Khi đặt chân tới Nhật Bản, chắc hẳn du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên khi phải đi tìm mỏi mắt mới tìm ra được một chiếc thùng rác công cộng. Khắp các tuyến phố ở đây, người ta có thể bắt gặp những chiếc máy bán nước tự động bên lề đường và những chỗ để vỏ lon riêng biệt nhưng thùng rác thì không. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù không có thùng rác và ít công nhân vệ sinh, thế nhưng quốc gia này lại luôn được xếp vào hàng sạch sẽ nhất thế giới.
#Trashtag (Thử thách dọn rác) là hot trend đang càn quét khắp thế giới. Người tham gia #Trashtag sẽ dọn dẹp môi trường, chụp lại ảnh trước và sau để so sánh rồi đăng lên mạng kêu gọi mọi người cùng hành động. Thử thách này đã lan rộng từ Châu Âu sang Châu Á, nhưng đến Nhật Bản thì bỗng nhiên im thin thít và lặn mất tăm. Bởi ở đây, các địa điểm công cộng hay đường phố luôn ở trong trạng thái sạch không tỳ vết.
Không chỉ “khan hiếm” rác mà thùng rác công cộng cũng “vắng bóng”. Tuy vậy, đường phố Nhật Bản vẫn luôn sạch sẽ. Từng có một số ý kiến cho rằng, người Nhật làm vậy để tiết kiệm ngân sách? Hay người Nhật Bản có ý thức cao về vệ sinh công cộng tới nỗi không cần phải có thùng rác nữa? Hay là vì để thùng rác ngoài đường nhìn mất mỹ quan quá? Dưới đây là một vài lý giải cho nét văn hóa đặc biệt này:
- Bỏ thùng rác để khủng bố không có chỗ giấu bom
Trên thực tế, thùng rác mới chỉ biến mất ở quốc gia này khoảng 20 năm trở lại đây, trước đó, nó vẫn xuất hiện ở khắp đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng khí sarin ở nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo vào tháng 3/1995 đã dẫn đến việc phần lớn thùng rác công cộng được gỡ bỏ khỏi các thành phố của Nhật Bản. Những kẻ tấn công thuộc giáo phái Aum Shinrikyo đã dùng túi nilon bọc trong giấy báo để tạo cơ chế phát tán khí độc không màu, không mùi. Vụ việc khiến 13 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương do tiếp xúc với độc tố hóa học.
Kể từ vụ việc này, người dân bắt đầu sợ những vật thể lạ xuất hiện ở ga tàu. Do đó, các thùng rác lần lượt được loại bỏ bởi đây có thể là nơi giấu nhiều loại vũ khí khủng bố. Dần dần, chúng cũng biến mất luôn trên đường phố và các địa điểm công cộng khác.
- Ý thức của người dân
Nỗ lực xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân là lý do chính khiến thùng rác vẫn chưa hồi sinh trở lại trên đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lắm đến cuộc sống của người dân cũng như vấn đề về môi trường ở “đất nước mặt trời mọc”.
Trong văn hóa Nhật Bản, sự sạch sẽ được coi là một biểu hiện của sự tôn trọng và người lớn cũng như trẻ em đều có ý thức cao về việc giữ gìn không gian sạch sẽ. Ngoài ra, do không gian hạn chế, các bãi chôn lấp, xử lý rác nhỏ nên quốc gia này đã thực hiện một số chiến lược để giảm chất thải, dẫn đến lượng chất thải và tái chế trên đầu người chỉ bằng một nửa so với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Việc loại bỏ các thùng rác đã buộc người dân phải có những cách xử lý rác sáng tạo hơn. Người Nhật sẽ mang rác trong túi và đợi đến khi về nhà mới vứt đi. Các nhà vệ sinh công cộng ở đây cũng đã loại bỏ khăn giấy, thay thế bằng máy sấy khô hoặc dùng khăn lau tay để có thể tái sử dụng.
Những công dân hút thuốc thường mang theo gạt tàn bỏ túi cá nhân của họ, những người nuôi thú cưng phải vứt phân thú cưng của họ vào nhà vệ sinh. Thậm chí, ở Nhật Bản còn có một linh vật công cộng tên là “Mangetsu-man” tuần tra trên đường phố để đảm bảo rằng mọi người đang cùng nhau giữ gìn đường phố sạch sẽ, thành phố xanh, sạch, đẹp.
Nhật Bản rất coi trọng việc xử lý rác và luôn nghiêm ngặt với cách họ xử lý rác thải hàng ngày. Trong khi nhiều nơi trên thế giới chỉ phân loại giấy và nhựa, thì Nhật Bản phân loại rác của họ thành nhiều loại khác nhau như: chai thủy tinh, lon, chất dễ cháy, không cháy và nhựa. Nếu không làm như vậy, rác của họ có thể không được thu gom.
- Dọn dẹp nơi công cộng là trách nhiệm của tất cả mọi người
Nếu sống ở Nhật Bản, thỉnh thoảng người nước ngoài sẽ được mời tham gia các buổi dọn dẹp, vệ sinh khu dân cư định kỳ. Đa phần mọi người sẽ bắt đầu công việc quét dọn vào lúc 7 giờ sáng trước khi đi làm. Người dân sẽ cùng nhau dọn sạch cống rãnh, cắt tỉa cành cây, cỏ dại và quét dọn đường phố, các khu vực công viên hay nhà vệ sinh công cộng. Đây cũng là một trong những hoạt động giúp nâng cao tinh thần cộng đồng của dân địa phương.
Ở Nhật Bản có tổ chức mang tên “Greenbird” hoạt động ở hầu hết các tỉnh thành với mục đích kêu gọi người dân có ý thức trong việc làm vệ sinh các khu công cộng đông dân cư như nhà ga xe lửa. Họ cần mẫn đi nhặt từng mẩu giấy nhỏ hay những tàn thuốc ở bụi cây, đó là những loại rác rất khó nhìn thấy nếu không quan sát kỹ. Mục tiêu chính là làm sạch từng mẩu rác nhỏ trước khi chúng chất thành đống to ai cũng có thể chú ý. Tổ chức này còn sang tận Paris để dọn dẹp cho tháp Eiffel.
- Mức phạt nặng đối với hành vi xả rác
Không chỉ tuyên truyền, giáo dục về ý thức xử lý rác, bảo vệ môi trường, luật pháp Nhật Bản còn ưu ái đề ra nhiều mức phạt đa dạng cho những ai thích xả rác. Cụ thể, người vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tù từ 5 năm trở xuống, đồng thời nộp phạt 10.000.000 Yên (khoảng 2,2 tỷ VND). Nếu người vi phạm là đại diện pháp nhân của một doanh nghiệp hoặc đoàn thể, mức tiền phạt sẽ tăng tới 300.000.000 Yên (khoảng 64 tỷ VND). Chắc chắn sẽ chẳng ai dại dột vi phạm để nhận mức phạt “siêu to khổng lồ” như thế này.
Chưa kể nếu xử lý rác sai quy định, người vi phạm sẽ bị tổ dân phố đăng thông báo bêu tên và phê bình, bị cộng đồng kỳ thị hay thậm chí còn bị hàng xóm xa lánh. Cũng đừng mong có người sẽ bao che hộ, vì pháp luật Nhật Bản yêu cầu công dân phải báo cáo ngay trường hợp vi phạm mỗi khi phát hiện ra.
Qua thời gian, thùng rác đang dần quay trở lại với người dân Nhật Bản. Mặc dù chúng có thể khó tìm, nhưng vẫn có một số nơi ở Nhật mà du khách có thể tìm thấy thùng rác ở nơi công cộng nếu cần. Với số lượng lớn máy bán hàng tự động nằm rải rác khắp đường phố Nhật Bản, người ta thường thấy một thùng rác nhỏ dành cho việc xử lý nhựa được đặt bên cạnh.
Trong những tháng ấm áp hơn, công viên là địa điểm vui chơi phổ biến và được yêu thích của người dân Nhật Bản. Do đó, thùng rác cũng có thể được tìm thấy ở nhiều công viên công cộng. Hoặc du khách cũng có thể bắt gặp thùng rác tại các cửa hàng tiện lợi địa phương và có thể sử dụng chúng nếu mua thứ gì đó.
Du lịch bùng nổ cũng là một nguyên nhân buộc nhu cầu về việc sử dụng thùng rác quay trở lại xã hội Nhật Bản. “Ô nhiễm du lịch” là một thuật ngữ đề cập đến tác động tiêu cực đến môi trường do hoạt động du lịch gia tăng. Điều này đã buộc chính phủ Nhật Bản phải suy nghĩ lại về cấu trúc xung quanh các thùng rác ở các không gian công cộng, đặc biệt là ở những khu vực đang bùng nổ du lịch.
Có một số cách để đưa thùng rác trở lại đường phố Nhật Bản nhưng vẫn có thể xoa dịu sự lo lắng của người dân, đồng thời hỗ trợ giải quyết những lo ngại về rác thải do lượng khách du lịch tăng đột biến.
Minh bạch là cách được đánh giá cao: Người ta sẽ sử dụng túi nhựa trong suốt bên trong các thùng rác trong suốt. Điều này cho phép người dân và chính quyền có thể nhận biết một cách nhanh chóng những thứ xuất hiện bên trong túi rác. Ngoài ra, việc đặt các thùng rác trong tầm mắt của nhân viên tàu hỏa ở các sân ga giúp đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào đang diễn ra đều có thể được phát hiện và xử lý ngay lập tức. Con đường Omotesando đẹp như tranh vẽ ở Tokyo thậm chí còn đang thử nghiệm các thùng rác chống nổ để đưa vào sử dụng trong tương lai.
Văn hóa “xứ Phù Tang” nói chung quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm nhiều hơn về nét văn hóa đặc sắc này nhé! Chúc du khách du khách có một chuyến đi vui vẻ!