất vô nhị, hoang sơ khởi nguồn dòng chảy từ ngọn núi lửa đang hoạt động Shiretoko-Iwo. Một địa điểm được ưa chuộng khác là Utoro với dòng nước có chứa sắt và natri, là một đặc điểm chỉ có duy nhất ở nơi này. Có các khách sạn và nhà nghỉ để du khách nghỉ qua đêm, và ở một vài nơi du khách có thể ngắm nhìn biển Okhotsk.

Công viên Quốc gia Akan Mashu

Công viên Quốc gia Akan Mashu nằm trên miệng núi lửa và là vùng hõm chảo (vùng lõm do hoạt động núi lửa tạo ra) lớn nhất Nhật Bản. Nơi đây tự hào có nhiều cảnh quan thiên nhiên được tạo nên bởi núi lửa, rừng và hồ, tập trung vào 3 hồ miệng núi lửa được hình thành do hoạt động của vành đai núi lửa Kuril là: Akan, Kussharo và Mashu.

Công viên Quốc gia Akan Mashu được chia thành 2 khu vực: khu Akan và khu Mashu (Kawayu). Khu vực Akan được biết đến với những cảnh quan thiên nhiên tráng lệ như: núi Oakan, núi Meakan và hồ Akan khổng lồ trải rộng xung quanh. Các điểm nổi bật trong khu vực Mashu (Kawayu) là hồ Mashu – một trong những hồ nước trong nhất trên thế giới, và hồ Kussharo rộng lớn mà du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh từ những đỉnh núi và đèo ở xung quanh. Sẽ thật đáng tiếc nếu du khách bỏ lỡ vẻ đẹp tráng lệ do tạo hóa ban tặng tưởng chừng như chỉ có trong những câu chuyện cổ tích của nơi đây.

Công viên Quốc gia Kushiro-Shitsugen

Công viên Quốc gia Kushiro-Shitsugen là nơi có sông Kushiro chảy qua miền Đông Hokkaido, vùng đầm lầy lớn nhất Nhật Bản bao quanh các nhánh sông Kushiro và những ngọn đồi quanh đầm lầy. Do được bao quanh bởi những ngọn đồi và núi, tầm nhìn bao quát ra những vùng đất bằng phẳng bao la tạo cho người ta một cảm giác kinh ngạc đến khó tin.

Thiên nhiên hoang sơ của vùng đất này là nơi sinh sống của nhiều loại động vật, bao gồm 39 loài động vật có vú, khoảng 200 loài chim, 5 loài bò sát, 4 loài lưỡng cư, 38 loài cá và khoảng 1.100 loài côn trùng. Đặc biệt đáng chú ý là loài sếu Nhật Bản (sếu đầu đỏ) được mệnh danh là “quốc bảo Nhật Bản” cũng có mặt tại đây. Loài sếu này tưởng chừng như đã tuyệt chủng một thời gian, nhưng nhờ các hoạt động bảo tồn chúng vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Hiện nay, du khách có thể được chiêm ngưỡng chúng ở khu vực phía Đông Hokkaido đặc biệt là vùng đầm lầy Kushiro.

Dạo một vòng quanh các công viên quốc gia ở Hokkaido, có nơi nào khiến du khách muốn “xách balo lên và đi” ngay không? Hãy tới những đây trong chuyến du lịch Nhật Bản và dùng cả 5 giác quan của mình để cảm nhận thiên nhiên quý giá đã hình thành và phát triển từ xa xưa ở khu vực này nhé!