Check-in 11 công trình kiến trúc độc đáo tại Melbourne, Úc

Melbourne là thành phố hiện đại của nước Úc. Thành phố này sở hữu rất nhiều điểm đến hấp dẫn và hàng loạt các công trình kiến trúc độc đáo, ấn tượng.

Eureka Tower

Tọa lạc ở Southbank, Eureka Tower là một tòa nhà chọc trời được dùng làm khu căn hộ ở thành phố Melbourne. Công trình này được đặt tên theo một cuộc nổi loạn trong Đợt đổ xô đi tìm vàng diễn ra ở Victoria vào năm 1854.

Eureka Tower được bắt đầu xây dựng vào tháng 8/2002 và hoàn thành ngày 1/6/2006. Nó được thiết kế bởi công ty thiết kế Fender Katsalidis và do công ty Grocon xây dựng. Đây là tòa nhà cao thứ 2 ở Úc sau Q1, tuy vậy Eureka Tower có 91 tầng trong khi Q1 chỉ có 80 tầng.

Với chiều cao 297,3m, Eureka Tower thực sự cao hơn tất cả các công trình khác trên mặt đất. Trên đỉnh tòa tháp là màu vàng tượng trưng cho những thỏi vàng từ khu mỏ. Còn các dải sọc màu đỏ thể hiện dòng máu đang chảy. Màu chủ đạo của tòa tháp là màu lam và màu trắng, tượng trưng cho lá cờ Eureka biểu tượng ngày nay. Tại chân của tòa tháp còn có một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt giả lập tổ ong với một ong chúa màu vàng lãnh đạo muôn con ong thợ hùng dũng. 

Điểm thu hút chính của Eureka Tower chính là cảnh quan ngoạn mục nhìn từ Skydeck 88. Du khách hãy lên tầng 88 trong những chiếc thang máy nhanh nhất ở Nam Bán Cầu với tốc độ 9m/s. Khi đã lên đến nơi, hãy tận hưởng quang cảnh 360 độ của trung tâm Melbourne, cùng với đó các khu công viên, Vịnh Port Phillip và Dãy núi Dandenong.

Federation Square

Quảng trường Federation là trung tâm cộng đồng và không gian công cộng chính của Melbourne. Quảng trường nổi tiếng với phong cách kiến trúc phóng khoáng. Nó hoàn toàn đối lập với các công trình thời Victoria và Gô-tích mới oai nghiêm xung quanh.

Quảng trường này được khởi công vào năm 1968 dựa trên ý tưởng là một nơi kết nối các địa danh nổi tiếng trong thành phố và cung cấp không gian cho các hoạt động tập thể. Thế nhưng, ban đầu dự án này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân trong khu vực. Và thế là kéo dài đến tận năm 1990, quảng trường mới được thực sự xây dựng và hoàn thiện. Công trình mang sự pha trộn giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. Nhìn qua sẽ thấy hơi phức tạp và rối mắt. Đó là do sự kết hợp của các mảnh kim loại có hình góc cạnh, xiên thẳng lên bầu trời.

Thêm một điều đặc biệt có trong lối kiến trúc chính là khi du khách muốn băng qua được Federation Square, du khách phải vượt qua một mê cung nho nhỏ, điều này gây thích thú cho những ai yêu thích sự khám phá. Trong khu vực này, du khách sẽ bắt gặp khối kiến trúc bằng kẽm, thủy tinh và sa thạch theo trường phái “Giải tỏa Kết cấu” của The Atrium; Nhà hát The Edge; Phòng triển lãm Quốc gia Victoria; Trung tâm Hình ảnh Chuyển động Úc; Nhà ga Flinders Street; Nhà thờ St. Paul;…

Trong quảng trường chính ngoài trời, du khách có thể tự chụp ảnh mình trên một màn hình tivi khổng lồ. Màn hình này thường chiếu các sự kiện thể thao chính như Cúp Bóng đá Thế giới FIFA và trận chung kết của Giải Bóng đá Úc (AFL). Sự kiện này đã thu hút hàng nghìn người hâm mộ thể thao đến với quảng trường. 

Nhìn chung, Quảng trường Federation không chỉ là nơi tập hợp người dân để diễn ra các hoạt động giao lưu tập thể mà đây còn là sản phẩm nghệ thuật độc đáo của riêng thành phố Melbourne.

Cung triển lãm Hoàng gia

Cung triển lãm Hoàng gia như một cung điện nguy nga được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Joseph Reed. Theo Joseph Reed, phong cách chiết trung của toà nhà lấy cảm hứng từ nhiều công trình nổi tiếng khác. 

Ra đời vào năm 1880 để tổ chức Hội chợ quốc tế Melbourne 1880-1881, cho tới nay, Cung triển lãm Hoàng gia đã được tu bổ 2 lần và là kiến trúc tiên phong của cả nước Úc được xét Di sản UNESCO. Cụ thể, nó nằm tại Melbourne và có hình một cây thánh giá dài 150m, song có diện tích tới 26 hecta và được bao bọc bởi 4 tuyến phố. Hơn thế, nó cũng mang 4 phong cách: Byzance, Romanesque, Lombardic và Phục hưng của Ý, cũng như có sự phối hợp của nhiều chất liệu gồm gỗ, gạch, ngói, sắt và đá slate. Mái vòm của công trình được lấy mẫu theo Thánh đường Florence của Ý, trong khi các lầu chính chịu ảnh hưởng của lối Rundbogenstil cùng nhiều công trình tại Normandie, Caen và Paris của Pháp.

Đại điện ở đây có lẽ là điểm thu hút nhất vì từ xa người ta đã thấy nó sừng sững với một mái vòm cao 68m, rộng 18,3m được làm từ gang, khung gỗ, trát hai lần. Bên trong vẽ vô số bích họa và một dòng chữ: “Victoria đón chào mọi quốc gia”. Vào năm 1888, công trình được lắp thêm một cây cột đèn và trở thành một tòa nhà đầu tiên thắp sáng ban đêm.

Toà nhà Quốc hội Victoria

Toà nhà Quốc hội Victoria được John James Clark thiết kế và xây dựng từ năm 1872 đến 1876. Nơi đây không chỉ phục vụ hành chính trong khu vực mà còn được biết đến như một khối kiến trúc mang lịch sử lâu đời với đường nét thẩm mỹ sắc sảo.

Công trình di sản này được mệnh danh là một trong những ngôi biệt thự lớn và đẹp nhất nước Úc, điển hình cho khái niệm kiến trúc thế kỷ 19. Trái ngược với kiến trúc bên ngoài có phần đơn giản, không gian bên trong khối kiến trúc lại là câu chuyện sống động với các họa tiết trang trí công phu và trang nhã.

Du khách chắc chắn sẽ choáng ngợp trước quy mô cổ kính đầy lộng lẫy ở bên trong Tòa nhà. Trải qua thời gian dài, công trình đã có nhiều thay đổi đáng kể theo thời gian, năm 1841, nơi đây từng là khu công viên, phục vụ cho những cuộc gặp gỡ của thổ dân địa phương. Charles la Trobe, Thống đốc đầu tiên của bang lúc bấy giờ đã nhìn thấy nhiều ưu điểm địa lý (vị trí công trình nằm ở vùng cao độ, nhìn ra sông Yarra) và dự tính trước rằng khu đất sẽ trở thành Tòa nhà Quốc hội trong tương lai.

Tổng diện tích của Toà nhà Quốc hội Victoria vào khoảng 3,035m2, tháp cao nhất đạt độ cao 44m. Công trình bao gồm một khối nhà phụ, tổng cộng 240 phòng với các không gian như hội trường nổi bật với trần vòm, phòng tranh, nhạc viện, phòng billiard, phòng ăn; riêng phòng khiêu vũ với sức chứa 800 người đã được trùng tu cải tạo 2 lần năm 1889 và 1960s.

Phần lớn các vật dụng nội thất dùng trong Tòa nhà Quốc hội Victoria đều được sản xuất riêng vào năm 1876 nhằm tạo nên biểu tượng riêng biệt mà vẫn thống nhất phong cách xuyên suốt. Hầu hết những vách tường bên trong công trình được trang trí theo mô-típ quen thuộc: treo tranh. Các tác phẩm tranh treo với chủ đề chân dung được mượn xoay vòng từ Phòng trưng bày Quốc gia Victoria. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ, tranh treo còn phản ánh chiều dài lịch sử nghệ thuật phong phú của bang Victoria, khơi dậy lòng tự hào của tiểu bang.

Du khách rảo bước qua từng gian phòng của Toà nhà Quốc hội Victoria cũng giống như lật từng trang sách lịch sử thông qua đường nét kiến trúc, màu sắc đương đại và nhiều tác phẩm nghệ thuật bất tử trước thời gian. Có khu vực dùng tông màu beige nhẹ nhàng thanh lịch, nơi lại bật lên sắc xanh tươi mát hay tông màu lục thẫm, gỗ gụ tối màu; tổng hoà thành khối kiến trúc hành chính với đường nét thẩm mỹ chi tiết ngày qua ngày được mài dũa cùng thời gian.

Đài tưởng niệm Melbourne

Đài tưởng niệm Melbourne là công trình tưởng niệm những chiến sĩ Úc đã dũng cảm hy sinh, phục vụ cho Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh. Đây là điểm đến được nhiều khách nước ngoài ghé thăm ở Melbourne.

Đài tưởng niệm Melbourne được xây dựng dưới hình dạng một ngôi đền lớn với những bậc thang cao cột trụ khổng lồ và mái vòm uy nghi lấy cảm hứng từ Hy Lạp. Và được bao quanh bởi khu công viên tuyệt đẹp rộng 13 hecta đầy thơ mộng.

Ở góc phía Đông Bắc của Đài tưởng niệm Melbourne là lối vào và trung tâm tham quan. Các bậc thang phía Bắc được dùng làm lối vào nghi lễ. Các mái cổng gợi nhớ lại đền Parthenon và có những cột Doric chống đỡ trán tường hình tam giác được trang trí bằng điêu khắc có tính chất biểu tượng. Trên cùng là mái hình chóp lấy cảm hứng từ lăng mộ tại Halicarnassus, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến thăm thành phố Melbourne vào tháng 11, sẽ là cơ hội để du khách đừng bỏ qua ngày lễ kỷ niệm Thế chiến thứ 1 kết thúc. Hàng năm, cứ vào ngày này, người dân khắp nơi đổ về đài tưởng niệm (Shrine of Remembrance). Họ đã cùng nghiêng mình tưởng nhớ những con người đã mãi mãi ra đi vì hòa bình cho người ở lại.

Princess Theatre

Nhà hát Princess được xem là một trong những công trình kiến trúc cổ xưa nhất ở Melbourne với hơn 150 tuổi. Nhà hát Princess bắt đầu được khởi công xây dựng từ những năm 1886 với phong cách kiến trúc hiện đại. Cho đến nay, những dấu ấn thời gian vẫn còn rõ nét ở Nhà hát và trở thành đặc trưng riêng. Nhà hát Princess hiện nay vẫn được chọn là nơi diễn ra những chương trình biểu diễn nghệ thuật quan trọng của thành phố. Nhà hát lớn với hơn 1.470 chỗ ngồi, nổi bật với lối kiến trúc mái đóng mở và hệ thống đèn sân khấu hoạt động bằng điện ấn tượng. Ngày nay, công trình kiến trúc này tuy không còn được bảo tồn vẹn nguyên như trước, nhưng cũng hứa hẹn là một không gian chiêm ngưỡng nghệ thuật đặc sắc với những nét đẹp cổ kính, có phần hơi ma mị của nó.

Tòa nhà còn xoay quanh những câu chuyện ly kỳ, bí hiểm về một hồn ma ghê rợn đã trú ngụ rất nhiều năm tại đây. Tương truyền rằng, hồn ma đó là của một nghệ sĩ opera Federici, đã qua đời ngay tại sân khấu chính của nhà hát trong một cơn đau tim dữ dội, năm 1888. Theo đó, để tưởng nhớ đến vị nghệ sĩ quá cố này, người ta đã luôn dành riêng một chiếc ghế trống tại khu Dress Circle trong mọi buổi diễn. Nhiều diễn viên, phục vụ trong nhà hát đã từng đôi lần bắt gặp một bóng người ngồi tại chiếc ghế này. Trong một bộ phim tài liệu được thực hiện tại nhà hát năm 1970, nhiều người ta cũng đã bắt gặp chiếc bóng ấy ẩn hiện trong những thước phim.

Forum Theatre

Forum Theatre nằm đối diện với Quảng trường Federation nổi tiếng, ngay tại khu trung tâm văn hóa của thành phố Melbourne. Với phong cách kiến trúc Ma Rốc ấn tượng, công trình này đã được liệt kê vào danh sách những di sản văn hóa tiêu biểu của Melbourne vào thập niên 1978.

Nhà hát này đã trải qua nhiều biến động đáng kể từ những năm đầu tiên khởi công xây dựng vào năm 1920. Trước đây, nhà hát được sử dụng để chiếu phim, làm nhà thờ cho những con chiên ngoan đạo hay là một vũ trường sôi động… Hiện nay, Nhà hát giữ vai trò trọng đại hơn khi trở thành địa điểm tổ chức những buổi biểu diễn ca nhạc và những vở kịch nổi tiếng ở Melbourne. Bao trùm Forum Theatre là một không gian cổ kính nhưng vẫn cuốn hút ở từng đường nét. Mặt tiền nhà hát thiết kế theo phong cách Ma Rốc điển hình nhưng đối lập với nội thất bên trong lại mang hơi hướng thời La Mã, Hy Lạp cổ đại. Điểm nhấn đặc biệt của tòa nhà nằm ở trần nhà khi được thiết kế với mục đích tạo ảo giác cho khán giả như đang thưởng ngoạn bầu trời đêm mê hoặc cùng những vì tinh tú ngời sáng.

Trong những ngày thứ Tư hàng tuần, Forum Theatre sẽ tổ chức Liên hoan Hài kịch Quốc tế Melbourne, là một trong những lễ hội náo nhiệt và được mong chờ nhất của thành phố. Thỉnh thoảng, Nhà hát cũng là nơi diễn ra những liên hoan phim hay các chương trình biểu diễn khác với sự góp mặt của các ban nhạc trong nước và quốc tế danh tiếng. 

St. Patrick’s Cathedral

Được khởi công xây dựng vào năm 1858, nhưng mãi đến năm 1939, Nhà thờ Thánh Patrick mới hoàn tất. Hoàn thành sau hơn 70 năm xây dựng, đây là nơi được nhiều người coi là một hình mẫu tráng lệ tiên phong xây dựng theo kiến trúc Gothic thời Phục hưng. Nhà thờ này được đặt theo tên một vị thánh bảo hộ của Ireland, được xây dựng nhằm phục vụ những tín đồ Công giáo người Ireland ở Melbourne trong thế kỷ 19.

Nhà thờ mang vẻ ngoài màu sậm nổi bật. Màu sắc này có được đó là nhờ trong khi xây dựng, người ta sử dụng một loại đá xanh của địa phương. Về tổng thể, St. Patrick’s Cathedral mang hình dáng kiểu vòm nhọn, có nhiều cửa sổ với kích thước lớn. Hai tháp nhọn ở mặt trước có độ cao 61m và một tháp nhọn ở chính giữa có độ cao gần 105m. Công trình được trang trí bằng các máng xối lớn nhỏ và rất nhiều bức tượng. Khi đến đây, du khách hãy đi dạo xung quanh một vòng, ngắm nhìn hết thảy vẻ đẹp đầy tráng lệ từ bên ngoài của nó trước khi bước vào bên trong. Du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được cả một quy mô thật sự rộng lớn và kiến trúc vô cùng lộng lẫy của Nhà thờ.

Du khách có thể vào từ cổng chính, và rồi bắt đầu chiêm ngưỡng một khung cảnh đến từ “thiên đường” phía sau cánh cửa ấy. Ánh đèn vàng mờ mờ ảo ảo dần hiện ra, nhẹ nhàng đua nhau chiếu sáng toàn bộ khoảng không gian với vẻ đẹp đầy mê hoặc. Vẻ đẹp ấy tượng trưng cho ánh hào quang của Thiên Chúa. Sự yên bình, tĩnh lặng bên trong Nhà thờ, chạm khẽ đến những trái tim đang thổn thức – vừa ấm áp lại vừa khẽ rung động.

Du khách hãy ngước nhìn độ nghiêng của các mái vòm trên cao và rất nhiều cửa sổ xung quanh Nhà thờ, chúng đều mang những nét đặc trưng riêng biệt tạo nên một nhà thờ Patrick đầy cuốn hút. Nơi đây còn có một chiếc đàn dương cầm với tuổi thọ từ những năm 1870, có kiểu dáng và âm điệu tốt bậc nhất.

Nhà thờ St Paul

Nhà thờ St Paul là một công trình Anh giáo lộng lẫy mang phong cách kiến trúc ấn tượng kiểu Châu Âu nằm ở một trong những ngã tư đông đúc nhất Melbourne. Nhà thờ có mặt tiền bằng sa thạch với phần chóp vươn cao lên bầu trời. Du khách hãy thử vừa lắng nghe tiếng chuông ngân nga trong gió vừa ngắm nhìn kiến trúc nguy nga của Nhà thờ từ bên kia đường!

Du khách hãy bước vào Nhà thờ qua những cánh cửa lớn và ngắm nhìn nội thất vô cùng sang trọng. Du khách có thể chiêm ngưỡng sàn gạch họa tiết và những ô gạch ốp tường, gạch ghép, tranh khảm và phần mái bằng gỗ tinh tế. Đến đây, du khách sẽ ấn tượng trước bàn thờ cao, cùng với đó là tấm nền trang trí làm bằng đá cẩm thạch Devonshire và thạch cao.

Nếu đến Nhà thờ trong lúc đang diễn ra thánh lễ hoặc vào buổi đọc kinh, du khách sẽ được nghe tiếng nhạc du dương từ cây đại phong cầm. Cây đàn nguyên bản có từ những năm 1890. Du khách cũng có thể nghe thấy tiếng chuông vang lên từ những chiếc chuông từ thế kỷ 19 trong tháp chuông của Nhà thờ.

Nhà ga Flinder Street

Trải dài hai dãy phố khắp thành phố, Nhà ga phố Flinder là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng và là nơi gặp gỡ phổ biến của người dân địa phương. Đây cũng là nhà ga đường sắt lâu đời nhất ở Úc và có thiết kế lịch sử với mặt tiền màu vàng và mái vòm bằng đồng màu xanh lá cây có thể được nhìn thấy khắp thành phố. Bên trong, các quầy phục vụ đồ ăn nóng và đồ uống lạnh xếp dọc các hành lang, trong khi tầng trên được thiết kế để chứa phòng tập thể dục, thư viện và giảng đường, sau này được sử dụng làm phòng khiêu vũ.

Phần chính của tòa nhà, được hoàn thành vào năm 1909, là một phần của kế hoạch thiết kế ban đầu và gần giống với phần xây dựng ban đầu. Chúng nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa của Melbourne, với mái vòm dễ nhận biết, lối vào hoành tráng, tòa tháp và đồng hồ. Ngày nay, vẫn còn 13 đồng hồ hiển thị thời gian khởi hành khác nhau cho mỗi tuyến tàu ngoại ô.

Nhìn từ bên ngoài, Nhà ga phố Flinders rất cổ kính khiến nhiều người lầm tưởng bên trong cũng cũ kỹ như vậy. Nhưng không, khu vực bên trong toát lên vẻ hiện đại do cách bài trí của nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, quán cafe hay sạp báo. Ngoài ra còn có một đồn cảnh sát để đảm bảo an toàn và trật tự tại nhà ga.

Do thiết kế bên ngoài nổi bật, cũng như lịch sử phong phú của tòa nhà, nó vẫn là nguồn cảm hứng cho một loạt các tòa nhà mới khác. Tiêu biểu là nhà ga Luz ở São Paulo, Brazil, được lấy cảm hứng từ những đường tàu nhộn nhịp đến và đi từ Flinders.

Trải qua khoảng thời gian dài, Nhà ga phố Flinders ngày nay không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông công cộng, mà đã trở thành một biểu tượng lâu đời của thành phố Melbourne và là điểm du lịch thu hút một lượng lớn khách du lịch.

Tòa nhà Pixel

Tòa nhà Pixel là tòa nhà văn phòng nằm tại khu CUB Brewery cũ ở thành phố Melbourne. Đây là tòa nhà nổi tiếng không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, thu hút với những mảng sắc màu nổi bật mà còn bởi sự thân thiện với môi trường và công năng kỹ thuật của nó.

Công trình này được xây dựng với tham vọng trở thành tòa nhà văn phòng trung hòa carbon đầu tiên ở Úc. Giải pháp được áp dụng trong khi thi công giúp tòa nhà tự tạo ra điện và nước thông qua các tuabin gió tại chỗ và mái nhà sử dụng quá trình bốc hơi nước từ tòa nhà. Được thiết kế để cân bằng nước, tòa nhà có thể ngắt kết nối với nguồn điện chính và tự cung cấp cho hầu hết tất cả các nhu cầu về tiện nghi.

Để giảm lượng carbon trong tòa nhà, thiết kế đã sử dụng bê tông carbon thấp (đặt tên là Pixelcrete) và vật liệu xây dựng có nguồn gốc bền vững được tái chế. Tòa nhà lấy ánh sáng tự nhiên từ ánh sáng mặt trời và hạn chế tối đa lượng nhiệt bức xạ bằng 2 lớp kính, lớp bên ngoài được trang trí bằng những màu sắc nổi bật, bắt mắt.

Tòa nhà Pixel đã đạt được 105 điểm LEED và được xếp hạng hoàn hảo 6 sao Green Star, là công trình có mức đánh giá cao nhất từng được trao tặng từ Hội đồng Công trình Xanh của Úc.

Trên đây là những công trình kiến trúc nổi tiếng của Melbourne mà du khách không nên bỏ qua. Du khách đã sẵn sàng cho chuyến du lịch Úc để khám phá những công trình kiến trúc đẹp ở Melbourne? Hãy đồng hành cùng chúng tôi nhé!