6 Đài tưởng niệm đáng ghé thăm trong chuyến du lịch Singapore
Với những ai đã từng đến Singapore, đã tham quan hết những khu du lịch nổi tiếng thì vẫn còn một lý do để quay lại nơi đây đó chính là những Đài tưởng niệm. Tuy Singapore là một quốc gia còn non trẻ nhưng với những thành tựu vượt bậc như ngày nay cùng nền văn hóa đa sắc tộc thì du lịch văn hóa để tới thăm những di tích lịch sử quả không phải là một sự lựa chọn tồi.
Tham gia Tour Singapore cùng chúng tôi, du khách sẽ được tham quan nhiều kiến trúc độc đáo được xây dựng để tưởng nhớ quá trình đấu tranh và chia ngọt sẻ bùi của nhiều dân tộc trong suốt Thế chiến thứ II, đó là các Đài tưởng niệm.
1 – Đài Tưởng niệm Chiến tranh (Civilian War Memorial)
Nằm trong Công viên Đài Tưởng niệm Chiến tranh (War Memorial Park) ở đường Beach Road, công trình tưởng niệm này gợi nhớ về những nạn nhân là thường dân trong Thế Chiến thứ II và sự hợp nhất 4 nhóm dân tộc chính của Singapore – Người Mã Lai, Người Hoa, người Ấn và Người Âu-Á.
Công trình do Thủ tướng tiền nhiệm Lý Quang Diệu khánh thành vào ngày 15/2/1967, cùng ngày mà Singapore thất thủ trước quân Nhật cách đó 25 năm, và được xếp hạng là Đài tưởng niệm Quốc gia vào năm 2013.
Civilian War Memorial nổi bật với 4 cây cột trụ có kích thước và cấu trúc giống nhau cao hơn 65m, tượng trưng cho những đau thương mất mát mà 4 nhóm dân tộc chính của Singapore cũng như những người đã hy sinh và được chôn cất tại đây đã cùng phải hứng chịu.
Nhiều thanh thiếu niên Singapore ngày nay không hay biết về lịch sử của Civilian War Memorial, mặc dù họ trìu mến gọi công trình này là “Bó đũa”. Công trình được xây dựng sau khi những ngôi mộ tập thể chôn các nạn nhân chiến tranh là dân thường được khai quật ở nhiều nơi trên khắp Singapore vào năm 1962. Hơn 40 trong số những ngôi mộ tập thể này đã đến từ Thung lũng Tử thần của Siglap. Đài Tưởng niệm Chiến tranh này được xây dựng trên một gian mộ chứa các hài cốt khai quật từ những ngôi mộ tập thể. Hàng năm, vào ngày 15/2 một lễ tưởng niệm được tổ chức tại đây để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc chiến tranh.
2 – Đài Tưởng niệm Chiến tranh Kranji (Kranji War Memorial)
Nằm sâu trong một khu ngoại ô tĩnh lặng, cách trung tâm thành phố khoảng 22km, là Đài Tưởng niệm Chiến tranh Kranji – một nghĩa trang trên sườn đồi khá đẹp và trầm lặng. Công trình tưởng niệm này vinh danh những người đàn ông và phụ nữ từ Anh, Úc, Canada, Sri Lanka, Ấn Độ, Malaya, Hà Lan và New Zealand đã hi sinh khi làm nhiệm vụ trong Thế Chiến thứ II.
Tại đây, du khách sẽ thấy hơn 4.400 bia mộ trắng xếp thành hàng trên sườn đồi thoai thoải của nghĩa trang. Đài Tưởng niệm Trung Hoa ở khu 44 đánh dấu một bia mộ tập thể của 69 quân nhân người Hoa đã bị người Nhật giết khi Singapore thất thủ vào tháng 2/1942.
Sau khi đi qua một cầu thang ngắn lên đỉnh đồi, du khách sẽ thấy 4 đài tưởng niệm. Lớn nhất là Đài Tưởng niệm Singapore, có đỉnh là một ngôi sao khổng lồ cao đến 24m. Đài Tưởng niệm này khắc tên của hơn 24.346 lính thuộc quân Đồng Minh và không quân tử trận ở Đông Nam Á mà không có bia mộ. Du khách có thể tìm đọc danh sách tên, được Ủy ban Bia mộ Chiến tranh Liên hiệp Anh (Commonwealth War Graves Commission) lưu trữ, tại cửa vào.
Bên cạnh Đài Tưởng niệm Chiến tranh Kranji là Nghĩa trang Quân đội Kranji (Kranji Military Cemetery), một khu vực không thuộc chiến tranh thế giới gồm hơn 1.400 hài cốt, và Nghĩa trang Quốc gia Singapore (Singapore State Cemetery), nơi Tổng thống đầu tiên và thứ hai của đất nước, Encik Yusof Ishak và Dr Benjamin Henry Sheares, được chôn cất.
3 – Đài tưởng niệm The Cenotaph
Tọa lạc giữa Công viên Esplanade xanh tươi dọc theo đường Connaught Drive, công trình cao gần 18,2m và làm từ đá granite địa phương này được đặt tại một vị trí yên tĩnh ngay trong Trung tâm thành phố, tách biệt khỏi sự náo nhiệt của những đường phố gần đó. Đây là một công trình tưởng niệm chiến tranh nhằm vinh danh những người anh hùng đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trong Thế Chiến thứ I và thứ II.
Tại đây có các tấm bảng bằng đồng khắc tên của những người đàn ông đến từ khu vực Straight Settlements đã hy sinh mạng sống của mình vì nhiệm vụ. Du khách hãy đọc dòng chữ được khắc trên mặt sau của Đài tưởng niệm. Mặc dù không liệt kê bất cứ cái tên nào, một dòng chữ đơn giản “Họ đã chết để chúng ta được sống” được khắc bằng 4 ngôn ngữ chính: tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil.
Đài tưởng niệm The Cenotaph do kiến trúc sư Denis Santry của Công ty Swan & McLaren thiết kế, mô phỏng theo Tượng đài Ngài Edwin Lutyens tại Whitehall, London vào năm 1920.
Viên đá nền đầu tiên của Đài tưởng niệm được đặt vào ngày 15/11/1920 bởi Thống đốc khu vực Straits Settlements lúc bấy giờ, Ngài Lawrence Nunns Guillemard, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Pháp M. Georges Clemenceau, Bộ trưởng Chiến tranh và Tổng Tư lệnh Quân đội, Ngài Thiếu tướng D.H. Ridout.
Đài tưởng niệm The Cenotaph được khánh thành vào ngày 31/3/1922 bởi Hoàng tử Xứ Wales, người sau này trở thành Vua Edward thứ VIII và về sau là Công tước Xứ Windsor. Vào ngày 28/12/2010, Đài tưởng niệm này được xếp hạng là Di tích Quốc gia.
4 – Đài tưởng niệm Lim Bo Seng
Lim Bo Seng là một thương nhân xuất chúng người Phúc Kiến đã dẫn đầu nhiều hoạt động chống Nhật trước và trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Trong số đó có việc tạo ra mạng lưới tình báo ở Malaya. Do bị một điệp viên chỉ điểm, ông đã bị Mật vụ Nhật bắt tại Thành phố Ipoh, bị giam giữ và tra tấn. Ông mất tại Nhà tù Batu Gajah vào ngày 29/6/1944.
Sau khi mất, ông được Chính phủ Quốc dân Trung Hoa lúc bấy giờ truy phong hàm Thiếu tướng. Vào ngày 13/1/1946, người Anh đã cho mang di hài của ông sang Singapore và an táng lại theo đầy đủ lễ nghi quân đội tại Công viên MacRitchie Reservoir, nơi mộ ông vẫn còn tọa lạc đến ngày nay.
Được khánh thành năm 1954, Đài tưởng niệm Lim Bo Seng được kiến trúc sư Ng Keng Siang thiết kế, trên khu đất do Chính phủ hiến tặng. Việc xây dựng lấy kinh phí từ các khoản đóng góp của cộng đồng người Hoa. Vào ngày 28/12/2010, Đài tưởng niệm Lim Bo Seng đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia.
Đài tưởng niệm là một tháp chùa hình bát giác cao 3,6m được làm bằng đồng, bê tông, cẩm thạch. Tháp Đài tưởng niệm có mái bằng đồng 3 tầng, và 4 con sư tử đồng ngự ở chân. Tại đây, du khách hãy dành thời gian đọc 4 tấm bảng đồng – trên đó có nhiều thông tin thú vị về cuộc đời của ông Lim bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Tamil và tiếng Jawi (Mã Lai).
5 – Đài tưởng niệm Quân đội Quốc gia Ấn Độ (Indian National Army Onument)
Tọa lạc trong khuôn viên Công viên Esplanade, Đài tưởng niệm Quân đội Quốc gia Ấn Độ được xây dựng lại vào năm 1995 và là một trong mười một di tích của Thế chiến II tại “đảo quốc Sư Tử” để kỷ niệm năm 50 năm kết thúc Thế chiến II.
Công trình tọa lạc trên khu đất của Đài tưởng niệm ban đầu – nơi vốn được xây dựng để tưởng nhớ một người lính vô danh trong Quân đội Quốc gia Ấn Độ, sau này đã bị phá hủy sau chiến tranh.
Quân đội Quốc gia Ấn Độ được hình thành ở Đông Nam Á với sự hậu thuẫn của quân Nhật vào năm 1942. Sau khi quân Anh đầu hàng vào tháng 2/1942, quân Nhật khuyến khích và thậm chí bắt ép binh lính từ Quân đội Ấn Độ thuộc Anh bại trận phải gia nhập Quân đội Quốc gia Ấn Độ để giải phóng Ấn Độ. Quân đội Quốc gia Ấn Độ lúc đầu do Đại úy Mohan Singh chỉ huy, sau này do nhà vận động cho độc lập người Ấn, ông Subhas Chandra Bose chỉ huy. Đội quân này tan rã sau khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1945.
Đài tưởng niệm ban đầu được xây tại Esplanade ngay trước khi quân Nhật đầu hàng. Vào ngày 8/7/1945, ông Subhas Chandra Bose đã đặt viên đá nền đầu tiên tại Esplanade. Những chữ được khắc ở đây là khẩu hiệu của Quân đội Quốc gia Ấn Độ: Thống nhất (Etihaad), Niềm tin (Etmad) và Hy sinh (Kurbani).
6 – Đài tưởng niệm Dalhousie Obelisk
Là một danh thắng nổi tiếng về kiến trúc ở Tòa nhà Empress Place, tượng đài thế kỷ 19 này gợi nhớ đến quá khứ thuộc địa của Singapore khi còn là một phần trong Khu thuộc địa Anh quốc dọc eo biển Malacca.
Nằm gần Bảo tàng Các nền Văn minh Châu Á, cấu trúc khác lạ, giống hình một cây kim của Đài tưởng niệm Dalhousie Obelisk khiến địa danh này nổi bật từ khoảng cách xa.
Được xây dựng vào tháng 2/1850, Đài tưởng niệm Dalhousie Obelisk là bức tượng dành cho công chúng đầu tiên của “đảo quốc Sư Tử”, và gợi nhớ đến giai đoạn mà đảo quốc bị cai trị từ Bengal, dưới dạng Khu thuộc địa Anh quốc dọc eo biển Malacca. Đài tưởng niệm này ghi dấu chuyến thăm thứ hai đến Singapore của Chúa James Andrew, Hầu tước Dalhousie và Toàn quyền Ấn Độ.
Được thiết kế bởi Nhân viên trắc địa của Chính phủ John Turnbull Thomson, Đài tưởng niệm Dalhousie Obelisk được xây dựng để nhắc nhở các thương nhân về lợi ích của tự do thương mại.
Được cho là mô phỏng công trình nổi tiếng Cây Kim của Cleopatra ở London, Đài tưởng niệm Dalhousie Obelisk được hoàn thành vào cuối năm 1850. Trên mỗi mặt của tượng đài là những dòng chữ được khắc bằng tiếng Mã Lai, tiếng Hoa, tiếng Tamil và tiếng Anh. Đặc biệt, 4 cây đèn trang trí trên đỉnh khiến công trình này là địa điểm đẹp để du khách thỏa sức “sống ảo”.
Nếu du khách có hứng thú muốn một lần đặt chân đến thăm 6 Đài tưởng niệm trên thì hãy liên hệ với chúng tôi và đặt ngay cho mình một Tour Singapore nhé! Chúc du khách có một chuyến đi với nhiều điều thú vị và ý nghĩa!