16 nét văn hóa độc lạ của người Nhật gây ngạc nhiên với khách nước ngoài
Nhật Bản nổi tiếng là “thiên đường” của những nét văn hóa kỳ lạ và độc đáo rất riêng. Bất kỳ ai đến Nhật Bản cũng sẽ tìm thấy cho riêng mình những điều kỳ lạ và độc đáo ở đất nước này.
Hẳn du khách cũng đã biết nhiều về đất nước Nhật Bản, sự phát triển về kinh tế, sự văn minh trong lối sống và ý thức rất cao của họ. Tuy nhiên, bên cạnh những điều đó, Nhật Bản cũng có rất nhiều nét văn hóa “rất khác người” của mình.
Ngủ gật ở Nhật Bản là được tuyên dương, khen ngợi
Việc ngủ đủ giấc là một việc rất quan trọng vì nếu ngủ không đủ giấc thì đầu óc sẽ không thể minh mẫn làm việc được. Và việc ngủ gà ngủ gật được xem là một hình ảnh không hề đẹp và thậm chí còn có phần bất lịch sự thì ở Nhật Bản là được tuyên dương, khen ngợi và cho đó là một hình ảnh đẹp và mang ý nghĩa người ngủ gật là người siêng năng.
Với Nhật Bản, những người ngủ ngay ngắn trên giường thì bị cho là lười biếng và ngược lại việc ngủ gật ngoài đường hay trên tàu lại là việc đáng khen. Và việc ngủ gật được gọi là “Inemuri”. Thuật ngữ “Inemuri” để chỉ trạng thái ngủ nhưng lại không hoàn toàn ngủ, tức người ngủ dường như vẫn có thể ý thức được những thứ xung quanh. Ví dụ như những người tham gia cuộc họp, người ta có thể ngủ gật nhưng sẽ tỉnh dậy đúng lúc tới phiên người ta lên phát biểu. Hay một chuyện cũng rất thú vị đó là những người ngủ gật trên tàu, với những người có kinh nghiệm và đã thuộc một trường phái lão luyện thì có thể thức dậy đúng ga mà họ muốn xuống mà không cần phải canh giờ đặt báo thức gì cả.
Hi sinh mù quáng vì công việc
Cả thế giới đều phải ngả mũ trước sự chăm chỉ và làm việc không biết mệt mỏi như những cỗ máy của người Nhật. Thậm chí, đã từng xảy ra không ít những trường hợp nhân viên đang làm việc rồi gục xuống chết ngay tại chỗ vì bị áp lực quá tải.
Nhường ghế cho người già là hành động bất lịch sự
Ở Việt Nam, đi xe bus mà thấy người già thì phải nhường ghế, nếu không sẽ bị coi là bất lịch sự, sẽ bị mọi người nhìn với ánh mắt coi thường. Thế nhưng, ở Nhật Bản, việc nhường ghế cho người già lại có phần gì đó được coi là bất lịch sự. Đó là vì người Nhật có tinh thần Samurai rất cao, họ không muốn thừa nhận hay cảm giác mình yếu đuối hơn người khác nên không muốn nhận sự giúp đỡ đó. Hơn nữa, những người lớn tuổi lại không thích nhận mình là “già”, vì vậy, khi ai đó nhường ghế cho họ, họ sẽ nghĩ là đối phương đang có ý chê họ già.
Hàm răng đẹp là phải có răng khểnh
Theo quan điểm của người Việt Nam, một hàm răng đẹp phải là hàm răng đều và thẳng, còn ở các nước phương Tây, trẻ em phải đi niềng răng rất nhiều để có hàm răng đẹp. Thế nhưng, ở Nhật Bản, các mẹ các chị lại quan niệm răng khểnh mới là đẹp. Thậm chí họ còn chủ động đến tìm gặp bác sĩ để chỉnh sửa, để ép răng cho chúng vểnh ra ngoài. Và phong trào này càng trở nên rầm rộ sau khi được PR bởi các ngôi sao nhạc Pop hay người nổi tiếng. Họ cho rằng có răng khểnh sẽ nâng độ duyên của họ lên rất nhiều. Để bắt kịp phong trào, nhiều phòng khám răng còn có dịch vụ chỉnh sửa tạm thời dành cho những người có ý định thay đổi sau đó.
Các bà mẹ Gyaru
Phụ nữ trưởng thành đã sinh con, ăn mặc hở hang, gắn mi giả, để móng tay dài và làm những kiểu tóc kỳ quặc được gọi là “Gyaru”. Những bà mẹ này thường bị chỉ trích vì sẽ có thể lôi kéo con cái của họ tham gia vào các hoạt động kỳ quặc, khiến những đứa trẻ dần hiểu sai về vẻ đẹp thực sự – như cách mà đa phần người Nhật nhìn nhận. Quan điểm này khá ‘lạc hậu” so với sự phát triển của thế giới, nhất là với một quốc gia được cho là rất phát triển như Nhật Bản.
Mọi người đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi
Kể cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, người Nhật cũng thường xuyên có thói quen đeo khẩu trang và điều này thường khiến rất nhiều người nước ngoài khi đến Nhật Bản cảm thấy ngạc nhiên. Vậy điều gì khiến người Nhật đeo khẩu trang thường xuyên như vậy? Đa số mọi người thường đeo khẩu trang vào mùa phấn hoa vì bị dị ứng hoặc mùa đông khi dịch cúm mùa bùng phát. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp đơn giản là vì không muốn để người khác nhìn thấy khuôn mặt của mình vì họ không trang điểm nên đã đeo khẩu trang. Ngoài ra, trong những năm gần đây, giới trẻ ở Nhật Bản đeo những chiếc khẩu trang thời trang và coi đó là một loại phụ kiện.
Tiếng húp mì “xì xụp” có giá trị như một lời khen
Ăn uống là vấn đề tế nhị phải giữ ý, nhất là với con gái, ăn nhỏ nhẹ, không được có tiếng động nếu không sẽ bị nói là vô duyên, không có ý tứ. Thế nhưng, tại Nhật Bản, tiếng húp mì “xì xụp” lại có giá trị như một lời khen.
Đối với người Nhật, tiếng húp mì như là sự khen ngợi của người ăn rằng họ đang thưởng thức chúng rất ngon. Hay khi đi ăn ở nhà hàng cũng vậy, tiếng húp mì thay cho lời khen dành cho đầu bếp rằng họ đã nấu rất ngon.
Uống rượu bia nơi công cộng
Trong khi luật cấm uống rượu bia nơi công cộng khá nghiêm ngặt ở nhiều quốc gia, thì ở Nhật Bản lại hoàn toàn ngược lại. Du khách sẽ thấy nhiều người mua bia khi đi tàu, sinh viên đại học tụ tập uống rượu trong công viên hoặc thậm chí là những bữa tiệc đường phố ngẫu hứng ở các khu giải trí về đêm như Shibuya và Roppongi! Mặc dù điều này có thể gây ra rắc rối ở nhiều quốc gia khác, nhưng với cách cư xử của người Nhật thì hầu hết các trường hợp nguy hiểm hay quá đà đều không xảy ra, khiến đường phố trở thành nơi vui vẻ và an toàn bất kể lúc nào.
Tự rót rượu cho mình là hành vi tuyệt đối cấm kỵ
Nếu như ở Việt Nam, chúng ta vẫn thường có thói quen rót rượu mời khách, bạn bè trước rồi tự rót rượu cho mình và cùng uống thì ở Nhật Bản lại không như vậy. Với người Nhật, tự rót rượu cho mình là hành vi tuyệt đối cấm kỵ vì họ cho rằng đó là hành vi tự mãn, thiếu văn hóa và không tôn trọng người cùng uống. Người Nhật sẽ rót rượu mời người đối diện và sẽ đợi người đó rót lại và mời thì sau đó cả 2 mới cùng thưởng thức cùng nhau.
Ngồi uống café với gấu bông
Ở Việt Nam, chúng ta cũng không lạ gì cảnh những người lặng lẽ ngồi thưởng thức café hay thậm chí đi ăn lẩu một mình. Thế nhưng, ở Nhật Bản, có một quán café sẵn sàng “giải quyết” nhanh gọn cho những vị thực khách chỉ ngồi một ghế, gọi một cốc. Khi ấy nhà hàng sẽ đặt một con gấu bông dễ thương ngồi cùng bàn để “tiếp” họ.
Sinh viên Nhật thích ăn loại chocolate miếng Kit Kat trước mỗi kỳ thi
Chocolate miếng Kit Kat rất phổ biến tại Nhật Bản do “Kit Kat” có phát âm khá giống với cụm từ tiếng Nhật “Kitto Katsu”, tức “Bạn chắc chắn sẽ chiến thắng”, vốn là một câu chúc may mắn. Bởi vậy, sinh viên Nhật thường ăn loại chocolate này trước mỗi kỳ thi. Và cũng khác biệt với loại Kit Kat được biết đến nhiều trên thế giới như một loại chocolate sữa, thì Kit Kat Nhật Bản lại có thành phần là những vị lạ lùng như trà xanh, khoai tây nướng và đậu nành.
Người yêu cũng rất ít khi gặp nhau và ít thể hiện tình yêu
Các cặp đôi yêu nhau ở Nhật Bản không gặp nhau mỗi ngày như ở các nơi khác trên thế giới. Họ hoàn toàn cảm thấy bình thường khi gặp nhau chỉ vài lần một tháng. Khi không ở bên nhau, họ không nhắn tin cho nhau, cũng không gửi thiệp hay ảnh cho nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ không yêu nhau.
Ngoài ra, ở Nhật Bản, văn hóa tán tỉnh không phát triển. Người Nhật không có truyền thống tặng hoa hay đồ ngọt cho nhau, cũng không thường xuyên khen ngợi nhau… Những người đang yêu không thể hiện cảm xúc ở nơi công cộng. Điều duy nhất họ có thể làm ở nơi công cộng là nắm tay nhau.
Có hai Ngày Lễ Tình Nhân
Bên cạnh Ngày lễ tình nhân truyền thống giống như nhiều quốc gia trên thế giới, ở Nhật Bản vào 1 tháng sau đó, còn có một Ngày lễ tình nhân Trắng (14 tháng 3). Theo nguyên tắc chung, phụ nữ sẽ tặng chocolate vào ngày 14/2, trong khi nam giới sẽ đáp trả lại vào Ngày lễ tình nhân Trắng – thường với món quà lớn hơn! Ngoài việc trao tặng quà cho người đặc biệt, người Nhật còn tặng chocolate cho đồng nghiệp và bạn bè của mình như một truyền thống được gọi là “Giri Choco”, nghĩa là “tặng chocolate như một nghĩa vụ”.
Hikikomori
“Hikikomori” là thuật ngữ chỉ những người trẻ tuổi thích sống tách biệt hoàn toàn khỏi gia đình và xã hội. Mặc dù dân số thế giới đang tăng lên với tốc độ bùng nổ, nhưng dân số Nhật Bản lại đang giảm dần. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất nhì thế giới và kết hợp với vấn nạn này là số lượng hikikomori ngày một gia tăng. Mỗi quốc gia đều có một số lượng nhất định những người thích sống ẩn dật, nhưng thường là người già và hầu hết trong số này là những người mắc phải các chứng bệnh về thần kinh, chẳng hạn như trầm cảm hay chứng sợ nơi đông người.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, những người sống tách biệt với xã hội lại toàn là những thanh niên trẻ tuổi. Hiện chưa có lý giải chính xác cho hiện tượng này, nhưng giới phân tích cho rằng chính sự bùng nổ của Internet, áp lực học hành và việc các bậc phụ huynh giữ con quá kỹ, là những nguyên nhân chính làm “sản sinh” ra các Hikikomori.
Trào lưu tự tử
Tuy có tỷ lệ tội phạm cực thấp, nhưng Nhật Bản lại có tỷ lệ người tự tử cực cao, chính xác là cao nhất thế giới. Theo văn hóa truyền thống, tự sát được xem như là một hành động cao thượng, một cách để chứng minh lòng trung thành, bảo toàn danh dự và bảo vệ uy tín của cả gia tộc.
Ngày xưa, các kiếm sĩ thường tự sát bằng cách tự rạch bụng mình. Còn ngày nay, một trong những cách kinh dị nhất để tự kết liễu (và rất hay xảy ra ở Nhật Bản) chính là tự lao mình vào tàu điện đang chạy. Các công ty đường sắt ở Nhật thậm chí còn được hẳn một khoản bồi thường từ thân nhân của những người tự sát theo kiểu “superman” này. Khu rừng Aokigahara gần dãy núi Phú Sĩ cũng là một địa điểm “ưa thích” của những người đã quyết định tự kết thúc cuộc đời mình sớm hơn quy luật tự nhiên.
Phim khiêu dâm là hình thức kinh doanh giải trí hoàn toàn hợp pháp
Nhật Bản vốn được coi là một xã hội vô cùng khắt khe và bảo thủ, nhưng phim khiêu dâm lại là hình thức kinh doanh giải trí hoàn toàn hợp pháp ở đây. Tuy vậy, có luật quy định rằng những bộ phận nhạy cảm của các diễn viên phải được che hoặc làm mờ đi nhằm bảo vệ các chuẩn mực về đạo đức.
Trên đây là một số điều độc và lạ ở Nhật Bản. Mong rằng thông tin này giúp du khách hiểu thêm về nền văn hóa đặc sắc của “xứ Phù Tang”. Hãy đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình du lịch Nhật Bản để có được thêm nhiều trải nghiệm thú vị nhé!