Ẩm thực xứ Hàn đâu chỉ có Kimchi, Kimbap mà còn có cả một “đế chế” những món ăn ngâm tương cũng hấp dẫn không kém. Những món đặc sản với hương vị đặc biệt này sẽ hoàn toàn chinh phục vị giác của du khách khi thưởng thức chúng.

1. Ganjang Gejang (Cua ngâm tương)

Ganjang Gejang được chế biến bằng cách ngâm cua tươi trong nước tương. Ban đầu, người dân nơi đây chỉ sử dụng cua nước ngọt để chế biến. Tuy nhiên, do sản lượng cua nước ngọt ngày càng giảm nên người ta bắt đầu sử dụng cua Kkotge – một loại cua biển để thay thế.

Trong tiếng Hàn, từ “Gejang” với “Ge” có nghĩa là cua và “Jang” có nghĩa là tương, vì vậy, bản thân “Gejang” đã có nghĩa là “Cua ngâm tương”. Từ “Ganjang” – xì dầu được thêm vào là để phân biệt với món “Gejang” phiên bản ngâm sốt cay mang tên “Yangnyeom Gejang”.

Thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là món ăn cầu kỳ tốn nhiều công sức. Để có thể chế biến được món cua ngâm tương ngon, đầu bếp phải chọn được những con cua sống, tươi, mập, nhiều thịt và gạch. Như vậy thì món cua mới thơm ngon, đậm đà, lên men đúng chuẩn tạo ra hương vị béo ngậy hấp dẫn thực khách.

Cua được rửa qua với rượu sau khi sơ chế cẩn thận. Nước tương dùng ngâm cua sẽ được nấu sôi trong khoảng 1 tiếng cùng với tỏi, gừng thái lát, ớt khô, táo tàu, rong biển, hành boa rô, sau đó để nguội tự nhiên. Cua đã ráo nước sẽ được xếp vào trong các hũ hoặc khay rồi đổ nước tương cho đến ngập thì thôi, đợi khi nguyên liệu lên men và chuyển sang màu sậm là dùng được. Để tăng hương vị đậm đà cho món ăn, người ta thường thả thêm ớt vào trong nước tương, bên cạnh đó còn có vừng và các loại gia vị khác.

Còn cách phức tạp và cầu kỳ hơn, đó là cua tươi sau khi được rửa sạch sẽ được ngâm vào nước tương đã được đun sôi, để qua đêm. Sau đó, người ta vớt cua ra, chỉ đun sôi phần nước tương rồi lại cho cua vào ngâm tiếp. Quy trình này lặp đi lặp lại khoảng 4-5 lần, như vậy thì phải mất đến 4-5 ngày thì mới có thể hoàn thành được món cua đặc biệt này.

Khi ăn, người ta sẽ cắt đôi cua ghẹ và mút trực tiếp thịt, ghẹ đã ngấm vị tương. Sau khi ăn phần thịt, nhiều người có thói quen là cho cơm vào phần mai của cua, sau đó trộn đều lên rồi thưởng thức cùng với gạch. Đối với những ai có thể ăn được cua thì món ăn này thực sự được coi là “chân ái” đấy! 

2. Tôm ngâm tương

Tôm ngâm tương cũng giống như cua ngâm tương hay mọi món ngâm tương khác, đều là chọn nguyên liệu ngon rồi ngâm cùng với hỗn hợp nước tương, rượu trắng, Siro ngô, hành lá, hành tây, vừng rang, ớt,… để vài ngày cho “chín” và ngấm gia vị.

Tùy vào khẩu vị cũng như sở thích ăn của mỗi người mà nhiều người lựa chọn việc để nguyên vỏ, còn có người thì lại lột sạch hoàn toàn phần vỏ. Thế nhưng, điều quan trọng là tôm cần phải được làm sạch, rút sạch chỉ đen trên sống lưng, ngâm cùng với rượu để loại bỏ độ nhớt và mùi tanh.

Vì đây cũng là món ăn sống nên nhiều người lại cho rằng, tôm ngâm tương có nét khá giống với gỏi tôm của Việt Nam. Món ăn cho dù là ăn riêng hay ăn cùng với cơm nóng thì cũng đều rất ngon miệng.

3. Bào ngư ngâm nước tương

Danh sách các món ăn ngâm tương không thể nào không nhắc tới bào ngư ngâm nước tương. Đây là một loại thực phẩm vốn rất quý và có giá thành cao, thế nhưng đổi lại, bào ngư lại chứa rất nhiều canxi, i-ốt, sắt, vitamin A,…

Không để sống giống như cua/ghẹ hay tôm, bào ngư sẽ được hấp cách thủy chừng 4 – 5 phút. Chỉ cần bào ngư được chín sơ qua là đã có thể ngâm cùng với hỗn hợp nước tương, nước ép lê, táo, củ cải trắng, hành tây, cá cơm khô, rong biển, ớt đỏ, ớt xanh, nấm hương,… Nếu ai muốn món ăn bổ dưỡng hơn có thể cho thêm đông trùng hạ thảo vào.

Sau khi nước sôi, nêm thấy nước tương vừa miệng thì tắt bếp và để nguội. Cuối cùng xếp bào ngư vào bát, đổ nước tương vào cao hơn mặt bào ngư và cho vào ngăn mát tủ lạnh 3 ngày là có thể ăn được.

Cũng giống như các món ngâm tương trên, bào ngư ngâm tương sẽ ngon hơn khi ăn kèm cơm nóng. Món ăn này khi ăn uống kèm rượu Sochu sẽ rất hợp. Rất đáng để du khách thử khi du lịch Hàn Quốc đấy!

4. Cá hồi ngâm nước tương

Nếu như du khách là một “tín đồ” của cá hồi thì Cá hồi ngâm nước tương đích thị là món “chân ái” dành riêng cho du khách.

Cá hồi ngâm nước tương sẽ khiến nhiều người “Xuýt xoa thương nhớ” nhờ thịt cá mềm, béo cộng với vị ngọt vô cùng hấp dẫn. Cách làm món ăn này cũng không quá cầu kỳ. Cá hồi phi lê sẽ được lọc bỏ da, phần thịt được thái thành những lát mỏng rồi ngâm với hỗn hợp nước tương. Phần hỗn hợp nước tương ngâm cá hồi sẽ có cả hành, táo, tỏi, gừng, ớt, đường, rượu, mật mía,… đun sôi để nguội rồi bỏ bã. Cuối cùng chỉ cần xếp cá hồi vào hũ, dội hỗn hợp nước tương đã đun sôi, để nguội thêm ớt lên mặt cá và đậy kín lại rồi bảo quản ở trong tủ lạnh là được.

Cá hồi sau khi được ngâm cùng với nước tương trong nhiều giờ thì sẽ có hương vị đậm đà, béo ngậy và vô cùng thơm ngon. Khi thưởng thức cá hồi ngâm tương cùng rong biển, cơm nóng thì quả thực là rất tốn cơm đấy!

5. Mayak Gyeran (“Trứng thuốc phiện”)

Trong tiếng Hàn, “Gyeran” là “quả trứng”, “Mayak” dịch ra là “chất gây nghiện”, hay “thuốc phiện”. Dù mang cái tên hơi đáng lo nhưng món trứng này không hề chứa thành phầm bị cấm nào. Thực tế là, “Mayak” (thuốc phiện) chỉ là một cách đặt tên có phần phóng đại để nói lên độ ngon “gây nghiện” của món trứng này mà thôi.

Để làm món “trứng thuốc phiện” này phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, trứng gà (phải là loại ngon) được luộc sơ qua như bình thường trong khoảng 5-6 phút để để phần lòng đỏ bên trong là lòng đào và có độ tan chảy khi cắt ra. Sau đó, trứng đã luộc được làm nguội trong nước lạnh trước khi bóc vỏ. Thành phần được xem như “linh hồn” của món “gây nghiện” này là nước sốt, sẽ quyết định độ ngon và hấp dẫn của món ăn. Thành phần nước sốt được làm từ nước, nước tương và một chất tạo ngọt. Chất tạo ngọt đa dạng theo sở thích của từng người, có người dùng mật ong, có người dùng đường, có người dùng Siro gạo Hàn Quốc… Sau đó, cho thêm tỏi, hành, ớt và hạt mè vào hỗn hợp rồi khuấy đều. Cuối cùng, những quả trứng được bóc vỏ sẽ được cho vào trong và ngâm trong ít nhất 6 giờ đồng hồ, tuy vậy, ngâm càng lâu thì trứng càng thấm vị.

Thành phẩm là những quả trứng với vỏ ngoài màu nâu, thơm vị tương, hơi chua nhẹ kèm theo vị ngọt và có chút cay cay. Kết cấu lòng trắng trứng giòn giòn, lòng đỏ thì có độ ẩm, bùi và mềm, nếu ngâm lâu thì gia vị có thể thấm vào tận bên trong mang lại hương vị đậm đà hơn. Người Hàn thường ăn món trứng này cùng với cơm trắng, chan thêm ít nước sốt ướp trứng cùng dầu mè. Chỉ cần như vậy là họ đã có một bữa cơm ngon lành mà không cần thêm thắt gì.

Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, du khách đừng bỏ qua 5 món ngâm tương thơm ngon kỳ lạ này nhé! Bảo đảm du khách sẽ phải “nghiện” vì chúng đấy!