Rong biển – nguyên liệu đặc biệt của ẩm thực Hàn Quốc

Mỗi khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, bên cạnh món Kimchi thì không thể không thể thiếu cái tên “Rong biển”. Ở Hàn Quốc, Rong biển là nguyên liệu đặc biệt của ẩm thực quốc gia này. Nó rất phổ biến trong các bữa cơm của người dân nơi đây.

Rong biển là loại thực vật sống ở biển, thuộc nhóm tảo đa bào nhưng không có cùng tổ tiên với tảo nâu, tảo đỏ và tảo lục. Rong biển còn được gọi là tảo bẹ, có khá nhiều màu từ màu đỏ, màu nâu đen cho đến màu xanh lá cây. Loại rong này thích nghi cả hai môi trường: nước mặn và nước lợ. Chúng thường bám trên các vách đá, rặng san hô hoặc mọc dưới tầng nước sâu nơi ánh sáng mặt trời chiếu tới để quang hợp.

Người dân Hàn Quốc ví Rong biển là “viên ngọc xanh” từ đại dương bởi những giá trị dinh dưỡng và tiềm năng kinh tế to lớn mà loài thực vật biển này mang lại.

Rong biển – niềm tự hào của người Hàn Quốc

Mặc dù nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc,… có khí hậu tương tự, song chỉ Hàn Quốc mới có thể sản xuất ra rong biển có chất lượng tốt nhất với sản lượng lớn.

Tại Hàn Quốc, việc trồng Rong biển bắt đầu vào đầu thế kỷ 17, ban đầu chỉ dùng như một loại rau. Sau này, với những cải tiến về công nghệ và nhu cầu tiêu dùng, Rong biển được chế biến thành nhiều cách hơn. Từ Rong biển cuộn cơm truyền thống, người Hàn đã phát triển thành các dòng sản phẩm Rong biển ăn liền, Snack Rong biển, kẹo rong biển,… và kéo theo sự phát triển mạnh của ngành xuất khẩu sản phẩm Rong biển ra toàn thế giới. Tính tại thời điểm năm 2010, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này đã đạt 90.000 USD. Điều này cho thấy, Rong biển có một thị trường tiêu thụ rất lớn và không chỉ hợp với khẩu vị của người Châu Á mà còn được cả thế giới đón nhận.

Có thể nói, rong biển là nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Hàn và đó còn là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Cũng vì lẽ đó nên người Hàn còn thành lập nên Bảo tàng Laver – nơi là nơi gìn giữ và phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống của Hàn Quốc, đồng thời giới thiệu đến khách du lịch quốc tế về các loại sản phẩm Rong biển.

Các loại Rong biển phổ biến của Hàn Quốc

Tại xứ Hàn có 2 loại Rong biển phổ biến đó là: “Rong biển Kim” và “Rong biển Miyeok”.

Rong biển Kim là loài tảo biển thân dài từ 14-25cm, tua dài 5-12cm và mọc ký sinh trên đá ngầm dưới đáy biển giống như một loài rêu. Nó có hình ô van dài và có nếp gấp ở mép gờ, phần thân trên có màu nâu sẫm và phần thân dưới có màu xanh lục. Trong khi đó, Rong biển Miyeok lại có thân dài từ 1-2m và chiều rộng có thể lên tới 50cm. Những lá Rong biển Miyeok đan vào nhau tạo thành những tán rộng, trông giống như hình tổ tò vò. Thân lá Rong biển Miyeok cũng bám vào đá để phát triển.

Do có thân và lá to nên Rong biển Miyeok được phơi khô và dùng như một loại rau để nấu canh. Còn Rong biển Kim có hình dạng lá mỏng, mềm, dễ dàng phơi khô thành tấm và được gọi là “giấy đen”.

Ngoài hai loại Rong biển trên, còn có “Tảo bẹ Dasima”. Loài rong này dài từ 1,5-3,5m, rộng từ 25-40cm và có rễ, thân, lá phân biệt rõ ràng. Tảo bẹ Dasima có tuổi sinh trưởng là 4 năm. Tại Hàn Quốc, Tảo bẹ Dasima được dùng nhiều để nấu nước dùng hoặc ở một số vùng, người ta luộc Dasima như rau để quấn ăn cùng cơm hoặc gói Sushi.

Rong biển – nguyên liệu “thần kỳ” chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng

Rong biển Hàn Quốc luôn được đánh giá là loại hảo hạng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất thế giới. Rong biển với hàm lượng protein (chiếm 40%), chất xơ, vitamin và 8 loại axit amin thiết yếu, có hàm lượng calo, muối và đường thấp, không có gluten và là một phần của chế độ ăn uống nhiều chất xơ. Nhờ những đặc điểm dinh dưỡng ấn tượng này, Rong biển được biết tới là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và được cho rằng có vai trò giúp cho cơ thể con người trong việc chống lại bệnh tật.

Thành phần quan trọng nhất có trong Rong biển là fertile clement. Đây là chất có tác dụng điều tiết máu lưu thông, tiêu độc, loại bỏ các cặn bã trong cơ thể. Thêm vào đó, nó còn là chất không thể thiếu của tuyến giáp trạng, nơi tiết ra hoóc-môn sinh trưởng, giúp cơ thể phát triển. Chính vì lẽ đó mà phụ nữ có thai và trẻ em được khuyến khích ăn các thực phẩm làm từ Rong biển. Đặc biệt, thành phần fucoidans có trong Rong biển được tin rằng có tác động tích cực tới sức khỏe, giúp nâng cao tuổi thọ, nâng cao sức để kháng và tốt cho hệ tim mạch.

Ngoài ra, việc phát hiện ra “umami” (hay còn gọi “hương vị thứ năm”) – là khai niệm về một mùi vị được định nghĩa bởi đầu bếp và những người sành ăn đã giúp khám phá ra thêm một đặc điểm dinh dưỡng quan trọng khác trong Rong biển – hàm lượng glutamate cao. Glutamate là một loại amino axit cần thiết cho hoạt động của não bộ. Nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng glutamate cao trong Rong biển chính là nguyên nhân tạo lên hương vị “umami” đặc trưng của loại thực phẩm này.

Các món ăn hấp dẫn từ Rong biển

Với nguyên liệu Rong biển “thần kỳ”, người dân Hàn Quốc đã chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Trước hết, phải kể đến “Canh Rong biển” (Miyeok Kuk), một món ăn truyền thống đầy ý nghĩa. Theo truyền thống, Canh Rong biển thường được những người phụ nữ dùng sau khi sinh trong nhiều ngày. Và xuất xứ từ tính năng mang nhiều công dụng đối với sức khỏe con người, Canh Rong biển đã trở thành biểu tượng cho lòng tôn kính và biết ơn người mẹ đã phải “mang nặng đẻ đau”. Bởi vậy, Canh Rong biển là thực phẩm không thể thiếu trong các buổi lễ sinh nhật, nó luôn nhắc nhở người con trong lễ sinh nhật của mình phải nhớ tới công ơn sinh thành của mẹ, và đây cũng là một trong những nét văn hóa rất đẹp của người Hàn. 

“Kimbap” cũng là một món ăn được làm từ Rong biển. Kimbap có xuất xứ từ một loại Sushi là Makisushi (1910-1945). Tên gọi của món ăn rất đơn giản, “kim” là tên gọi của lá Rong biển khô; “bap” là“cơm, như vậy Kimbap là cơm gói trong lá Rong biển. Về hình dạng, Kimbap “có vẻ” giống món Makisushi – cũng là món cơm cuốn trong lá Rong biển của Nhật Bản. Nhưng Kimbap thường to hơn (béo hơn) vì bên trong, “nhân” gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau. Kimbap cũng được cắt khoanh tròn với độ dày mỏng hơn so với Makisushi. Nếu như cùng chiều dài của một tấm Rong biển, Maki được cắt đều làm 6 khoanh, thì Kimbap có thể được cắt thành 12 khoanh hoặc hơn.

Rong biển không tẩm gia vị sẽ được sấy khô hoặc nướng rất nhanh trên lửa. Loại này thường được sử dụng để cuộn cơm làm món ăn phụ hoặc cuốn Sushi. Người ta có thể chế biến Rong biển truyền thống bằng cách trộn với các loại gia vị như: dầu vừng, muối và có thể là một chút nước tương rồi sau đó nướng lên. Có thể dùng Rong biển như một món ăn nhẹ, uống với rượu hoặc sử dụng làm món ăn kèm với cơm. Cũng có thể tán Rong biển thành bột để rắc và ăn cùng cơm.

Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng có thể cắt tấm Rong biển tươi thành miếng nhỏ rồi chiên trong dầu và nêm thêm muối, đường, nước sốt và gia vị tùy thuộc vào khẩu vị. Đây là một nguyên liệu hoàn hảo để rắc lên món Bibimbap là cơm trộn với các loại rau, thịt và nước sốt.

Văn hóa Kim-Maek

Trong những năm gần đây, văn hóa Kim-Maek đang trở thành một trào lưu văn hóa đang ngày càng phổ biến tại Hàn Quốc. “Kim” là rong biển, “Maek” có nghĩa là Bia, “Kim-Maek” chính là muốn tạo người tiêu dùng thói quen sử dụng Snack Kim với Bia như một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Hàn Quốc và lan truyền tới các quốc gia khác trên thế giới.

Bằng sự kết hợp giữa Rong biển với các nguyên liệu khác như: cá, hạnh nhất, phô mai,… người Hàn đã tạo ra những sản phẩm bánh Snack làm từ Rong biển (Snack Kim) kết hợp với các nguyên liệu khác như: phô mai, cá biển, hạnh nhân, dừa khô,… tạo ra hương vị hòa quyện hoàn hảo với vị Bia.

Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, được thưởng thức hương vị Rong biển đúng điệu quả thật là một trải nghiệm thú vị cho du khách. Du khách cũng có thể mua về làm quà cho người thân thứ nguyên liệu vừa rẻ vừa bổ dưỡng này.