Cung điện Gyeongbokgung là một di tích lịch sử quốc gia thứ 117 của Hàn Quốc, nơi thu hút nhiều khách du lịch đến thăm hàng năm. Đây là một biểu trưng của thời đại Joseon cùng cảnh quan thiên nhiên và dấu ấn văn hoá tuyệt vời.

Nằm ở phía Bắc của thủ đô Seoul là một cung điện chính lớn nhất trong Ngũ Cung, đại diện cho quyền lực thống trị của triều đại Joseon – Cung điện Gyeongbokgung (hay “Cung Cảnh Phúc” có ý nghĩa là “cung điện của ánh sáng và hạnh phúc”). Gyeongbokgung là nơi thiết triều chính của vua chúa Triều Tiên. Đây là biểu tượng cho quyền lực phong kiến của vương triều. 

Theo lịch sử Hàn Quốc thời Joseon ghi lại, Cung điện Gyeongbokgung được khởi công năm 1394 dưới thời Triều Tiên Thái Tổ, bởi sự chỉ đạo của kiến trúc sư Jeong Dojeon. Khai quốc công thần Trịnh Đạo Truyền được vinh dự đặt tên cho cung điện này. Gyeongbokgung tọa lạc trên khoảnh đất rộng và bằng phẳng, trước mặt là núi Namsan, sau lưng là núi Bugaksan. 

Cung điện Gyeongbokgung liên tục được sử dụng như chính điện của Hoàng gia cho đến khi Nhật Bản xâm lược Triều Tiên lần đầu tiên (1592-1598). Cuộc xâm lược này đã khiến cho hầu hết các cung điện bị hư hỏng nặng. Mãi đến năm 1868, Gyeongbokgung được xây dựng lại và mở rộng lên 410.000m2 với 330 dinh thự và 5.792 phòng. Cung điện mới này đã đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ, cho đến năm 1910, khi Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945). Trong khoảng thời gian đó, nhiều phần trong Gyeongbokgung đã bị đốt và phá hủy, phần còn lại cũng gần như biến mất hoàn toàn sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), chỉ còn lại một phần nhỏ với 15 tòa nhà chia thành các khu vực như sân trước, đại sảnh, sân sau, hậu cung; 2 tháp canh và 4 cổng.

Đến năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thực hiện dự án nhằm khôi phục và xây dựng lại phần Cung điện Gyeongbokgung đã bị Nhật Bản phá hủy trong thời gian chiếm đóng và hi vọng sẽ có thể hoàn toàn phục hồi lại nguyên trạng của cung Gyeongbok trong 20 năm tới. Hiện nay, Cung điện Gyeongbok đã mở cửa cho khách du lịch tới tham quan. Mặc dù cung điện này mới chỉ phục hồi được khoảng 40% nguyên trạng nhưng du khách vẫn có thể thấy được rất nhiều điều thú vị khi tới nơi đây.

Có thể nói, Gyeongbokgung là công trình tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Đối với người Hàn thì đây là một nét son về mặt lịch sử nơi vua chúa Triều Tiên thiết triều. Về mặt mỹ thuật thì đây cũng là cung điện đồ sộ nhất Hàn Quốc. Cung điện Gyeongbok không sử dụng quá nhiều màu sắc hay trạm trổ công phu, cầu kỳ, chỉ sử dụng 5 màu cơ bản là: xanh, trắng, đỏ, đen, vàng, kết hợp với lối kiến trúc đơn giản, vững vàng tạo nên vẻ hài hòa, không quá đối chọi với khung cảnh thiên nhiên nhưng vẫn tạo nên được khí thế hùng mạnh của Hoàng quyền Joseon.

Quy hoạch của Cung điện Gyeongbokgung bao gồm các khu hoạt động triều chính, khu sinh hoạt và nghỉ ngơi. Gyeongbokgung gồm các khu vực chính sau: Cần Chính Điện, Khánh Hội Lâu, Quảng Hòa Môn, Khang Ninh Điện, Giao Thái Điện. Trục chính của cung điện là Quảng Hòa Môn và Điện Cần Chính. Các khu vực khác được xây bất đối xứng, tạo nên sự hài hòa thống nhất và phân cấp rõ ràng.

Quảng Hòa Môn (Gwanghwamun) là cổng chính của Cung điện Gyeonbokgung, nằm ở phía Nam. Cổng Quảng Hòa được thiết kế với lớp mái hai tầng và 3 cửa tò vò, trong đó, cửa chính giữa và cao nhất là lối đi dành cho Vua, và các cửa ở hai bên dành cho các quan lại. Trên mái có treo một quả chuông dùng để thông báo thời gian trong ngày. Phía ngoài cổng là Lục Bộ Lộ – Con đường có 6 Bộ, đại diện cho 6 cơ quan trong cơ cấu chính quyền thời Joseon, ngày nay là đại lộ Sejong.

Cổng Heungnyemun: là cổng thứ 2 của Cung điện Gyeongbokgung ngay sau cổng Gwanghwamun. Nằm ở phía Bắc cổng Heungnyemun là Cây cầu Yeongjegyo – điểm check-in, ngắm cảnh rất ấn tượng ở Cung điện Gyeongbokgung.

Cần Chính Điện (Geunjeongjeon) là nơi thiết triều, tổ chức các cuộc họp, thảo luận quan trọng, các hoạt động chính thức của triều đình; là nơi đón tiếp Vua, sứ thần của các nước láng giềng. Điện Cần Chính là điện lớn nhất trong quần thể Cung điện Gyeongbokgung, được thiết kế với những họa tiết vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ.

Nằm bên trái Cung điện Gyeongbokgung theo hướng nhìn từ Quảng Hòa Môn vào là Khánh Hội Lâu (Gyeonghoeru) nơi thường để tổ chức những yến tiệc, diễn ra ca múa, nhạc để đãi sứ thần ngoại bang. Tọa lạc trên một ao sen nhân tạo, bên cạnh hòn giả sơn có tên là Mansesan, Khánh Hội Lâu là một trong những nơi đẹp nhất trong Cung điện Gyeongbokgung và được lên phim ảnh như là biểu tượng của cung điện. Khánh Hội Lâu được xây dựng theo kiến trúc 2 tầng. Tầng 1 được bày trí bằng rồng và hoa, được hình thành bởi 48 cột đá. Tầng 1 dành cho các quan thần bậc thấp và tầng 2 dành cho vua chúa và đại sứ ngoại bang.

Khang Ninh Điện (Gangnyeongjeon) là nơi nghỉ ngơi của Vua. Khu nhà này rộng 9 gian với gian chính điện rất rộng nằm chính giữa, các gian nhỏ có hệ thống sưởi sàn Ondol nằm ở hai bên, sàn lát ván gỗ, trước mặt là bậc đá xếp cao. Vua nghỉ ngơi ở gian chính điện.

Giao Thái Điện (Gyotaejeon) là nơi nghỉ ngơi của Hoàng hậu. Trong tiếng Hàn, “Giao Thái” có nghĩa là sinh sôi, nảy nở. Phía sau điện có một khu vườn rất đẹp tên là “Amisan” với các cột hình lục giác được tô điểm nghệ thuật bằng các hình lân, phượng, chim chóc và hoa lá. Tương truyền rằng đất để nung những viên gạch xây nên cột này được lấy từ ao nơi có Lầu Khánh Hội đề cập bên trên.

Bên trong Gyeongbokgung còn có 2 bảo tàng: Bảo tàng Cố cung Quốc gia – nơi lưu trữ bảo tồn văn hóa lịch sử thời Joseon. Có 5 khu vực chính trong bảo tàng là: Khu trưng bày các bản ghi và biểu tượng hoàng cung, Khu trưng bày các nét đẹp tôn giáo, Khu trưng bày kiến trúc hoàng gia, Khu trưng bày các phát minh khoa học thời đại Joseon, Khu trưng bày cuộc sống hoàng cung. Bảo tàng Dân gian Quốc gia được thành lập năm 1945, là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, các di sản văn hóa dân gian của người dân Hàn Quốc từ xưa cho đến nay.

Cung điện Gyeongbok thu hút du khách không hẳn vì quy mô kiến trúc mà có lẽ chủ yếu vì khu vườn thượng uyển có tiếng là đẹp. Khu vườn với có đình tạ, có hoa cỏ cắt tỉa công phu điển hình cho nghệ thuật vườn cảnh Hàn Quốc. Người dân thủ đô Seoul thường lui tới đây thỏa mắt ngắm cảnh và nghỉ ngơi.

x-default

Không chỉ có vậy, nếu may mắn, khách tham quan sẽ được chứng kiến nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân diễn ra hàng ngày ở Gyeongbokgung để diễn lại phần nào phong cảnh huy hoàng của các triều đại vua chúa ngày xưa.

Cung điện Gyeongbok quả thật là địa điểm tham quan tuyệt vời khi du lịch Hàn Quốc. Mỗi mùa ở Gyeongbok đều có một vẻ đẹp khác nhau với vẻ đẹp uy nghiêm của cung điện cùng với vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên nên mùa nào tới đây cũng có một vẻ đẹp lạ thường. Nhưng có lẽ, mùa xuân và mùa thu được lựa chọn là 2 mùa đẹp nhất của Gyeongbokgung. 

Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nhau khoe nở, đất trời tràn ngập những gam màu rực rỡ, tươi vui. Lạc bước trong Cung điện Gyeongbokgung, du khách sẽ được tận hưởng khí trời tươi mát, tràn đầy sức sống và năng lượng.

Mùa thu đến, Cung điện Gyeongbokgung nói riêng và Hàn Quốc nói chung ngập tràn sắc đỏ, sắc vàng của những hàng cây ngân hạnh, cây phong. Không gian lãng mạn, trữ tình nơi đây níu giữ bước chân du khách, khiến ai nấy đều không nỡ cất bước rời đi. 

Nếu du khách có dịp du lịch Hàn Quốc thì đừng quên dành thời gian ghé đến tham quan Cung điện Gyeongbokgung nhé! Chắc chắn điều này sẽ giúp du khách hiểu biết hơn nền văn hóa truyền thống của “xứ sở Kim Chi”. Chúc du khách có một chuyến đi với nhiều điều thú vị!