Đối mặt triển vọng kinh tế u ám như hiện nay, giới trẻ Hàn Quốc vẫn sẵn sàng dốc hầu bao chi tiêu “không biết ngày mai” để tận hưởng niềm vui, giải tỏa stress. “Thế hệ trẻ chán nản” này đang xem tiêu xài không cần nghĩ ngợi như một công cụ sinh tồn về mặt tâm lý, còn được biết đến dưới khái niệm “Shibal Biyong”.

Shibal Biyong được hiểu là “khoản chi tiêu dường như không cần thiết nhưng giúp người ta vượt qua một ngày tồi tệ”. Ví dụ như việc ai đó bỏ ra 20 USD để đi taxi về nhà thay vì đi tàu điện ngầm sau khi không được đề bạt. Nếu dịch sát nghĩa thì “Shibal Biyong” có nghĩa là “chi phí cái quái gì”, là từ ghép giữa “shibal”, từ cảm thán thể hiện sự bất mãn, và “biyong” là chi phí. 

Thuật ngữ này xuất hiện vào cuối năm 2016 và dòng tweet đầu tiên chứa nó ám chỉ “một khoản chi tiêu mà tôi sẽ không thực hiện nếu tôi không bị stress”. Dòng tweet này lập tức gây chú ý và thuật ngữ “Shibal Biyong” đã được một số tờ báo Hàn Quốc bình chọn là “từ mới của năm”.

Thuật ngữ “Shibal Biyong” không tự nhiên xuất hiện. Thuật ngữ này có độ nhạy cảm tương đương với các cụm từ như: “Geumsujeo” (thìa vàng: Ám chỉ những người sung sướng từ nhỏ vì sinh ra trong các gia đình giàu có) hay “Hell Joseon” (Hàn Quốc địa ngục: Thuật ngữ được giới trẻ Hàn Quốc sử dụng để mỉa mai các điều kiện kinh tế xã hội quá khó khăn đối với họ).

Những thuật ngữ như vậy trở nên quen thuộc cách đây vài năm, được giới trẻ Hàn Quốc dùng như một cách để bày tỏ sự tuyệt vọng, những người thấy rằng cuộc sống ở nước mình quá khắc nghiệt, vượt quá sức chịu đựng, bởi nó dường như được vận hành để mang lại lợi ích cho những người sinh ra trong các gia đình giàu có hay đủ giàu để định cư ở nước ngoài.

Theo khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, trong năm 2015, 7 trong 10 thanh niên Hàn Quốc tin bất bình đẳng thu nhập là một vấn đề lớn. Theo dữ liệu mới nhất, trong 36 nước thành viên Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31 về bất bình đẳng thu nhập.

Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1999. Một phần của vấn đề bắt nguồn từ các “Chaebol”, tức những tập đoàn gia đình khổng lồ, đang độc quyền thống trị hầu hết nền kinh tế Hàn Quốc, bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nghiệp, khiến giới trẻ không còn đường nào khác ngoài việc phải cạnh tranh để xâm nhập thế giới việc làm được vận hành theo trật tự và mức độ thâm niên ở các Chaebol.

Bất bình đẳng thu nhập và cảm giác tuyệt vọng kinh tế đã tác động nặng nề đến sức khỏe tâm thần của thanh niên Hàn Quốc. Gần 50% các trường hợp tử vong của những người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 là do tự tử, trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 20%. Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cũng nằm ở vị trí cao nhất trong số các nước thành viên OECD trong giai đoạn 2003-2016.

Theo một cuộc khảo sát năm 2017, khoản chi tiêu tối đa thường xuyên mà người Hàn Quốc bỏ ra theo nghĩa “Shibal Biyong” là 90 USD. Ngoài ra, số lượng người sử dụng tiền trên thẻ tín dụng để chi trả cũng tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, việc chi tiền như vậy không có nghĩa là người trẻ Hàn không đối mặt với hiện thực. Thực tế hoàn toàn ngược lại: Đối với nhiều người, tiêu dùng ngắn hạn đã trở thành một lựa chọn hợp lý nhằm tối đa hóa lợi ích của tiền bạc.

Kể từ năm 2014, tại Hàn Quốc, mức tăng tiêu dùng cá nhân ở thế hệ thiên niên kỷ nhanh gấp đôi so với thế hệ “baby boomer” (sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1963). Với tốc độ chi tiêu như vậy, vào năm 2020, trung bình một người trẻ Hàn Quốc sẽ chi tiêu số tiền cao hơn một người ở thế hệ “baby boomer”, dù thu nhập kém xa.

Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2018 của Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia đã chỉ ra rằng 46% thanh niên Hàn Quốc tin rằng việc mua nhà hoặc là tiêu tốn của họ khoảng 20 năm cố gắng lao động không ngừng nghỉ hoặc là chẳng bao giờ có thể đạt được. Giá nhà tại Seoul, nơi có gần một nửa dân số Hàn Quốc sinh sống, giờ đã ngang ngửa với thành phố New York, Mỹ, bất chấp thu nhập của người dân ở 2 quốc gia hoàn toàn khác biệt. Giới trẻ Hàn bắt đầu từ bỏ những lựa chọn đầu tư truyền thống, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu… vì họ không thể tiết kiệm đủ tiền hoặc họ cho rằng lợi nhuận sẽ không bao giờ đuổi kịp với chi phí gia tăng.

Ngoài “Shibal Biyong”, một thuật ngữ khác cũng quen thuộc với giới trẻ Hàn Quốc là “Tangjinjaem” có nghĩa là niềm vui tối đa: Bằng việc tiêu tiền trên những thứ vô bổ, con người sẽ tìm được những niềm vui không hiện diện trong cuộc sống này. Theo Giáo sư Alex Taek-Gwang Lee tại Đại học Kyunghee, Seoul: “Shibal Biyong” và “Tangjinjaem” là những nỗ lực mang tính biểu tượng để giải quyết các vấn đề xã hội thông qua tiêu dùng cá nhân. Khi tiết kiệm không đảm bảo cho tương lai, thì việc đầu tư cho hiện tại sẽ tạo ra được nhiều động lực hơn.

Mạng xã hội là động lực khác đằng sau hiện tượng “Shibal Biyong”. Hàn Quốc có mức phổ cập Internet và sở hữu điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Hầu hết thanh niên thế hệ thiên niên kỷ sử dụng các nền tảng như Instagram, Facebook, hay Kakao Talk, nơi các hoạt động tiêu dùng xa xỉ để nâng cấp danh tiếng bản thân được tán tụng và nơi các chi tiêu để giải tỏa stress nhận được sự ủng hộ.

Giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc cần nghiêm túc quan tâm đến những mối lo lắng của giới trẻ, thay vì bài bác họ như là thế hệ chạy theo xu hướng nuông chiều bản thân.

Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho hay trong số những người đi làm, nhóm người ở độ tuổi 20 có mức điểm kém nhất về thái độ tài chính dù họ có trình độ kiến thức tài chính cao nhất trong mọi nhóm tuổi lao động.

Để ứng phó vấn đề trên, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc gợi ý Chính phủ nên thông qua các chính sách giúp “nuôi dưỡng những giá trị đúng đắn khi giới trẻ ngày nay quá chú trọng việc hưởng thụ”.

Song những lập luận như vậy không nắm bắt đúng trọng tâm vấn đề. Việc tiêu xài để giải tỏa stress dựa trên niềm tin rằng những chính sách mới của Chính phủ không đủ sức chấn chỉnh các vấn đề mang tính hệ thống của nền kinh tế. Người Hàn Quốc chi tiêu hoang phí không phải do thiếu hiểu biết, mà bởi họ tin rằng niềm vui nhỏ ở hiện tại còn tốt hơn nhiều so với hạnh phúc xa vời của tương lai có thể không bao giờ với tới.

Trên đây là những thông tin thú vị mà chúng tôi vừa cung cấp cho du khách. Hi vọng du khách sẽ có thêm được sự hiểu biết về một khía cạnh của cuộc sống và văn hóa Hàn Quốc ngày nay. Nếu du khách muốn tìm hiểu nhiều hơn thì hãy thực hiện một chuyến du lịch Hàn Quốc nhé!