Rakugo – loại hình nghệ thuật hài độc thoại đặc sắc của người Nhật
Có lẽ hài kịch đã quá đỗi quen thuộc với mọi người, nhưng cái riêng ở loại hình nghệ thuật giải trí “Rakugo” của Nhật Bản đó chính là trên sân khấu chỉ có một nghệ sĩ biểu diễn độc thoại để tạo nên những trận cười sảng khoái mang đến cho khán giả những phút giây thoải mái, vui vẻ.
“Rakugo” là một phần của “Yose” – loại hình kịch nói tạp kỹ của Nhật Bản. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống có từ thế kỷ thứ 16, nhưng tới thời kỳ Edo (thế kỷ 17-18) loại hình nghệ thuật này mới trở nên phổ biến và được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thầy giáo đến học trò như một môn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Vào thời Heian, mọi người thích chia sẻ những câu chuyện hài hước. Trong thời điểm đó, các nhà sư Phật giáo thích trích dẫn các tập truyện cụ thể để truyền tải những lời dạy của Đức Phật theo một cách thú vị nhằm thu hút sự chú ý của khán giả.
Phải đến thời kỳ Edo (1603-1868), hình thức này được phát triển như một hình thức giải trí cho người dân bình thường. Lúc đầu, nhiều loại nghệ sĩ giải trí khác nhau sẽ biểu diễn những đoạn độc thoại hài hước, nhưng dần dần trên sân khấu không bao giờ có nhiều hơn một nghệ sĩ biểu diễn, chính họ đảm nhận vai trò của tất cả các nhân vật trong câu chuyện.
Đến khoảng đầu thế kỷ 18, những Yose đầu tiên thu phí khán giả đến xem các buổi biểu diễn Rakugo ở Edo, Osaka và Kyoto. Ở mỗi thành phố, Rakugo sẽ phát triển một phong cách riêng biệt như: Edo Rakugo ở Tokyo và Kamigata Rakugo ở Osaka.
Như đã nói ở trên, Rakugo chỉ cần một người sử dụng câu chuyện của mình để thu hút khán giả. Người nghệ sĩ biểu diễn này được gọi là “Rakugoka”. Trên sàn diễn chuyện biệt được gọi là “Koza”, người nghệ sĩ trong bộ Kimono sẽ ngồi theo tư thế “Seiza” (Chính tọa) trên chiếc đệm phẳng Zabuton trong suốt buổi biểu diễn, đóng vai của một số nhân vật và diễn các cảnh khác nhau chỉ với một chiếc quạt giấy “Sensu” và một tấm vải nhỏ “Tenugui” làm đạo cụ. Không phụ thuộc vào trang phục và bối cảnh, công việc của Rakugoka là truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của khán giả thông qua kỹ năng được sử dụng để miêu tả thế giới của câu chuyện. Những câu chuyện trong Rakugo thường là về những điều có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày ở những môi trường khác nhau, chẳng hạn như những vấn đề hàng ngày của người lao động bình thường hoặc những lo lắng của các diễn viên Kabuki.
Trong Rakugo, người biểu diễn có thể vừa đóng vai người dẫn chuyện, vừa vào vai các nhân vật trong chuyện. Các nhân vật này đối thoại với nhau mà không cần sự xuất hiện của người dẫn chuyện trong đó. Họ kể lại những câu chuyện hài dài và rắc rối mà không cần di chuyển vị trí.
Thử thách đối với một nghệ sĩ Rakugo là việc chuyển vai từ nhân vật này sang nhân vật khác. Có thể là đang biểu diễn một phụ nữ chuyển sang trẻ con, võ sĩ hay một thương gia. Mỗi nhân vật đại diện cho những khía cạnh cường điệu của nhân cách con người mà qua đó chúng ta có thể nhận ra chính mình trong mỗi nhân vật. Những khía cạnh đó cũng chính là một phần của cuộc sống, nơi con người tìm thấy sự phản chiếu của chính mình.
Màn trình diễn của Rakugo thường với cấu trúc cơ bản là: Makura (Dẫn) – Hondai (Nội dung chính) – Ochi (Kết). Makura (phần giới thiệu của chủ đề chính): Nếu đó là Rakugo về mì Soba thì Makura sẽ thường là câu chuyện nào đó bắt gặp ở cửa hàng Soba ngon. Makura có độ tự do cao nên có thể là bất kỳ câu chuyện gì. Nếu Rakugo dài 30 phút thì Makura chiếm khoảng 5 phút. Hondai: nội dung chính của câu chuyện, dài khoảng 25 phút trong Rakugo 30 phút. Cuối cùng là phần kết độc đáo gây hài. Thoạt nghe có vẻ quy cách nhưng thực ra Rakugo gây cười thoải mái và những câu chuyện của nó bao giờ cũng chứa đựng tình người một cách nhẹ nhàng, tế nhị. Người ta thường nói các nhà kể chuyện Rakugo là nhà khôi hài cũng chính một phần là vì thế.
Rakugo luôn là một phần trong văn hóa nghệ thuật của “xứ Phù Tang”. Bởi vậy, hành trình du lịch Nhật Bản của du khách sẽ thật sự trọn vẹn nếu dành thời gian “thưởng thức” buổi biểu diễn Rakugo. Đây hẳn sẽ là một trải nghiệm thú vị mà du khách không bao giờ quên được.