Nằm ở khu vực Minato-mirai của thành phố Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa – Nhật Bản, Cup Noodles Museum là một địa điểm hấp dẫn mà du khách nên ghé thăm. Trông giống như phòng trưng bày nghệ thuật hiện đại, Cup Noodles Museum là sân chơi hấp dẫn về lịch sử và sự sáng tạo do các nhà sản xuất mì Ramen ăn liền mang đến cho du khách. Cơ sở hiện đại này mang đến cho gia đình niềm vui và sự hiểu biết sâu sắc lôi cuốn về văn hóa Nhật Bản. 

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói. Phần lớn bột mì được Mỹ viện trợ khi ấy đều được dùng để sản xuất bánh mì. Trong một lần đi trên đường, chứng kiến cảnh người dân phải xếp hàng dài để ăn được một bát mì Ramen, ông Ando chợt nhận ra người Nhật rất thích ăn mì và đây cũng là một thị trường vô cùng tiềm năng. Ông nảy ra ý tưởng “Cùng là bột mì, vậy tại sao mình không sản xuất mì ramen thay vì bánh mì nhỉ?”. Và thế là hành trình phát minh mì ăn liền bắt đầu từ đây.

Ông Ando muốn tạo ra một món mì với 5 tiêu chí: ngon, bảo quản được lâu, có thể chế biến nhanh, giá thành rẻ, an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, để giữ bảo quản được mì trong thời gian dài, nấu nhanh và vẫn đảm bảo được hương vị lại là một bài toán không hề đơn giản. Vào năm 1958, sau rất nhiều thử nghiệm, ông Ando Momofuku (1910-2007) đã cho ra đời món mì gà ăn liền (chikin-ramen) với phương pháp bảo quản và làm khô là chiên mì qua dầu nóng. Món ăn nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản. Chưa dừng lại ở đó, ông Ando vẫn luôn tìm tòi và phát triển “đứa con” của mình khi nâng cấp món mì ăn liền thành mì cốc (năm 1971) với ý tưởng lóe lên trong chuyến công tác đến nước Mỹ khi nhìn thấy người dân nước này cho mì vào trong cốc, dội nước sôi vào và dùng dĩa để ăn. Sự cải tiến này đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong yếu tố “tiện lợi” của mì ăn liền. Nhờ phát minh này, người ta có thể thưởng thức món mì ở bất cứ đâu mà không cần phải mang theo nồi nấu hay bát đũa cồng kềnh, đưa món mì ăn liền vươn xa đến tầm quốc tế.

Để tôn vinh sự sáng tạo cùng những đóng góp của ông Ando Momofuku với ngành thực phẩm Nhật Bản, người ta đã xây dựng nên “Bảo tàng mì cốc” (Cup Noodles Museum) đầu tiên tại Osaka năm 1999 để đưa lịch sử mì cốc đến gần hơn với người tiêu dùng. Đến năm 2011, Cup Noodles Museum cũng được thành lập. Hiện nay, Cup Noodles Museum được quản lý bởi Công ty Nissin Foods.

Cup Noodles Museum gồm 5 tầng, trong đó, khu vực dành cho khách tham quan là từ tầng 1 đến tầng 4.Tại tầng 1 là khu vực bán vé tham quan, khu cửa hàng lưu niệm và một cửa sổ to trưng bày mô hình dây chuyền sản xuất mì Cup Noodles như trong nhà máy. Du khách có thể tự do tham quan 2 khu vực này mà không cần mua vé.

Sau khi mua vé tham quan tại tầng 1, du khách sẽ được lên tầng 2 và check-in tại bức tường mì ăn liền “Instant Ramen History Cube” của Nissin, được sắp xếp theo dòng thời gian ra đời từ những năm 1958 cho đến nay. Tại đây, du khách hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước phòng trưng bày mì qua từng thời kỳ. Bắt đầu từ sự ra đời của mì gà ăn liền năm 1958, bao bì của các loại mì gói đều được góp mặt tại phòng trưng bày này cho thấy sự phát triển theo dòng lịch sử của món ăn này. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các loại mì gói đến từ nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới. Tổng số lượng bao bì mì gói được trưng bày tại đây lên tới hơn 3.000 bao bì.

Sau khi đã tham quan phòng trưng bày các loại mì rồi, du khách hãy ghé qua phòng chiếu phim Momofuku Theater, nằm ngay bên cạnh phòng trưng bày! Có lẽ khi tới đây, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi phòng chiếu mang thiết kế độc đáo với một màu đỏ đồng nhất. Phòng chiếu có sức chứa 104 người, trang bị tai nghe phiên dịch Tiếng Anh, Tiếng Trung dành cho khách nước ngoài. Tại đây, người ta sẽ trình chiếu đoạn phim ngắn chừng 15 phút, giới thiệu khái quát lịch sử ra đời của món mì ăn liền.

Bên cạnh đó là khu vực trưng bày các hiện vật và tái hiện lại căn nhà nhỏ của ông Ando – nơi ông đã thử nghiệm cách làm khô sợi mì. Mô hình được dựng công phu, rất giống với đời thực sẽ đưa bạn ngược dòng lịch sử trở về Nhật Bản của những ngày xưa cũ trong không gian vô cùng hiện đại của bảo tàng.

Từ mô hình căn nhà nhỏ của ông Ando, du khách đi tiếp theo lối đi được chỉ dẫn để đến “Creative Thinking Box” (Chiếc hộp Tư duy sáng tạo). Đây là khu trưng bày liên quan đến 6 từ khóa về sáng tạo không ngừng nghỉ của ông Ando Momofuku (1. Tìm ra những thứ chưa có; 2. Bất cứ điều gì cũng có thể là chìa khóa tìm ra lời giải; 3. Nuôi dưỡng ý tưởng; 4. Nhìn vấn đề từ nhiều hướng khác nhau; 5. Đừng chỉ coi mọi thứ là bình thường; 6. Không từ bỏ). Mỗi từ khóa đều được diễn tả bằng những hình ảnh trực quan sinh động, để lại ấn tượng sâu sắc cho khách thăm quan. Khu vực này rất thích hợp để du khách chụp một vài bức hình “sống ảo” đấy!

Tiếp nối 6 chiếc hộp Tư duy sáng tạo là tiểu sử cuộc đời ông Ando Momofuku được tái hiện bằng những bức hình lịch sử cùng những dòng chú thích chi tiết trên tường với chiều dài 58m. Bức tường tiểu sử như một lần nữa khắc họa lại tinh thần sáng tạo và tài năng của “cha đẻ mì ăn liền”.

Khi đã thỏa thích tìm hiểu về các loại mì cũng như cuộc đời của “cha đẻ mì ăn liền”, du khách cũng có thể trải nghiệm tự do sáng tạo nên những cốc mì ăn cho riêng mình tại My Cupnoodles Factory hay trải nghiệm làm mì tại Chicken Ramen Factory nằm ở tầng 3 của bảo tàng.

Tại My Cupnoodles Factory, du khách sẽ được thỏa sức sáng tạo cốc mì độc nhất vô nhị của riêng mình. Đầu tiên, du khách cần mua 1 cốc đựng mì tại máy bán tự động. Tiếp đó, nhân viên của bảo tàng sẽ hướng dẫn du khách khử trùng tay và bọc miệng cốc lại để đảm bảo vệ sinh. Du khách sẽ có thời gian tùy ý thiết kế cốc mì của mình với rất nhiều bút dạ màu được đặt sẵn trên bàn. Đừng quên ghi ngày sản xuất cho cốc mì của du khách nhé vì mì cốc được làm tại đây chỉ có hạn sử dụng trong vòng 1 tháng thôi đó!

Sau khi đã có một bao bì thật đẹp mắt, du khách sẽ tiến đến khu vực đóng gói mì. Du khách sẽ được lựa chọn hương vị mì và các loại topping ăn kèm tùy theo sở thích. Có rất nhiều hương vị cho du khách lựa chọn như: vị truyền thống, hải sản, cà ri, cà chua cay,… Du khách có thể lựa chọn tối đa 4 loại topping ăn kèm như: trứng ngô, hành, phomai, tôm,… Cốc mì sau khi đã hoàn thành sẽ được đóng gói nilon cẩn thận trước khi được đưa đến tay du khách.

Khác với trải nghiệm My Cupnoodles Factory, tại Chicken Ramen Factory, du khách sẽ có cơ hội được tự tay làm nên món mì ăn liền với 6 bước: Nhào bột mì; Kéo bột bằng máy kéo bột chuyên dụng; Cắt bột thành sợi mì; Cho mình vào trần sơ; Sáng tạo vỏ bao bì theo ý thích; Tạo hình cho mì và chiên mì để mì khô và bảo quản được lâu hơn. Đây sẽ là một trải nghiệm rất thú vị cho các bé ở độ tuổi tiểu học hoặc cả gia đình.

Và cuối cùng là khu vui chơi cho trẻ em cùng khu vực ẩm thực mì đa quốc gia NOODLES BAZAAR nằm tại tầng 4 của bảo tàng. Khu vực chơi tái hiện lại hình ảnh của một nhà máy sản xuất mì, mỗi bạn nhỏ sẽ giống như một sợi mì có thể đi qua từng quy trình sản xuất. Rất thú vị phải không nào?

Nếu du khách đã đói bụng sau một buổi tham quan bảo tàng thì có thể ghé thăm NOODLES BAZAAR. Tại đây người ta phục vụ rất nhiều loại mì của các quốc gia khác nhau như: Ý, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí là cả Phở của Việt Nam. Đây là cơ hội để du khách được thưởng thức rất nhiều loại mì ngon.

Trước khi kết thúc chuyến tham quan thú vị tại Bảo tàng mì cốc, du khách đừng quên ghé thăm khu vực bán quà lưu niệm tại tầng 1. Không chỉ có mì ăn liền, tại đây còn bày bán rất nhiều những vật phẩm đáng yêu với hình ảnh chủ đạo là chú gà con – linh vật của món mì gà ăn liền, như bút viết, sổ, móc khóa, cốc uống nước, bánh kẹo… Du khách có thể dễ dàng lựa chọn món quà phù hợp cho bạn bè và người thân tại đây.

Qua những thông tin giới thiệu trên đây, du khách có cảm thấy hào hừng muốn được một lần đặt chân đến Cup Noodles Museum không? Hãy để Tour Nhật Bản của chúng tôi đưa du khách đến với bảo tàng thú vị này nhé!