Harubang – Biểu tượng thiêng liêng của hòn đảo Jeju, Hàn Quốc
Sẽ không có một nơi nào đá lại nhiều, hữu dụng và mang ý nghĩa bằng đảo Jeju ở Hàn Quốc. Ở bất kỳ đâu trên hòn đảo này đều xuất hiện vô số tượng đá với nhiều hình dạng khác nhau đầy bí ẩn và lạ kì. Người dân trên đảo cũng sử dụng đá để xây nhà, đắp thành cổng, làm tường bao quanh nhà hoặc dùng để làm cột mốc phân chia. Đá trên đảo Jeju được ví như linh hồn mang đậm dấu ấn lịch sử của hòn đảo thơ mộng này.
Jeju là hòn đảo được hình thành bởi sự phun trào của núi lửa trong một thời gian dài. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi nơi đây ngập tràn đá núi lửa. Và đặc biệt, khi rảo bước trên đảo Jeju, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp vô số những bức tượng đá với những hình thù kì lạ khắp trên các cung đường đi qua. Những tượng đá hình người trên đảo có tên là “Harubang” – điểm độc đáo chỉ có duy nhất tại đảo Jeju.
Người dân trên đảo kể rằng Harubang là tên gọi của vị thần hộ mệnh làng ven biển từ xưa. Và những tượng đá này đại diện cho sức khỏe, sự thăng tiến, thịnh vượng và cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Harubang là gọi tắt của “Dol-Harubang” (“Dol” theo tiếng Hàn có nghĩa là “đá”, “Harubang” được hiểu là “ông/bà già”). Harubang cơ bản mang ý nghĩa và quan niệm như mọi Jangseung (cột gỗ cao được vẽ hoặc khắc lên đó biểu tượng của vật tổ) trên khắp đất nước Hàn Quốc, nhưng được làm từ đá đen, với đủ các kích thước lớn nhỏ.
Với niềm tin tổ tiên của người Jeju chính là “Bà nội” nên những người dân trên đảo Jeju từ xa xưa đã làm nên tượng “Bà nội” được đặt ở cổng làng. Đây là nhân vật được coi như người bảo hộ của dân làng, bảo vệ làng thoát khỏi những thiên tai. Đến sau này, người dân Jeju sử dụng tượng “Bà nội” như những cột mốc phân cách các vùng.
Có một điều rất thú vị mà du khách nên thử khi đến đảo Jeju, đó là khi du khách muốn tính khoảng cách mà du khách đã đi qua trên đảo thì con số tượng “Bà nội” mà du khách đếm được sẽ cho du khách biết được rằng mình đã vượt qua bao nhiêu chặng đường.
Với những đặc điểm độc lạ ấy, để bảo vệ nét độc đáo trong cảnh quan ở Jeju, những người dân đã tạo thêm tượng “Ông nội” và “Bà nội” ở vị trí đối diện nhau để ngăn cản không cho xe tải vào làng. Khoảng cách giữa 2 pho tượng là giới hạn cho phép các loại phương tiện có thể lưu thông trên đường làng.
Ngoài ra, hai pho tượng: “Ông nội” và “Bà nội” được gắn thêm ý nghĩa phồn thực với mong muốn phát triển dân số ở nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ở đây lưu truyền một câu chuyện tâm linh rằng, nếu muốn sinh con trai, thì đặt tay vào mũi “Ông nội”. Muốn cầu sinh được con gái hãy làm tương tự lên mũi “Bà nội”. Còn xoa tay lên đầu là cầu được thông minh, xoa tay lên bụng là cầu ấm no, hạnh phúc.
Đá của Jeju được dùng để tạc tượng, làm bia mộ nên nó tồn tại cùng thời gian với linh hồn những người đã khuất. Đặc biệt, các bức điêu khắc được làm từ đá Bazan chứa đựng sự tồn tại duy nhất của người Jeju. Bởi vậy, đá của Jeju không thể mang ra khỏi hòn đảo. Du khách chỉ có thể mang đi những món đồ kỷ niệm nhỏ mà người nghệ nhân Jeju đã khéo léo tạo ra khi đến thăm Vườn hóa thạch Geumneung.
Tại Vườn hóa thạch Geumneung, du khách sẽ bắt gặp những bức tượng đá với nhiều hình thù khác nhau. Không chỉ là những bức tượng “Ông nội – Bà nội” đã trở nên quen thuộc, mà còn có những bức tượng Phật làm bằng đá, những mô hình đá nhỏ kể lại cuộc sống bình dị của người dân, đặc biệt là những bức tượng đá miêu tả số phận của những người phụ nữ Jeju. Các bức tượng ở đây ghi dấu lại nét đẹp của đời sống sinh hoạt con người trên đảo Jeju. Mỗi bức tượng như một câu chuyện – một lời kể tâm tình nhẹ nhàng về đức tính cần cù chịu khó của người dân, khiến ta thêm thấu hiểu và yêu thương mảnh đất này.
Từ nhiều năm nay, Harubang được xem là thành công lớn của ngành du lịch xứ Hàn. Nó chỉ đơn giản là những hòn đá lửa, được đục nạo nhỏ xinh, truyền theo những câu chuyện văn hóa đầy ý nghĩa. Harubang đã trở thành biểu tượng của sức khỏe, thịnh vượng, thành đạt và sum vầy con cái. Chính vì vậy, Harubang đã trở thành món quà đầy ý nghĩa mà bất cứ du khách nào đến thăm đảo Jeju trong hành trình du lịch Hàn Quốc đều muốn tìm kiếm.