Hàn Quốc có những loại nông, hải sản đặc trưng theo mùa. Và người Hàn cũng dựa trên những thực phẩm có sẵn theo mùa để tạo các món ăn ngon, bổ dưỡng với sức khỏe. Thậm chí còn có những ngày lễ hoặc tổ chức sự kiện long trọng để tôn vinh món ăn hoặc đặc sản theo mùa như một cách quảng bá và gìn giữ nét đẹp trong ẩm thực truyền thống của người Hàn.

Quả hồng

Quả hồng là một trong những thức quả đặc trưng của mùa thu Hàn Quốc. Mùa hồng ở Hàn Quốc thường rơi vào khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 11.

Quả hồng được đặt các tên khác nhau tùy thuộc vào cách nó được xử lý: “Hongsi” là loại hồng chín có màu vàng cam hoặc đỏ cam thẫm, không có vị chát; “Gotgam” là loại hồng được gọt vỏ và phơi nắng gió; còn “Bansi” là hồng không hạt.

Quả hồng chứa nhiều vitamin A, B, C và khoáng chất. Loại quả này đặc biệt tốt cho da và có hiệu quả trong việc điều trị chứng nôn nao. Loại quả này cũng rất hiệu quả trong việc ngăn chặn các triệu chứng của bệnh tiêu chảy.

Quả hồng tươi có thể hơi chát. Nhưng sau một thời gian quả chín và ngọt hơn, màu sắc của quả hồng cũng chuyển sang màu cam sẫm. Trái cây này chủ yếu nên được ăn luôn, không được nấu chín. Hongsi có thể được đông lạnh và sau đó bóc vỏ để sử dụng giống như các loại trái cây khác hoặc để tiêu thụ như kem.

Ngày nay, quả Hồng được chế biến công nghiệp thành Hồng đóng hộp, hồng sấy dẻo, hồng khô, mứt hồng… làm quà tặng, biếu rất phổ biến trong mùa thu, đặc biệt là dịp lễ Chuseok (Trung Thu) của người Hàn.

Quả Lê

Cùng với hồng, Lê cũng là thức quả của mùa thu được người dân Hàn Quốc yêu thích. Mùa thu hoạch quả Lê ở Hàn Quốc từ tháng 5 đến tháng 9. Lê Hàn Quốc có hình dáng quả to, vỏ dày, màu vàng nổi bật, bề ngoài tròn, nhẵn và sẫm màu hơn so với Lê phương Tây. 

Lê có tính mát, vị thanh ngọt và có nhiều vitamin rất tốt cho sức khỏe và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng cảm cúm do thay đổi thời tiết. Vào tháng 10, thời tiết giao mùa rõ rệt, hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị cúm mùa khó chịu, người Hàn thường uống trà lê kết hợp táo đỏ, gừng, mật ong để làm ấm cơ thể, giảm ho và đờm. Với vị ngọt thanh, thơm ngon, Lê Hàn Quốc không những ăn không ngán mà ở đây còn được dùng làm chất ngọt tự nhiên để nấu ăn.

Ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe, quả Lê còn trở thành món quà được biếu/tặng rất nhiều trong dịp lễ Chuseok và các dịp đặc biệt. Người Hàn cũng thường sử dụng quả Lê để cúng gia tiên và thần Phật trong ngày lễ mùa thu vì không chỉ có hình dáng đẹp, dễ bày mà loại trái này cũng có hương thơm dễ chịu, rất phù hợp để thờ, cúng.

Quả Quýt

Quýt thường được trồng nhiều ở khu vực đảo Jeju, và đây cũng là nơi cho ra loại quả ngon và nổi tiếng nhất xứ Hàn. Quýt có tính mát, chua ngọt nhẹ, vỏ thơm và tép căng mọng, chứa nhiều nước, vitamin C, rất tốt cho quá trình hồi phục sức khỏe và tăng cường miễn dịch trong những ngày thời tiết giao mùa. Người Hàn cũng rất thích ăn quýt vì vừa dễ ăn, lại là trái cây nội địa không cần mua với giá thành cao, có thể mua trong các khu chợ truyền thống.

Quả Lựu

Lựu là thức quả mùa thu giàu vitamin và dưỡng chất phù hợp với mọi độ tuổi, đặc biệt là phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh vì loại trái cây này có chứa nhiều estrogen tự nhiên. Quả Lựu ở Hàn Quốc có kích thước lớn, phần ruột bên trong có màu đỏ trong như thạch, đặc biệt đẹp mắt, lại có vị ngon dịu, tươi mát sảng khoái nên rất được phụ nữ yêu thích.

Ngoài công dụng bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể, quả Lựu còn được người Hàn sử dụng như một nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp làm đẹp khi được ứng dụng làm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng chống oxy hóa, bổ sung collagen cho phái đẹp.

Chính vì những công dụng tuyệt vời của Lựu nên loại trái cây này thường được lựa chọn để biếu cho các tiền bối hoặc khi các cô gái gặp gỡ gia đình nhà bạn trai.

Quả Ngân hạnh

Ngân hạnh hay bạch quả là loại cây được trồng phổ biến ở các nước ôn đới, và Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Cây Ngân hạnh có lá hình rẻ quạt chuyển sang màu vàng vào mùa thu. Vào cuối thu, lá bạch quả bắt đầu chuyển màu. Khoảng cuối tháng 10, toàn bộ khu rừng chuyển dần từ xanh sang vàng rồi chuyển sang đỏ, những chiếc lá cây bạch quả quạt rung rinh trong gió như đôi chân thiên nga trên bầu trời thu xanh thẳm tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Ngoài tô điểm cho cảnh sắc mùa thu Hàn Quốc, quả của cây Ngân hạnh còn rất được ưa chuộng và được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng khác nhau.

Mặc dù quả Ngân hạnh rơi xuống đất có thể tạo ra mùi hương khá khó ngửi nếu bị giẫm nát, nhưng hạt bên trong lại là nguồn nguyên liệu quý không chỉ được sử dụng trong điều chế thuốc, mà còn trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người ở Hàn Quốc. Hạt quả Ngân hạnh có thể được dùng để hầm canh, nướng, ngào đường, nấu chè… có tác dụng bồi bổ cơ thể, làm giảm cholesterol và cải thiện tuần hoàn máu, rất tốt cho những người lớn tuổi.

Táo đỏ

Táo đỏ hay còn gọi là Táo tàu cũng được xếp vào danh mục những thức quà của mùa thu Hàn Quốc. Loại quả này có tính ấm, giàu saponin, giúp tăng cường hệ miễn dịch tư nhiên của cơ thể, đồng thời là vị thuốc quý giúp ngăn ngừa một số căn bệnh cúm mùa như: giảm ho, cảm lạnh, viêm mũi và cải thiện lưu thông máu.

Táo đỏ có thể dùng tươi hoặc sấy khô, sau đó pha làm trà uống hàng ngày, hầm cùng gà, sườn hoặc ngâm mật ong… dùng tại nhà hoặc làm quà tặng đều rất hợp lý.

Hạt dẻ

Hạt dẻ là món ăn vặt bổ dưỡng nổi tiếng ở Hàn Quốc, thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim truyền hình và được rất nhiều người yêu thích. Hạt dẻ chứa nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin, protein, và chất chống oxy hóa nên rất hữu ích cho chế độ ăn uống lành mạnh.

Hạt dẻ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giúp xương chắc khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch và hạ huyết áp. Hạt dẻ có vị bùi, ngọt dịu và thơm, bở, có thể chế biến làm nhiều món như: hấp, hầm canh, nướng, ngào đường… tuy nhiên món ăn phổ biến và thường thấy nhất ở đường phố Hàn Quốc là hạt dẻ nướng. Vào những ngày trời lạnh, ngồi thưởng thức một túi hạt dẻ thơm nóng, bùi bùi cùng người thân thương thì còn gì bằng?

Khoai lang

Khoai lang ở Hàn Quốc có nhiều loại nhưng phổ biến nhất thì chắc là “Hobak Goguma” – loại Khoai lang có kết cấu và màu sắc bên trong gần giống như quả bí, có màu nâu tím nhạt bên ngoài. Khi được nấu lên, Hobak Goguma có màu cam tươi, có vị rất ngọt, mềm và mịn gần như kem.

Cách ăn Khoai lang phổ biến nhất ở Hàn Quốc là nướng, hấp hoặc luộc. Vào mùa Khoai lang (độ thu hoặc đông), các xe đẩy bán đầy đủ các món Khoai lang sẽ xuất hiện khắp nơi trên phố. Người Hàn chỉ việc dừng lại mua, gói trong giấy báo cũ rồi vừa đi vừa ăn mà thôi. Ngoài ra thì phổ biến hơn là các loại thức ăn vặt được làm từ Khoai lang như: Khoai lang chiên hoặc Khoai lang ngào đường (Goguma Mattang). Đây là hai món ăn vặt được làm từ Khoai lang nổi tiếng nhất.

Nấm thông

Không chỉ trong ẩm thực mùa thu Hàn Quốc mà Nấm thông chính là loại Nấm tốt nhất trong hàng trăm loại Nấm của Hàn Quốc. Chúng phát triển trên những cây thông sống và được thu hoạch vào mùa thu. Nấm thông có giá trị dinh dưỡng rất cao, nó được biết đến với sự hiệu quả trong phòng chống ung thư, nấm thông cúng rất tốt cho các bệnh lão khoa và bảo vệ dạ dày.

Nấm thông có giá thành cao vì chúng không trồng được thương mại mà chỉ được thu hoạch trong môi trường tự nhiên. Mặc dù giá thành cao nhưng Nấm thông rất được ưa chuộng vì hương vị tinh tế và và giá trị dinh dưỡng của nó. Nấm có thể cắt lát và nướng trên lửa nhỏ, nhưng thường được sử dụng nhất để làm nguyên liệu trong các món ăn khác. Ví dụ, nó có thể được nấu cùng cháo gà tần, các loại thịt bò và bào ngư.

Ghẹ xanh 

Ghẹ xanh là một thực phẩm đặc trưng của mùa thu được người Hàn rất yêu thích. Ghẹ xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng như: chitosan, protein, kali, canxi, kẽm và taurine, giàu axit amin giúp tăng cường hệ miễn dịch trong những ngày thời tiết đổi mùa và điều dưỡng cơ thể.

Thịt ghẹ vào mùa sẽ săn chắc và ngọt thịt, tươi ngon và giàu dinh dưỡng hơn bình thường. Ở Hàn Quốc, người ta thường sẽ làm món ghẹ ngâm tương hoặc ghẹ hấp để thưởng thức. 

Cá mòi

Vào mùa thu, Cá mòi sẽ tích trữ nhiều chất dinh dưỡng để chống chọi mùa đông lạnh giá kéo dài, chính vì vậy chúng được đánh bắt vào lúc mang ngon lành nhất. Khoảng thời gian thích hợp để ăn loại cá này là từ cuối tháng 9 cho đến giữa tháng 11. Cá mòi lớn hơn sẽ có nhiều chất béo hơn.

Người Hàn Quốc có khá nhiều công thức để chế biến loại hải sản này nhưng phổ biến nhất vẫn là ăn sống cùng tỏi, rau diếp và sốt ớt hoặc nướng muối. Thịt Cá mòi sau khi nướng thì đảm bảo thơm “nhức nách”, hương vị ngọt thanh tự nhiên, đặc biệt không cần bỏ xương khi ăn.

Cá thu

Không chỉ có Ghẹ xanh hay Cá Mòi mà Cá thu cũng là nguyên liệu nấu ăn mùa thu mà người Hàn rất tâm đắc. Cá thu rất giàu axit béo không no như DHA và EPA, là nguồn dinh dưỡng lành mạnh rất tốt cho sức khỏe não bộ và mạch máu. Đặc biệt với lứa tuổi học sinh, việc bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi cho não bộ rất được chú trọng ở Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc, Cá thu có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nướng giấy bạc than hoa, chiên, om… với hương vị vô cùng hấp dẫn. Người dân và khách du lịch ở khu vực Seoul thường ghé thăm khu chợ ở Namdaemun để thưởng thức món Cá thu om đặc sản lâu đời ở đây.

Hàu sữa

Hàu vốn là một món ăn béo ngậy, hấp dẫn bốn mùa quanh năm, dù là nấu cháo, hấp, xối mỡ hành, nướng phô mai hay ăn gỏi đều ngon. Nhưng vào mùa thu, người Hàn càng đặc biệt yêu thích món hải sản giàu dinh dưỡng này.

Hàu sữa giàu các chất dinh dưỡng như: magie, sắt, canxi, kẽm và taurine,… mang đến nguồn năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nên còn được ví như “dòng sữa của biển khơi”. Hàu có tác dụng giảm cân, tăng cường trao đổi chất, tăng cường phát triển và chữa lành mô, giảm huyết áp, cải thiện hệ miễn dịch và tăng cường sinh lực cho phái mạnh. Ngoài giá trị dinh dưỡng, Hàu sữa còn có giá thành rất rẻ nên càng được người Hàn yêu thích.

Nếu du khách muốn thưởng thức những món ăn ngon từ Hàu sữa thì hãy đến với vùng đất Tongyeong của Hàn Quốc. Hàu ở đây sau khi đánh bắt được lựa chọn rất kỹ lưỡng, chỉ chọn những con tươi, béo để chế biến. Tongyeon được ví như thành phố Hàu về sản lượng Hàu được tiêu thụ trong nước và chiếm hơn 80% sản lượng cả nước.

Tôm Jumbo

Tôm Jumbo (tôm he) là đặc sản của ẩm thực mùa thu Hàn Quốc dành cho những ai không thường xuyên dùng hải sản. Tôm Jumbo thường có râu dài hơn, vỏ dày hơn và thịt dai hơn so với tôm nuôi.

Không dễ để có thể bắt loại tôm này ngoài các khu vực đánh bắt của địa phương, vì loại giáp xác này sẽ không sống được lâu sau khi bị đánh bắt. Vậy nên để có hương vị ngon nhất thì sử dụng chúng càng nhanh càng tốt.

Tôm Jumbo cũng có thể chế biến rất nhiều món như: luộc, hấp, chiên, gỏi Sashimi. Nhưng để thưởng thức Tôm với hương vị đậm đà hơn, người Hàn dùng cách “sôi tôm”: đun nóng nồi nước, cho thêm một chút muối hạt và luộc tôm vừa chín tới khi mới chuyển sang màu đỏ là được. Tôm Jumbo không có vị tanh, vì vậy có thể ăn mà không dùng nước chấm. 

Các loại nông, hải sản mùa thu Hàn Quốc rất đa dạng và phổ biến, mỗi loại thực phẩm đều mang hương vị và giá trị dinh dưỡng khác nhau. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng đã mang lại cho du khách những thông tin cần thiết về ẩm thực mùa thu Hàn Quốc. Hẹn gặp lại du khách trong chuyến du lịch Hàn Quốc và cùng chúng tôi thưởng thức các “đặc sản mùa thu” nổi tiếng này!