Thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi nhất Nhật Bản

Đền Yasukuni là một di sản của Tokyo, Nhật Bản từ quá khứ, được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ đã hi sinh tính mạng khi chiến đấu vì Nhật Bản và Thiên hoàng. Mặc dù là điểm đến linh thiêng của cả nước nhưng Đền Yasukuni lại bị chỉ trích vì thờ phụng cả tội phạm chiến tranh.

Đền Yasukuni trước đây có tên là “Tōkyō Shōkonsha” (Đông Kinh Chiêu Hồn xã) được xây dựng vào tháng 6/1869 tại Cố đô Kyoto theo yêu cầu của Thiên hoàng Minh Trị để vinh danh những người lính đã chiến đấu và hi sinh cho công cuộc cải cách Duy tân và sự nghiệp lật đổ Mạc phủ. Đến năm 1875, Thiên hoàng Minh Trị quyết định dời Tōkyō Shōkonsha về Tokyo và đổi tên thành “Yasukuni” với mục đích biến đền này trở thành một địa điểm linh thiêng, đề cao bản sắc dân tộc và là nền tảng tinh thần cho Nhật Bản.

Trong những năm 1890, Huấn lệnh về Giáo dục của Đế chế (The Imperial Rescript on Education) đã được thông qua, theo đó sinh viên được yêu cầu đọc nghi thức lời tuyên thệ hiến dâng cho Tổ quốc cũng như bảo vệ Thiên hoàng. Sự hiến dâng cao cả nhất là hi sinh tính mạng khi chiến đấu vì Nhật Bản và Thiên hoàng, họ sẽ trở thành các “vị thần” (Kami) bảo vệ cho tổ quốc. Nhiều người Nhật thời đó cảm thấy được thờ tại Đền Yasukuni là một vinh dự đặc biệt, bởi vì Yasukuni là ngôi đền duy nhất mà những người bình thường được tôn thờ, và các Thiên hoàng sẽ đích thân tới thăm ngôi đền hàng năm 2 lần để bày tỏ sự kính trọng của mình.

Như đã nói trên, Đền Yasukuni là nơi thờ các tử sĩ hi sinh vì Thiên hoàng và nước Nhật, họ được thờ phụng như những anh linh bảo vệ cho xã tắc. Đối với nhiều gia đình Nhật Bản có người thân tử trận thì đây là niềm an ủi và vinh dự lớn. Đầu thế kỷ 20, có một bài hát đầy xúc động về một bà mẹ già từ làng quê mang theo tấm quân chương của con trai đã tử trận của mình đến Đền Yasukuni:

“Từ Ga Ueno đến Kudanzaka
Mẹ không còn kiên nhẫn, vì đường đi quên mất.
Mẹ lang thang suốt ngày, dựa người trên gậy chống,
Để đến thăm con ta, tại Kudanzaka.
Trên nền trời vòm cổng cao ngất, lờ mờ hiện ra trong mắt
Dẫn đến một ngôi đền uy nghi
Đã ghi tên con mẹ bên các thần linh.
Người mẹ hèn mọn của con khóc òa vì vui mừng.
Mẹ là con gà mái đã hạ sinh loài chim ưng.
Và niềm vinh dự đó mẹ không đáng được có.
Mẹ muốn con thấy Quân chương Diều Vàng của con,
Nên mẹ đến thăm con, con yêu, tại Kudanzaka”.

Tính đến tháng 10/2004, có 2.466.532 người lính Nhật Bản và thuộc địa của Nhật Bản (chủ yếu là Triều Tiên và Đài Loan) được ghi tên trong Đền Yasukuni.

Hiện nay, Đền Yasukuni trở thành một địa điểm gây tranh cãi không chỉ trong xã hội Nhật Bản và cả ở một số quốc gia đã từng bị Nhật Bản xâm lược, vì trong 2.466.532 người lính trên có cả những người tham gia lực lượng phát xít Nhật và những tội phạm chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên luôn phản đối việc Nhật Bản thờ phụng những tội phạm chiến tranh này. Các lần đến thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản dù với tư cách cá nhân hay nhà nước đều luôn dẫn đến căng thẳng về ngoại giao giữa Nhật Bản với các quốc gia trên.

Bỏ qua vấn đề chính trị, Đền Yasukuni ngày nay luôn mở cửa chào đón dân chúng và khách tham quan. Bên trong là những tòa nhà gỗ cổ kính còn nguyên màu thời gian.

Du khách trước khi đến Đền Yasukuni phải đi bộ qua cổng Torii truyền thống của Nhật Bản, được xem như điểm chuyển tiếp từ nơi ô uế đến linh thiêng, sau đó rửa tay trong chậu nước và bước qua một cánh cửa gỗ lớn. Từ đây, du khách bắt đầu hành trình thăm các khu đền chính nằm trong quần thể Đền Yasukuni. 

Khu Haiden: xây dựng vào 1901, là khu vực cầu nguyện chính của những người đến cầu nguyện cho mục đích tín ngưỡng Thần đạo. Phần mái của khu này được sửa lại vào năm 1989. Bức màn trắng sẽ được các giáo sĩ trang trí lại thành màu hồng khi Đền vào mùa lễ bái.

Khu Honden: khu vực thờ phụng chính dành cho các Kami. Được xây dựng vào năm 1872 và trang hoàng lại vào 1989, cũng là nơi dành cho các giáo sĩ hành lễ và hoàn toàn biệt lập với khách viếng.

Khu Reijibo Hōanden: nằm phía sau khu Honden về phía Đông, là khu lưu giữ Quyển thánh thư (Book of souls) – một tài liệu được làm bằng tay theo kiểu Nhật ghi tên của các đấng thần linh của Thần đạo được thờ tại đây. Được xây dựng từ các mẫu bê tông đã hư hại từ các vụ động đất được Thiên hoàng Chiêu Hòa đưa đến vào năm 1972.

Khu Motomiya: được xem như một khu đền phụ, lúc đầu được xây dựng tại Kyoto nhằm mục đính vinh danh những người đã hi sinh vì sự trung thành của họ trong những ngày đầu của thời kỳ Minh Trị Duy Tân. 70 năm sau, khu đền này được đưa đến Yasukuni vào 1931. Motomiya theo tiếng Nhật có nghĩa là “Ngôi đền cũ” với ngụ ý rằng đây là một trong những khu thánh linh của Đền Yasukuni ngày nay.

Khu Chireisha: nằm ở vị trí về phía Nam của khu đền Motomiya, vốn là một ngôi đền nhỏ được xây vào 1965. Chủ yếu dùng để phụng thờ những người chưa được đưa vào khu Honden – vốn là những người chết từ các quốc tịch khác có liên quan đến Nhật Bản. Yasukuni dành riêng ngày 13/7 hàng năm để tổ chức một buổi cầu nguyện tại đây.

Tiếp đến là các Khu tưởng niệm mà du khách có thể ghé thăm. Irei no Izumi: được xây dựng gần đây để tưởng nhớ đến những người chết do khát từ các trận đánh. Ōmura Masujirō: được làm tự nghệ nhân điêu khắc Okuma Ujihiro vào 1893, cũng là tượng đài đầu tiên làm bằng đồng mang phong cách Châu Âu. Được xây để vinh danh Ōmura Masujirō, người đàn ông mệnh danh “Cha đẻ của quân đội hiện đại Nhật Bản”. Tượng của người mẹ góa: được dựng lên để vinh danh các bà mẹ phải nuôi con một mình khi chồng của họ hi sinh do chiến tranh. Được đưa đến Đền vào 1974 do “Hội của các đứa con” đóng góp. Tượng đài của Tiến sĩ Pal: công trình được đưa vào Yasukuni vào 2005 để vinh danh thẩm phán Radhabinod Pal, một người đơn độc luôn tìm những bằng chứng cho sự vô tội của các bị cáo trong Phiên tòa hình sự quốc tế Viễn Đông.

Trong khuôn viên Đền Yasukuni còn có rất nhiều khu vực quan trọng. Bảo tàng Yushukan, nơi lưu trữ và trưng bày những di vật chiến tranh cùng các tư liệu liên quan đến quân đội. Đây cũng là bảo tàng quân sự đầu tiên và lâu đời nhất Nhật Bản. Khu vườn Shinchi Teisen được bày trí theo phong cách Nhật có từ thời kì Minh Trị. Một thác nhỏ được đặt giữa hồ khu vườn nhằm làm tăng sự thinh lặng của cảnh vật xung quanh. Ō-tōrō: hai ngọn đèn đá lớn nhất Nhật Bản được đưa đến Đền từ 1935. Một cái tượng trưng cho quân đội, cái thứ hai dành riêng cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản.

Đến viếng Đền Yasukuni vào các dịp lễ mùa xuân, du khách còn được mãn nhãn với màn biểu diễn Sumo. Vào 1869, một buổi biểu diễn dành cho các võ sĩ Sumo được tổ chức lần đầu tiên vào dịp mở cửa khu Đền. Kể từ đó, rất nhiều cuộc kỷ niệm tương tự được tiến hành với sự tham gia của các võ sĩ chuyên nghiệp kể cả các nhà vô địch của giải Sumo hạng nặng (Yokozuna).

Ngoài ra, Đền Yasukuni cũng là địa điểm ngắm hoa anh đào tuyệt đẹp. Bên trong Đền trồng khoảng 600 cây anh đào các loại. Vào tháng 3 – 4 hàng năm, khách du lịch từ khắp nơi tới đây ngắm mùa hoa nở rộ. Nhiều hàng quán mở cửa trong thời gian này khiến không khí ngôi đền càng thêm phần náo nhiệt. 

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên ghé thăm ngôi đền Yasukuni nhé! Hãy để chúng tôi đồng hành cùng du khách qua Tour Nhật Bản để có nhiều trải nghiệm thú vị hơn!