15 điều thú vị trong văn hóa hẹn hò của người Nhật

Trong các bộ phim truyền hình tình cảm của Nhật Bản, người Nhật được khắc họa và gây ấn tượng với người xem là tuýp người khá lãng mạn. Nhưng trên thực tế, việc hẹn hò của các cặp đôi Nhật không phải lúc nào cũng lãng mạn và ngọt ngào như trên phim.

Làm quen

Tương tự như ở Việt Nam, để trở thành một cặp đôi, người Nhật cũng sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên là làm quen thông qua các cuộc gặp mặt hay được giới thiệu thông qua bạn bè, người quen, người thân. Thông thường người Nhật sẽ không chủ động làm quen với người lạ nên sẽ thông qua những người giới thiệu hay một dịp tình cờ nào đó để 2 người biết nhau.

Khi đã biết nhau họ sẽ làm quen và xưng hô bằng tên gọi. Đến khi họ quan tâm và có tình cảm sẽ chủ động mời đi chơi hoặc mời gặp mặt riêng. Giai đoạn này thường là để đối phương biết về nhau cũng như có những thông tin cơ bản về người mới.

Tìm hiểu

Đến giai đoạn tìm hiểu thì thời gian này sẽ là những cuộc gặp mặt riêng với nhau hoặc gặp mặt chung trong một sự kiện, nhóm bạn. Ở giai đoạn này người Nhật sẽ không thể hiện tình cảm hay hành động gì thân mật vì họ không cho rằng đây là hẹn hò. Họ chỉ thực sự thể hiện tình cảm khi đã chính thức bước vào mối quan hệ tình cảm.

Nếu một người Nhật có tình cảm với đối phương, họ sẽ hẹn gặp mặt lần sau và nhiều lần nữa. Tuy nhiên nếu trong giai đoạn tìm hiểu họ cảm thấy đối phương không phù hợp sẽ từ chối một cách khéo léo và không trải qua giai đoạn tiếp theo.

Một mối quan hệ sẽ được bắt đầu từ việc “Thổ lộ”

Trong hầu hết các trường hợp, một mối quan hệ sẽ được bắt đầu từ việc “Thổ lộ”. Đó là khi một người nói với người kia cảm xúc của mình và đề nghị hẹn hò. Nếu được chấp nhận đây sẽ là cột mốc đánh dầu bắt đầu mối quan hệ “bạn trai, bạn gái” nghiêm túc.

Ngại công khai bày tỏ tình cảm

Các cặp đôi người Nhật thường tôn trọng sự riêng tư cá nhân nên họ thường không công khai mối quan hệ của mình ngay từ lúc đầu hay đặt ảnh của nửa kia làm ảnh màn hình khóa trên điện thoại. Đối với họ, sự riêng tư cá nhân là điều “bất khả xâm phạm” và họ sẽ không công khai tình cảm của mình lên mạng xã hội nếu mối quan hệ của họ chưa thực sự ổn định.

Ngay từ nhỏ, người Nhật đã được giáo dục để luôn cư xử phải phép cũng như không làm phiền người khác. Chính vì vậy, việc thể hiện tình cảm tại những nơi công cộng được cho là những hành động đáng xấu hổ. Tương tự, một ví dụ khác là xăm mình – dù thế hệ trẻ ngày nay khá thoáng về việc xăm mình nhưng thế hệ đi trước thường không chấp nhận điều này. Tóm lại, Nhật Bản là một quốc gia rất coi trọng vẻ bề ngoài và có tính thẩm mỹ cao.

Hầu hết, phần lớn người Nhật đều quan tâm nhiều đến cách người khác nhìn nhận về họ. Họ sẽ tránh các cuộc xung đột bằng mọi giá và không bao giờ muốn mình trở thành tâm điểm của sự chú ý. Tương tự với việc mặc quần áo đôi, họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi mặc chúng vì sẽ bị nhiều người chú ý. Đây có thể là lý do tại sao các cặp đôi người Nhật không thoải mái khi thể hiện tình cảm của mình ở nơi công cộng, thậm chí họ còn tỏ ra xa cách với đối phương khi ở những nơi công cộng.

Không có thói quen thể hiện tình yêu bằng lời

Cũng giống như Việt Nam, người Nhật thường khá nhút nhát và ít khi thể hiện trực tiếp tình cảm của mình bằng lời nói theo kiểu “Anh yêu em” một cách thoải mái như người phương Tây. Tuy nhiên, nếu so sánh về mức độ với Việt Nam, thì người Nhật còn rụt rè và ít biểu cảm hơn rất nhiều. Họ thường tự nhủ rằng đối phương có thể cảm nhận rõ tình cảm của họ mà không cần phải nói ra bằng lời.

Nếu ở Việt Nam sẽ rất khó để hai bên duy trì mối quan hệ thân mật lâu dài nếu như đối phương không “thỉnh thoảng” thể hiện điều gì đó bằng ngôn ngữ với nhau, nhưng với người Nhật thì điều đó là hoàn toàn bình thường và các cặp đôi sẽ không cãi nhau vì chúng. Cho đến bây giờ, việc “hiểu cả những điều không nói ra” cũng chính là một trong những nét văn hóa cư xử độc đáo của người Nhật.

Không liên lạc quá thường xuyên

Công ty quảng cáo hàng đầu của Nhật Bản – Mynavi đã từng phỏng vấn một số người Nhật về câu hỏi: “Tần suất liên lạc lý tưởng với người yêu của bạn qua LINE (một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Nhật Bản) là bao nhiêu?”. Trong khi 52% đàn ông và 53,7% phụ nữ trả lời “mỗi ngày”, thì có 18,4% và 13,5% trong số họ cho rằng 2-3 lần liên lạc mỗi tuần là đủ. Người Nhật được biết đến là rất nghiêm túc trong công việc; họ không thường xuyên kiểm tra điện thoại trong giờ làm, chứ đừng nói gì đến việc chờ tin nhắn từ người yêu hoặc trả lời tin nhắn ngay lập tức mỗi khi tin nhắn đến. Hơn nữa, sau giờ làm việc họ cũng thường dành thời gian cho các buổi nhậu với đồng nghiệp trong công ty, và để thể hiện sự tôn trọng với mọi người, họ cũng có xu hướng không đọc hay trả lời tin nhắn.

Vì không gian cá nhân luôn được coi trọng ở Nhật Bản, những cặp đôi người Nhật không thường xuyên gọi điện hay gọi video cho nhau, điều này khác hẳn với các cặp đôi ở Việt Nam. Hơn nữa, người Nhật thường tránh làm phiền người khác và điều này vốn đã ăn sâu vào trong suy nghĩ và văn hóa của họ, nên các cặp đôi người Nhật thường không hay chia sẻ mọi chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cho nhau. Ngay cả khi trong trường hợp khẩn cấp, người Nhật vẫn thường nhắn tin trước cho nửa kia để đảm bảo rằng họ có thể bắt máy và hiếm khi gọi điện mà không báo trước.

Đối với những người nước ngoài, điều này có thể khiến họ cảm thấy bối rối vì không hiểu đối phương nghĩ gì, nhưng với người Nhật, giữ một khoảng cách thoải mái là cách để đi đến một mối quan hệ lâu dài.

Rất ít khi đi hẹn hò

Không chỉ ít liên lạc, mà người Nhật còn rất ít đi hẹn hò. Một phần nguyên nhân là do chi phí đi lại khá cao nếu như các cặp đôi sống xa nhau hoặc ở các thành phố khác nhau, nhưng ngay cả những cặp đôi sống trong cùng một thị trấn cũng hiếm khi gặp nhau hàng ngày. Tần suất gặp nhau thường là 1-2 lần/ tuần (không tính những cặp đôi học cùng trường hoặc đồng nghiệp làm việc cùng công ty).

Không phải do các cặp đôi người Nhật không thích hẹn hò mà họ thường tôn trọng khoảng thời gian riêng tư của nhau và thường sống khá khép kín. Đối lập với văn hóa hẹn hò của người Nhật, các cặp đôi nước ngoài không mong muốn gì hơn là có thể dành nhiều thời gian cho nửa kia của mình, trong khi đó, nếu không đi hẹn hò người Nhật sẽ tập trung vào công việc, hoặc dành thời gian chuẩn bị cho một buổi hẹn hò tiếp theo. Họ cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của mình và làm những điều mà cả hai đều thích trong buổi hẹn hò. Với người Nhật, những hoạt động như đi thẩm mỹ viện hoặc mua sắm đều có thể thực hiện một mình mà không cần có người đồng hành.

Hẹn hò vào cuối tuần thay vì ngày thường

Ở Việt Nam hay phương Tây, hẹn hò vào ngày thường là một việc khá phổ biến. Hai người sẽ gặp gỡ nhau, cùng đi ăn hoặc uống cafe, hoặc có thể đi dạo cùng nhau. Tất nhiên người Nhật cũng làm những việc đó khi hẹn hò nhưng thay vì hẹn hò vào ngày thường họ thường dành thời gian cuối tuần để bên nhau hơn. Lý do đơn giản là người Nhật khá coi trọng công việc (đặc biệt là đàn ông), vào những ngày thường trong tuần họ khá bận rộn, đi làm về muộn, hoặc có thể sau khi làm xong sẽ đi nhậu với đồng nghiệp nên thường không có thời gian dành cho người yêu. Thay vào đó họ sẽ dành cả một ngày cuối tuần coi như để bù đắp cho đối phương. Các cặp đôi thích các hoạt động ngoài trời có thể cùng nhau đi công viên, đi mua sắm hay đi ngắm pháo hoa, còn với những người không thích ra ngoài có thể ở nhà cùng nhau chơi game, nấu ăn và dọn dẹp. Họ sẽ dành thậm chí là cả một ngày để bên nhau. Có lẽ họ làm vậy để bù đắp cho khoảng thời gian giữa tuần không được gặp nhau.

Ưu tiên dành thời gian cho người yêu hơn là tụ tập đông người

Việc các cặp đôi đi hẹn hò cùng với nhau là chuyện không mấy phổ biến vì người Nhật cực kỳ chú trọng đến ý kiến và cảm nhận của những người xung quanh. Ví dụ, nếu có người dẫn theo người yêu đi chơi cùng nhưng do họ không quen biết nhau nên bầu không khí sẽ trở nên không mấy thoải mái, thậm chí trong một số trường hợp, mặc dù tất cả mọi người đã cố gắng hòa đồng nhưng tình hình vẫn “không thể cứu vãn được”.

Dù bất kể là giới tính nào, người Nhật luôn giữ khoảng cách và có suy nghĩ rằng tốt hơn hết là nên quan tâm đến việc riêng của mình và giữ khoảng cách với người khác. Do đó, họ rất khó kết bạn – bởi ngay cả sau nhiều lần đi ăn và đi chơi mà họ vẫn không thực sự mở lòng với nhau, thì mối quan hệ cũng khó mà bền lâu và phát triển được.

Thậm chí, người Nhật cũng mất khá nhiều thời gian để kết thân với những người bạn của mình, chưa nói gì đến việc kết bạn và làm quen với bạn của nửa kia. Trừ khi tất cả các bên đều là bạn của nhau, nếu không thì việc các cặp đôi đi hẹn hò cùng với nhau là điều không thể.

Các cặp đôi thường thích những cuộc hẹn tại nhà

Có rất nhiều người Nhật thích dùng ngày nghỉ để thư giãn và làm những việc nhẹ nhàng ở nhà. Đó là lý do nhiều cặp đôi thích ở nhà xem phim DVD hay chơi điện tử cùng nhau. Họ nghĩ rằng thời gian riêng bên nhau là vô cùng quan trọng.

Các cặp đôi thường chia sẻ hóa đơn

Điều này có sự khác biệt giữa các thế hệ, các vùng miền, và tất nhiên là giữa các cá nhân, nhưng có một xu hướng trong giới trẻ hiện nay là các cặp đôi chia hóa đơn trong buổi hẹn hò khi mối quan hệ của họ đang tiến triển. Đây không phải là do người Nhật chi li, mà chỉ đơn giản vì họ nghĩ rằng việc chia mọi thứ công bằng sẽ tạo sẽ một mối quan hệ bình đẳng hơn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đàn ông muốn được thanh toán hóa đơn cho những dịp đặc biệt như Giáng sinh, sinh nhật hay những ngày kỷ niệm giữa hai người.

Valentine là ngày để nữ giới bày tỏ tình cảm với nam giới

Ở phương Tây cũng như ở Việt Nam, Valentine thường là dịp mà phụ nữ chờ đợi một lời mời đi chơi hoặc một món quà từ người đàn ông của mình. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, đây lại là dịp để nữ giới bày tỏ tình cảm bằng cách tặng quà hoặc chocolate cho người mà họ có tình cảm. Đó là ngày khiến trái tim nam giới Nhật Bản đập nhanh hơn một chút vì hồi hộp và xúc động.

Một tháng sau, vào ngày 14/3, Nhật Bản có ngày “White Day”, là ngày mà những người đàn ông sẽ đáp lễ lại phụ nữ bằng quà hoặc chocolate.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phụ nữ thường tặng chocolate cho tất cả mọi người xung quanh mình. Họ có thể làm bạn bè ngạc nhiên bằng cách tặng họ “Tomo-choco” (Chocolate tình bạn) hoặc mang một món quà “Giri-choco” (Chocolate nghĩa lý) đến văn phòng tặng cho cấp trên của mình.

Một nửa số cặp đôi sống cùng nhau trước khi kết hôn

Chuyện các cặp đôi ở Nhật Bản chuyển đến sống cùng nhau khi yêu dường như không phải là việc gì quá nghiêm trọng và bị phản đối nhiều như ở Việt Nam. Càng ngày tỷ lệ các cặp đôi sống chung với nhau càng gia tăng. Và người Nhật nghĩ rằng nếu không sống chung họ không thể hiểu được hết đối phương và khi đó khó có thể tiến tới hôn nhân.

Người Nhật thường có xu hướng kết hôn có ý thức

Phụ nữ Nhật Bản thường có ý thức mạnh mẽ về việc kết hôn từ sau tuổi 25. Sau khi mọi người tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm, người Nhật có xu hướng tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc và có khả năng đi đến hôn nhân. Một phần của suy nghĩ này có thể là do họ thấy thật phí thời gian hẹn hò với một người mà không phải là đối tượng để kết hôn. Việc lựa chọn đối phương đẻ bắt đầu một mối quan hệ theo cách này là một nét độc đáo của phụ nữ Nhật Bản.

Gặp mặt phụ huynh là dấu hiệu để đi đến hôn nhân

Ở Nhật Bản, nhiều người thường bí mật không nói cho cha mẹ mình biết họ đang hẹn hò với ai. Điều này không phải vì họ không muốn giới thiệu đối phương với cha mẹ của mình mà là vì trong suy nghĩ của người Nhật, nếu họ giới thiệu người yêu cho cha mẹ thì điều đó có nghĩa là họ đang hẹn hò nghiêm túc và có ý định tiến tới hôn nhân. Tất nhiên, điều này không áp dụng với tất cả mọi người. Một vài người có mối quan hệ thân thiện và cởi mở hơn với cha mẹ của mình có thể thường xuyên tâm sự chuyện tình cảm với mẹ, nhưng lại giữ bí mật với người cha nếu ông là người nghiêm khắc.

Du khách cảm nhận như thế nào về việc hẹn hò ở Nhật Bản? Từ việc thổ lộ tình cảm của mình đến việc thanh toán khi hẹn hò. Tuy nhiên, không có cái nào là công thức chung cả vì mỗi người đều khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với “người ấy” và cố gắng làm những gì tốt nhất để cả hai có thể duy trì một mối quan hệ lâu dài. Nếu du khách tò mò và có hứng thú muốn khám phá thêm về “nét văn hóa” độc đào này, hãy đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến du lịch Nhật Bản nhé!