11 loại Rong biển “quốc dân” của người dân “xứ Phù Tang”
Từ xa xưa, rong biển và các sản phẩm có nguồn gốc từ rong biển đã trở thành nguyên liệu chính của ẩm thực Nhật Bản. Người Nhật dành sự yêu thích “đặc biệt” cho rong biển bởi nó chứa rất nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Tại Nhật Bản có rất nhiều loại rong biển khác nhau dùng để chế biến ra đa dạng các món ăn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Rong biển hay tảo biển trong tiếng Nhật được gọi là “Kaisou”, là cách gọi chung chỉ những loài thực vật sinh sống dưới nước. Tại Nhật Bản, người ta phát hiện có khoảng 1.500 loài rong biển khác nhau, chúng phân bố ở các vùng biển trên khắp cả nước.Tuy nhiên, chỉ có 100 loài rong biển trong số đó có thể ăn được và có khoảng 11 loại là phổ biến nhất được người Nhật sử dụng:
1 – Nori
Nori là loại rong biển quen thuộc nhất đối với tất cả mọi người. Dù hình thức loại rong biển này có màu xanh đen nhưng thực chất nó được làm từ một loại tảo màu đỏ. Tảo tươi sau khi thu hoạch, rửa sạch, sấy khô, nghiền nhỏ và ép thành miếng rong biển khô Nori.
Rong biển Nori có mùi nồng tanh, vị bùi, hơi mặn của muối biển. Đây là nguyên liệu không thể thiếu trên bàn ăn của người Nhật vì nó làm tăng vị ngon của món ăn. Nori thường được dùng để cuộn Sushi, gói cơm nắm và để ăn đơn giản như một món ăn nhẹ. Hiện nay, Nori không chỉ được dùng cho món Sushi hay Onigiri mà còn làm gia vị cho các món súp, mì Ramen, hay để làm trang trí hoặc đóng gói làm đồ ăn vặt.
2 – Umibudo
Tên gọi chính thức của loại rong biển này là “Kubiretsuta”, nhưng vì chúng có những hạt li ti mọc thành từng chùm rất giống chùm nho nên được gọi là “Rong nho” hay “Trứng cá xanh”. Tại Nhật Bản, chỉ có vùng Okinawa và Kagoshima với nhiệt độ ấm là nơi có thể trồng được Umibudo. Mặc dù sinh trưởng tại các vùng có khí hậu ấm áp nhưng mùa của rong nho lại rơi vào từ mùa thu đến mùa xuân.
Umibudo có hương vị tươi mát của biển và đặc biệt là rất giòn khi nhai. Không chỉ đặc biệt khi ăn, rong Umibudo còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng như vitamin, fucoidan, sắt, magie, canxi, chất xơ và các loại khoáng chất bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong đó, Kali, Magie và sắt có tác dụng rất tốt trong việc làm đẹp. Ngoài ra, loại rong biển này cũng có hàm lượng calorie rất thấp phù hợp với những người ăn kiêng.
Khác với các loại rong biển khác kể trên, Umibudo thường được dùng để ăn sống, bởi nếu nấu lên nhiệt độ sẽ làm mất hương vị và độ giòn của nó. Du khách có thể ăn Umibudo cùng với Sashimi, dùng để rắc lên các món ăn, làm Sushi hoặc Salad.
3 – Kombu
Đây là loại rong biển để nấu Dashi – loại nước dùng cơ bản cần thiết có trong các món ăn của người Nhật. Nó góp phần tạo nên vị đậm đà một cách tinh tế trong các món súp, món hầm của đất nước này.
Sở hữu kết cấu dai và Acid glutamic có trong Kombu nên khi nấu sẽ tạo vị ngọt tự nhiên mà không cần dùng bột ngọt hay hạt nêm, đó là lý do Kombu trở thành nguyên liệu chính để nấu Dashi. Ngoài ra, hàm lượng canxi trong Kombu cao nhất so với tất cả các loại rong biển khác. Với mùi vị tự nhiên, không có vị tanh đặc trưng mà khi nói đến rong biển người ta thường nghĩ nên Kombu thích hợp cho những người muốn ăn rong biển nhưng sợ vị tanh của nó.
Ngoài Dashi, rong biển Kombu có thể được nấu theo kiểu “Tsukudani”, nấu cùng nước tương, rượu Sake và đường cho đến khi màu sẫm lại và kết cấu trở nên mềm và dai. Loại Kombu này là một loại nhân phổ biến cho Onigiri (cơm nắm) ăn cùng salad và rau.
Bên cạnh đó, Kombu được nấu chung với các loại đậu, gạo lứt vì nó có tác dụng làm các loại thực phẩm ấy mau mềm. Nước dùng từ Kombu và nấm dành cho người ăn chay, còn đối với người ăn mặn thì kết hợp Kombu với cá bào.
Kombu cũng có thể được sử dụng để chế biến một loại trà nổi tiếng gọi là kombu-cha. Tên gọi giống với loại đồ uống lên men thịnh hành ở nhiều nước phương Tây, tuy nhiên Kombu-cha Nhật Bản có những đặc tính khác biệt, nhiều người Nhật uống nó thường xuyên để chăm sóc sức khỏe.
4 – Wakame
Wakame có nhiều ở phía Bắc Đại Tây Dương và bờ rìa biển Nhật Bản, nó được liệt kê là dạng tảo nâu mặc dù có màu xanh nhạt.
Rong biển Wakame có vị ngọt nhẹ này nhìn khá giống Kombu nhưng mềm và bổ hơn. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được tính thanh mát và độ ngon giòn sần sât của nó.
Wakame thường kết hợp với củ hay cá, các món salad hay ăn không cũng đều ngon. Người Nhật cũng dùng loại rong biển này ăn cùng với súp Miso. Đặc biệt, Wakame rất giàu axit folic nên được rất nhiều phụ nữ mang thai ăn để em bé sau này được khỏe mạnh.
Ở Nhật Bản, Wakame tươi được thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 6, nhưng Wakame khô luôn có sẵn quanh năm và có thể dễ dàng chế biến bằng cách ngâm trong nước hoặc nấu lên.
5 – Ogonori
Rong biển Ogonori có màu xanh, dạng sợi rất đẹp mắt, giòn và ngon. Rong biển Ogonori bắt buộc phải bảo quản lạnh với muối và cũng chỉ dùng ăn kèm với các món ăn lạnh như: Salad hoặc Sashimi.
6 – Tengusa
Rong biển sợi Tengusa có mặt trên khắp các vùng biển của Nhật Bản. Rong Tengusa khi tươi sẽ có màu tím thẫm, nhưng qua quá trình chế biến, nó sẽ cho ra một màu trắng trong.
Hầu hết Tengusa được nấu lên và bảo quản trong một thời gian dài trước khi mang ra sử dụng. Rong biển sau khi nấu nhừ sẽ đông lại gọi là “Tokoroten”. Tuy nhiên, Torokoten rất dễ vỡ.
Đến mùa đông, Tokoroten trải qua một quá trình xử lý để cho ra thạch rau câu Kanten có độ dai và giòn. Những đêm đông tuyết rơi, người ta mang tokoroten ra phơi ngoài trời để nó trở nên cứng như đá. Sau 2 tháng bảo quản và xử lý trong tiết trời giá lạnh, sản phẩm cuối cùng là những thỏi rau câu Kanten có màu trắng trong. Thạch rau câu Kanten không có mùi vị, nhưng lại rất giàu chất sơ và không có calories. Món ăn này được cho là giúp giảm cholesterol và huyết áp. Thạch rau câu kanten là món ăn được người Nhật ưa thích vào những ngày hè. Màu sắc cùng vị mát lạnh của món ăn giúp xua tan cái nóng oi ả.
7 – Mozuku
Mozuku là một loại tảo nâu là niềm tự hào của Okinawa. 99% sản lượng của thế giới được thực hiện ở quần đảo phía Nam của Nhật Bản.
Mozuku chứa hàm lượng Fucoidan rất cao, một loại polysaccharide sunfat có chủ yếu trong rong biển nâu. Phân tử này được phát hiện là cực kỳ tốt trong việc ngăn chặn các khối u trong thử nghiệm tại phòng thí nghiệm. Mặc dù nó được tìm thấy trong các loại rong biển màu nâu khác như Wakame nhưng Mozuku lại chứa một lượng lớn hơn gấp nhiều lần các loại rong biển khác. Trên thực tế, khoảng 1/4 trọng lượng của Mozuku được làm từ Fucoidan. Ngoài Fucoidan, Mozuku còn chứa rất nhiều khoáng chất và vitamin. Người Nhật gọi nó là rong biển thần kỳ vì những lý do này.
Ở Nhật Bản, rong biển Mozuku được đóng gói riêng lẻ bán trong các siêu thị. Nhiều nhà hàng chuyên về hải sản cũng có món ăn với Mozuku. Mozuku thường ăn kèm với giấm để mang lại hương vị sắc nét hơn và được ăn như một món ăn phụ theo cách rất đơn giản này. Nếu đến Okinawa, du khách cũng có thể thấy nó được phục vụ theo kiểu Tempura.
8 – Hijiki
Hijiki chỉ có thể thu hoạch được ở các bờ biển đầy đá của Nhật Bản. Đây là một loại thực phẩm lành mạnh, giàu khoáng chất thiết yếu và chất xơ. Loại rong biển này có vẻ ngoài mỏng và sần sùi, giống như một cành cây nhưng lại có hương vị béo ngậy đậm đà như biển cả.
Tại Nhật Bản, Hijiki thường được bán ở dạng khô. Trước khi dùng Hijiki, người ta phải ngâm trong nước 60 phút rồi mang ra để ráo nước. Rong biển Hijiki thường được sử dụng trong các món hầm và các món súp như: Ochazuke, và trong món salad kết hợp với các thành phần như đậu phụ rán, cà rốt thái sợi, đậu Edamame có vỏ, Konnyaku, củ sen và các loại rau khác, trộn với nước tương ngọt, và Mirin.
9 – Tosaka
Tosaka thuộc nhóm tảo đỏ. Vì có màu đỏ và hình dáng gần giống như chiếc mào của con gà nên nó được gọi là Tosaka (trong tiếng Nhật nghĩa là “mào gà”). Tosaka được trồng chủ yếu ở Kumamoto, bờ biển bán đảo Ise. Ngoài khu vực này ra, sẽ rất khó để du khách có thể thưởng thức Tosaka tươi và đậm vị như ở đây.
Tosaka có 3 loại: màu đỏ (aka-Tōsaka), xanh (ao-Tōsaka) và trắng (shiro-Tōsaka). Khi ăn sống chúng có màu đỏ, nhưng khi được chế biến qua lửa Tosaka sẽ chuyển qua màu xanh. Tosaka màu trắng là loại đã được xử lý qua nước vôi.
Trong Tosakanori có chứa nhiều chất khoáng và chất xơ, so với các loại rong biển khác lượng vitamin không được nhiều bằng, nhưng hàm lượng calorie thấp cũng rất thích hợp với những người ăn kiêng. Tosakanori mang hương vị đặc trưng của biển và rất giòn thường dùng để trang trí và thêm màu sắc trong các món Sashimi, cơm hải sản, salad,… Ngoài ra, cũng có món Tosaka Konnyaku được làm từ Tosakanori vô cùng độc đáo mà chắc chắn du khách nên thử một lần.
10 – Aonori
Aonori là một loại tảo thuộc nhóm tảo lục. Aonori có thể chia thành 3 loại là Hitoegusa, Aosa và Aonori. Trong đó, Aosa và Aonori là hai loại phổ biến nhất thường được dùng làm nguyên liệu khi chế biến các món ăn.
Cũng giống như các loại rong biển khác, Aonori cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như chất xơ giúp cải thiện môi trường đường ruột và ngăn chặn sự gia tăng của lượng đường trong máu, Axit Folic rất tốt cho phụ nữ mang thai, β caroten giúp duy trì sức khỏe của da, mắt và chống lão hóa,…
Aonori thường được dùng làm nguyên liệu tạo màu và hương vị cho món ăn như Takoyaki, Okonomiyaki, Karaoke, Potato chips, Tempura. Ngoài ra, du khách thường thấy loại rong biển này trong món súp Miso. Du khách cũng có kết hợp Aonori với các món ăn khác như trứng tráng, Karaage,…
11 – Mekabu
Mekabu có kết cấu đặc biệt hơn những loại rong biển khác, chúng là phần hoa của một loài thực vật biển. Loại rong biển này có màu vàng nhạt, vị ngọt nhẹ với kết cấu hơi nhầy có sẵn ở dạng khô hoặc tươi.
Hương vị đậm đà của Mekabu rất hoàn hảo khi kết hợp với nước sốt Ponzu làm từ cam quýt hoặc một ít giấm và nước tương. Du khách có thể thưởng thức Mekabu trong súp, salad, như một loại gia vị chấm cho mì hoặc như một lớp phủ trên cơm đều rất ngon.
Trên đây là 11 loại rong biển phổ biến có mặt trong các bữa ăn của người Nhật. Du khách đã nếm thử bao nhiêu loại trong số chúng và đâu là loại du khách thích nhất? Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy thử tìm hiểu thêm về các loại rong biển khác ở vùng đất này nhé!