Nhật Bản rất thành công trong việc bảo tồn những điểm lịch sử như lâu đài cổ hay các địa danh nổi tiếng, đặc biệt là những vùng đất Samurai – nơi các võ sĩ Samurai từng cư trú trong thời kỳ phong kiến. 

Bên cạnh Geisha, Sumo thì Samurai cũng đã góp phần tạo nên sự độc đáo bí ẩn và tiếng vang của “xứ hoa anh đào”. Samurai là tên gọi của những chiến binh ở thời kỳ cận đại của đất nước Nhật Bản. Các chiến binh Samurai được huấn luyện bài bản về võ thuật, kỹ luật và đặc biệt là tinh thần chiến đấu, tinh thần Samurai luôn bừng cháy trong mỗi chiến binh. Nếu thất bại với nhiệm vụ giao phó, họ sẵn sàng tự xử để thể hiện sự trung hiếu với lãnh chúa. Vì thế tinh thần Samurai vẫn được lưu truyền và được người dân Nhật bản gìn giữ như một nét văn hóa đến tận ngày nay như một thước đo thể hiện sự trung nghĩa, lễ nghĩa.

Nếu du khách thấy thích thú và say mê với những truyền thuyết về các võ sĩ Samurai “xứ hoa anh đào” thì có thể đến khám phá 5 vùng đất Samurai bí ẩn tại Nhật Bản để chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên, kiến trúc của những lâu đài cổ, nhà cổ, tìm hiểu về các di tích, các vật dụng mà võ sĩ Samurai thời xưa từng sử dụng.

Thị trấn Kakunodate

Kakunodate là một trong những niềm tự hào của người dân tỉnh Akita thuộc vùng Tohoku, vì nơi đây có thành trì cổ của võ sĩ đạo Samurai và cũng là một thị trấn rực rỡ khi vào mùa hoa anh đào nở. Nơi đây có 80 ngôi nhà cổ của Samurai thời kỳ Edo còn giữ được vẹn nguyên hình dáng. Đặc biệt, trong cả bốn mùa của năm, khi đến tham quan khu vực này, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của những hàng cây bên đường. Đó có thể là lúc hàng trăm cây đào đua nhau nở, hoa đào rợp khắp đất trời. Hay là màu xanh mướt mát như tuổi thanh xuân của mùa hè. Hoặc rực rỡ với lá phong vào mùa thu hay se lạnh tiết trời mùa đông. 

Đến với ngôi làng, du khách sẽ được tham quan những ngôi nhà cổ của Samurai với lối kiến trúc gỗ được bao quanh bởi tường ráo đá độc đáo. Và hơn thế nữa, du khách có thể trải nghiệm mặc thử Kimono để dạo quanh nơi này. Cái cảm giác mặc một bộ Kimono truyền thống trên mình, rảo bước trên con đường đậm chất lịch sử, đi vào từng ngóc ngách ngôi nhà cổ xưa là thứ mà du khách khó lòng có thể quên được khi đến thăm vùng đất Samurai của nước Nhật.

Thị trấn Nagamachi

Nagamachi là một trong những điểm đến được khách quốc tế khám phá nhiều nhất vì hầu như các lâu đài Samurai được bảo tồn nguyên vẹn. Đến đây, du khách như lạc bước vào thời kỳ Edo của Nhật Bản khi xung quanh là các ngôi nhà xây bằng đất, lối đi lát đá, những dòng kênh nhỏ uốn lượn xung quanh ngôi làng đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cổ kính hoang sơ đầy mê hoặc.

Ngoài ra, du khách có thể tham quan các Bảo tàng Kinenkan Shinise và Ashigaru Shiryokan để tìm hiểu về lịch sử các Sumurai vĩ đại.

Thị trấn Chiran

Chiran nằm ở phía Nam của bán đảo Kyushu, vùng đất nổi tiếng với các suối nước nóng tự nhiên như: Unzen hay Beppu. Thị trấn này được gọi là “tiểu Kyoto” của Satsuma (Kagoshima ngày nay) vì có nhiều kiến trúc trang nhã như ở Kyoto. 

Trong thời kỳ Edo cuối thế kỷ 19, Chiran từng có khoảng 500 ngôi nhà của các Samurai. Điểm đặc biệt ở đây là 7 khu vườn phong cách Samurai liền kề với nhau tạo nên khung cảnh vừa cổ kính, vừa hoang sơ, trong lành. Điểm nhấn của các khu vườn là đá, ao và cây xanh kết hợp, tạo sự nên thơ đối lập với sắc thái uy phong, hùng dũng của các Samurai.

Thị trấn Hagi

Hagi là một thị trấn nhỏ, nằm trên bờ biển phía Bắc của Yamaguchi trên Biển Nhật Bản. Nơi này nổi tiếng vì có nơi ở của Samurai và gia đình họ. Trong thời đại phong kiến Nhật Bản, thị trấn Hagi là nơi tập trung nhiều Samurai, những thương nhân kinh doanh Kimono và rượu Sake. Nơi đây trù phú đến mức nhiều Samurai đã từ bỏ cuộc sống đao kiếm của họ để chuyển sang buôn bán. Gia tộc Kikuya là minh chứng điển hình cho điều này. Du khách có thể ghé thăm dinh thự Kikuya để chiêm ngưỡng thiết kế kiến trúc tuyệt đẹp. Ngoài ra, không nên bỏ lỡ việc đi dạo trên những con đường mòn của Công viên Shizuki và ghé thăm ngôi đền Ensei-ji ở Hagi để chuyến tham quan được trọn vẹn.

Thị trấn Usuki

Là một thị trấn cổ của Nhật Bản, Usuki đã được công nhận là điểm tham quan không thể bỏ qua ở tỉnh Oita. Khách du lịch thường đến đây để ngắm nhìn các bức tượng Phật Đá quý hiếm và con hẻm lịch sử Nioza. Nơi cư trú của gia tộc Inaba cũng được đặt tại đây. Đó là một ngôi nhà gỗ xinh đẹp với một khu vườn duyên dáng bên ngoài. Bên cạnh đó, dinh thự của gia tộc Marumo cũng là một nơi ở khác của samurai trong thời phong kiến và cả hai đều mở cửa đón khách tham quan.

Thị trấn Kitsuki

Kitsuki là một thị trấn nhỏ nằm ở phía Nam bán đảo Kunisaki thuộc vùng Kyushu. Nơi đây có nhiều ngôi nhà cổ kiến trúc Samurai, còn được gọi là “thành phố Samurai thu nhỏ” của Nhật Bản.

Những ngôi nhà ở đây nằm trên các đồi dốc thoai thoải, với những khu vườn lát đá rộng lớn, có hồ nước tạo nên khung cảnh trữ tình. Bên trong ngôi nhà được trưng bày những thanh kiếm, các bộ áo giáp, và bức tranh kể lại cuộc đời của dòng họ Samurai.

Thị trấn Shiojiri

Vào đầu những năm 1600, sau sự kết thúc của thời đại Sengoku phong kiến, Chính phủ Nhật Bản đã chuyển từ Kyoto đến Tokyo. Trong khi những Shogun (mạc chúa) ở Tokyo, Thiên hoàng vẫn ở Kyoto, 2 thành phố lớn này tiếp tục vẫn là trung tâm chính trị, văn hóa và thương mại quan trọng của xã hội Nhật Bản. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển các tuyến đường bộ giữa Kyoto và Tokyo. Phương tiện giao thông có bánh xe bị cấm, hầu hết mọi người sẽ đi bộ. Mọi người không thể đi bộ liên tục từ Kyoto đến Tokyo chỉ trong 1 ngày, do đó, các Shukubamachi mọc lên bao gồm quán trọ, quán nước ven đường và nhiều cơ sở khác được xây dựng để phục vụ mọi người. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn lối kiến trúc đặc trưng này tại Nhật Bản, và du khách có thể tìm thấy nó ở thị trấn Shiojiri thuộc tỉnh Nagano. 

Thị trấn Shiojiri giống như trong thời kỳ Edo, mọi thứ đều nguyên vẹn, cổ xưa một cách khó tin. Tất cả các thiết kế bên ngoài trông giống như một nơi mà một người hành hương, người bán hàng rong hoặc Samurai có thể đã bước vào để thưởng thức một bữa ăn nóng hoặc một nơi để ngủ từ hàng trăm năm trước.

Thị trấn Shiojiri thực sự đã bảo tồn nơi này rất tốt. Thậm chí, họ còn cố gắng để mọi thứ trông thật giống như trong thời kỳ Samurai. Người ta viết chữ viết tay trên các bảng hiệu, hình dáng đèn lồng cổ xưa hay như dây điện được chôn dưới đất để tránh gây mất thẩm mỹ. Quyết định này không phải thị trấn nào ở Nhật Bản cũng làm.

Những vùng đất Samurai luôn mang đến cho du khách cảm giác như đang quay về thời kỳ phong kiến của Nhật Bản. Từ kiến trúc nhà cửa đến đường đi, khu vườn… đều mang một lối kiến trúc rất hoài cổ và xinh đẹp. Nếu du khách thích một không gian yên bình thì hãy ghé thăm những vùng đất cổ này trong những chuyến du lịch Nhật Bản nhé!