“Chimaek” – Văn hóa uống bia và ăn gà rán của người Hàn Quốc

Ở Việt Nam, ít nhiều chúng ta đã nghe đến “văn hóa trà chanh” của giới trẻ Hà Nội, hay “văn hóa cafe bệt” của giới trẻ Sài Gòn. Còn ở Hàn Quốc, một đặc trưng tiêu biểu trong lối sống của người dân nơi đây là văn hóa “Chimaek”. “Chimaek, bắt nguồn từ sự kết hợp giữa “chi” trong “chikin” (gà) và “maek” trong “maekju” (bia).

Trước đây, những hình ảnh nhậu gà rán với bia xuất hiện nhiều trong các bộ phim Hàn Quốc, khiến thực khách tò mò về văn hóa ăn nhậu này. Và cũng từ đó, “Chimaek” trở thành trào lưu thu hút, hấp dẫn giới trẻ trên khắp thế giới.

Gà chỉ được biết đến sau Chiến tranh Triều Tiên, chủ yếu thông qua Quân đội Mỹ tại Hàn. Thời điểm đó, gà rán là một món ăn xa xỉ đối với nhiều người. Do vào những năm 1950 sau chiến tranh, không có đủ gà hoặc dầu để chiên gà.

Đầu những năm 1960, người Hàn vốn đã quen với các món gà nướng/gà xào cay theo kiểu truyền thống. Khi tiếp xúc với những đĩa gà rán của người Mỹ, người Hàn đã cải tiến bằng lớp sốt phủ gia vị truyền thống của Hàn Quốc. Vào những năm 70, thương hiệu gà rán đầu tiên, Lim’s Chicken xuất hiện. Đây là một thương hiệu gà rán với lớp vỏ bột chiên mỏng. Lúc bấy giờ, gà của Lim’s được xem như là một loại thực phẩm chất lượng khá cao.

Vào những năm 80, thịt gà trở nên phổ biến hơn, và gà tẩm gia vị cũng xuất hiện. Gà tẩm bột ớt đỏ, xi-rô và mứt đã làm say lòng công chúng bởi vị ngọt và cay. Các công ty nhượng quyền về gà như Pelicana Chicken đã phát triển đáng kể. Vào những năm 90, món gà giòn được ăn nhiều ngày nay, đã dần phổ biến. Crispy Chicken được ra mắt đã nổi tiếng với món gà BBQ vào những năm 90. Các loại gà rán hiện tại chỉ phát triển cách đây 30 năm, nên lịch sử của gà rán rất ngắn so với mức độ phổ biến của nó.

Cũng như gà rán, bia cũng chỉ xuất hiện ở Hàn Quốc gần đây. Nhà máy bia đầu tiên được thành lập trong thời kỳ Nhật thuộc. Các công ty bia Nhật Bản, Great Nippon Beer và Kirin Beer, đã thành lập một nhà máy sản xuất bia ở thời Joseon thuộc địa. Sau khi giải phóng, các công ty này được bán cho tư nhân và lần lượt trở thành Oriental Beer (nay là Obi Beer) và Chosun Beer (nay là Hite Jinro). Nhưng vào thời điểm đó, bia là một loại thức uống đắt tiền mà chỉ ít người mới có thể thưởng thức. Những năm 1970, bia tươi trở nên phổ biến nhanh chóng hơn. Đến những năm 80, giá bia rẻ hơn do chiến lược bình dân hóa của các công ty. Đó cũng là lý do khiến bia trở thành một loại thức uống có cồn phổ biến như ngày nay.

Khi cả gà và bia trở nên phổ biến vào những năm 80, hai loại thực phẩm này bắt đầu được kết hợp với nhau. Thứ nhất, chất cồn trong bia giúp gà giữ được độ béo ngậy. Thứ hai, thịt gà là một món ăn nhẹ hoàn hảo khi uống bia. Bia thường được uống ngoài trời hoặc vào những ngày nắng nóng để tạo cảm giác sảng khoái mát lạnh. Tuy nhiên, lại thường khó uống cùng với các món nước hoặc các món xào. Vẫn có thể uống bia kèm với đồ ăn nhẹ nhưng những món này rất mau đói. Trong trường hợp này, gà rán là một sự lựa chọn hoàn hảo vì dễ dùng ngay cả khi nguội. Ngược lại, khi gọi gà rán để ăn ngoài trời, bia lạnh là một thức uống tuyệt vời. Với sự kết hợp tốt như vậy, các cửa hàng bia, cửa hàng gà, nhà hàng giao hàng và thậm chí cả sân vận động thể thao đều bắt đầu kinh doanh Chimaek. Bộ đôi này chính thức trở thành một phần văn hóa ăn nhậu ở Hàn Quốc.

Người ta tin rằng nhiều người nghỉ hưu đã bắt đầu mở nhà hàng gà với gói cứu trợ của IMF vào năm 1997 là lý do cho cơn sốt Chimaek. Ngoài ra, kể từ những năm 90, sự bùng nổ của các môn thể thao đã trở thành động lực để phổ biến “Chimaek”. Tại World Cup 2002 Nhật – Hàn, người Hàn đã nỗ lực đưa văn hóa Chimaek vượt xa biên giới.

Ngày nay, Chimaek xuất hiện tại bất cứ thời điểm nào trong năm. Và cũng là lựa chọn mà hầu hết mọi người dân Hàn đều nghĩ đến. Gà rán Hàn Quốc hiện là một thị trường tỷ đô với hơn 400 thương hiệu và gần 87.000 cửa hàng.

Thành phố Daegu có lợi thế về địa lý, đặc biệt là về nguồn cung cấp thịt gà. Daegu được xem là quê hương của món gà rán. Hơn 80% trang trại gia cầm trong nước tập trung ở Yeongcheon, Uiseong và Cheongdo thuộc vùng Gyeongsangbuk-do cho đến những năm 1970. Năm 1978, một nhà hàng ở Daegu đã giới thiệu món gà cay tẩm gia vị. Ngay lập tức nó trở thành món ăn nổi tiếng và mở đường cho việc mở rộng thành một thương hiệu lớn nhất đất nước, Mexican Chicken.

Có cả một lễ hội dành riêng cho Chimaek vào tháng 7 hàng năm ở Daegu. Lễ hội Chimaek bắt đầu ở Daegu từ năm 2013, với hơn 1.000.000 người tham gia. Chính quyền địa phương khác đã tạo ra các lễ hội để phục hồi du lịch địa phương, nhưng không có nhiều lễ hội thành công như vậy.

Nếu là tín đồ của K-Drama thì không ít lần du khách đã bắt gặp cảnh nhân vật trong phim ăn gà và uống bia. Đây cũng có thể xem là một trong những phương thức phổ biến văn hóa Chimaek ra thế giới. Điều này đóng góp rất lớn vào làn sóng Hallyu. Sự phổ biến ngày càng tăng của Chimaek đã biến bộ đôi này trở thành món ăn không thể bỏ qua của du khách khi đến Hàn Quốc.

Bộ phim thúc đẩy văn hóa Chimaek là “Vì sao đưa anh tới”. Sau cảnh ăn gà và uống bia của nữ chính Cheon Song-yi, từ “Chimaek” đã lan rộng khắp Châu Á. Bộ phim đã tạo nên một cơn sốt đối với “Chimaek”. Mặc dù lúc bấy giờ có nhiều vấn đề về dịch cúm nhưng đơn đặt hàng ở các nhà hàng gà rán ở Hàn vẫn tăng sau khi bộ phim ra mắt.

Khi nói về văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, hầu hết đều là món ăn truyền thống. Nhưng “Chimaek” đã tạo ra một ngoại lệ. Chimaek là một phần không thể thiếu khi nhắc đến văn hóa ẩm thực xứ Hàn. Đặc biệt, nguồn gốc của nó không phải ở Hàn Quốc, lịch sử thì lại khá ngắn. Và đó không phải là một loại thực phẩm đơn thuần mà là sự kết hợp của hai loại thực phẩm. Văn hóa Chimaek đã mở ra những cơ hội mới cho nền văn hóa ẩm thực Hàn Quốc.

Văn hóa xứ Hàn nói chung quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách du khách có một chuyến đi vui vẻ!