Làng Lorong Buangkok – một ốc đảo thôn dã nằm trong lòng Singapore

Bên cạnh một Singapore hiện đại, hối hả của cuộc sống, cái guồng quay tấp nập của thị thành, ở nơi đây còn có một chốn bình yên mà du khách có thể tìm đến đó là ngôi làng Lorong Buangkok. Đây là một điểm du lịch lý thú, nơi du khách có thể cảm nhận được cuộc sống ở Singapore như thế nào vào những năm 1960 của thế kỷ 20.

Khi nhắc đến Singapore, chắc hẳn điều người ta thường nghĩ ngay đến sẽ là những toà nhà lộng lẫy. Đó là toà tháp Marina Bay Sands với đường chân trời trải dài tít tắp, hay Gardens by the Bay vị lai rực rỡ đầy sắc màu, chứ không phải là cảnh thôn dã chân quê. Vậy nhưng, cho đến tận đầu thập niên 1970, các “Kampong” (có nghĩa là “làng” trong tiếng Mã Lai) như Lorong Buangkok hiện diện khắp nơi trên đất Singapore. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore ước tính trước đây có khoảng 220 ngôi làng như vậy nằm rải rác khắp đảo quốc này. Ngày nay, tuy ở các đảo nhỏ lân cận vẫn còn một số ít làng tồn tại, nhưng trên đảo chính thì Lorong Buangkok là Kampong duy nhất còn sót lại, nơi mà những cư dân từ thập niên 1960 vẫn lặng lẽ sống an vui.

Nằm về phía Đông Bắc ngoại ô Singapore, Lorong Buangkok toạ lạc nơi một khu đất xanh mướt rộng 3 mẫu Anh. Ở đó có cảnh chó mèo chạy rông ngoài đường, có tiếng gà thỉnh thoảng cất lên tiếng gáy, có tiếng trẻ con chơi đùa ngoài sân bên những ngôi nhà bằng gỗ hoặc bê tông lợp tôn nhiều màu sắc. Những inh ỏi còi xe trên con đường cao tốc ngay cách đó vài mét dường như chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống tĩnh lặng của người dân trong làng.

Làng Lorong Buangkok chỉ có 28 ngôi nhà gỗ nhỏ lợp mái tôn trải quanh một Surau (Nhà thờ Hồi giáo nhỏ) với chừng 50 cư dân. Với những con đường không trải nhựa, những khu vườn rộng, bờ cỏ xanh và những rặng chuối đang trổ buồng, khung cảnh Lorong Buangkok là một sự tương phản sâu sắc với “quốc đảo Sư Tử” hiện đại với những tòa cao ốc hào nhoáng và các trung tâm thương mại sang trọng tấp nập người vào ra. Cảm giác bước vào ngôi làng này rất siêu thực: du khách sẽ cảm thấy mình như được thoát ly khỏi thực tại, vì những lùm cây um tùm và bụi rậm đã chặn hết những âm thanh và hình ảnh của thế giới hiện đại.

Có thể ngôi làng còn lâu mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại ở Singapore là phải có siêu thị, trường học, xe bus và nhà ga tàu hỏa, cư dân ở đây chẳng bận tâm về điều này bởi họ cho rằng hồn cốt làng quê mới là điều quan trọng mà người ta không thể cảm nhận được khi sống ở thành phố.

Đối với người dân, trở về làng thực sự là trở về với nơi chốn bình yên sau mỗi ngày làm việc, một ốc đảo thanh bình nơi hàng xóm gắn bó với nhau thân tình chứ không cách biệt ai biết người ấy như nơi thành phố. Mọi người ở đây sống rất thân thiện, hòa thuận và lịch sự, rất dễ bắt chuyện và làm bạn với họ. Khi đến đây, du khách cảm nhận dường như mình có thể nói chuyện với cả động vật, cỏ cây. Vào những lúc rảnh rỗi, những người dân nơi đây dành thời gian chăm sóc khu vườn đầy hoa cỏ trước nhà mình và luôn chào đón khách đến thăm với nụ cười rộng mở.

Ở một nơi đất đai quý hiếm như Singapore, nơi nhiều tòa nhà và các khu dân cư cũ đã được đập đi xây mới thành những tòa nhà hiện đại hơn, làng Lorong Buangkok đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Nhưng cư dân ở Lorong Buangkok luôn hi vọng rằng ngôi làng duy nhất còn lại này sẽ được bảo tồn để giáo dục cho các thế hệ tương lai về quá khứ, cũng như cho bọn trẻ biết ông bà chúng đã sống như thế nào. Có một số trường học trong thành phố đã dẫn học sinh tới tham quan làng Lorong Buangkok để các em học hỏi về cuộc sống nông thôn và trẻ em thường rất háo hức sau chuyến đi dã ngoại này, khi chúng phát hiện ra rằng gà không phải là chim.

Nếu có dịp du lịch Singapore, du khách hãy dành thời gian đưa con cái đến đây chơi và có thể hình dung về một Singapore xưa cũ! Du khách được tự do đi loanh quanh ở những khu vực công cộng và đắm mình trong không gian nơi đây.