Phong tục đón Tết Nguyên Đán ở Singapore với nhiều điều thú vị
Tết Nguyên Đán là sự kiện quan trọng nhất trong năm, là kỳ nghỉ đặc biệt khởi đầu cho một năm mới tràn đầy may mắn và hạnh phúc của người dân Châu Á. Tương tự như ở Việt Nam, Singapore cũng là một trong những nơi có nhiều phong tục truyền thống đón Tết khá thú vị.
Vì một phần dân số của Singapore là người gốc Hoa nên nền văn hóa của quốc gia này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Quốc. Và cũng vì thế, nên người Singapore cũng đón Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) giống người Trung Quốc. Ngày Tết Nguyên Đán ở “đảo quốc Sư Tử” diễn ra vào ngày 1/1 âm lịch hàng năm.
Để đón chào năm mới, người dân Singapore sẽ trang trí nhà cửa, đường phố với sắc đỏ đặc trưng, họ cũng mua sắm đồ đạc cho ngày Tết và cũng nấu những món ăn truyền thống đặc trưng để cùng đón Tết. Khi năm mới đến, không khí lễ hội tưng bừng diễn ra suốt 1 tháng đầu tiên từ mồng 1 tháng Giêng cho đến hết trung tuần tháng 2.
Vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, người Singapore tổ chức lễ cúng ông Công ông Táo. Vào ngày này họ đốt hình nộm ông Táo và làm cơm cúng ông Táo chầu trời sau một năm dưới hạ giới. Điều khác biệt trong ngày cúng ông Táo của người Singapore so với Việt Nam đó là, thoa một chút đường, mật ong và rượu ngọt lên môi của hình nộm. Ý nghĩa của việc này là mong ông Táo sẽ báo cáo Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp và mang đến may mắn cho gia chủ.
Để đón Tết Nguyên Đán, mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc trong gia đình và trang trí đẹp để chào đón năm mới. Sau đó, họ đi mua sắm thêm nhiều bộ quần áo, trang phục mới để mặc trong những ngày đầu xuân để có một diện mạo và ngoại hình xinh đẹp, tươm tất nhất. Người dân Singapore tin rằng, đây là cách đơn giản nhất để giúp xua tan đi những điều đen đủi, không may trong năm cũ và sẵn sàng cho một sự khởi đầu mới đầy năng lượng, hứng khởi.
Trong thời điểm này, các con phố, các trung tâm cộng đồng tại “quốc đảo Sư Tử” cũng được trang hoàng rực rỡ, cùng với nhiều hoạt động văn hóa đã và sẽ được tổ chức để đón mừng năm mới. Nổi bật là lễ hội ánh sáng với thường kéo dài tới ngày 2/3, bắt đầu từ 19h00 các ngày cho tới nửa đêm hằng ngày.
Chợ Tết Nguyên Đán được tổ chức rầm rộ tại các con phố Smith, Pagoda, Trengganu và Sago để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, với những đồ truyền thống như bánh mứt thơm, bánh dứa, thịt khô Bak Kwa,… đồ trang trí và phong bao lì xì.
Một phần biểu tượng khác của Lễ mừng Năm mới ở Singapore là Lễ hội River Hongbao tại Gardens by the Bay từ 30/1 đến 6/2. Sẽ có khoảng 30 chiếc đèn lồng khổng lồ được trưng bày với các “nhân vật” quen thuộc như: Thần Tài, 12 con giáp… Người dân và khách du lịch sẽ được tham dự các trò chơi giải trí, các buổi biểu diễn văn hóa mừng Xuân diễn ra tại đây.
Tết Nguyên Đán ở Singapore cũng là dịp tuyệt vời để mọi thành viên trong gia đình dù đang ở gần hay xa đều trở về nhà, cùng nhau quây quần sum họp bên bữa ăn đầu năm ấm cúng, ý nghĩa. Mọi người cùng nhau chia sẻ cùng nhau những câu chuyện ngày thường, những điều đặc biệt trong cả năm vừa qua và cùng chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất như sức khỏe dồi dào, công việc hanh thông, gia đình hạnh phúc,… Bữa ăn ý nghĩa với đầy đủ các món truyền thống như một sự mong cầu ấm no, hạnh phúc.
Đầu năm mới còn là dịp tuyệt vời trong năm để người thân, họ hàng hay bạn bè qua chúc Tết lẫn nhau và cùng nâng ly cho một năm mới đầy may mắn và hi vọng. Ngoài ra, trẻ em cũng luôn hào hứng và mong chờ được ông bà, bố mẹ lì xì đầu năm để lấy may, hay ăn chóng lớn và học tập thật giỏi.
Vào Tết Nguyên Đán, người Singapore rất ưa chuộng quýt. Theo họ, quýt có màu cam rực rỡ nếu theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là vàng thể hiện sự sung túc. Do đó, vào những ngày đón năm mới người Singapore không trưng hoa đào, hoa mai mà chọn cây quýt để trang trí trong nhà hay nơi làm việc.
Bên cạnh đó, người dân Singapore cũng thường có thói quen biếu tặng nhau những giỏ quýt được trang trí công phu, cầu kỳ với mong muốn đem đến nhiều may mắn và tài lộc cho người nhận. Ngoài ra, người Singapore quan niệm rằng trong những ngày đầu năm thì mọi tặng phẩm phải có đôi có cặp vì thế nên số quả luôn chẵn và không bao giờ là con số 4. Họ cho rằng con số này mang đến những điều xui xẻo và không may. Còn nếu làm quà lì xì thì thường được để theo một cặp, bỏ trong bao đỏ cùng vài thứ khác như chocolate đồng tiền bọc giấy vàng,…
Người dân Singapore cũng rất ưa chuộng trái dứa vào ngày Tết. Theo tiếng Phúc Kiến thì dứa giống với từ “vượng lai”, nghĩa là phú quý tới họ không bày nguyên cả quả mà sẽ sử dụng để làm nhân bánh thết đãi khách vào ngày Tết.
Tết ở Singapore còn là dịp người dân cùng nhau thư giãn và vui chơi sau một năm làm việc chăm chỉ. Theo lịch nghỉ Tết, thì người Singapore sẽ có 2 ngày, trong đó ngày mùng 1 là thăm hỏi người thân trong gia đình và ngày mùng 2 phụ nữ đi lấy chồng về thăm cha mẹ đẻ. Mặc dù chỉ có 2 ngày nghỉ, nhưng người dân Singapore dành cả tháng để ăn chơi. Sau khi kết thúc 2 ngày nghỉ Tết họ vẫn dành thời gian để thăm hỏi bạn bè và đồng nghiệp. Nhiều cơ quan tổ chức buổi tiệc ngày đầu xuân năm mới để cùng nhau trò chuyện, sum họp.
Nếu du lịch Singapore trong dịp Tết Nguyên Đán, du khách sẽ có dịp thưởng thức các món ẩm thực truyền thống, nổi tiếng nơi đây. Trong quan niệm của người Singapore các nguyên liệu khải xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các món được làm từ hạt sen rất được ưa chuộng vì người dân cho rằng hạt sen như của cải 1 năm trong nhà. Bánh nếp gà bọc hạt sen tượng trưng cho trời đất, sự liên kết gia đình. Các loại bánh có nhân thịt và rau cùng tương tự.
Món không thể thiếu trong mối dịp Tết Nguyên Đán của Singapore là Yumcha được làm thành nhiều món Dimsum khác nhau như: sủi cảo, bánh cuốn, bánh bao, bánh ngọt, chân gà trưng và cháo, các loại thịt viên.
Gỏi Yusheng cũng là món ăn truyền thống, nó còn được gọi là “gỏi thịnh vượng”, tượng trưng cho sự thăng hoa, phú quý, trường tồn. Trong ngày đầu năm tất cả các buổi tiệc đều chuẩn bị món gỏi này tiếp khách. Gồm có 7 nguyên liệu chính: cá hồi, khoai môn bào, các loại rau, đủ đủ,… ăn kèm nước sốt và gia vị mang ý nghĩa may mắn cho năm mới.
Chắc chắn sau khi đọc qua bài viết này, du khách sẽ cảm thấy các phong tục Tết Nguyên Đán ở Singapore cũng rất giống với nước ta. Du khách hãy đến du lịch Singapore trong dịp này để khám phá nhiều điều thú vị hơn về những ngày Tết Nguyên Đán ở đất nước này nhé!