Đối với nhiều người hâm mộ thể thao và những người yêu âm nhạc, không thể bỏ qua việc ghé thăm một trong những sân vận động mái vòm độc đáo khi có dịp du lịch Nhật Bản. Tại các sân vận động này, người ta thường tổ chức những trận đấu bóng chày, các sự kiện của nhiều ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản và quốc tế cùng các buổi hòa nhạc dành cho hàng chục ngàn khán giả.
1. Tokyo Dome
- Địa chỉ: 1-3-61, Koraku, Bunkyo-ku, Tokyo.
Tokyo Dome có tổng diện tích 46.755 m², được khánh thành vào năm 1989, là sân vận động mái vòm đầu tiên ở Nhật Bản và là sân nhà của đội bóng chày Yomiuri Giants, cũng là nơi tổ chức các trận đấu bóng rổ, bóng bầu dục cũng như các trận đấu vật chuyên nghiệp… với sức chứa lên đến 55.000 người.
Tokyo Dome được các kiến trúc sư người Nhật thiết kế dựa trên mô hình quả bóng chày và được thiết kế như một quả bóng khép kín. Tokyo Dome với 2 tầng ngầm và 6 tầng trên mặt đất. Tokyo Dome sở hữu một tấm mái che được dệt từ sợi nhân tạo cực kỳ bền vững, có thể chống nước, chống cháy và chống nhiệt hóa. Tấm bạt kiên cố này được giữ bởi 28 sợi cáp lớn, nâng tổng trọng lượng của mái vòm Tokyo Dome lên đến 400 tấn.
Tokyo Dome đã sử dụng Hệ thống tạo và giữ áp suất không khí để chịu lực cho hệ thống mái. Các kiến trúc sư Nhật sử dụng hệ thống quạt bơm, bơm không khí vào trong sân khiến cho hệ thống mái phồng lên. Khi hệ thống mái căng lên hoàn chỉnh, áp suất bên trong sân sẽ cao hơn bên ngoài khoảng chỉ khoảng 0.3%. Với sự chênh lệch áp suất rất thấp, con người khi ở trong sân vận động sẽ không cảm thấy có nhiều khác biệt so với môi trường bên ngoài. Để chống không khí thoát ra ngoài làm giảm áp suất, sân vận động còn bố trí hệ thống các cửa xoay kép kín nhằm giữ tối đa lượng không khí thoát ra ngoài.
Ngoài là một sân vận động chuyên dùng cho việc tổ chức thi đấu, Tokyo Dome còn là nơi dùng để tổ chức các buổi hòa nhạc từ các ca sĩ, nhóm nhạc trong và ngoài nước như: Arashi, AKB48, Ayumi Hamasaki… Đến cả những ngôi sao US UK nổi tiếng như: Britney Spears, Mariah Carey, Celine Dion, Beyonce… cũng từng có một vài đêm diễn tại sân vận động này. Một số nghệ sĩ Hàn Quốc tiến sang hoạt động tại thị trường Nhật Bản cũng đã mất một khoảng thời gian khá lâu mới có thể tiến vào sân vận động này, điển hình là: Bi Rain, TVXQ (Tohoshinki), Super Junior, KARA, SHINee, 2PM, Big Bang, SNSD, EXO, BTS, Twice… đều là những ca sĩ, nhóm nhạc kỳ cựu và tên tuổi nổi bật khi hoạt động tại thị trường Hàn Quốc. Được tiến vào Tokyo Dome đối với họ mà nói, chính là một niềm tự hào.
Tọa lạc tại trung tâm Tokyo, Tokyo Dome được bao quanh bởi các cửa hàng bách hóa, công viên giải trí, tòa thị chính, nhà hàng, khách sạn và các công trình khác. Những cơ sở này cùng nhau tạo thành một khu vực giải trí lớn, được gọi là “Tokyo Dome City”. Du khách có thể đến đây mua sắm để giết thời gian trong lúc chờ đợi một màn biểu diễn, hoặc tránh những đám đông bằng cách thưởng thức bữa tối tại đây trước khi bắt tàu hoặc xe bus về nhà.
2. Fukuoka PayPay Dome
- Địa chỉ: 2-2-2, Jigyohama, Chuo-ku, Fukuoka-shi, Fukuoka.
Được khai trương vào năm 1993, Fukuoka PayPay Dome là sân vận động của đội bóng chày Fukuoka SoftBank Hawks. Sân vận động này có tổng diện tích 69.130m² nằm gần bờ biển, cách ga tàu điện ngầm gần nhất khoảng 15 phút đi bộ.
Mái che của Fukuoka PayPay Dome có đường kính 216m, khiến sân vận động này trở thành công trình có mái vòm trắc địa lớn nhất thế giới. Fukuoka PayPay Dome cũng là một sân vận động gần như không có điểm mù. Cho dù du khách đang xem một trận bóng hay buổi hòa nhạc, du khách có thể thấy mọi thứ rõ ràng từ hầu hết mọi góc độ. Đặc biệt, Fukuoka PayPay Dome chính là sân vận động đầu tiên và duy nhất của Nhật Bản có mái nhà có thể thu vào và mở ra. Tuy nhiên, việc mở mái nhà mất 20 phút và tốn 1.000.000 Yên (bao gồm cả chi phí điện và nhân công) mỗi lần, vì vậy, nó chỉ được mở trong quá trình tập luyện trước trận đấu và khi SoftBank Hawks thắng một trận đấu.
Bên cạnh Fukuoka PayPay Dome là một loạt các trung tâm mua sắm và nhà hàng, cũng như khách sạn Hilton Fukuoka Sea Hawk, cửa hàng bách hóa OPA, cửa hàng lưu niệm bóng chày DOGOT và Bảo tàng bóng chày Sadaharu Oh – địa điểm không thể bỏ qua dành cho những người hâm mộ bóng chày. Dạo chơi khám phá quanh đây, du khách chắc chắn sẽ không cảm thấy buồn chán khi chờ đợi buổi đấu bóng bắt đầu!
3. Kyocera Dome Osaka
- Địa chỉ: 3-2-1, Chiyozaki, Nishi-ku, Osaka-shi, Osaka.
Kyocera Dome Osaka có tổng diện tích 33.800m², được khai trương vào năm 1997. Đây là sân nhà của đội bóng chày Orix Buffaloes, nhưng trong giải đấu bóng chày Koshien mùa hè, sân vận động này được Hanshin Tigerers thuê lại làm sân vận động tạm thời.
Kyocera Dome Osaka có hình dạng như một chiếc đĩa bay UFO khổng lồ với viền lượn sóng màu bạc và mái tròn trông vô cùng ấn tượng khi nhìn từ bên trong. Với 1 tầng hầm và 9 tầng trên mặt đất, đây là sân vận động có số tầng cao nhất trong số tất cả các sân vận động mái vòm. Tuy nhiên, do không gian hạn chế, chỉ có 2 tầng khán đài trong khu vực ngoài sân nên có khá nhiều điểm mù. Lối đi bên ngoài cũng không đủ rộng, vì vậy việc ra vào khá bất tiện.
Kyocera Dome Osaka nằm ngay bên cạnh tòa nhà Osaka Gas, được xây dựng cùng với một trung tâm mua sắm lớn, sau này được đổi tên thành trung tâm mua sắm AEON. Du khách có thể đến đó để dùng bữa hoặc mua sắm trước khi sự kiện bắt đầu.
Điều đáng nói là do vị trí địa lý, những người sống gần đó có thể cảm nhận sự rung lắc khi hơn 50.000 người nhảy bên trong Kyocera Dome Osaka. Khi có một buổi hòa nhạc, du khách có thể sẽ thấy một số biển hiệu ghi “không cho phép nhảy” xung quanh khu phố.
4. Nagoya Dome
- Địa chỉ: 1-1-1, Daiko Minami, Higashi-ku, Nagoya-shi, Aichi.
Nagoya Dome, sân nhà của đội bóng chày Chunichi Dragons, có tổng diện tích 48.169m², khai trường vào năm 1997. Sân vận động này tuy không hào nhoáng nhưng đây là một sân vận động tuyệt vời và rất hoàn hảo để xem các trận bóng và buổi hòa nhạc nhờ thiết kế không có điểm mù, chỗ ngồi rộng, mạng lưới Wi-Fi rộng lớn, bảng điểm điện tử lớn, bãi đậu xe rộng rãi, giao thông thuận tiện và trung tâm mua sắm AEON gần đó.
Linh vật của đội bóng Chunichi Dragons là một con gấu túi màu xanh tên là “Doala” trông vô cùng ngộ nghĩnh. Nếu du khách yêu thích chú gấu Doara, đừng quên ghé qua tiệm đồ lưu niệm bóng chày gần Nagoya Dome nhé! Du khách chắc chắn sẽ bắt gặp hình ảnh chú gấu này trong những trận đấu bóng diễn ra tại sân vận động này.
5. Seibu (Metlife) Dome
- Địa chỉ: 2135, Kamiyamaguchi, Tokorozawa-shi, Saitama.
Được khai trương vào năm 1999, Seibu Dome không có mái và được gọi là sân vận động Seibu Lions. Sau khi đã thiết lập hệ thống mái vòm nửa kín, sân vận động này được đổi tên thành “MetLife Dome”, tuy nhiên, cái tên “Seibu Dome” vẫn được biết đến nhiều hơn. Seibu Dome là sân vận động đầu tiên có hệ thống mái vòm nửa kín vô cùng độc đáo có thể để lọt một quả bóng bay ra ngoài. Đây cũng là sân vận động mái vòm duy nhất có thể bị trì hoãn nếu gặp điều kiện thời tiết xấu.
Bên trong Seibu Dome rộng lớn (40.168m²) có một cánh đồng cỏ đặc biệt với chỗ ngồi miễn phí, nơi mọi người có thể trải một tấm thảm để dã ngoại và thưởng thức các món ăn mua từ khu vực bán hàng gần đó. Mặc dù không có trung tâm mua sắm nào tại đây, nhưng có khá nhiều điểm tham quan để du khách có thể ghé thăm, bao gồm Totoro Forest, khu nghỉ mát trượt tuyết và sân golf.
6. Sapporo Dome
- Địa chỉ: 1, Hitsujigaoka, Toyohira-ku, Sapporo-shi, Hokkaido.
Sapporo Dome với tổng diện tích 55.168m², khai trương vào năm 2002, là một sân vận động tuyệt vời được sử dụng cho các buổi đấu bóng chày và bóng đá. Đây là sân vận động của đội bóng chày Hokkaido Nippon-Ham Fighters và câu lạc bộ bóng đá Hokkaido Consadole Sapporo.
Nhìn từ bên ngoài, Sapporo Dome giống như một con tàu vũ trụ ngoài hành tinh, trong khi bên trong, nó là một kiệt tác công nghệ 40.000 chỗ ngồi hoàn toàn kín. Mái vòm của Sapporo Dome nổi bật với hệ thống bay lơ lửng đầu tiên trên thế giới, có thể mở và đóng các bức tường vòm để nâng và di chuyển sân bóng đá tự nhiên 8.300 tấn, có chiều dài 120m, rộng 85m.
Các trận đấu bóng chày ở Sapporo Dome được chơi trên sân cỏ nhân tạo, trong khi bóng đá được tổ chức trên sân cỏ tự nhiên bằng cách sử dụng “sân đấu bóng đá lơ lửng” đầu tiên trên thế giới. Khi không có trận đấu bóng đá, sân cỏ được nâng lên bằng đệm và trượt ra khỏi sân vận động bằng bánh xe để bảo trì. Đặc biệt, ghế ngồi tại đây còn có thể tự động thu lại khi cửa sân vận động tự mở. Bất kể khi nào sân bóng đá trượt ra, hàng loạt ghế ngồi tại đây sẽ di chuyển và nghiêng về một vị trí nhất định để du khách có được một tầm nhìn tuyệt vời nhất để xem các trận đấu bóng đá hoặc bóng chày. Và khi cửa sân vận động đóng lại, ghế ngồi sẽ tự động trở về vị trí ban đầu.
Sapporo Dome còn có đài quan sát mái vòm đầu tiên tại Nhật Bản, nơi du khách có thể nhìn ra sân vận động và thành phố Sapporo từ độ cao 53m. Khi sân vận động không tổ chức các trận đấu bóng chày hoặc buổi hòa nhạc, du khách cũng có thể đến đây để tham dự một buổi tham quan có trả phí và khám phá các khu vực thường đóng cửa như sân tập hay phòng thay đồ.
Trên đây là thông tin về 6 sân vận động mái vòm lớn tại Nhật Bản. Hi vọng chúng sẽ có ích cho du khách trong khi lên kế hoạch cho buổi đấu bóng chày hoặc buổi hòa nhạc trong chuyến du lịch Nhật Bản.