Wakashu đã một thời làm “đảo điên” xã hội Nhật Bản

“Wakashu” là những thiếu niên chưa trưởng thành, trẻ trung và xinh đẹp hơn hoa đã một thời làm “đảo điên” xã hội Nhật Bản. Đó là một giai đoạn chóng nở rộ mà cũng nhanh lụi tàn, và các Wakashu một thời làm chao đảo cả phụ nữ lẫn giới Samurai giờ đây chỉ còn là dĩ vãng.

“Wakashu” tạm dịch là “người trẻ” và từ này được sử dụng phổ biến cho các thiếu niên nam trong thời Edo (1603 – 1867). Đến thời Minh Trị (1868 – 1912), thuật ngữ “Wakashu” bị xem là lỗi thời, thay vào đó người ta sử dụng “Shounen” rồi đến “Bishounen” để nói về những bé trai xinh đẹp.

Độ tuổi của Wakashu thường dao động khoảng từ 7 đến 20. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ liên quan đến tuổi sinh học, thuật ngữ này được hiểu theo một cách linh hoạt hơn. Thường thì gia đình, hoặc bản thân cậu bé, có thể quyết định thời điểm bắt đầu và kết thúc của giai đoạn Wakashu.

Nhìn chung, Wakashu là những bé trai chưa làm lễ thành nhân (Genpuku). Sau nghi lễ này, họ sẽ chính thức trở thành những người đàn ông trong xã hội, tuy nhiên vẫn có một số người chọn cách trì hoãn Genpuku khi đã ngoài độ tuổi 20 hoặc tiếp tục là một Wakashu trong phần lớn cuộc đời của họ.

Các Wakashu sẽ để một kiểu tóc gọi là “Maegami”, tức phần tóc xung quanh vẫn giữ nguyên, chỉ bị cạo nhẵn một phần nhỏ ở đỉnh đầu; tóc trước trán và hai bên sẽ được búi và cột lại với nhau như một chiếc khóa. Nó khác biệt với kiểu tóc “Chonmage” mà một người nam đã làm lễ thành nhân sẽ để, đặc trưng bởi phần tóc trán lẫn trên đỉnh đầu bị cạo sạch và tóc được buộc gấp lên đỉnh đầu. Về trang phục, các Wakashu thường mặc Kimono với tay áo hở (Wakiake), những ai có xuất thân khá hơn sẽ được mặc áo Furisode.

Vào thời Edo, từ phụ nữ đến đàn ông lớn tuổi đều mê mẩn những cậu trai chưa làm lễ thành nhân. Họ xinh đẹp không kém gì phụ nữ và thường được nhiều người để mắt đến.

Sự “yêu thích” của xã hội thời đó, nhất là giới Samurai dành cho Wakashu khá phổ biến. Khi xưa, một Samurai nếu như không có Wakashu bên mình bị xem là khó chấp nhận. Hình thức một Wakashu đi theo Samurai để làm bạn đồng hành – người học việc – người yêu gọi là “Wakashudo”, hay thường được nói ngắn gọn hơn là “Shudo”.

“Wakashudo” hay “Shudo”, có nghĩa là “đạo của những cậu trai trẻ”, nó là mối quan hệ ràng buộc giữa Wakashu với đối tác nam của họ (Nenja) cho đến khi trưởng thành.

Thời đó, các Samurai là hình mẫu về đạo đức, sự cống hiến và phẩm hạnh trong xã hội Nhật Bản. Một Wakashu khi đi theo Samurai sẽ được truyền dạy những điều này. Đồng thời, họ sẽ được dạy các kỹ thuật chiến đấu, phép xã giao và bất cứ điều gì khác mà một chàng trai cần biết để ngày nào đó trở thành một Samurai.

Giai đoạn Wakashu thường kéo dài đến tuổi 20, nhưng nếu người Samurai đặc biệt thích anh ta, họ có thể thao túng điều đó và giữ Wakashu ở lại bên mình lâu hơn. Tuy nhiên, đến năm 1685, Mạc phủ Tokugawa đã có động thái gắt gao với Wakashu, những người đã trì hoãn nghi lễ Genpuku của họ cho đến giữa tuổi 20.

Việc Wakashu phục vụ Samurai được xem là một niềm tự hào và không có gì đáng xấu hổ. Nhiều nhà văn trong thời kỳ này miêu tả những trải nghiệm của Wakashu là thú vị và tích cực cống hiến bản thân cho người đồng hành lớn tuổi hơn của họ. Nó vượt qua mối quan hệ tình cảm thông thường, với trọng tâm là sự rèn luyện lối sống và giá trị “chiến binh” của Samurai.

Wakashu cũng được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật như tranh, văn học và cả trong kịch truyền thống Kabuki. Wakashu và Kabuki có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Thuật ngữ “Wakashu” trong kịch Kabuki dùng để chỉ một diễn viên nam đóng vai nam hoặc nữ trẻ. Kabuki ban đầu cho phép cả nam và nữ đều được biểu diễn trên sân khấu. Các đoàn kịch toàn nam được gọi là “Yaro Kabuki”, còn các đoàn kịch toàn nữ được gọi là “Onna Kabuki”. Trong các “Yaro Kabuki”, những diễn viên nam đóng vai nữ được gọi là “Onnagata”, nghĩa là “vai nữ”. Những diễn viên nam thiếu niên, trẻ trung và xinh đẹp có thể đóng cả vai nam và nữ, họ được gọi chung là “Wakashu Kabuki”.

Tuy nhiên, không lâu sau đó việc các đoàn kịch nữ Onna Kabuki biểu diễn trên sân khấu bị Chính phủ xem là một hành vi không hợp đạo đức vì nó thường liên quan đến hoạt động mại dâm. Vào năm 1629, phụ nữ hoàn toàn bị cấm xuất hiện trên sân khấu Kabuki. Kể từ đó, vai trò cũng như sự nổi tiếng của Onna Kabuki nhanh chóng được thay thế bởi Wakashu.

Vào năm 1642, các vai diễn Onnagata (nam đóng vai nữ) bị cấm khiến cho các vở kịch Kabuki chỉ còn nhân vật nam. Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục có nội dung nhạy cảm và thường liên quan đến đồng tính luyến ái nam với nhiều đất diễn cho Wakashu. Trước tình trạng này, chính quyền cũng đã quyết định cấm cả vai diễn của Wakashu.

Lệnh cấm Onnagata được dỡ bỏ vào năm 1644, và Wakashu vào năm 1652, với điều kiện tất cả các diễn viên nam, bất kể vai diễn, đều phải để kiểu tóc của nam giới trưởng thành.

Mặc dù là một truyền thống lâu đời, từ nửa sau của thế kỷ 19, các Wakashu đã hoàn toàn biến mất khỏi xã hội Nhật Bản bởi sự du nhập của văn hóa phương Tây.

Từ năm 1635, Nhật Bản triệt để áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng (Tỏa Quốc – Sakoku) khiến cho trong vòng 2 thế kỷ, đất nước gần như bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Điều này kết thúc vào năm 1854 khi phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ Matthew Perry đến Nhật Bản để đàm phán, gây áp lực khiến Chính phủ phải mở cửa đất nước. Chính sự kiện này đã mở đầu cho những thay đổi vô song trong hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội Nhật.

Trong vài thập kỷ kế tiếp, Nhật Bản chứng kiến làn sóng phương Tây du nhập ồ ạt qua biên giới, đồng thời nhiều người Nhật được gửi đến Châu Âu, Hoa Kỳ trong cuộc Duy Tân Minh Trị để học hỏi kiến thức ở các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị, quân sự và y học. Chính vì thế, “đất nước mặt trời mọc” đã có cú chuyển mình ngoạn mục từ một quốc gia phong kiến thành một đất nước hiện đại.

Cùng với những thành tựu của nền văn minh Châu Âu, Nhật Bản cũng đồng thời du nhập những chuẩn mực, quan niệm đạo đức và giá trị Tây phương, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Cơ đốc giáo và thời Victoria. Lúc này có sự phân chia rạch ròi giữa nam giới và nữ giới, cụ thể, khái niệm giới phải tương đồng với giới tính sinh học; khái niệm “nam tính” và “nữ tính” cũng được tạo ra và duy trì nghiêm ngặt. Quy định trong cách ăn mặc và kiểu tóc cũng có sự thay đổi. Ví dụ, vào năm 1871, đàn ông sẽ bị phạt nếu họ không tuân theo quy định để tóc ngắn, và từ năm 1872 trở đi, luật pháp cũng cấm phụ nữ để tóc ngắn. Đối với một Wakashu, kiểu tóc là dấu hiệu quan trọng để phân biệt họ với các thành phần xã hội khác. Tuy nhiên, chiếu theo quy định mới – tất cả nam giới ở Nhật Bản phải cắt tóc giống nhau – đã làm mất đi một đặc điểm nhận diện của Wakashu.

Tiếp tục vào năm 1873, một bộ luật ở Tokyo đã nghiêm cấm nam giới và phụ nữ mặc trang phục của nhau. Kimono trở thành biểu tượng của trang phục truyền thống dành cho phái nữ, đối lập với trang phục phương Tây mà nam giới được khuyến khích mặc, biểu trưng cho sự hiện đại. Việc Wakashu mặc trang phục giống phụ nữ trẻ đã trở thành bất hợp pháp, đồng nghĩa với việc dấu hiệu nhận dạng thứ hai của họ tiếp tục bị xóa bỏ.

Ngoài ra, độ tuổi cũng được chuẩn hóa với sự ra đời của các quy định về mặt luật pháp đối với các khái niệm: “trẻ em”, “thanh thiếu niên” và “người lớn”. Định nghĩa mang tính chuẩn mực về độ tuổi và giới tính đã giúp cho nhà nước dễ dàng kiểm soát, phân chia vai trò và lĩnh vực cố định cho các cá nhân trong xã hội, chẳng hạn như công việc gia đình và nuôi dạy con cái đối với phụ nữ và nghĩa vụ quân sự đối với nam giới. Điều này khác biệt hoàn toàn với thời Edo, khi cá nhân hoặc gia đình của họ có thể xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của giai đoạn Wakashu.

Tất cả những thay đổi nói trên trong xã hội Nhật Bản dưới sự tác động của việc mở cửa biên giới và cuộc cải cách Minh Trị hầu như không để lại khoảng trống nào cho các Wakashu có thể thích nghi, và hệ quả tất yếu là sự biến mất hoàn toàn của họ.

Dẫu vậy, sự tồn tại và phát triển của Wakashu suốt một thời gian dài đã tạo ra nét chấm phá đặc biệt trong xã hội Nhật Bản xưa. Đó là một giai đoạn lịch sử, đồng thời cũng là một giai đoạn của cuộc đời một số chàng trai thời đó, ngắn ngủi nhưng tuyệt đẹp, tựa như hoa anh đào. 

Văn hoá Nhật Bản quả thật có rất nhiều điều thú vị. Nếu du khách có hứng thú khám phá về vùng đất tuyệt vời này, hãy Book Tour Nhật Bản của chúng tôi nhé! Chắc chắn rằng, hành trình vi vu “xứ Phù Tang” sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên!