Khám phá 8 Bảo tàng thú vị và độc đáo với chủ đề kỳ lạ tại Nhật Bản
Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới là quốc gia sáng tạo. Rất nhiều ý tưởng, phát minh độc đáo được khởi nguồn từ nơi này. Đáng ngạc nhiên hơn, Nhật Bản còn sở hữu cả những bảo tàng “kỳ quặc” thu hút rất đông khách tham quan.
Được coi như những lựa chọn thay thế khác lạ bên cạnh loại hình bảo tàng lịch sử và nghệ thuật điển hình, một số bảo tàng làm nổi bật những chủ đề kỳ lạ, kỳ quặc có thể giúp khách du lịch có cái nhìn sâu hơn về văn hóa “xứ Phù Tang”.
Bất kể đi tới đâu trên đất nước Nhật Bản, khách du lịch ưa thích khám phá và trải nghiệm những điều khác lạ cũng nên tìm thêm cho mình điểm đến là một bảo tàng thú vị và độc đáo với chủ đề kỳ lạ. Qua đó ít nhất ta sẽ có được cái nhìn dù chỉ thoáng qua về cái có thể coi như nét văn hóa “phụ” khác với những gì thường thấy.
Dưới đây là một số bảo tàng được cho là kỳ lạ nhất Nhật Bản, không chỉ vì thiên về những đồ vật kỳ lạ, mà còn cho thấy cả những khái niệm kỳ quặc:
Bảo tàng Unko
Nằm ở thành phố Yokohama, Unko Museum là một dạng bảo tàng chủ đề, nhưng sự khác lạ ở đây đó là việc người Nhật tạo dựng nên một chủ đề rất độc và lạ, chưa từng có trên thế giới, đó là “phân”.
Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến Unko Museum là linh vật “Unberuto”. Unberuto vốn là một cục “phân” được nhân hóa, hắn sẽ vác theo cái xí bệt của mình nếu không đặt mông lên đó. Đáng sợ và buồn cười hơn nữa, Unberuto có khả năng thải ra một đàn đồ đệ “phân” đủ màu sắc.
Khu “hội trường phân” – nơi tọa lạc của một cục “phân” ngoại cỡ cũng khiến khách tham quan cảm thấy thích thú. Bước vào khu vực này, du khách sẽ nhìn thấy một cục “phân” ngoại cỡ tọa lạc tại đây. Thế nhưng, hình dáng của nó được cách điệu mang phong cách đáng yêu hơn. Mô hình của cục “phân” ngoại cỡ này được thiết kế để mọi người có thể chụp ảnh ngay tại khu vực hội trường rộng lớn này.
Một trong những điều thú vị khác của Unko Museum là “Unteractive” (tương tác với “phân” – Game trải nghiệm dẫm chân trên các Unko phản chiếu trên mặt đất). Tại đây có trang bị hệ thống máy chiếu đặc biệt, cho phép khách tham quan “dẫm” lên những cục “phân” và chúng còn biết tự chuyển động, tương tác với người chơi. Tiếp theo là khu vực “Unstagenic”, nơi du khách tìm thấy vô số bãi “phân” được tạo hình đáng yêu và có nhiều màu sắc khác nhau vô cùng ngộ nghĩnh. Đây là khu vực thiết kế cho những người thích chụp hình “sống ảo”. Chơi chán, du khách có thể di chuyển sang “Untelligence”. Khu vực đậm chất “tri thức” này nhất định sẽ kích thích tính hiếu kỳ, khám phá ở mọi lứa tuổi. Nào là chiêm ngưỡng tranh Unko do nghệ sĩ nổi tiếng sáng tác, hoặc tự vẽ tranh Unko khôi hài, hoặc ngắm nhìn các vật phẩm đậm chất Unko từ khắp thế giới… Ngoài ra, có một khu vực để mọi người tìm hiểu rõ hơn về “phân”. Khu vực này sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn tại sao “phân” được tạo ra, chất thải này như thế nào… Du khách không chỉ được vui chơi mà còn có được nhiều kiến thức bổ ích ở bảo tàng này, xóa bỏ đi định kiến cũng như những hình ảnh xấu xí thường ngày của chất thải “phân”.
Có thể nói, Unko Museum là một bảo tàng kỳ lạ nhất ở Nhật Bản. Từ khi xuất hiện, nó đã gây tò mò cho không ít người. Bảo tàng này không chỉ là một nơi vui chơi, đó còn là việc xóa bỏ định kiến của mọi người về chất thải này cũng như những điều thú vị về “phân” mà không phải ai cũng biết, được truyền tải tại đây.
Bảo tàng bệnh học Y khoa
Xăm là một trải nghiệm đau đớn. Chỉ vài hình xăm nhỏ thôi cũng khiến nhiều người mới phải e ngại. Vì thế để có được một bộ bodysuit hình xăm như các Yakuza Nhật Bản không những vừa đau lại còn vừa tốn tiền. Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng đó sẽ là một sự lãng phí nếu để chúng bị phân huỷ sau khi chủ nhân chết đi.
Tại Bảo tàng bệnh học Y khoa thuộc Đại học Tokyo có một bộ sưu tập những kiệt tác hình xăm trên da người thật. Rất nhiều trong số đó đã được hiến cho bảo tàng từ những người xăm toàn thân sau khi qua đời. Fukushi là một nhà bệnh lý học, người có đam mê với nghệ thuật xăm hình Nhật Bản từ năm 1926, chịu trách nhiệm chính trong việc bắt đầu bộ sưu tập kỳ lạ này.
Ông cũng chính là người lột lớp da có hình xăm trên xác người hiến và đưa vào quy trình bảo quản. Đam mê của Fukushi dành cho công việc nhiệt huyết đến nỗi ông sẵn sàng trả tiền cho một người xăm kín thân thể với điều kiện họ phải cống hiến làn da đầy tính nghệ thuật ấy cho ông sau khi chết. Hiện tại có khoảng 105 bộ da (không phải tất cả đều được xăm) trưng bày tại Bảo tàng.
Fukushi sử dụng 2 phương pháp bảo quản đó là bảo quản khô và bảo quản ướt. Du khách có thể bỏ qua phần này nếu thần kinh yếu.
Cơ thể người hiến sẽ được lột da, lọc sạch mô và dây thần kinh, sau đó kéo dãn ra và phơi khô. Phần da sau đó co lại, nhăn nheo, lúc này có thể sử dụng một số chất hoá học để phục hồi tại phần rìa của bộ da. Với phương pháp ướt, làm tương tự nhưng ngâm bộ da trong glycerin hoặc formalin alcohol.
Mặc dù đây là một chủ đề hấp dẫn đối với nhiều người, nhưng việc triển lãm công khai da người tất nhiên gây ra rất nhiều tranh cãi. Bảo tàng ở Tokyo không phải là nơi duy nhất trưng bày hình xăm trên da người. Điều này dẫn đến nhiều nghi ngờ về tính hợp pháp của các bộ da được trưng bày. Liệu chúng có đến từ xác của người tự nguyện hiến tặng, liệu quy trình có tuân thủ các bước, đảm bảo tính khoa học và nhân văn? Nhưng tất nhiên vẫn có rất nhiều người đam mê với bộ môn nghệ thuật này và sẵn sàng hiến xác cho hoạt động trưng bày thay vì để làn da độc đáo ấy bị phân huỷ dưới nhiều lớp đất sau khi qua đời.
Bảo tàng hình xăm Horiyoshi III
Horiyoshi III là một nghệ sĩ xăm hình nổi tiếng chuyên về những bộ hình xăm toàn thân truyền thống của Nhật Bản. Ông và vợ quản lý kinh doanh bộ sưu tập riêng này, được mở vào năm 2000. Người nghệ sĩ đã sử dụng phương pháp xăm hình truyền thống gọi là “Tebori”, phương pháp này dùng kim xăm mà không có thiết bị điện.
Bản thân Bảo tàng từng là một cửa hàng được chuyển đổi để làm tăng tính xác thực của triển lãm; du khách có được cảm giác thực sự say mê về nghệ thuật cơ thể.
Horiyoshi đã xăm những nhân vật nổi tiếng như: ban nhạc Red Hot Chilli Peppers và đã tạo ra một số tác phẩm tuyệt vời trong suốt sự nghiệp của mình và trong suốt buổi triển lãm có nhiều ví dụ về các tác phẩm của ông được trưng bày. Triển lãm gồm có những thiết bị từ các nghệ sĩ Xăm hình nổi tiếng trên thế giới như Ed Hardy và George Bone. Triển lãm tổ chức với một loạt các mặt hàng đa dạng như: ma-nơ-canh, súng xăm, những bức ảnh cũ, thiết bị và búp bê khá thú vị.
Bảo tàng sex
Khách du lịch từ 18 tuổi trở lên có thể ghé thăm các bảo tàng “Người lớn” được đánh giá là khá vui nhộn và dễ khiến ai cũng “đỏ mặt”.
Bảo tàng sex ở Nhật Bản có tên gọi là “Hihokan”, có nghĩa là “Ngôi nhà của những kho báu bí ẩn”. Hihokan thịnh hành từ năm 1978, được xây dựng chủ yếu ở những nơi tham quan du lịch có suối nước nóng, và đối tượng khách tham quan chủ yếu là khách du lịch. Vào thời điểm hưng thịnh, có khoảng 20 Hihokan trên toàn nước Nhật. Nhưng hiện nay, ở Nhật Bản chỉ còn có 2 Hihokan, một là “Atami Hihokan” ở thành phố Atami, Shizuoka, và cái còn lại là “Kinugawa Hihokan” ở thành phố Nikko, Tochigi. Các Hihokan ở Nhật Bản được bài trí khá bắt mắt và thu hút.
Điều khiến du khách phải bỏng mắt với bảo tàng sex ở Nhật Bản là những khu trưng bày hiện vật, mô hình liên quan tới giới tính, sinh hoạt giới tính của sinh vật nói chung. Hihokan được xem là điểm xem, chơi của người lớn. Điều đặc biệt mà du khách chỉ có thể tìm thấy ở bảo tàng sex Nhật Bản là những khu dành riêng cho sex động vật với những tượng thú vật đóng băng trong tư thế hoan lạc.
Bảo tàng Yashio Hihoukan
Yoshitaka Hyoudou là nghệ sĩ có đam mê với búp bê tình dục. Anh ấy có sở thích sưu tập búp bê tại nhà riêng, cuối cùng biến thành một bảo tàng đồ sộ. Mặc dù có vẻ rùng rợn nhưng tác phẩm của Yoshitaka Hyoudou được đánh giá rất cao trên toàn thế giới. Triển lãm ảnh những con búp bê được tổ chức nhiều lần. Hyoudou đã thu thập vật phẩm từ bệnh viện và thông qua các cuộc đấu giá. Nếu du khách muốn trải nghiệm một điều gì đó độc đáo và có phần điên rồ, đây chắc chắn là nơi dành cho du khách.
Bảo tàng Chinsekikan
Bảo tàng Chinsekikan nằm tại thành phố Saitama, gần Thủ đô Tokyo. Trong tiếng Nhật, “Chinsekikan” có nghĩa là “hội trường của những hòn đá kỳ lạ”.
Bảo tàng này được thành lập bởi nhà sưu tập Shozo Hayama. Ông đã dành 50 năm để thu thập những tảng đá bị xói mòn tự nhiên có có hình dạng như những khuôn mặt với những biểu lộ cảm xúc vui, buồn, hài hước, ngạc nhiên, giận dữ,…
Ở Bảo tàng Chinsekikan có hơn 1.700 viên đá tự nhiên được trưng bày, đã có tới 900 viên đá với những hình dạng giống như những khuôn mặt với những người nổi tiếng, nhân vật tôn giáo, nhân vật phim hay các chính trị gia, điển hình là: hòn đá Elvis Presley, Boris Yeltsin, cá Nemo, rùa Koopa Troopa, King Kong, người ngoài hành tinh trong phim E.T. Following, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev,…
Mỗi hòn đá với các hình thù kỳ lạ trong viện bảo tàng này đều được hình thành hoàn toàn do tác động của tự nhiên Các yếu tố như: thời tiết, nhiệt độ, mưa nắng làm bào mòn và nứt gãy những viên đá. Đá có cấu trúc càng mềm thì càng dễ biến dạng.
Bảo tàng Ayashii Shonen Shojo Hakubutsukan
Bảo tàng với chủ đề phong cách hoài cổ và subculture (tiểu văn hóa/ nhóm văn hóa) tọa lạc tại thành phố Ito thuộc tỉnh Shizuoka trưng bày một bộ sưu tập lớn quần áo, đồ chơi, búp bê và kỷ vật. Yoru no Gakko, khu phụ của bảo tàng, là một ngôi nhà ma nổi tiếng được nhiều khách du lịch ghé thăm.
Nhưng điều đặc biệt ở nơi này là những vật phẩm không được sắp xếp và trưng bày theo chủ đề, mà chúng lại được kết hợp với nhau, từ những con búp bê đáng sợ, trò chơi điện tử cũ cho đến những kỷ vật trong phim kinh dị. Không quá lời khi nói rằng du khách có thể dành hàng giờ ở đây mà chỉ có nhìn thấy một tỷ lệ nhỏ khối lượng của các món đồ được trưng bày.
Ngôi nhà ma ám là nơi không thể bỏ qua, nhưng nó được cảnh báo rằng có những hình ảnh khiến du khách ước gì mình có thể được xóa ký ức sau khi nhìn thấy và có thể gặp ác mộng, nên hãy cân nhắc khi đặt chân vào đó.
Bảo tàng Gừng non Iwashita
Bảo tàng Gừng non Iwashita (Iwashita New Ginger) được xây dựng bởi Công ty Iwashita no Shinshoga, là một khu vực nhỏ nằm ở tỉnh Tochigi và được lấy cảm hứng từ gừng non (hay trong tiếng Nhật được gọi là “Shinshoga”). Theo công ty, họ đã tìm thấy một loại gừng ở Đài Loan rồi mang về Nhật Bản để phát triển và thu về được lợi nhuận cao. Chính sự thành công trong kinh doanh là nguồn cảm hứng để công ty thực hiện ý tưởng độc đáo này.
Giờ đây, du khách có thể nhìn gừng theo một cách hoàn toàn mới với vô số “củ gừng” màu hồng pastel vô cùng đáng yêu. Theo như phần giới thiệu của Bảo tàng, đây là nơi du khách sẽ cảm nhận được cảm giác “hạnh phúc với gừng non của Iwashita” qua các phòng triển lãm, khu vực tham quan, thưởng thức những món ăn khác nhau với nguyên liệu chính là gừng.
Quán cafe là khu vực được rất nhiều du khách yêu thích khi vừa là nơi thích hợp để chụp ảnh, chọn quà lưu niệm, vừa được thử các món ăn kỳ lạ như: kem gừng, bia gừng, chocolate trắng gừng, khoai tây chiên gừng và nhiều món khác.
Mọi điểm tham quan và trưng bày đều sẽ được trang trí khác nhau theo mỗi mùa sự kiện, đặc biệt là những món đồ chơi thú vị được lấy cảm hứng từ gừng – từ gậy phát sáng, móc khóa cho đến thú bông. Không chỉ vậy, trong Bảo tàng còn có rất nhiều tài liệu về cách thức kinh doanh gừng non để du khách có một cái nhìn toàn diện về ngành này.
Nếu có dịp đến du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên dành thời gian đến tham quan 8 bảo tàng kỳ lạ vừa được giới thiệu trên đây nhé! Chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên dành cho du khách.