Tỉnh Ibaraki của Nhật Bản được tạo hóa ban tặng môi trường tự nhiên phong phú, có nhiều địa điểm nổi tiếng được cả khách du lịch trong nước và quốc tế mến mộ. Bên cạnh đó, vùng đất xinh đẹp này cũng vô cùng hút khách bởi nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc.
Lễ hội búp bê Hina
Lễ hội búp bê Hina là một sự kiện truyền thống của Nhật Bản, khi mà mọi nhà sẽ trưng bày những con búp bê truyền thống trong nhà với ước mong cầu chúc các em lớn lên khỏe mạnh. Ngoài ra, đây là một sự kiện báo hiệu mùa xuân đang đến. Tại Lễ hội búp bê Hina ở thị trấn Makabe thuộc tỉnh Ibaraki, có khoảng 160 ngôi nhà bao gồm cả những căn nhà thời xưa và nhà kho, được trang trí với những con búp bê theo nhiều câu chuyện khác nhau từ thời Edo đến nay.
Thị trấn Makabe-cho thuộc thành phố Sakuragawa, tỉnh Ibaraki là một khu vực có những nhà kho, di tích cổ cũng như những cánh cổng có niên đại từ đầu thời Showa đến thời Edo. Đây là nơi thu hút khách du lịch bởi bề dày lịch sử. Từ 4/2 – 3/3 hàng năm, với Lễ hội búp bê Hina được tổ chức, nơi đây càng trở nên nhộn nhịp và lộng lẫy hơn.
Lễ hội hoa Ume
Từ những năm Meiji 30 (1897), mùa xuân ở thành phố Mito thuộc tỉnh Ibaraki luôn có lễ hội lớn “Lễ hội hoa Ume”. Nơi tổ chức lễ hội không đâu khác chính là một trong 3 khu vườn lớn của Nhật Bản: “Kairakuen” và “Kodokan”, là trường dạy văn và võ lớn nhất Nhật Bản thời xưa. Cả hai địa điểm này đã được công nhận là Di sản văn hóa, giáo dục Nhật Bản đương đại” vào năm 2015.
Ở vườn Kairakuen, có khoảng 3.000 cây Mơ với hơn 100 chủng loại khác nhau. Trong khi đó, ở Kodokan có khoảng 800 cây với hơn 60 loại nở rộ vào mỗi mùa xuân. Tùy theo từng loại mà có những loại sẽ nở sớm từ giữa tháng 1, cũng có những loại sẽ nở vào đầu tháng 3. Vì thế, ở đây du khách có thể ngắm hoa Mơ nở trong suốt một thời gian rất dài.
Thông thường trong Lễ hội hoa Ume (được diễn ra từ ngày 16/2 đến 31/3) sẽ có “Đại sứ hoa Mơ ở Mito” chào đón khách, giúp không khí của lễ hội trở nên vui tươi hơn. Mùa du lịch mùa xuân thường sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 3! Du khách nghĩ sao về việc đến Ibaraki trải nghiệm mùa xuân với hương hoa Mơ vương vấn?
Lễ hội Kogamomo
Giữa không gian thiên nhiên rộng lớn được điểm xuyết bởi nhiều loại hoa nở suốt bốn mùa ở Vườn Koga Kubo Koen, vào mùa xuân, du khách có thể ngắm nhìn cảnh khu vườn được bao phủ bởi màu hồng phấn tạo nên bởi hơn 1.500 cây hoa với 5 loại hoa khác nhau.
Vào mùa lễ hội (từ ngày 20/3 đến 5/4), không chỉ có hoa mà ở đây còn có những quầy hàng bày bán những đặc sản địa phương, cũng như có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác để khách du lịch đến tham gia và trải nghiệm.
Lễ hội cá chép Koinobori
Từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 hàng năm, khoảng 1.000 lá cờ hình cá chép đầy màu sắc được treo tại cầu Ryujin – một trong những cây cầu đi bộ dài nhất Nhật Bản nằm tại Ibaraki. Đây là một loại cờ được làm bằng giấy và vải có nhiều màu sắc rực rỡ. Người xưa tin rằng cá chép đến khi trưởng thành có thể hóa thành rồng, ngoài ra họ còn cho rằng cá chép có thể đem lại may mắn và mang lại sức khỏe cho con người. Bởi vậy, lễ hội này có ý nghĩa truyền thống là mong muốn cho con trẻ phát triển khỏe mạnh, may mắn, đồng thời mong cầu các em trưởng thành và có thể “hóa rồng”thành tài.
Nếu du khách đến Ibaraki vào dịp này, chắc hẳn du khách sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp rực rỡ của lễ hội. Dạo bước trên cây cầu có phong cảnh hữu tình, ngắm nhìn hàng nghìn chú cá chép “bơi” trên nền trời xanh trong sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến hành hình khám phá Nhật Bản.
Lễ hội gốm lửa
Được tổ chức từ ngày 29/4 đến ngày 5/5 hàng năm tại thành phố Kasama thuộc tỉnh Ibaraki, lễ hội có sự góp mặt của hơn 200 nghệ nhân gốm, nhà sản xuất và chủ cửa hàng gốm tại địa phương. Tại đây, họ sẽ giới thiệu và bán những sản phẩm của mình trong các gian hàng tự dựng.
Đến tham gia lễ hội đặc sắc này, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hàng ngàn sản phẩm gốm đủ kích cỡ, màu sắc được trưng bày khắp nơi trong công viên. Ngoài ra, du khách có thể chọn cho mình thật nhiều sản phẩm đẹp mắt để mang về làm quà cho người thân đấy.
Lễ hội Hoa Diên vĩ Suigo Itako
Được diễn ra tại thành phố Ikato – thành phố bên bờ sông thuộc tỉnh Ibaraki được “bao quanh” bởi khoảng 1.000.000 cây hoa diên vĩ thuộc 500 giống khác nhau.
Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, mùa hoa Diên vĩ nở rộ khiến thành phố như “khoác” lên mình màu áo tím của sự lãng mạn. Đến đây, du khách có thể ngắm không gian rực rỡ mùa hoa trên thuyền, tận hưởng vẻ đẹp đầy nên thơ của thành phố.
Ngoài ra, du khách cũng có thể có cơ hội chiêm ngưỡng Yomeiribune – là một lễ cưới truyền thống Nhật Bản, trong đó cô dâu mặc trang phục truyền thống, có thể được nhìn thấy vào thứ Tư, thứ Bảy và Chủ Nhật trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Lễ hội Yasaka Jinja Gion
Lễ hội Yasaka Jinja Gion được tổ chức vào 3 ngày cuối tháng 7 ở Uemachi thành phố Ryugasaki phía nam của tỉnh Ibaraki. Đây là di sản văn hoa dân gian phi vật thể được quốc gia và tỉnh chỉ định đây là một trong 3 lễ hội lớn của khu vực Kanto.
Điểm nổi bật của Lễ hội Yasaka Jinja Gion là biểu diễn Tsukumai vào ngày cuối cùng của lễ hội. Hai người đàn ông (gọi là Maiotoko) đeo mặt nạ ếch và mặc trang phục đặc biệt leo lên cây cột cao 14m vừa bắn ra mũi tên thần kỳ vừa thể hiện những màn nhào lộn trên không hòa nhịp cùng tiếng sáo và tiếng trống.
Có rất nhiều giả thuyết nói về nguồn gốc về lễ hội này, nhưng nhiều người nói rằng: Tsukumai là loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian từ xa xưa của người Trung Quốc (ảo thuật, thuật nhào lộn trên không…) được du nhập vào Nhật Bản gắn liền với những lễ hội cúng thần linh cầu mong cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.
Dưới sự cổ vũ nồng nhiệt của rất nhiều khách tham quan, khi trời dần tối những người đàn ông (maiotoko) sẽ biểu diễn những tiết mục nhào lộ điêu luyện trên không.
Lễ hội Shimodate Gion
Lễ hội Shimodate Gion được diễn ra trong 4 ngày cuối cùng của tháng 7 tại khu vực trung tâm trước ga Shimodate và đền Haguro trong thành phố Chikusei thuộc tỉnh Ibaraki.
Với lịch sử hơn 100 năm, Shimodate Gion không chỉ là lễ hội quan trọng bậc nhất trong năm mà còn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Chikusei nói riêng và của người dân Ibaraki nói chung. Lễ hội Shimodate Gion có ý nghĩa là mong cầu thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, tránh thiên tai, dịch bệnh.
Vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân tham gia sẽ mặc trang phục màu sắc sặc sỡ, ấn tượng, và cùng nhau xuống đường rước những chiếc kiệu Mikoshi truyền thống, được chạm trổ tinh xảo, bên trong đặt tượng Shintai. Trong đó, không thể không kể tới chiếc kiệu lớn nhất Nhật Bản Heisei Mikoshi, nặng gần 2 tấn. Những chiếc kiệu Mikoshi được rước đi xung quanh con đường trước ga Shimodate. Nhưng riêng sáng sớm ngày cuối cùng của lễ hội sẽ diễn ra nghi thức thanh tẩy kiệu Mikoshi ở con sông chảy trong thành phố. Nghi thức này mang tên Kawato-gyo.
Sự lâu đời của lịch sử, sự rực rỡ trong trang phục, sự rộn ràng của lễ rước kiệu cùng ý nghĩa trong những nghi thức tôn giáo truyền thống đã làm cho Shimodate Gion không chỉ là lễ hội quan trọng với người dân nơi đây mà còn thu hút khách du lịch tới hòa mình vào không gian văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của con người, mảnh đất này.
Lễ hội Mito Komon
Lễ hội này được tổ chức trong 3 ngày vào đầu tháng 8 tại thành phố Mito, tỉnh Ibaraki. Điểm nổi bật nhất là sự huyên náo và sôi động của lễ hội. Những con đường xung quanh ga Mito trở thành thiên đường dành cho người đi bộ nơi điễn ra những cuộc diễu hành và rước kiệu, quán xá vỉa hè xếp hàng quanh con đường diễn ra lễ hội cac-na-van và chủ đề của cuộc diễu hành là anh hùng dân tộc lịch sử ở Mito Komon. Đây là lễ hội mà từ trẻ con đến người già đều mong chờ tham gia.
Cùng với thời điểm diễn ra lễ hội Mito Komon thì thành phố Mito có diễn ra Đại hội pháo hoa có tên là “Kairakuen” Những màn pháo hoa mãn nhãn bắn lên được sản xuất ở công xưởng pháo hoa Nomura là nơi có những nghệ nhân làm pháo hoa giỏi nhất Nhật Bản.
Lễ hội Ishioka
Diễn ra trong 3 ngày vào giữa tháng 7 hàng năm, Lễ hội Ishioka là một trong ba lễ hội lớn nhất vùng Kanto. Đây cũng là lễ hội quan trọng nhất ở Hitachinokuni Soshagu, đền thần đạo hơn nghìn năm tuổi. Tham gia lễ hội này, du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử.
Tại Lễ hội Ishioka, du khách sẽ được đắm mình vào sắc màu rực rỡ tạo lên từ đoàn xe gồm hơn 40 chiếc kiệu Mikoshi trang trí lộng lẫy. Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng màn múa lân đặc trưng của lễ hội. Người tham gia khiêng kiệu diễu hành quanh thành phố, tạo thành bức tranh lễ hội, như một bữa tiệc của màu sắc văn hóa truyền thống.
Không chỉ vậy, sự náo nhiệt thu hút 400.000 lượt người tham gia mỗi năm của Lễ hội Ishioka còn tới từ những điệu múa cổ truyền trên nền nhạc Kagura lẫn các trận đấu Sumo sôi động được tổ chức vào ngày thứ hai tại phía trước đền Hitachi no kuni Soshagu. Giữa tiết thu se lạnh mang nét buồn hoài cổ man mác, Lễ hội Ishioka là lựa chọn hoàn hảo cho những tâm hồn muốn tìm về nét đẹp giao thoa giữa chất hiện đại cùng chất truyền thống.
Lễ hội Tsukuba
Đây là sự kiện lớn nhất ở thành phố Tsukuba thuộc tỉnh Ibaraki, diễn ra trong 2 ngày của cuối tháng 8 hàng năm. Tsukuba một thành phố quốc tế hội tụ đầy đủ thiên nhiên, lịch sử và khoa học kết hợp lại tạo thành một thành phố tương lai. Ở nơi đây tổ chức rất nhiều các sự kiện như là nhảy, biểu diễn, và các của hàng ẩm thực bán những món ăn địa phương, du khách có thể vui vẻ thưởng thức và trải nghiệm.
Điểm nổi bật chính trong lễ hội đó là tiết mục rước đèn Tsukuba Manto Daishinshi – đây là cuộc diễu hành lớn nhất trong các lễ hội ở Nhật Bản. Manto Daishinshi là một đền thờ được treo rất nhiều đèn lồng, những ánh đèn lấp lánh từ đèn lồng làm cho thành phố về đêm càng lung linh huyền ảo hơn. Ngoài ra còn có cuộc diễu hành Nebuta và biểu diễn nghệ thuật trên đường phố cũng được diễn ra.
Lễ hội pháo hoa Tsuchiura
Lễ hội pháo hoa Tsuchiura có lịch sử lâu đời, bắt đầu từ năm 1925. Từ trước đến nay, lễ hội diễn ra cố định vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 11. Lễ hội thu hút sự tham gia của nhiều công ty pháo hoa toàn quốc.
Nhật Bản từ trước đến nay vẫn được xem là nước có trình độ bắn pháo hoa hàng đầu thế giới. Các lễ hội pháo hoa của Nhật đều khiến người xem vô cùng mãn nhãn. Tuy nhiên, lễ hội pháo hoa Tsuchiura vẫn nằm ở một tầm cao đặc biệt, được mệnh danh là một trong ba lễ hội pháo hoa lớn nhất xứ sở hoa anh đào, với 20.000 quả pháo đủ màu sắc trình diễn trên nền trời thu hút 700.000 lượt khách tới chiêm ngưỡng mỗi năm.
Nói tới Lễ hội pháo hoa Tsuchiura, không thể không nhắc đến màn pháo hoa Widestar Mine bắt đầu từ 19h trở đi. Đây là màn pháo đã đẩy không khí lễ hội lên cao trào khi hàng ngàn trái pháo rực rỡ với đủ mọi tạo hình được bắn lên nền trời.
Và tháng 10 se se lạnh còn gì ấm áp hơn khi ta cùng bạn bè, người thân, gia đình… thả hồn vào những “bông hoa” sặc sỡ nở ở bầu trời đêm tại lễ hội của âm thanh, màu sắc – Lễ hội pháo hoa Tsuchiura.
Lễ hội Hoa Cúc
Lễ hội Hoa Cúc được tổ chức trong thời điểm từ cuối tháng 10 tới cuối tháng 11 hàng năm tại ngôi đền cổ Inari Jinja ở thành phố Kasama thuộc tỉnh Ibaraki.
Lễ hội có khởi nguồn từ năm 1908, do một vị chủ trì đền Inari Jinja khởi xướng nhằm xoa dịu nỗi đau của người dân sau chiến tranh. Trong lần đầu tiên, lễ hội này được tổ chức trong sân vườn của ngôi đền. Trải qua bao nhiêu năm tháng, lễ hội đã trở thành biểu tượng đánh dấu thời điểm mùa thu đến tại tỉnh Ibaraki. Mỗi mùa thu đến, khoảng 8.000 cây hoa cúc thuộc đủ các chủng loại được trưng bày trong khuôn viên Đền Inari Jinja trong dịp Lễ hội Hoa cúc. Nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đều ghé thăm thành phố Kasama vào thời điểm Lễ hội Hoa Cúc diễn ra để đắm chìm trong hương sắc và mùi thơm đặc trưng của hoa cúc mùa thu Nhật Bản.
Điểm thu hút du khách đến với Lễ hội Hoa Cúc là những mô hình lâu đài hay những con búp bê được khoác lên mình lớp áo làm từ những bông hoa cúc đủ sắc màu. Những con búp bê hoa cúc tại Nhật Bản nổi tiếng tới mức chúng có tên gọi riêng là “Kiku Ningyo”.
Lễ hội Hoa Cúc còn có sự kiện cưỡi ngựa bắn cung Yabusame được tổ chức vào ngày 3/11. Các cung thủ giương cung nhắm bắn trúng mục tiêu khi đang phi ngựa chạy nước đại. Sự kiện thường được tổ chức 2 lần trong ngày vào 10h và 14h (giờ địa phương).
Đến với Kasama nhân dịp Lễ hội Hoa Cúc, du khách còn có thể tham gia rất nhiều hoạt động khác như: thưởng thức tinh túy ẩm thực Nhật Bản trên phố Monzen-Dori, ngay trước đền Inari Jinja, ghé thăm trung tâm trao đổi lịch sử Izutsuya Kasama để tìm hiểu về lịch sử văn hóa lâu đời của thành phố hay trải nghiệm làm gốm, một nghề thủ công lâu đời khác tại Kasama.
Đồng hành cùng chúng tôi trong Tour Nhật Bản, du khách sẽ có rất nhiều cơ hội để khám phá nền văn hóa “xứ Phù Tang” thông qua một loạt các lễ hội văn hóa đặc sắc tại tỉnh Ibaraki đã nêu ở trên. Chắc chắn du khách sẽ có được nhiều trải nghiệm thú vị!