9 món ăn mang lại may mắn trong năm mới của người Nhật

Dịp Tết ở Nhật Bản là khoảng thời gian để gia đình quây quần bên chiếc bàn sưởi Kotatsu, ăn cam mikan và theo dõi các chương trình Tết trên TV. Người Nhật có truyền thống rất thú vị vào dịp đầu năm mới là ăn các món ăn truyền thống phong phú ngày tết để tỏ lòng biết ơn và cầu chúc cho một năm mới an khang và thịnh vượng.

Người Nhật thường ăn món cá Tai, cua lông Kegani, tôm, Sushi, Sashimi, Kagami Mochi,… với hi vọng sẽ có một năm mới thuận lợi và may mắn.

1. Kagami Mochi

Mochi được xem là “linh hồn” của ẩm thực Nhật Bản. Món ăn này có nhiều loại và các cách “biến tấu” khác nhau. Trong ngày Tết, người Nhật thường dùng “Kagami Mochi”. Món ăn này được ăn vào ngày đầu năm mới với mong muốn có một vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc. 

Nguồn gốc của Kagami Mochi xuất phát từ việc người Nhật đặt hai chiếc bánh trắng mềm chồng lên nhau. Trên đầu được đặt một quả quýt nhỏ, trông giống như chiếc gương đồng kiểu cũ. Bên cạnh đó, “Kagami” thực chất là “kagamiru” – có nghĩa là phản chiếu. Vì thế, ăn Kagami Mochi vào ngày Tết để cùng nhau nhìn lại một năm đã qua, xem bản thân đã và chưa làm được gì.

Ngoài ra, theo quan niệm của người Nhật, hình tròn là biểu tượng của sự đầy đủ, viên mãn, tròn đầy. Kagami Mochi được bài trí bằng cách xếp hai chiếc bánh tròn chồng lên nhau, tượng trưng cho niềm vui chồng chất, may mắn tiếp nối. Món bánh này cũng thể hiện tấm lòng thành kính gửi đến các đấng thần linh, những người ban cho họ cuộc sống bình an, sung túc.

2. Osechi Ryori

Món ăn này được các bà nội trợ Nhật Bản đặc biệt chuẩn bị từ những ngày trước Tết và trong năm mới, người Nhật sẽ hạn chế việc sử dụng củi lửa. Osechi sẽ được chuẩn bị với số lượng vừa đủ để mọi người có thể dùng trong ba ngày đầu năm. Do đó, vào những ngày này, các bà nội trợ sẽ không phải bận rộn với công việc bếp núc.

Có thể du khách chưa biết, Osechi đươc làm theo nhu cầu của từng người và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, Kazunoko – Món trứng cá trích, mang ý nghĩa ban phước lành cho trẻ em bởi loài cá này thường đẻ nhiều trứng và có khả năng sinh sôi nảy nở tốt. Kobumaki, món cá trích được bọc trong tảo bẹ, mang ý nghĩa may mắn bởi tảo bẹ đọc là “konbu”, nghe giống “yorokobu”, mang ý nghĩa vui mừng. Ngoài ra, tôm tượng trưng cho sự trường thọ, củ sen được xem là một loại rau may mắn vì có nhiều lỗ, dễ dàng nhìn xuyên đến tương lai.

Dù trải qua nghìn năm lịch sử, Osechi vẫn giữ nguyên cách bày trí đặc trưng vốn có. Chiếc hộp gỗ sắp xếp Osechi được gọi là Jubako (hộp có khoảng 3-5 tầng). Thức ăn trong hộp sẽ được sắp xếp theo quy tắc: Tầng đầu tiên gồm các món hầm, luộc và cá khai vị; tầng thứ hai gồm các món ăn nhẹ hoặc món có vị chua và tầng cuối cùng là các món ăn chính, món hầm nước hoặc kho.

Không chỉ mang ý nghĩa đem đến sự may mắn cho năm mới, Osechi còn là món ăn thể hiện được linh hồn và cốt cách người Nhật Bản. Một hộp đồ ăn có đủ các vị chua – cay – mặn – ngọt hòa quyện những nguyên liệu nhiều màu sắc, làm nổi bật đặc trưng của từng vùng miền trên khắp đất nước. Người Nhật không chỉ có tính thẩm mỹ cao, mà còn tinh tế trong từng công đoạn chế biến món ăn.

3. Sashimi

Với người Nhật, Sashimi là món ăn tượng trưng cho sự tinh tế và may mắn. Sự tinh tế của Sashimi thể hiện trong cách chế biến bởi những lát cắt đều tăm tắp và hương vị tươi ngon của từng thớ cá; còn nét may mắn thể hiện trong sự tổng hòa những sắc màu rực rỡ, khi cá hồi ánh lên thớ thịt màu cam bắt mắt, cá Kinmedai (cá hồng sơn thóc) với thớ thịt trắng ánh hồng và cầu gai vàng ươm, cuộn mình trên thố đá.

Người Nhật quan niệm ăn Sashimi trong năm mới sẽ mang lại nguồn sức mạnh to lớn, tăng cường sức khỏe và kỳ vọng vào một năm no đủ.

4. Sushi

Người Nhật đặt cả trái tim, tâm trí, linh hồn vào việc thực hiện trong mỗi cuộn cơm và cách bày trí thể hiện lòng hiếu khách.

Set sushi đủ loại với quan niệm đủ đầy, tròn vẹn. Những cuộn cơm nhỏ đặt để vừa đủ trong hộp gỗ sơn mài, mỗi loại cá mang ý nghĩa riêng với điểm chung là mong cầu năm mới thuận lợi, hạnh phúc.

Khi bắt đầu với một set sushi nhiều loại, người Nhật thường gắp những miếng cá có hương vị và màu sắc nhẹ nhàng trước sau đó đến các loại khác. Món sống sẽ được dùng trước tiên và lần lượt đến món chín.

5. Cá Tai

Cá Tai còn được biết đến với tên gọi khác là cá tráp biển, được xem là loài cá vua trong các loài cá. Cá Tai thường xuất hiện ở những bữa tiệc chúc mừng, các ngày lễ đặc biệt trong năm và là vật phẩm dâng lên thần linh trong những ngày hội quan trọng.

Từ lối chơi chữ “Medetai” với ý nghĩa chúc mừng, cá Tai xuất hiện trong ngày đầu năm với ước mong may mắn và thăng tiến trong sự nghiệp; đồng thời màu đỏ đặc trưng trong loại cá này còn thể hiện niềm tin của người Nhật về một năm mới nhiều lộc may.

Cá Tai to, toàn thân ửng hồng, vảy óng ánh tựa giáp sắt, có phong thái võ sĩ, nên được người Nhật cho rằng ăn loại cá này dịp Tết mang ý nghĩa cho một năm mới cứng cáp và suôn sẻ.

Cá Tai thịt chắc, thơm nhẹ và vị ngọt thanh từ nước hầm quyện vào từng hạt gạo, cộng hưởng với các nguyên liệu khác tạo nên chén cơm đủ cả chất lẫn vị. Người Nhật xem đây là loại cá biểu tượng cho năm mới rực rỡ, tài lộc và sự thăng tiến.

6. Cua lông Kegani

Cua lông Kegani vùng Hokkaido được giới sành ăn săn đón, là tặng phẩm cho mùa cuối năm, món ăn khai mở năm mới. Cua này hấp thụ nguồn dinh dưỡng từ vùng biển lạnh Hokkaido, sinh trưởng trong nhiệt độ và nguồn nước lạnh để có lớp ngoài gai góc nhưng mang hương vị thơm, ngọt, kết cấu chắc; chỉ cần hấp nóng hoặc nấu súp để giữ trọn vị tự nhiên.

7. Tôm

Được mệnh danh là “ông già của biển cả”, hình ảnh con tôm với râu dài, lưng uốn cong đặc trưng mang ý nghĩa mong ước cho một năm mới dồi dào sức khỏe, vui sống trường thọ cho đến khi râu dài, lưng cong.

Với người Nhật, sắc đỏ cam của tôm còn tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng, xua tan những xui rủi của năm cũ. Đặc biệt, với đặc tính thay vỏ trong quá trình sống, ăn tôm vào ngày Tết còn mang ý nghĩa cho một năm mới khởi sắc và thành công.

8. Toshikoshi Soba

Món Toshikoshi Soba còn được gọi là “mì trường thọ”, được dùng một lần duy nhất vào dịp giao thừa hàng năm. 

Khoảng 800 năm trước, vào thời Kamakura, một ngôi chùa đã tặng Toshikoshi Soba cho người nghèo vào dịp năm mới. Từ đó, ăn Toshikoshi Soba vào dịp giao thừa đã trở thành truyền thống của người Nhật Bản. Người ta tin rằng khi thưởng thức món mì này, con người sẽ sống lâu, trường thọ như những sợi mì dai. 

Mặt khác, Toshikoshi Soba có sợi mì dễ đứt hơn so với các món mì cùng loại nên mang ý nghĩa cắt đứt vận hạn xấu của năm cũ. Thông thường, người ta sẽ thưởng thức mì với Tempura tôm, cá trích hoặc tàu hủ chiên tùy theo khẩu vị và phong tục của từng vùng.

9. Nanakusagayu (Cháo thất thái)

Đúng như tên gọi, cháo thất thái được nấu bởi 7 loại rau, được mệnh danh là “7 thảo dược mùa xuân” gồm: Seri – cần ta, Nazuna – cây rau tề, Gogyo và Hotokezona – một loại cải cúc, Hakoberu – cây tinh thảo và Suzuna – củ cải tròn. Tất cả chúng mang biểu tượng của mùa xuân và rất dễ thưởng thức. Người Nhật Bản đã phổ nhạc chúng thành một bài hát để dễ nhớ.

Món ăn này thường được sử dụng như món tráng miệng để làm dịu bụng sau khi ăn quá nhiều món ngày Tết. Nó cũng mang ý nghĩa cầu mong một năm đầy sức khỏe.

Mỗi đất nước sẽ có những bữa cơm đầu năm khác nhau và những món ăn của Nhật Bản có thể nói được chế biến cầu kỳ, chuẩn bị rất công phu. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào năm mới và thưởng thức các món ăn nơi đây, chắc chắn du khách sẽ rất hài lòng vì những hương vị thơm ngon và dinh dưỡng mà các món ăn này mang lại.