Hình tượng ba con khỉ “không thấy, không nghe, không nói” trong văn hóa Nhật Bản
Ở Nhật Bản, có nhiều ngôi đền với bức phù điêu tạc hình ba con khỉ, được gọi là “Tam Viên” (Ba con khỉ khôn ngoan): Mizaru – che mắt: không nhìn thấy điều ác; Kikazaru – bịt tai: không nghe điều ác; và Iwazaru – bịt miệng: không nói điều ác. Ý nghĩa đằng sau hình tượng “Tam Viên” quả thực rất uyên thâm và sâu sắc, là một lẽ sống đẹp trong cuộc đời.
Khái niệm “Tam Viên” bắt nguồn từ việc chơi chữ đơn giản qua câu tục ngữ Nhật: “Mizaru, Kikazaru, Iwazaru”, có nghĩa là “Không thấy, Không nghe, Không nói”, trong đó “zaru” là động từ phủ định (không), do có cách phát âm gần giống với từ “Saru” (con khỉ) nên được ghép chung để tạo thành những cái tên khỉ kể trên. Cách ghép này được gọi là “Rendaku”, nghĩa là “giọng nối tiếp”, một hiện tượng trong hình thái học tiếng Nhật.
Hình tượng “Tam Viên” có nguồn gốc từ một bức chạm khắc (thế kỷ 17) trên cánh cửa của ngôi đền Tōshō-gū ở thành phố Nikkō, thuộc tỉnh Tochigi. Bức này do nghệ sĩ Nhật Hidari Jingorō chế tác, được tin là hợp với Bộ quy tắc ứng xử của Khổng Tử, sử dụng khỉ như một cách mô tả vòng đời của con người.
Có 8 bức chạm khắc, bức thứ 2 chứa hình “Tam Viên”. Triết lý từ “Tam Viên” có thể bắt nguồn từ truyền thuyết Phật giáo Thiên Đài Tông (Tendai-shū) – một nhánh Phật giáo Đại Thừa ở Trung Hoa trong thế kỷ thứ 8 (thời kỳ Nara).
“Tam Viên” cũng mang tư tưởng của Khổng Tử. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, nghĩa là “Không nhìn điều sai, không nghe điều xằng bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”. Có thể câu này đã truyền cảm hứng cho câu châm ngôn hình tượng đã được đưa vào Nhật Bản, thông qua tín ngưỡng dân gian Kōshin, một tín ngưỡng có nguồn gốc Đạo giáo, chịu ảnh hưởng Thần đạo, Phật giáo và những tôn giáo địa phương khác.
Với người Nhật, “Tam Viên” còn có thêm một hàm ý thâm sâu hơn rất nhiều, đó là “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn”, “bịt tai để dùng tâm mà nghe”, “bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tĩnh, không bị rối loạn bởi những điều xấu do mắt nhìn thấy, tai nghe thấy, miệng nói ra, thì tự khắc tâm phát sinh điều thiện và người ta sẽ sống “có tâm”, sẽ nhìn – nghe – nói và làm những điều “có tâm”.
Hình ảnh “Tam Viên” còn nhắc nhở chúng ta về “tâm viên, ý mã” (tâm nhảy nhót như khỉ, ý nghĩ lồng lộn như ngựa), rằng chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, nó vốn chẳng khác gì con khỉ thích chạy lăng xăng.
“Tâm viên” là chỉ tâm thế không khi nào được yên, lộn xộn, rối rắm, suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là “tâm viên”. Tâm này sẽ đưa con nguời đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não… Muốn không rơi vào cảnh “tâm viên”, không tự làm khổ nội tâm chính mình, nhất là trong bối cảnh đời sống đương đại, khi luồng thông tin phát sinh mỗi ngày nhiều như vũ bão, con người càng cần học ở “ba ông khỉ thông thái”, để không khổ vì nghe chuyện thiên hạ, vì nói chuyện thế gian và nhìn ngó chuyện người khác.
Bản chất của con người vốn là sự tò mò nên bất cứ chuyện nào, về bất cứ ai, dù không liên quan thì cũng muốn nghe, muốn thấy, để kể lại, bình luận với người khác. Tuy vậy, việc nghe – nhìn – nói về chuyện của người khác chỉ khiến bản thân mất thời gian và trở nên xấu xí. Xấu ở đây là ở cái tâm, bởi soi mói chuyện người khác thường không mấy khi chăm chú vào điều tốt đẹp.
Bởi vậy, nghe – nhìn – nói đều cần phải có chọn lọc, thì mới hy vọng giữ được cho mình cái tâm bình lặng. Khi sự nhận thức về thế giới xung quanh thông qua nghe – nhìn – nói trở nên tinh tế, sâu sắc từ trong tâm, con người ta sẽ quan sát, đánh giá được mọi vấn đề một cách vẹn toàn. Hình ảnh “Tam Viên” mang những giáo lý sâu sắc như vậy…
Ba con khỉ khôn ngoan và câu tục ngữ liên quan không những được biết ở Châu Á mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Chúng còn là mô típ trong tranh, thí dụ như tranh Ukiyo-e (Phù thế hội) của Keisai Eisen, một loại bản in khắc gỗ, phổ biến từ thế kỷ 17 đến 19, thường đại diện cho văn hóa hiện đại của Nhật Bản.
Văn hóa “xứ Phù Tang” nói chung quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách du khách có một chuyến đi vui vẻ!