Người Nhật nổi tiếng với những quy định nghiêm khắc về cử chỉ, hành vi, bao gồm cả việc ăn uống. Trong đó, quy tắc sử dụng đũa cũng được người Nhật rất coi trọng, thể hiện sự tôn trọng với người đối diện và người nấu ăn. Ngoài ra, khi sử dụng đũa, người Nhật có một số kiêng kỵ, tránh gặp những điều xui xẻo, không may mắn.

Nhật Bản là một trong nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng đũa làm dụng cụ ăn uống. Theo các nguồn tài liệu có ghi lại, đũa ăn bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ VII, do các đoàn sứ giả “Khiển Tùy sứ” mang từ Trung Quốc về, nhưng mãi đến tận thời kỳ Asuka (592 – 710) văn hóa sử dụng đũa mới trở nên phổ biến nhờ ảnh hưởng của nhà chính trị gia nổi tiếng lúc bấy giờ là Thái tử Shotoku (Thái tử Thánh Đức).

Trong bối cảnh đó, những quan niệm và phép tắc trong việc sử dụng đũa của người Nhật dần được hình thành và cũng từ đó thuật ngữ “Kiraibashi” ra đời. Cụm từ này được dùng để chỉ chung những điều cấm kỵ khi sử dụng đũa ăn, thường là những hành động bị coi là thô lỗ, gây cảm giác không thoải mái cho những người xung quanh, hoặc thiếu tôn trọng những người làm ra món ăn. Dưới đây là 10 điều cần lưu ý khi sử dụng đũa ở Nhật Bản để không làm mất lòng những người xung quanh:

  • Cắm đũa vào bát cơm là điều đại kị

Điều đại kị trong việc sử dụng đũa đối với người Nhật là việc cắm thẳng đũa vào bát cơm đầy (hành động này gọi là Tatebashi hoặc Hotokebashi). Lý do rất đơn giản, đó là bởi ở Nhật Bản, trong lễ tang theo Phật giáo, người ta có phong tục cúng cho người quá cố bát cơm có cắm đũa. Hành động này là để tưởng nhớ người đã mất, nhưng nếu du khách làm nó trong bữa cơm nó sẽ bị coi là một điềm xấu, thế nên nhất định du khách phải tránh hành động này.

  • Không gác đũa lên ngang miệng chén

Đối với người Nhật, hành động gác ngang đôi đũa lên trên miệng chén cơm được hiểu là “Tôi không cần nữa”, hoặc là “dở ẹc”, là một sự xúc phạm đến người đã nấu món ăn. Do đó, khi không dùng đến, đôi đũa phải được gác ngay ngắn lên Hashioki.

  • Không chà sát đũa dùng một lần

Trong các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi thường có sự xuất hiện của những chiếc đũa dùng một lần (Waribashi). Để lấy đi những vụn gỗ còn sót lại trên đũa, có một số người thường chà hai chiếc đũa với nhau, hành động này được gọi là “Kosuribashi”. Tuy nhiên, đối với người Nhật, đây cũng là một điều không nên làm. Việc chà đũa như vậy không chỉ là một hành vi không đẹp mà nó còn mang ý nghĩa ám chỉ nhà hàng đó dùng loại đũa không tốt, nhà hàng đó bán những món ăn kém chất lượng. 

  • Không dùng đũa chỉ vào người khác

Việc dùng đũa chỉ vào đồ ăn hay người khác được gọi là “Sashibashi”. Hành động này là thất lễ ngay cả khi du khách hướng đũa vế phía đối phương để tán thưởng câu chuyện của họ hay chỉ vào một món ăn nào đó và khen ngon. Việc dùng đũa chỉ thay vì dùng tay sẽ khiến mọi người nghĩ du khách thật thô lỗ.

  • Không cầm đũa khi mời cơm

Trong văn hóa ăn uống, người Nhật có phong tục chắp hai tay và nói “Itadakimasu” trước khi bắt đầu bữa ăn. Tuy nhiên, việc vừa cầm đũa, vừa chắp tay và nói “Itadakimasu” là điều không nên. Lý do là bởi việc để người khác thấy đầu đũa bị coi là một hành động thất lễ. 

  • Đừng dùng đũa gõ lên bàn, bát, đĩa

Trẻ em Nhật được giáo dục từ nhỏ về việc không dùng đũa như một thứ đồ chơi, đặc biệt không dùng đũa gõ lên bàn như đánh trống hay gõ đũa vào bát, đĩa. Trong tiếng Nhật, hành động dùng đũa gõ lên bàn, bát, đĩa được gọi là “Tatakibashi”. Những tiếng gõ bát đĩa này không chỉ khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu mà nó còn khiến cho mọi người đánh giá đối phương là một người chưa trưởng thành.

Hơn thế nữa, hành động “Tatakibashi” được xem là thất lễ và xui xẻo. Xưa kia, những người ăn xin thường gõ đũa vào bát để phát ra âm thanh, xin bố thí đồ ăn. Mặt khác, người Nhật cũng tin rằng việc gõ vào bát, đĩa sẽ đánh thức những linh hồn ác quỷ. Có lẽ đây cũng là một lý do khác để người Nhật đưa hành động này vào danh sách những điều cần tránh trong văn hóa dùng đũa.

  • Không gắp nối đũa

Người Châu Á nói chung và người Nhật nói riêng rất hiếu khách, họ thường có thói quen gắp đồ ăn cho nhau để mời mọc. Tuy nhiên, việc gắp nối đũa (truyền thức ăn từ đũa này sang đũa khác) bị coi là cấm kỵ. Hành động này được gọi là “Watashibashi”. 

“Watashibashi” liên tưởng tới nghi thức gắp tro cốt của người chết sau khi hỏa táng. Quy tắc này có lẽ xuất phát từ quan niệm tôn giáo riêng của Nhật Bản, khác với những quốc gia chủ yếu sử dụng phương pháp địa táng. Do đó, nếu muốn chia sẻ đồ ăn với người khác, thay vì làm hành động trên du khách hãy lấy phần thức ăn ra một chiếc đĩa rồi sau đó chia sẻ cho họ nhé!

  • Không dùng đũa để xiên vào thức ăn

“Tsukibashi” là từ chỉ việc dùng đũa để đâm vào thức ăn. Nhìn thì có vẻ như hành động này giống như cách chúng ta sử dụng nĩa và không ít người nghĩ việc chọc đũa vào thức ăn chỉ là để xem nó đã chín tới chưa. Tuy nhiên, hành động này lại rất thiếu lịch sự, và thể hiện sự không tôn trọng đối với người đã nấu ra món ăn đó.

  • Không để hai chiếc đũa chéo nhau

Một quy tắc khác trong sử dụng đũa cũng được người Nhật chú ý là tránh vắt chéo đũa thành hình chữ X. Điều này bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Chữ X tượng trưng cho cái chết hay những điều xui xẻo. Ngoài ra, nó cũng tượng trưng cho sự phản đối, bất bình với người đối diện.

  • Không dựng đũa vào thành bát

Hành động đưa đũa vào trong lòng bát và nghiêng về trước trong tiếng Nhật được gọi là “Yosebashi”. Đây không chỉ bị coi là hành động thô lỗ mà khi du khách để đũa như vậy và di chuyển bát, đĩa nó có thể tạo những âm thanh khó chịu trên bàn ăn hoặc gây sánh đổ nước dùng ra bàn nữa. Khi muốn di chuyển vị trí bát đĩa, nhất định du khách phải dùng tay để chuyển từng phần một nhé!

  • Không nắm đũa như thìa

Có lẽ đối với những người nước ngoài không hiểu rõ về văn hóa dùng đũa thì việc sử dụng đũa thành thạo là một điều khá khó khăn. Với những người chưa sử dụng thành thạo và không biết cách cầm đũa, ban đầu họ có thể nắm đũa bằng hai tay và dùng chúng như một chiếc thìa. Tuy nhiên, đối với người Nhật đây là hành động không nên làm. Trong tiếng Nhật, hành động cấm kị này được gọi là “Nigiribashi”, nó mang hàm ý thể hiện sự công kích thế nên rất có thể sẽ làm cho người ngồi cùng cảm thấy không thoải mái. 

  • Không cắn đầu đũa

Thói quen cắn đầu đũa sẽ bị xem là bất lịch sự khi ngồi trên mâm cơm với người Nhật. Việc cắn đầu đũa này không chỉ tạo ra âm thanh mà còn mất vệ sinh khi nước bọt dính trên đũa sau đó lại gắp vào thức ăn chung.

  • Không nên cầm đồng thời bát canh và đôi đũa

Nếu du khách muốn uống canh thì nên bỏ hẳn đũa xuống. Bởi nếu cầm theo đôi đũa sẽ gây vướng víu và có khả năng làm rơi đũa hoặc đổ bát canh. Văn hóa ăn uống của người Nhật rất từ tốn và tinh tế, do đó mọi hành động làm rơi vãi hoặc đổ thức ăn đều khiến người cùng mâm cơm không hài lòng.

  • Không dùng đũa đưa qua lại trên dĩa thức ăn và bới móc thức ăn

Đừng đưa đôi đũa của du khách qua lại trên các món ăn trong lúc đang suy nghĩ hoặc khi du khách đang lưỡng lự chọn món. Điều này sẽ bị xem là tham lam. Ngoài ra, hành động moi móc trong dĩa để tìm kiếm những thứ ngon hoặc thứ mình thích cũng bị đánh giá là mất lịch sự và tham lam.

  • Không khuấy đũa vào chén súp

Khi du khách làm hành động này, nó giống như du khách đang dùng nước súp để rửa đôi đũa của mình. Du khách nên tránh làm điều này vì đó cũng xem như là một việc làm không được vệ sinh trong mắt của người Nhật.

Trên đây là tất cả những nguyên tắc của người Nhật về việc dùng đũa trong bữa ăn để không tạo cảm giác khó chịu cho những người xung quanh. Hãy chú ý những quy tắc này khi du lịch Nhật Bản nhé!