Các món ăn truyền thống của Hàn Quốc nổi tiếng thế giới bởi mức độ cầu kỳ trong khâu chế biến, sự tỉ mỉ trong trang trí hay yêu cầu khắt khe về giá trị dinh dưỡng của nó đối với sức khỏe con người. Góp phần làm nên những món ăn ngon đó chính là các loại gia vị truyền thống.

1. Tương ớt (Gochujang)

Hàn Quốc với thời tiết khá lạnh vì thế những món ăn cay rất phổ biến tại đây, thành phần không thể thiếu cho những món ăn này đó chính là ớt, cụ thể tương ớt Gochujang được dùng nhiều hơn cả.

Gochujang cũng có thành phần chính là ớt đỏ nhưng hương vị của nó lại rất khác biệt. Người Hàn dùng ớt tươi đỏ, cay say nhỏ và sấy khô thành ớt bột, sau đó kết hợp cùng bột nếp, đậu nành, muối theo tỷ lệ nhất định để lên men thành tương ớt.

Gochujang có vị cay nhưng không nồng như các loại tương ớt được làm từ ớt tươi. Loại tương này khá sệt và thường được dùng để pha nước chấm ăn kèm các món truyền thống, đồng thời tạo màu đỏ đẹp mắt cho món ăn.

Người dân địa phương thường sử dụng bình đất để lên men Gochujang. Gia vị này được dùng để làm nước sốt của món Bibimbap, Tteokbokki,… và bất cứ món ăn nào có màu đỏ.

2. Ớt bột Hàn Quốc (Gochugaru)

Một loại gia vị thiết yếu khác trong ẩm thực Hàn Quốc đó là Gochugaru – loại ớt đỏ xay thô thành bột xen lẫn một ít vỏ và hạt. Theo truyền thống, Gochugaru được làm từ ớt khô phơi nắng, và các phiên bản ớt bột được chế biến theo cách này vẫn được coi là có hương vị tốt nhất.

Cay, ngọt và và có mùi thơm hoàn hảo, Gochugaru là nguyên liệu bắt buộc phải có cho các loại nước sốt và kimchi. Ngoài ra, mì tương đen trộn Gochugaru cũng là một sự kết hợp yêu thích của nhiều người dân ở đây. 

3. Sốt Chogochujang

Sốt Chogochujang là hỗn hợp của tương ớt Gochujang, giấm và đường. Nó là một nước chấm hoàn hảo khi thưởng thức cùng với hải sản, mực, bạch tuộc và thịt nướng. Để tăng thời gian bảo quản nước sốt, người Hàn sẽ thêm giấm nhiều hơn.

4. Sốt Ssamjang

Ssamjang là một loại gia vị truyền thống của Hàn Quốc luôn có khi du khách ăn món thịt gói rau diếp. Nó được kết hợp từ Gochujang, Doenjang, dầu mè, hành tây và tỏi.

Khi dùng bữa tại một nhà hàng ở Hàn Quốc, du khách sẽ thấy hầu hết người dân địa phương đều chấm một trái ớt vào Ssamjang và cắn ăn trực tiếp. Nếu là một người ăn cay giỏi, du khách hãy thử điều đó vì nó có hương vị rất tuyệt vời!

5. Tương đậu nành lên men (Doenjang)

Nắm bắt được giá trị dinh dưỡng của hạt đậu nành nên người Hàn Quốc đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn cũng như gia vị từ hạt đậu nành, chẳng hạn như Tương đậu nành Doenjang. 

Doenjang được làm từ đậu tương phơi khô, nghiền nhỏ sau đó lên men. Để tăng thêm giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị cho Doenjang, người Hàn còn trộn thêm cá cơm vào bột đậu tương khô trước khi lên men.

Tương đậu nành Doenjang thường được dùng làm gia vị phối trộn với các loại rau như một món Salad.

6. Cheonggukjang

Loại gia vị này được làm từ bột đậu tương phơi khô sau đó lên men giống như Doenjang, nhưng thời gian lên men ngắn hơn và có thêm một số lợi khuẩn tốt cho tiêu hoá.

Cheonggukjang thường dùng để cho thêm vào các món hầm, vừa tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn vừa tăng cường các lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, tránh cảm giác đầy hơi, khó tiêu vì ăn quá nhiều thức ăn giàu protein.

7. Xì dầu (Ganjang)

Xì dầu Hàn Quốc khá là đa dạng về chủng loại, nhưng có 2 loại hay được sử dụng nhất là Jin Ganjang và Gug Ganjang. Jin Ganjang có vị thanh ít mặn thường được dùng trong món xào, trộn, rim. Gug Ganjing có vị mặn dùng chủ yếu trong món canh.

8. Nước mắm (Myeochil aeg)

Người Hàn không dùng nước mắm để chấm như người Việt, mà nước mắm được dùng chủ yếu cho việc muối Kimchi hoặc nấu các món canh, kho, rim. Nước mắm Hàn Quốc cũng khá là đa dạng. Trong đó, các loại nước mắm phổ biến có thể kể ra như: Nước mắm cá cơm dùng để muối Kimchi và Nước mắm cá ngừ thường dùng trong chế biến món ăn.

9. Giấm (Sikcho)

Đây là loại gia vị được sử dụng với tần suất khá nhiều ở Hàn Quốc. Các loại giấm thường được sử dụng trong các món ăn của người dân xứ Hàn là: Giấm đen, Giấm gạo và Giấm đỏ.

Một số món ăn phụ thường thấy trong các bữa ăn như: củ cải vàng, dưa chuột, dưa cải,… đều có ngâm giấm.

10. Dầu mè (Chamkireum)

Dầu mè hay có thể gọi là dầu Olive ở các quốc gia Châu Á khác. Chamkireum có màu nâu đỏ đậm và có hương vị mạnh mẽ, nếu được sử dụng với số lượng lớn. Đây là một gia vị nền tảng của các món ăn như: Bibimbap, súp Naengmyun, cháo, món hầm,… Thịt heo nướng khi ướp với dầu mè cũng sẽ có hương vị thơm ngon hơn. Ngoài ra, các món tráng miệng cũng kết hợp với dầu mè để tăng thêm hương vị.

11. Syro ngô, Syro gạo, Syro mơ

Bên cạnh đường cát, đường nâu hay mật ong thường thấy trong các nền ẩm thực khác, người dân Hàn Quốc dùng Syro ngô, Syro gạo như một chất tạo ngọt cho các món ăn thêm đậm đà, không quá gắt, cũng như tạo một màu sắc nâu bóng hấp dẫn cho món ăn thêm bắt mắt.

Bên cạnh đó, Maesilcheong (Syro mơ) cũng rất phổ biến như một loại gia vị thay thế cho đường trong khoảng 30 năm trở lại đây, một phần do những lợi ích sức khỏe của mơ xanh ủ trong đường. Trong mọi trường hợp, nói theo một cách hoa mĩ thì Maesil tạo nên một nét chấm phá cho món ăn, tương tự như giấm.

12. Rượu nấu ăn (Massul)

Người Hàn sử dụng rượu để khử mùi hôi tanh của thịt cá trong quá trình nấu nướng. Các công ty thực phẩm Hàn cũng tung ra nhiều loại rượu phục vụ riêng cho chế biến món ăn như: rượu tinh khiết (Jeongju), rượu nấu ăn (Massul),…

13. Muối (Wang Sogeum)

Muối là một thành phần quan trọng trong mọi loại ẩm thực, nhưng đặc biệt cần thiết trong các món ăn Hàn Quốc. Gulgeun Sogeum, hoặc Wang Sogeum là một loại muối biển Hàn Quốc hoặc muối ngâm Hàn Quốc có kích thước hạt lớn hơn và hàm lượng Natri thấp hơn so với muối Kosher thông thường. Nó được sử dụng chủ yếu để muối bắp cải thảo khi làm Kimchi.

14. Tỏi (Manul)

Tỏi là một trong những loại gia vị thực vật lành mạnh nhất thế giới, cũng là một trong những nguyên liệu thiết yếu nhất trong nấu ăn của người Hàn Quốc. Hầu hết các công thức nấu ăn đều có tỏi băm nhỏ như một phần của gia vị, nhưng cả tép tỏi cũng thường được sử dụng để làm nước dùng, súp hoặc món hầm của Hàn Quốc. Người Hàn cũng thưởng thức tỏi ngâm như một món ăn kèm, tỏi nướng với BBQ Hàn Quốc và nấu ăn tại bàn.

15. Hành lá (Daepa)

Daepa về cơ bản là một loại hành lá “khổng lồ”, hoàn toàn không phải là hành Baro hay tỏi tây mà ở Việt Nam hay dùng. Hành Baro dai hơn và khá ngọt khi nấu chín, trong khi Daepa có mùi hấp dẫn hơn và thường được dùng cùng với tỏi. Người Hàn sử dụng phần thịt màu trắng và xanh lục nhạt có vị ngọt để làm gia vị, và phần lá có màu xanh đậm có mùi thơm hơn để nấu súp.

16. Dasima

Dasima là các loại rong biển hay tảo bẹ khô, thường có hình dạng to bản để nấu canh, trộn hoặc được cắt nhỏ đi. Dasima được dùng trong nhiều món ăn Hàn, nhất là các loại nước dùng.

17. Hạt mè rang nghiền (Ggaesogeum)

Việc tạo ra Ggaesogeum được bắt đầu bằng những loại mè nguyên hạt chưa rang được trữ trong tủ đông, các bà nội trợ sẽ rửa sạch chúng kĩ càng rồi để ráo. Họ cho biết việc rửa mè trước khi rang sẽ tạo ra sự khác biệt lớn và giúp cho hạt mè được to tròn. Nhẹ nhàng rang mè trong chiếc chảo ở lửa vừa cho đến khi nghe thấy tiếng nổ lách tách, cùng với đó là mè chuyển sang màu nâu nhạt và có mùi thơm đặc trưng thì tắt bếp. 

Đối với những du khách vốn yêu thích những món ăn đặc sắc của “xứ sở Kim Chi” thì không nên bỏ qua việc tìm mua những loại gia vị truyền thống nếu có dịp du lịch Hàn Quốc. Chắc chắn nó sẽ góp phần làm cho món ăn với hương vị khó quên!