Chinatown – một nước Trung Hoa thu nhỏ đầy thú vị tại Singapore

Nằm gần trung tâm thương mại nhộn nhịp, Chinatown là khu vực lịch sử có diện tích lớn nhất Singapore. Nơi đây từng được biết đến là “nhà” của những người Trung Hoa đầu tiên đến định cư và là điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất Singapore.

Vào cuối những năm 1860, cộng đồng người Hoa đã chiếm đến 60% dân số Singapore. Tuy nhiên, không phải tất cả các cư dân trong khu Chinatown đều là người Hoa, bằng chứng là xuất hiện các Thánh đường Hồi giáo Al Abrar và Thánh đường Jamae, ngoài ra còn có đền thờ Hindu giáo Sri Mariamman. Điều này thể hiện sự hòa hợp về tôn giáo và chủng tộc tại “đảo quốc Sư tử”.

Khu phố người Hoa ở Singapore xuất hiện từ khoảng năm 1821 khi chiếc thuyền buôn đầu tiên của người Phúc Kiến cập vào cảng Singapore. Những thương buôn này đã dựng nhà cửa buôn bán quanh khu vực bờ nam của sông Singapore mà hiện nay là khu vực Telok Ayer. Ngày xưa khu phố người Hoa này có tên là Niu Che Shui có nghĩa là nước từ những chiếc xe bò kéo (Bullock Cart Water), tên này ra đời do sự việc là vào thời đó mỗi gia đình phải dùng xe bò kéo để đi lấy nước sạch từ đồi Ann Siang.

Là nơi cốt lõi nền văn hoá Trung Quốc của “đảo quốc Sư Tử”, Chinatown ngày nay vẫn còn lưu giữ một số công trình kiến trúc cổ xưa như: chùa, miếu, cửa hàng và nhà bảo tàng. Khi ghé thăm nơi đây trong chuyến du lịch Singapore, du khách sẽ được biết thêm cuộc sống của người Trung Quốc lúc xưa cũng như hiện nay. Những khu vực của đất nước Trung Hoa có người dân qua nhập cư và sinh sống trong khu phố Tàu ở Singapore là Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông. Dạo quanh các khu này, dường như du khách sẽ không khỏi trầm trồ và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì Chinatown như một nước Trung Hoa thu nhỏ đầy thú vị để du khách khám phá.

Phố cổ Keong Saik

Trên đường Keong Saik ở Chinatown có khu phố cổ Keong Saik rất nổi tiếng. Đây là nơi tập hợp những ngôi nhà cổ với kiến trúc rất độc đáo. Đây đều là các công trình được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nếu du khách muốn nhìn thấy hình ảnh Singapore cổ kính, trầm mặc những ngày thuộc địa thì đây là nơi rất lý tưởng.

Ở Phố cổ Keong Saik, du khách có thể thỏa sức khám phá kiến trúc độc đáo và check-in với nhiều góc chụp “thần thánh”. Có nhiều địa điểm mà bạn đừng quên ghé thăm nếu đã đến phố cổ ở Chinatown. Đó chính là: nhà Potato Head Folk, cửa hàng Rose Citron, nhà hàng Ends Burnt hay nhà hàng Tong Ah,…

Chùa Phật Nha

Chùa Phật Nha (Buddha Tooth Relic Temple) là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất Singapore. Ngôi chùa này được thiết kế và bài trí theo kiểu Mandala, thể hiện quan niệm “vũ trụ vạn vật” của nhà Phật và mang nhiều nét kiến trúc gợi nhớ đến lịch sử thời nhà Đường (Trung Quốc). Ngôi chùa gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm. Từ phía ngoài, ngôi chùa dễ dàng gây được ấn tượng mạnh với bất kỳ ai bởi hình dáng tráng lệ và màu sắc nổi bật.

Ngay khi bước chân vào chính điện, du khách đã có thể cảm nhận được một không gian thiêng liêng, uy nghiêm bao trùm. Trước mắt du khách là một sảnh thờ rộng với 3 pho tượng Phật lớn và hàng trăm pho tượng Phật nhỏ xếp cạnh nhau bài trí trên tường.

Rời khỏi tầng 1 là đến một gác lửng, nơi đặt các bức tượng thờ cao tăng, nhà sư nổi tiếng của Singapore và nhiều quốc gia khác với mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ sau về lòng trắc ẩn, sự tận tâm đối với đất nước của những vị tăng này. Tầng 2 của Chùa Phật Nha – nơi trưng bày các bức thư pháp, tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc cùng những tài liệu Phật giáo nổi tiếng như bộ kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ngoài ra, tầng 2 cũng là nơi dùng để lưu trữ các số liệu, hình ảnh quá trình xây dựng chùa Phật Nha. Khi lên tầng ba, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập ấn tượng về các tác phẩm Phật giáo, bao gồm nhiều tài liệu, hiện vật đặc sắc xoay quanh và bao quát về toàn bộ ba nhánh đạo Phật và có liên quan đến những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng 3 & 4 cũng là các tầng nổi bật nhất của Chùa bởi nơi đây còn có phòng trưng bày xá lợi Phật. Rất nhiều tín đồ Phật Giáo tới đây để vái lạy xá lợi răng Phật linh thiêng. Bước lên tầng 5 – tầng cao nhất của Chùa Phật Nha, nơi du khách ngồi nghỉ chân, ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài Chùa từ tầng cao, tận hưởng không gian tuyệt trong một khu vườn yên tĩnh với nhiều cây xanh và hoa phong lan.

Đền Thian Hock Keng

Đền Thian Hock Keng (hay: “Thiên Phúc Cung”) là nơi thờ bà Thiên Hậu – vị nữ thần bảo trợ ngư phủ cùng với người đi biển. Ngôi đền này được xây dựng vào năm 1839 với sự hỗ trợ của những nhân vật xuất chúng trong cộng đồng người Phúc Kiến, như mạnh thường quân Tan Tock Seng.

Thian Hock Keng Temple được làm chủ yếu bằng đá, ngói và gỗ. Và có một điều đặc biệt là mọi chi tiết của Đền đều được lắp ghép bằng thủ công mà không cần dùng đến một chiếc đinh thép nào.

Với cổng vào Đền, du khách sẽ nhìn thấy một cửa hình cung có nhiều cột sơn son biểu tượng cho sự thịnh vượng cũng như may mắn. Đền có mái cong, các cột được trang trí hình rồng theo kiểu kiến trúc Trung Hoa truyền thống cộng với những hình chạm khắc long phụng, các tấm phù điêu, ngư tiều canh mục, những chiếc cửa gỗ, những mái ngói uốn cong… Đặc biệt 2 hàng lồng đèn đỏ được giăng khắp lối vào mang đến một khống nhuốm màu Trung Hoa huyền thoại. Ngoài sân của Thian Hock Keng có hai con kỳ lân lớn bằng đá nguyên khối đại diện cho sự may mắn và giàu có.

Khi vào trong du khách chiêm bái Bà Thiên Hậu trong trang phục màu đỏ với hai vị thần bảo vệ bà hai bên. Du khách cũng hãy để ý kỹ những chi tiết chạm trổ tỉ mỉ cũng như những bức tượng rồng, phượng cùng với các vị thần, cũng như những mảnh sứ vỡ nhiều màu trên gờ mái, được coi như một kỹ thuật trang trí đặc trưng kiểu Phúc Kiến.

Ngoài tượng Thánh Mẫu được thờ hết sức tôn nghiêm trong chánh điện thì quanh Đền cũng hiện diện những tượng Phật để người dân cầu bình an cũng như cầu hạnh phúc. 

Đền Wak Hai Cheng Bio

Wak Hai Cheng Bio được dịch là “ngôi đền Biển lặng” (Calm Sea), được xây dựng để ghi nhớ khu vực này từng bị một lần bị sóng biển tràn qua. Khi sóng thần qua, người nhập cư Triều Châu Trung Quốc tổ chức xây ngôi đền nhỏ vào năm 1826 để cầu nguyện cho những chuyến đi an toàn. Kiến trúc ngôi đền hiện nay đã được xây dựng lại vào năm 1850. Ngôi đền có không gian tĩnh mịch với những cuộn hương khổng lồ khói nghi ngút bay lên và những đường cong điêu khắc mô tả khung cảnh sử thi bên trong những bài hát opera Trung Quốc.

Đền Seng Wong Beo

Nằm sau cánh cổng màu đỏ bên cạnh trạm tàu điện ngầm Tanjong Pagar, ngôi đền này hiếm khi được khách du lịch tham quan. Đây cũng là ngôi đền duy nhất ở Singapore vẫn thực hiện hôn lễ ma, giúp các bậc cha mẹ của những đứa con chết trẻ sắp xếp một cuộc hôn nhân cho người thân yêu đã qua đời của họ ở thế giới bên kia.

Đền Sri Mariamman

Đền Sri Mariamman hay còn gọi là “Đền Phố Kling” – một ngồi đền Hindu cổ nhất Singapore. Ngôi đền này tọa lạc ở góc đường South Bridge và đường Temple, thuộc Chinatown. Công trình kiến trúc này được xây dựng bởi những người nhập cư từ các quận Nagapatnam và Cuddalorre của miền Nam Ấn Độ.

Ngôi đền Sri Mariamman được xây dựng để thờ Nữ thần Mariamman – nữ thần nổi tiếng với quyền năng có thể chữa khỏi các loại bệnh dịch. Ngoài ra, nó còn là một địa điểm quan trọng cho các hoạt động cộng đồng trong suốt thời kỳ thuộc địa. Nơi đây thậm chí còn là Cơ quan Đăng ký Kết hôn cho những người theo đạo Hindu.

Đền Sri Mariamman mang ảnh hưởng của kiến trúc Nam Ấn với biểu tượng ngọn tháp đặc trưng cho kiểu chùa chiền. Và chỉ cần đến Chinatown thì du khách sẽ bị thu hút ngay bởi cánh cổng của ngôi đền với chóp cao thiết kế chau chuốt rất nhiều bức tượng điêu khắc phác họa các vị thần và quái vật trong thần thoại. Trên mái vòm là hàng trăm bức tượng tạc các vị thần và những con vật trong huyền thoại. Còn trên bức tường bao quanh Đền là tượng những chú bò nằm trong tư thế ung dung, mãn nguyện. 

Đền thờ Sri Mariamman đặc biệt nổi bật với tháp Gopuram 6 tầng, hai bên của nó là hình ảnh của Thần Muruga và Thần Krishna. Bao phủ 6 tầng tháp là các tác phẩm điêu khắc của các vị thần, linh thú thần thoại và chúng sinh khác. Tại chân của Gopuram là một lối đi vào với một cặp cửa gỗ được tô điểm với những chiếc chuông nhỏ bằng vàng. Từ lối đi vào sẽ có một hội trường được phủ mái che dẫn đến các phòng cầu nguyện chính cùng với những hình ảnh của Thần Rama và Thần Muruga, đây là nơi thể hiện lòng tôn trọng với những vị thần Mariamman. Ngoài ra, những hàng cột ở đây cùng với trần nhà được trang trí bằng những họa tiết và tranh với màu sắc nổi bật. Giáp với sảnh cầu nguyện chính là một loạt đền thờ bất khả tri (là một quan điểm trong thần học cho rằng sự tồn tại của các vị thần là chưa biết và cũng không thể biết) dành cho những vị thần như: Ganesh, Mathurai, Veeran, Durga và Draupadi. 

Baba House

Baba House là ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của người Peranakan gốc Trung Hoa đã từng sinh sống tại nơi đây từ hàng trăm năm trước.

Ngôi nhà 3 tầng màu xanh tuyệt đẹp này được một thành viên trong gia đình từng sống ở đây tặng cho Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Sau đó, Đại học Quốc gia Singapore đã bắt đầu cải tạo lại ngôi nhà để cho nó trở nên phù hợp nhất như được trông thấy vào năm 1928, mà theo gia đình đó, đó là thời điểm Baba House trở nên lộng lẫy nhất. Đồ nội thất theo từng thời kỳ lần lượt được đặt vào ngôi nhà, có các bức hình gốc của gia đình, các loại đồ tạo tác để tạo nên ô cửa sổ tuyệt vời về cuộc sống hưng thịnh của gia đình người Peranakan sống trong ngôi nhà từ 1 thế kỷ trước.

Bảo tàng Red Dot Design

Bảo tàng Red Dot Design nằm trong tòa nhà Red Dot Traffic – tòa nhà ấn tượng với kiểu kiến trúc thời thuộc địa, trước đây nơi này từng được sử dụng làm trụ sở chính của Cục cảnh sát giao thông Singapore. Nằm ở khu vực nổi bật của tòa nhà Red Dot Traffic, Bảo tàng trưng bày tất cả các nội dung có liên quan đến thiết kế và kiến trúc đương đại.

Bước vào bên trong bảo tàng, du khách sẽ thấy hơn 1.000 sản phẩm hoặc trưng bày về thiết kế truyền thông từ hơn 55 quốc gia, tất cả đều đã đoạt giải thưởng thiết kế quốc tế Red Dot Design Award danh giá, một trọng những cuộc thi thiết kế hàng đầu thế giới.

Những nhà sưu tập sành sỏi sẽ rất hứng thú trước vô số vật phẩm được trưng bày trong cửa hàng của bảo tàng. Không những thế, không gian trưng bày liên tục biến hóa này tiếp tục tổ chức chợ phiên định kỳ, có tên là “Market of Artists And Designers” (Chợ của giới Nghệ sĩ và Nhà thiết kế), nơi có thể tìm mua được những sản phẩm tự chế và thiết kế tại địa phương mang đậm phong cách Singapore đích thực với giá cả phải chăng.

Bảo tàng Thiết kế Red Dot ở có 3 cuộc triển lãm mà du khách nên tham quan đó là: Good Design Today, Designing Our Future và Art Of Persuasion. Cuộc triển lãm Good Design Today trưng bày các vật dụng quen thuộc hàng ngày như: đồng hồ, điện thoại, tivi hay cả xe hơi. Tham quan nơi đây, du khách có thể thỏa sức khám phá gần như mọi lĩnh vực của đời sống hàng ngày. Khác với các cuộc triển lãm khác “cấm sờ vào hiện vật”, bảo tàng này khuyến khích khách tham quan tự mình khám phá giá trị tác phẩm bằng các giác quan của mình.

Tòa nhà Pinnacle@Duxton

Pinnacle@Duxton là tên của khu nhà xã hội ở Singapore, được mở cửa vào năm 2010. Khu này có tất cả 7 tòa nhà, bao gồm 1.848 căn hộ và tất cả các tòa nhà trong khu được kết nối với nhau bằng một bằng cầu nối ở tầng thứ 50 và tầng 26. Trong đó, cầu thang nối các tòa nhà ở tầng 50 có tên là Skybridge sẽ cung cấp cho du khách tầm nhìn bao quát quang cảnh thành phố và bến cảng rất tuyệt đẹp. 

Singapore City Gallery

Singapore City Gallery trưng bày các mô hình kiến trúc chi tiết và tinh tế, tái hiện các điểm tham quan quen thuộc ở khu Chinatown. Với hơn 30 mẫu trưng bày tương tác, trung tâm sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn cách thức Singapore giải bài toán quy hoạch hóc búa của một thành phố đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, du khách còn được nhìn cận cảnh các tòa cao ốc nổi tiếng nhất Singapore và khám phá quá trình quy hoạch đô thị diễn ra tại đất nước này.

Chợ đường phố Chinatown

Ghé thăm khu chợ đường phố Chinatown, du khách sẽ như quay trở về với quá khứ khi nhìn thấy những món đồ đến từ quá khứ lẫn với các mặt hàng đương đại như thời trang đường phố và trang sức hiện đại. Khu chợ có hơn 200 gian hàng nằm dọc theo các tuyến phố Pagoda, Trengganu và Sago bày bán rất nhiều các mặt hàng cũ và mới khác nhau.

Chợ đường phố Chinatown đặc biệt nhộn nhịp và thú vị vào các dịp lễ truyền thống như Tết Nguyên Đán với các màn biểu diễn trực tiếp hàng đêm, như các màn múa lân và múa rồng, trình diễn võ thuật, kinh kịch và đi cà kheo.

Không chỉ là một khu vực mang đậm dấu ấn văn hóa, Chinatown còn là địa điểm du lịch mà bất cứ khách du lịch nào cũng đều không muốn bỏ lỡ. Chắc chắn khi đến đây, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hãy Book Tour của chúng tôi để thử một lần hoà mình vào không khí sầm uất tấp nập ở Chinatown nhé!