Ẩm thực Peranakan là một trong những nền ẩm thực nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á, là sự dung hòa giữa nền văn hóa của các quốc gia khác nhau, chủ yếu là Trung Quốc và Malaysia. Đặt chân đến Singapore, du khách có thể dễ dàng tìm thấy được phong cách ẩm thực thú vị này. Màu sắc bắt mắt, mùi vị đậm đà và món ăn đa dạng hứa hẹn sẽ níu chân và mời gọi du khách thưởng thức thử đấy!

Văn hóa Peranakan ra đời vào thế kỷ 15 khi đàn ông Trung Quốc di chuyển xuống phía Nam để tìm cơ hội đổi đời, sau đó kết hôn với những người phụ nữ Malaysia địa phương. Trong tiếng Malaysia, từ “Peranakan” có nghĩa là “sinh ra tại địa phương” hay “con lai”, một thuật ngữ được sử dụng để phân biệt người Peranakan với những người Trung Quốc nhập cư đến Singapore và Malaysia vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Đàn ông Peranakan được gọi là “”Baba” và phụ nữ là “Nyonya”. Bên cạnh người Peranakan Trung Quốc là nhóm lớn nhất, cũng có những người Peranakan không có nguồn gốc từ Trung Quốc, chẳng hạn như người Peranakan người Jawi và người Peranakan Ả Rập. Ngoài tiếng Anh, người Peranakan thông thạo cả tiếng Malaysia và một loại phương ngữ pha trộn giữa tiếng Malaysia và tiếng Trung Quốc.

Đa số người Peranakan vẫn giữ họ và các phong tục tập quán, văn hóa của Trung Quốc như thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, họ đã khai sinh ra nền văn hóa đặc biệt từ ẩm thực, kiến trúc, đồ gốm, đến các sản phẩm thêu thùa,…Họ vẫn được xem là tộc người riêng biệt so với cộng đồng người Hoa sinh sống tại Singapore, đồng thời là một phần quan trọng trong cộng đồng của “đảo quốc Sư Tử”.

Nét đặc trưng nhất phải kể đến trong văn hóa người Peranakan đó là nền ẩm thực đa dạng và độc đáo, mang phong cách ẩm thực có tên gọi là “Nonya” thể hiện sự tôn kính và niềm yêu mếun dành cho người phụ nữ có vị trí cao trong xã hội. Ẩm thực Peranakan không chỉ là sự giao thoa của văn hóa Trung Quốc và Malaysia mà còn chịu sự ảnh hưởng từ các quốc gia du nhập vào Singapore như: Anh, Thái Lan, Ấn Độ.

Các món ăn của người Peranakan rất đặc biệt. Họ đã sử dụng công thức nấu ăn của mình có “Rempah” – một loại gia vị mà du khách chẳng thể kiếm ra ở đâu được, bởi đó là sự kết hợp tổng hòa giữa các loại gia vị và tỉ lệ pha trộn khác nhau sau đó được nghiền thành bột nhuyễn bằng chày và cối giã. Ban đầu những phụ nữ Peranakan ở Singapore đã dùng các nguyên liệu phổ biến của người Malaysia như nghệ, gừng, lá chanh, cỏ chanh và quả me. Những nguyên liệu này tạo thành một tổ hợp gia vị gọi là Rempah, xuất hiện nhiều trong bữa ăn của người Peranakan.

Nếu ở các món ăn khác không đòi hỏi quá nhiều ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và gia vị thì món ăn Peranakan là đặc trưng bởi sự chuẩn bị tỉ mẩn mất nhiều thời gian công phu. Một trong những món ăn đặc trưng nhất của ẩm thực Peranakan là món mì sợi Laksa với vị cay nồng được làm từ sợi mì gạo nấu với nước cốt dừa và ăn cùng với hải sản hoặc thịt gà.

Với các hương vị tinh tế dùng ớt, Belachan và nước cốt dừa làm các nguyên liệu chủ yếu trong nấu nướng đã tạo nên ẩm thực Peranakan nổi tiếng. Nghệ thuật này kết hợp các nguyên liệu và kỹ thuật nấu nướng bằng chảo của người Trung Quốc với các gia vị của người Mã Lai và Indonesia.

Những món ăn đặc trưng “ẩm thực Peranakan” khác mà du khách sẽ được thưởng thức trong chuyến du lịch Singapore là:

  • Otak-Otak, một món ăn kết hợp giữa các nguyên liệu: cá thu quết nhuyễn, trộn với một số gia vị như ớt, gừng, hẹ tây, nghệ, chanh và nước cốt dừa. Hỗn hợp này được gói trong lá chuối. Người ta sẽ cho từng muỗng hỗn hợp lên mảnh lá chuối rồi dùng một mảnh lá khác đậy lên phía trên. Sau đó, người ta dùng 2 cây tăm xiên 2 đầu lá chuối cho kín là được. Sau đó, chúng sẽ được đem hấp hoặc nướng nhẹ trên than hồng. Miếng Otak Otak chấm với nước sốt đậu phộng cay hoặc tương ớt rồi đưa vào miệng, du khách sẽ cảm nhận được vị ngon thật tinh tế và hoàn hảo. Đó là miếng cá với một chút cay cay của ớt, một chút béo của nước dừa và hương thơm từ gừng và nghệ. Tất cả hòa quyện với nhau tạo thành một món ăn rất “đỉnh”.

  • Ayam Buah Keluak: Món ăn này thường được chế biến với thịt gà (đôi khi là thịt lợn), nấm cục và hạt Kepayang, một loại cây mọc phổ biến ở các đầm lầy Malaysia và Indonesia. Loại hạt này có độc tố, có thể gây chết người nếu không chế biến cẩn thận. Hạt kepayang được ngâm trong nước lạnh ít nhất hai ngày rồi nghiền thành hỗn hợp, trộn cùng muối và đường. Thịt gà và hạt Kepayang được nấu sôi trong nhiều giờ rồi thêm me nghiền và bột cay. Vì được nấu nhừ nên thực khách sẽ có cảm giác món ăn tan trong miệng hòa với vị cay nồng. Món này rất thích hợp để ăn cùng cơm.

  • Babi Pongteh: Với món ăn này, bụng lợn được ninh với tỏi, hẹ tây và măng. Một số người thay thế măng tươi bằng nguyên liệu dễ tìm hơn như nấm hương hoặc khoai tây. Bếp trưởng kiêm Chủ sở hữu Nhà hàng Candlenut, Malcolm Lee, cho biết điều làm nên món ăn chính là tương đậu nành lên men và rau mùi nướng. Bột nhồi có thêm Umami (vị ngọt thịt), trong khi bột ngò có vị chua dịu, giúp cân bằng độ nặng của bụng lợn. Món ăn được phủ một lớp ớt xanh và đỏ, thực khách có thể rắc lên cơm hoặc xúc lên bằng bánh mì bơ. Babi Pongteh là một trong những món ăn được dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và thần linh.

  • Satay Babi: Món ăn sử dụng thịt lợn và được chiên với tương ớt làm từ gia vị địa phương và dừa. Satay Babi chính là một trong những món ăn đầu tiên mà các cô gái Peranakan học cách làm. Những cô gái 12 và 13 tuổi học cách giã hỗn hợp sả, cây hương nhu, ớt, hẹ tây và belacan (khá giống mắm tôm của Việt Nam nhưng ở thể rắn) rồi nấu với thịt lợn và nước cốt dừa. Vì chỉ có vài bước và không nhiều nguyên liệu, nên Satay Babi được xem như điểm khởi đầu trước khi họ học cách làm các món phức tạp hơn.

  • Udang Masak Lemak Nenas: Món ăn này là món cà ri tôm dứa, có sự kết hợp giữa vị chua dịu của dứa và vị ngọt của tôm, cộng thêm chút cay của ớt. Udang Masak Lemak Nenas thường xuất hiện trong bữa cơm đoàn tụ dịp năm mới. Ngoài tôm và dứa là 2 nguyên liệu chính, người Peranakan còn dùng một số gia vị khác như: me hay lá chanh giúp hương vị thêm đậm đà. Hỗn hợp ớt cay được chao qua chảo lửa và chuyển tới nồi nấu cùng nước và dứa, sau đó cho thêm nước cốt dừa và tôm là đã có một món Udang Masak Lemak Nenas hấp dẫn trên bàn.

  • Itek Tim, một món canh cổ truyền làm từ thịt vịt, cà chua, tiêu xanh, rau trộn và xí muội hầm chung với nhau.

  • Chap Chye: Món rau củ hầm này gồm bắp cải, nấm hương, mộc nhĩ, nụ hoa hòe, đậu tương và miến nấu với tương đậu lên men. Trước đây, nó được nấu với thịt lợn và tôm, nhưng người ta có thể dễ dàng biến nó thành món chay. Giống như Babi Pongteh, Chap Chye cũng là một món ăn được dùng trong mâm đồ cúng.

  • Kuih Kosui: Bánh đường thốt nốt là một trong những món đồ ngọt tráng miệng mà du khách nên nếm thử. Món bánh mềm, dai, ngọt ngào tuy dễ làm nhưng đòi hỏi nguyên liệu và lượng dùng chuẩn chỉnh thì mới đạt tới độ hoàn hảo. Bánh được làm bằng cách kết hợp đường thốt nốt, bột gạo, bột sắn và nước kiềm với nhau. Hỗn hợp được hấp chín, cắt khối vuông và thêm dừa tươi nạo sợi vào.

Là sự pha trộn giữa nhiều nền ẩm thực thú vị của nhiều quốc gia Đông Nam Á, ẩm thực Peranakan là điều du khách nên trải nghiệm. Du khách hãy Book Tour Singapore của chúng tôi để có cơ hội khám phá thêm về nền ẩm thực “đặc biệt” này nhé!