Lý do Singapore được mệnh danh là “quốc đảo Sư Tử”

Singapore được mệnh danh là “quốc đảo sư tử”, tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguyên do từ đâu mà Singapore lại có cái tên như vậy. Trên thực tế, Singapore lại chẳng hề có con sư tử nào sống trong tự nhiên và chỉ có vài con ở vườn thú. Vậy thì tại sao quốc gia này lại nổi tiếng với cái tên như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu lý do nhé!

Thuộc khu vực Đông Nam Á, Singapore từ lâu đã trở thành một điểm đến du lịch cực hấp dẫn và mơ ước của nhiều tín đồ du lịch. Nơi đây sở hữu các công trình kiến trúc xa hoa và cuộc sống hiện đại hàng đầu. Ngoài ra, nơi đây còn được đánh giá là quốc gia xanh sạch đẹp nhất thế giới. Đặc biệt, mỗi khi nhắc đến Singapore thì người ta không thể nào không nhắc đến tên gọi “quốc đảo Sư Tử” vốn đã trở thành thương hiệu.

Trước hết, người ta gọi Singapore là “đảo quốc” bởi đất nước này nằm ở ngoài khơi tại mũi phía Nam của bán đảo Mã Lai. Tổng lãnh thổ Singapore bao gồm 1 đảo chính hình thoi và có đến hơn 60 đảo nhỏ hơn. Singapore nằm tách biệt với bán đảo Malaysia qua eo biển Johor phía Bắc và tách biệt quần đảo Riau của Indonesia qua eo biển Singapore ở phía Nam.

Về tên gọi, “Singapore” là từ có nguồn gốc từ tiếng Malay là “Singapura” – một từ lại có nguồn gốc từ chữ “Simhapura” (सिंहपुर) trong tiếng Sanskrit (Phạn ngữ), trong đó: Singa xuất phát từ chữ “Simha” (सिंह), nghĩa là “sư tử”, còn “pura” (पुर) nghĩa là “thành phố”. Pura là một tiếp vĩ ngữ phổ biến trong nhiều địa danh ở Ấn Độ. Sở dĩ từ này có nguồn gốc tiếng Sanskrit là vì những vị hoàng đế trong triều đại Chola (சோழப்பேரரசு) ở Ấn Độ nói tiếng Tamil nhưng lại thích dùng tiếng Sanskrit cho những gì liên quan với hoàng gia và tôn giáo. Vì thế, nếu viết theo tiếng Tamil thì Singapore sẽ là Cinkappūr (சிங்கப்பூர்), còn tên chính thức của Cộng hòa Singapore là Cinkappūr Kutiyaracu (சிங்கப்பூர்குடியரசு, /siŋɡəppuːr kuɽijərəsɯ/).

Sở dĩ người ta gọi Singapore là “quốc đảo Sư Tử” vì trên bản đồ đất nước này có hình dạng giống đầu Sư Tử.Song, có một thuyết đáng chú ý khác. Trong biên niên sử tiếng Malay Sejarah Melayu (tựa gốc là Sulalatus Salatin: Phả hệ vua chúa), cho biết Hoàng tử Sang Nila Utama của nhà nước Srivijaya bị đắm tàu, dạt đến một hòn đảo vào cuối thế kỷ XIII. Ông thấy một sinh vật lạ trên đảo và nghĩ rằng đó là con sư tử, tượng trưng cho điềm lành, nên đặt tên hòn đảo này là “Singapura” (tiếng Bengali gọi là সিংহপুর). Năm 1299, Sang Nila Utama thành lập vương quốc Singapura, đến năm 1398 thì vương quốc này lụi tàn. Tuy Singapura có nghĩa là “Thành phố Sư Tử” trong tiếng Sanskrit, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sư tử chưa bao giờ sinh sống ở Singapore, ngay cả sư tử Châu Á cũng vậy, một loài còn được gọi là sư tử Ấn Độ hay sư tử Ba Tư, có tên khoa học là Panthera leo persica. Vào thế kỷ XIII, tại Singapore, người ta đã từng thấy một thú lớn 4 chân trông rất giống con cọp, có khả năng đó là cọp Malayan (tên khoa học: Panthera tigris jacksoni).

Theo lịch sử, Singapore còn có một số tên khác trong quá khứ. Vào thế kỷ thứ II, nhà thiên văn học Hy Lạp Claudius Ptolemaeus đã từng sống ở một nơi gọi là “Sabana”, khu vực mà ngày nay gọi là Singapore. Đến thế kỷ thứ III, có một ghi chép bằng tiếng Trung Quốc gọi Sabana là “Bồ La Trung” (Pu Luo Zhong – 蒲羅中). Có khả năng, đây là từ chuyển ngữ từ tên Pulau Ujong trong tiếng Malay có nghĩa là “đảo tận cùng của bán đảo”.

Có tài liệu cho rằng năm 1320, đế quốc Mông Cổ đã gửi một phái bộ đến vùng đất gọi là Long Nha Môn (龍牙門), nơi mà người ta tin rằng đó là cảng Cát Bảo (吉宝港). Nhà du lịch Trung Quốc Uông Đại Uyên (汪大渊) đã đến nơi này vào năm 1330. Ông miêu tả đây là nơi định cư của bộ tộc Malay và một số cư dân Trung Quốc. Ông gọi nơi này là Đạm Mã Tích (淡馬錫). Trong bài Nagarakretagama (1689), một bản sử thi của người dân đảo Java, đã gọi Đạm Mã Tích là Temasek (Thành phố biển hay Cảng biển), tức là nơi người Singapore sinh sống hiện nay.

Về sau người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến Singapore và gọi vùng đất này bằng một số tên khác, đó là “Tân Gia Ba” (新加坡), Tinh Gia Ba (星嘉坡 hay 星加坡) và hai cái tên rút gọn là Tinh Châu (星洲 – đảo Singapore) và Tinh Quốc (星國 – nước Singapore). Ngoài ra, còn có tên khác là Thạch Lặc (石叻), có nguồn gốc từ chữ selat (eo biển) trong tiếng Malay, và những cái tên phái sinh hoặc biến thể được sử dụng như Thạch Lặc Phụ (石叻埠), Thực Lặc Phụ (實叻埠) hay Lặc Phụ (叻埠)… Singapore còn có tên thân mật là “Sư Thành” (狮城) theo cách gọi của người Bắc Kinh và Phúc Kiến.

Trong Thế chiến thứ II, người Nhật đặt tên cho Singapore là Shōnantō (Chiêu Nam đảo 昭南島), xuất phát từ câu “Shōwa no jidai ni eta minami no shima” (昭和の時代に得た南の島), có nghĩa là “hòn đảo phương Nam tiếp thu được trong thời kỳ Shōwa”, tức giai đoạn hoàng đế Shōwa trị vì (25/12/1926 – 7/1/1989). Từ này được sử dụng cho tới ngày người Anh chiếm đảo Singapore (12/9/1945), một tháng sau khi người Nhật đầu hàng. Trong giai đoạn thế chiến, người Nhật đã Latin hóa từ Shōnantō thành Syonan-to (hay Syonan), có nghĩa là “Ánh sáng phương Nam”, dịch đúng nghĩa đen của từ Chiêu Nam (昭南).

Nếu được hỏi điều gì giúp du khách gợi nhớ đến Singapore thì có lẽ nhiều người sẽ trả lời đó là hình ảnh linh vật biểu trưng Merlion. Một bức tượng đầu sư tử mình cá phun nước và đang cưỡi sóng xanh. Chụp một tấm hình với biểu tượng Merlion, mua món đồ lưu niệm có hình ảnh của linh vật là cách du khách đánh dấu rằng mình đã đặt chân đến Singapore. Nhiều người cho rằng chính linh vật này đã khiến du khách biết đến Singapore là “quốc đảo Sư Tử”.

Trên đây là lý do mà người ta gọi Singapore là “quốc đảo Sư Tử”. Thật thú vị và ý nghĩa phải không? Nếu có điều kiện, du khách hãy thực hiện một chuyến du lịch Singapore để có thể tìm hiểu và khám phá thêm về đất nước thú vị này nhé!